Tiếp cận phân khúc “Solo Female Travelers” ở Việt Nam

Bất chấp suy thoái kinh tế, dường như du lịch đã chuyển từ hoạt động tùy hứng sang thiết yếu trong năm đối với nhiều người, đặc biệt là phụ nữ - Những người được trao quyền tự do - quyết định và trao cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng thời điểm hiện tại. Liệu rằng xu hướng phụ nữ du lịch một mình sẽ tiếp tục phát triển đều đặn trong năm 2023.

Thiếu trải nghiệm và bất bình đẳng giới khiến phụ nữ du lịch một mình!

Sự thiếu đa dạng về trải nghiệm và bất bình đẳng giới là lý do lớn nhất thúc đẩy phụ nữ đi du lịch một mình. Đã đến lục phụ nữ vạch ra kế hoạch – hành trình và tìm kiếm trải nghiệm cho riêng mình, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào sở thích và nhu cầu các thành viên khác trong gia đình. Đã có rất nhiều phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu tích lũy được rất nhiều của cải, tài sản trong giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19 và giờ đây khi mọi thứ bình thường trở lại họ mạnh tay chi tiêu cho du lịch trải nghiệm.

Tiếp cận phân khúc “Solo Female Travelers” ở Việt Nam

Nhiều hãng lữ hành trên thế giới nhìn thấy và nắm bắt được nhu cầu du lịch một mình của số đông phụ nữ, và lập tức đã có rất nhiều sản phẩm - dịch vụ hay nền tảng trực tuyến phục vụ riêng phân khúc đặc biệt này. Theo Ulla Hefel Böhler - COO Insight Vacations chia sẻ, “Chúng tôi cam kết cung cấp các tour du lịch tốt nhất chỉ dành cho phụ nữ và được phát triển, xây dựng bởi phụ nữ. Chúng tôi hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho nhiều du khách nữ, bao gồm các bà mẹ và con gái, các bạn nữ hoặc những phụ nữ chuộng du lịch một mình. Thông qua du lịch, chúng tôi mong muốn tạo ra sự hòa nhập và trao quyền giữa phụ nữ và cộng đồng người dân ở điểm đến, đồng thời chúng tôi có tất cả trải nghiệm cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau."

Du lịch một mình: Phụ nữ mong muốn gặp được người đồng hành cùng “GU”

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có hãng lữ hành hay nền tảng du lịch trực tuyến chỉ dành riêng cho phụ nữ, nhưng không hẳn là thị trường chưa đủ lớn hay du khách nữ Việt Nam chưa có nhu cầu. Nếu mới bắt đầu, họ thường tham khảo thông tin từ các Travel Blogger/Blogger nữ có kinh nghiệm đi tự túc hoặc một mình như Bùi Việt Hà, Nhị Đặng, Vũ Phương Thanh, Tống Khánh Linh, An Việt Nam… Tất cả sẽ cho họ lời giải đáp nên làm gì, chuẩn bị gì,… cho chuyến đi sắp tới.

Tiếp cận phân khúc “Solo Female Travelers” ở Việt Nam

Thực tế, phân khúc du khách nữ du lịch một mình vẫn không ngừng gia tăng đều đặn. Theo họ, đi một mình không hẳn là chỉ đi một mình trong cả hành trình, ở mỗi đoạn hành trình hay điểm đến họ sẽ gặp gỡ theo kế hoạch dự tính trước hay ngẫu hứng một vài người bạn có chung sở thích. Họ tham gia cùng nhau một vài trải nghiệm, ăn uống, đi lại, giải trí,… với điều kiện tiên quyết phải cùng “gu”. 

Nhiều du khách nữ cho biết, khi bản thân họ buộc phải tự tìm hiểu thông tin, đưa ra mọi quyết định, đảm bảo an toàn của bản thân, và phải sẵn sàng xử lý điều không hay xảy ra bất cứ lúc nào, họ buộc phải "liều", mạnh mẽ, tư duy kỹ lưỡng và linh động hơn. Và chuyến đi một mình không có ai đi cùng để trò chuyện, chụp hình, hay tranh luận xem đi đâu và ăn gì khi mỗi người một ý, lúc đó họ sẽ dành phần lớn thời gian để ngắm cảnh, quan sát sự vật và con người ở vùng đất mới lâu hơn và nghiệm ra được nhiều điều thú vị hơn.

Khi du lịch một mình là “bàn đạp” mở ra cơ hội phát triển kinh tế cá nhân!?

Tuy nhiên, một số du khách nữ đi một mình không hẳn là họ chỉ ưu tiên cho trải nghiệm chỉ gói gọn trong một vài hành trình và điểm đến. Chuyến đi du lịch hàng năm cũng là dịp để họ tìm kiếm cơ hội kinh doanh, hợp tác hay công việc mà họ đã mơ ước và lên kế hoạch trong nhiều năm trước. Đây là thời điểm mà họ vạch ra con đường của riêng mình. Truyền cảm hứng và phát triển thành một cộng đồng, gắn kết được nhiều nữ du khách khác hòa mình vào một điểm đến mà không phải lo lắng về sự tin tưởng, an toàn và tiện lợi.

Tiếp cận phân khúc “Solo Female Travelers” ở Việt Nam

Đồng thời, họ tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các doanh nhân địa phương - nhà sản xuất dệt may thủ công, nghệ sĩ và nhà thiết kế độc lập, chủ các khách sạn nhỏ và nông dân,… để kiến tạo một nền kinh tế du lịch tại điểm đến theo xu hướng tăng trưởng xanh, bền vững và tuần hoàn. Họ tin rằng thay vì chỉ chăm chăm tập trung vào công việc, gia đình tại các đô thị nơi mà họ vất vả bon chen nhiều năm, giờ đây phát triển sự nghiệp mà mình yêu thích tại một nơi khác sẽ cho họ nhiều động lực để sống đẹp - sống có ích cho đời, dám xông pha hơn và không còn ngại khó ngại khổ như những định kiến mà xã hội áp đặt bao lâu nay.

Đầu tháng 3/2023, Hà Nội (Việt Nam) lọt vào danh sách điểm đến an toàn cho phụ nữ thích du lịch một mình khu vực Đông Nam Á, theo bình chọn từ chuyên trang du lịch trực tuyến Tripzilla. Tiêu chí "an toàn" dựa theo đánh giá từ khách du lịch, tỷ lệ tội phạm và số lần khách gặp bạo lực thấp, người dân địa phương thân thiện. Bốn cái tên còn lại nằm trong danh sách là Singapore, Bangkok (Thái Lan), Yogyakarta (thành phố nằm trên đảo Java, Indonesia) và Kuala Lumpur (Malaysia). Các điểm đến an toàn khác ở khu vực Đông Á là Đài Bắc (Đài Loan), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc).

Giờ đây, khi đời sống kinh tế - nhận thức đã thay đổi, phụ nữ ở Việt đang lên kế hoạch cho những chuyến đi du lịch một mình, dù mới bắt đầu hay đã có kinh nghiệm sành sỏi để tìm kiếm cho mình những cung bậc thú vị riêng. Điểm chung ngẫu nhiên ở họ là tuýp phụ nữ thành công và có địa vị trong xã hội, nhận thức cao và nguồn tài chính dư dả. Tham gia du lịch một mình nhưng họ không hoàn toàn đơn độc khi gặp được nhiều người có cùng điều kiện, thói quen và quan điểm sống trong suốt chuyến đi.