Du học Marketing #8: Trần Minh Hoàng @ UCD Smurfit Business School – “Stay hungry, Stay foolish”, cầu thị để tiến xa
Sau 14 năm kinh nghiệm thực chiến trong lĩnh vực Marketing tại đa dạng công ty và tập đoàn đa quốc gia, điều gì khiến anh Trần Minh Hoàng tạm dừng hành trình sự nghiệp tại Việt Nam trong năm 2021 để bắt đầu chuỗi ngày tích luỹ kiến thức tại Ireland?
Với hy vọng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, liệu những kỳ vọng có đủ để chiến thắng thực tại nơi đất khách? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua những trải nghiệm đủ thăng và cũng không thiếu trầm của những du học sinh đã và đang dùi mài kinh sử nơi trời Tây qua series Du học Marketing.
* Đâu là thời khắc, lý do mang tính bước ngoặt cho quyết định du học của anh?
Tôi nghĩ thời khắc mang tính quyết định là khi bản thân đang được cất nhắc đề bạt lên vị trí Phó Chủ tịch khu vực Đông Nam Á tại công ty Marico SEA – doanh nghiệp hiện sở hữu các thương hiệu như X-men, Thuận Phát...
Khi cân nhắc về lời đề nghị đó, tôi đã có thời gian phản tư (reflection) hành trình sự nghiệp của bản thân. Nhìn lại chặng đường 14 năm kinh nghiệm, tôi nhận thấy mình vẫn cần trau dồi thêm kỹ năng hoạch định chiến lược trong dài hạn để có thể đưa ra những chiến lược cốt lõi cho sự phát triển của công ty trên quy mô khu vực.
Thêm vào đó, quan điểm cá nhân về mô hình học 70 – 20 – 10 cũng là một cú hích cho quyết định sang xứ người thu nạp kiến thức. Cụ thể, 70% lượng kiến thức sẽ được tích luỹ thông qua công việc, 20% thông qua sự hướng dẫn của cấp trên và hỗ trợ từ đồng nghiệp, 10% còn lại là những kiến thức chuẩn chỉnh từ nhà trường. Đây cũng là phần tôi cần bổ sung tại thời điểm đó.
Việc dành thời gian tiếp thu, tích luỹ lượng kiến thức chuyên môn một cách có hệ thống từ các trường đào tạo uy tín sẽ trở thành tiền đề vững chắc cho những cống hiến mang tính đột phá hơn trong công việc ở thì tương lai.
* Với mục tiêu nâng cấp và cập nhật kiến thức một cách bài bản và học thuật, những yếu tố nào được đặt lên bàn cân để anh lựa chọn du học tại Ireland?
Quyết định chọn trường của tôi dựa trên 3 yếu tố chính gồm: chương trình học, chương trình rèn luyện kỹ năng bổ trợ và sự đa dạng. Sau 2 năm “cân đo đong đếm”, tôi quyết định theo học chương trình thạc sĩ tại University College Dublin Michael Smurfit Graduate Business School (UCD Smurfit Business School) tại Ireland – nơi thoả mãn đủ 3 điều kiện kể trên.
Chương trình học của trường đặc biệt nhấn mạnh đào tạo tư duy hoạch định chiến lược. Trường cung cấp những mô hình phân tích, xây dựng chiến lược đã được nghiên cứu kĩ lưỡng dành cho đa dạng quy mô công ty. Đây là mảng kiến thức tôi muốn tập trung trau dồi trong khoảng thời gian học thạc sĩ. Một điểm cộng khác là trường đã nhận được 3 chứng chỉ về chất lượng đào tạo danh giá: AMBA của Anh Quốc, EQUIS của châu Âu và AACSB của Mỹ.
Bên cạnh đó, trường cũng có những chương trình bổ trợ với 2 module đáp ứng được kì vọng của tôi là Intercultural Development Program và Global Leadership Program. Thông qua 2 chương trình này, tôi có cơ hội được rèn luyện năng lực làm việc xuyên quốc gia, xuyên văn hoá cũng như kỹ năng lãnh đạo, truyền cảm hứng và xây dựng đội ngũ. Đây đều là các kỹ năng không thể thiếu của vị trí quản lý vùng, khu vực.
Cuối cùng là sự đa dạng, UCD Smurfit Business School là sự lựa chọn của sinh viên quốc tế đến từ hơn 60 quốc gia. Ngoài sư đa dạng về văn hoá, sinh viên của trường cũng có sự đa dạng về nghề nghiệp và độ tuổi. Vì lẽ đó, trong quá trình học, tôi đã có cơ hội được tiếp thu và hiểu hơn về những nền văn hoá khác nhau, phong cách làm việc khác nhau ở từng độ tuổi, ngành nghề, quốc gia. Đây đều là những kinh nghiệm, kiến thức quý giá cho hành trình sự nghiệp của tôi trong tương lai.
