Self-teamwork: Teamwork với chính mình là như thế nào?
Có một sự thật là, ngay cả khi bạn không làm việc chung với ai, bạn vẫn phải “teamwork”, hay nói cách khác là “hợp tác” với chính mình.
Bạn không thể đánh lửa nếu chỉ có một hòn đá.
Người ta đề cao teamwork là một loại kỹ năng cần thiết để hoàn thành những công việc có thể tạo ra được nhiều giá trị cho cộng đồng. Kỹ năng này nói về việc làm thế nào để nhiều cá nhân trong một tổ chức có thể phối hợp và phát huy thế mạnh của nhau, càng gắn bó càng dễ hoàn thành mục tiêu.
Thế nhưng có một sự thật là, ngay cả khi bạn không làm việc chung với ai, bạn vẫn phải “teamwork”, hay nói cách khác là “hợp tác” với chính mình.
Cụ thể, chính mình ở đây là ai?
1. Ta teamwork với ai?
Một đội nên có 3 người là tốt nhất.
Để ý quan sát, ta dễ bắt gặp bộ ba xuất hiện ở nhiều nơi trong cuộc sống:
- Vật chất được tạo thành từ nguyên tử với thành phần: Proton, Electron, Neutron
- Thời gian: Quá khứ, Hiện tại, Tương lai
- Phim ảnh: Bao Thanh Thiên, Công Tôn Sách, Triển Chiêu
- Truyện: Harry Potter, Ron, và Hermione
Vì thế, minh xin tạm tách bản thân ra thành bộ 3 “cái ta” khác nhau, dựa trên sự quan sát và trải nghiệm về những phiên bản thường xuất hiện trong công việc. Đó là:
- Cái ta thích làm – phiên bản “làm cái đã, tính sau”.
- Cái ta muốn quan sát – phiên bản “thích quan sát rồi ngầm đánh giá”.
- Cái ta thường suy nghĩ – phiên bản “thông thái, nhưng thường lười biếng”.
Bây giờ để có thể phối hợp tốt hơn, hãy cùng tìm hiểu đặc điểm của 3 cái ta này.
2. Cái ta thích làm
Với phương châm “làm cái đã, tính sau”, “Cái ta thích làm” là một anh chàng đầy nhiệt huyết, đặc biệt là khi vừa được truyền cảm hứng để làm một việc gì đấy. Anh ta sẽ thường muốn bắt tay vào làm ngay mà không cần hỏi ý kiến của 2 người còn lại.
Điểm mạnh của anh chàng này là ít bị sự trì hoãn chi phối.
Nhưng cũng vì vội vàng, chăm chăm lao đầu về đích, anh ta thường dễ mắc những sai lầm đáng tiếc. Rồi mỗi lần như vậy, anh thường phải nghe: “Tại sao mày lại làm điều đó chứ? Mày không biết chậm lại suy nghĩ hả?”.
Nếu thường xuyên bị đổ lỗi, anh ta sẽ trở nên rụt rè, và bắt đầu trở nên sợ hãi cả nhóm; rồi đến lúc cần người làm, gọi mãi nhưng anh không dám bước ra.
Nếu không biết nhận lỗi, chẳng có thứ gì phá hoại nhanh hơn anh ta.
3. Cái ta muốn đứng xem
Lại một anh chàng khác dễ được bắt gặp trong tư thế khoanh tay dựa lưng vào tường.
“Cái ta muốn đứng xem” thường cho rằng cần gì phải bắt tay vô làm chủ, rồi “anh thích làm” sẽ làm thôi. Việc của mình là xử lý thông tin trước mắt, chỉ trỏ vài thứ, rồi lát đánh giá lại thì dễ hơn. Theo cách mà anh nhìn nhận, việc gì thì cũng chỉ cần vạch hướng giải quyết rõ ràng là xong. Mà lỡ không xong, thì ta lại vạch thêm đường mới thôi. Tiếc là thực tế chẳng có bao nhiêu chỗ trống để mà vẽ hoài.
“Anh đứng xem” này thích dè bỉu và phán xét “anh thích làm” mỗi khi có sai lầm: “Tao đã thấy nghi nghi rồi thấy chưa, không chịu nghe tao”.
Thỉnh thoảng, “anh thích làm” cũng thỏa hiệp và nghe theo “anh đứng xem”, nhưng kết quả nhiều khi cũng không sáng sủa hơn được bao nhiêu.
Vì dựa lưng vào tường, thì “anh đứng xem” chỉ thấy được nửa trước mặt của sự việc mà thôi.
4. Cái ta thường suy nghĩ
“Đừng gọi tôi nếu không có việc gì quan trọng”.
Một câu được viết với cấu trúc ra lệnh trên cái bảng to tướng treo ngay cửa phòng của cô nàng hướng nội.
“Cái ta thường suy nghĩ” có thói quen nhốt mình ở trong phòng để suy nghĩ, chủ đề thì tùy tâm trạng mà đôi khi là “trưa nay nếu ăn món gà nướng thì xác suất hóc phải sợi dây thun trong ruột con gà là bao nhiêu phần trăm?”, hoặc “làm thế nào để lười biếng hiệu quả hơn?”.
Cô ấy ít khi cho người khác biết mình đang nghĩ gì, làm gì, do đó thường bị gắn mác là một cô nàng lười biếng.
Làm gì có ai thôi không suy nghĩ để bị gọi là lười biếng chứ? Chẳng qua là chưa biết cách lôi cô nàng này ra khỏi phòng và phối hợp cùng 2 người kia mà thôi.
5. Cách ta teamwork với mình
Đầu tiên là hãy nhận ra bên trong mình có 3 cái ta như vậy, rồi hãy từng bước kêu gọi họ hợp tác với nhau, tùy người mà ta có những chiến lược khác nhau.
Hãy để cô nàng hướng nội làm leader, chàng trai dựa tường làm người thu thập thông tin và giảm sát tiến độ, còn anh thích làm cần được nhiều vị tha.
- Chẳng cần phải nói nhiều về “anh chàng thích làm” nên thế nào cho đúng, chỉ mong ta hãy luôn trân trọng, và cho ảnh nhiều quyền được sai hơn.
- Cũng đừng để “anh đứng xem” phải quá tải, vì đôi khi nhìn mà không biết cách đặt câu hỏi đúng chi làm phát sinh thêm nhiều nỗi sợ và thêm những lý do từ bỏ.
- Và hãy tìm mọi cách để lôi “cô nàng hướng nội” thích suy nghĩ ra khỏi phòng, thôi suy nghĩ về những thứ mà nghĩ có ra hay không thì cũng chả có giá trị thực tế nào.
Tiếp theo, ta hãy:
- Chỉ cho “anh chàng thích làm” cách xin lỗi, thừa nhận sai lầm và chia sẻ thông tin với 2 người còn lại.
- Mua tặng cho “anh đứng xem” một cuốn sổ, hoặc cài ứng dụng ghi chú vào điện thoại, nhắc nhở anh ta rằng não nên được sử dụng để đặt câu hỏi, thay vì bắt nó cố ghi nhớ quá nhiều thông tin. Hãy viết, viết ra thật nhiều thông tin mỗi ngày, để làm nguyên liệu.
- Đã đến lúc “cô nàng hướng nội” cần phải tập thể dục, bằng cách ra ngoài, mở mang tầm nhìn và tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới thay vì cứ ru rú ở trong phòng.
Một lúc nào đó, anh chàng thích làm sẽ biết quan sát hơn, anh chàng đứng xem sẽ học cách suy nghĩ, và cô nàng suy nghĩ sẽ trở thành người thủ lĩnh vĩ đại.
Suy nghĩ cuối cùng
Thật ra, đây chỉ là một cách kể chuyện khác của việc để làm tốt một thứ gì đó, ta cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa: Quan sát, Tư duy và Hành động. Hy vọng, việc đặt góc nhìn là người bên ngoài quan sát bản thân, có thể giúp ta dễ nhìn nhận những điểm mạnh yếu và phát triển sự tự nhận thức một cách lành mạnh.
Những giới tính trong bài viết được chọn ngẫu nhiên, không có ý phân biệt giữa nam và nữ, vì dù gì mình cũng tin rằng bên trong người nam luôn có một phần tính nữ, và ngược lại.
Vậy trong nhóm của bạn, ai đang là người hoạt động năng nổ nhất?
Để xem thêm những bài viết tương tự, mời bạn theo dõi:
* Nguồn: hoang.moe