Một ưu điểm khác là chương trình học chỉ gói gọn trong 1 năm và hoàn toàn bằng tiếng Anh. Điểm này sẽ giúp tôi tối ưu hoá thời gian học tập để có thể nhanh chóng trở về tiếp tục con đường sự nghiệp của mình.
* Theo quan sát, những anh chị với bề dày kinh nghiệm làm việc thực tế sẽ có đủ thông tin để chọn trường và ngành nhanh hơn. Thời gian chọn ngành và trường của anh Hoàng có thật sự dễ dàng?
Thật ra, tôi nghĩ những người có kinh nghiệm đi làm lâu năm đôi khi sẽ khó ra quyết định đi học, chọn ngành, chọn trường hơn các bạn trẻ. Các bạn còn trẻ, còn nhiều thời gian và cơ hội chờ đón phía trước. Việc đi học sẽ chỉ là một cột mốc lớn khác trong hành trình của các bạn.
Nhưng với những người đã đi làm, đã có một vài bước tiến trong sự nghiệp, quyết định đi học đồng nghĩa với việc đánh đổi gần như mọi thứ bản thân đã gầy dựng trước đó. Họ sẽ phải cân nhắc và tìm hiểu thật kĩ về mục tiêu, kì vọng nghề nghiệp sau khi hoàn thành chương trình học. Nhưng một khi đã chấp nhận đánh đổi, họ sẽ có một sức bật rất lớn để thu được kết quả tối ưu nhất, tương xứng với sự đánh đổi không hề nhỏ trước đó.
* Anh Hoàng có thể giới thiệu về học bổng chính phủ Ireland mà anh đã đăng ký thành công (Đối tượng được đăng ký, những quyền lợi khi nhận học bổng, các điều kiện, chứng chỉ cần có để đăng ký…)?
Với những người đã có vài bước tiến trong sự nghiệp, quyết định du học đồng nghĩa với việc đánh đổi gần như mọi thứ bản thân đã gầy dựng trước đó.
Tôi đăng ký học bổng vào năm 2020. Tại thời điểm đó, học bổng chính phủ Ireland vẫn giữ tên là IDEAS với 3 tiêu chí chính: sinh viên đăng ký cần có kinh nghiệm làm việc ít nhất 2 năm, có tố chất lãnh đạo và có kế hoạch đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và Ireland. Đến năm 2022, học bổng đổi tên thành Ireland Fellows Program (IFP) với 2 chương trình là IFP Asia và IFP Vietnam cùng những tiêu chí, yêu cầu khắt khe hơn.
Quá trình đăng ký học bổng IDEAS sẽ gồm 2 vòng chính: viết luận và phỏng vấn với Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam. Bài luận sẽ cần làm rõ sự liên kết giữa mục tiêu học tập cá nhân và 3 mục tiêu chính của học bổng: (1) đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, (2) thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam – Ireland và (3) nằm trong mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO.
Trong bài luận của mình, tôi đã liệt kê rõ từng mục tiêu cá nhân của và sự liên kết lần lượt với 3 nhóm mục tiêu chính của học bổng. Mục tiêu dài hạn của tôi là mở một công ty tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt hiểu đúng vai trò của Marketing và có chiến lược dài hạn để vươn đến thị trường quốc tế một cách bền vững. Với những mối quan hệ, kiến thức tích luỹ được trong thời gian theo học tại Ireland, bản thân tôi và công ty của mình có thể trở thành cầu nối về mặt thông tin và cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Ireland trong tương lai. Đồng thời, mục tiêu tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt gia nhập thị trường toàn cầu cũng gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế trong nhóm những mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO.
* Bàn về quá trình tu nghiệp tại Ireland, anh Hoàng có thể chia sẻ tổng quan về chương trình học của mình tại Ireland? Đây sẽ là chương trình phù hợp cho những bạn có định hướng như thế nào?
Chương trình bậc thạc sĩ tôi theo học gồm 3 học kỳ trong vòng 1 năm. Do tôi lựa chọn chương trình học nghiêng về nhóm kiến thức hoạch định chiến lược nên những môn học cũng sẽ xoay quanh kỹ năng này.
Điểm tôi tâm đắc ở chương trình là những môn học rất thú vị về chủ đề chiến lược như chiến lược cạnh tranh, chiến lược tập đoàn cũng như những môn cập nhật kiến thức về chiến lược công nghệ trong việc hoạch định chiến lược. Tất cả đều phục vụ cho mục tiêu giúp một công ty dần mở rộng quy mô – vốn là điều mà các doanh nghiệp tại Việt Nam đang rất cần.
Bên cạnh những môn học đào tạo về chiến lược, tôi cũng đăng ký những môn về nghệ thuật thương thuyết và nghệ thuật ra quyết định. Đây đều là những môn tôi chưa có cơ hội học ở các cấp học dưới. Mọi sự thương thuyết, ra quyết định trước đây đều dựa trên kinh nghiệm thực tiễn và bản năng là chính. Do đó, những phân tích cặn kẽ dưới góc độ tâm lý cũng như lượng hóa của các môn học này giúp tôi củng cố và rèn luyện khả năng thương thuyết, ra quyết định tốt hơn trước rất nhiều.
Song song với những môn học bổ ích, một điểm tâm đắc khác là sự tự do chọn lựa hình thức hoàn thành tốt nghiệp. Học viên có thể chọn làm luận văn, đi thực tập hoặc chọn làm tư vấn cho một doanh nghiệp có trụ sở tại Ireland.
Qua trải nghiệm học tập của bản thân, tôi nghĩ chương trình học tại trường UCD Smurfit Business School sẽ là lựa chọn phù hợp với những học viên mong muốn trau dồi, nâng cao kỹ năng lập kế hoạch ngắn hạn, dài hạn ở những công ty với quy mô khác nhau. Đặc biệt với những bạn có mục tiêu làm việc ở vị trí quản lý cấp cao của vùng hoặc khu vực thì đây sẽ là một khoá học vừa cung cấp những kiến thức học thuật cần thiết, vừa tạo không gian cho các bạn ứng dụng kiến thức vào thực tế.
* Anh Hoàng đã lựa chọn hình thức hoàn thành tốt nghiệp nào trong 3 hình thức kể trên? Nếu tự đánh giá, anh Hoàng áp dụng kiến thức đã học như thế nào vào khoảng thời gian đó?
Tôi lựa chọn hình thức thực tập tư vấn chiến lược cho một công ty game có trụ sở tại 4 quốc gia là Việt Nam, Singapore, Dubai và Mỹ. Dĩ nhiên với kinh nghiệm làm việc của mình thì đây có thể xem là vị trí “thực tập” cấp cao với những đầu việc nghiêng về tư vấn chiến lược marketing và branding cho công ty.
Trong khoảng thời gian thực tập 8 tuần, tôi nhận thấy nhóm kiến thức được áp dụng nhiều nhất là những framework hỗ trợ hoạch định chiến lược theo từng bước rõ ràng. Những kiến thức về đánh giá đối thủ cũng giúp ích rất nhiều trong quá trình tư vấn của tôi.
Nổi bật nhất có lẽ là sự thay đổi mindset về định nghĩa lợi thế cạnh tranh. Sau khi học môn đánh giá đối thủ, tôi hiểu được lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp không chỉ có thương hiệu (brand) mà còn bao gồm các lợi thế hữu hình (tangible assets) như nhà máy, dòng tiền… hoặc lợi thế vô hình (intangible assets) gồm thương hiệu, văn hoá doanh nghiệp. Góc nhìn mới đã giúp tôi đưa ra những chiến lược có thể khai thác tối đa những ưu điểm của doanh nghiệp, giúp họ nổi bật hơn trong thị trường gaming ngày một cạnh tranh.
* Một năm là khoảng thời gian không quá dài, với lịch học khá dày, anh Hoàng làm thế nào để tối ưu thời gian tại Ireland cho việc học và trải nghiệm cuộc sống tại nước sở tại?
Ngoài mục tiêu trau dồi kiến thức và kỹ năng, tôi cũng hy vọng khoảng thời gian này là cơ hội để ghi thêm những ký ức đẹp cho hành trình thanh xuân của mình. May mắn là kỹ năng quản lý dự án, quản lý thời gian được rèn luyện trong 14 năm đi làm đã giúp bản thân giữ vững kỉ luật và tối ưu hoá được khoảng thời gian 1 năm đáng nhớ tại Ireland.
Hai quy tắc tôi áp dụng rất đơn giản. Đó là đặt mục tiêu kèm những kết quả có thể đo lường và “giờ nào việc nấy”.
Khi quyết định lên đường đi học, tôi đã đặt ra 3 mục tiêu lớn: (1) học hỏi những tinh hoa từ chương trình học, (2) trở thành cầu nối văn hoá giữa Việt Nam – Ireland và (3) hoàn thành ước mơ du lịch khắp châu Âu. Từ 3 mục tiêu đó, tôi chuyển thành những hành động cụ thể. Ví dụ, với mục tiêu đầu tiên, khung đo lường kết quả sẽ là điểm số, là những kiến thức được áp dụng vào thực tế. Để hoàn thành mục tiêu trở thành cầu nối văn hoá, tôi ứng tuyển vào những chương trình đại sứ sinh viên quốc tế trong các sự kiện để có thể lan toả những giá trị văn hoá của Việt Nam đến cộng đồng sinh viên Ireland và quốc tế.
Trong 1 năm học tập, tôi sẽ có 2 khoảng nghỉ dài vào cuối tháng 12 và cuối tháng 4. Đó là lúc tôi dành toàn bộ tâm trí và thời gian để khám phá những quốc gia thuộc châu Âu cũng như đến thăm những người bạn, đồng nghiệp trước đây hiện cũng đang sinh sống tại châu lục này. Tuy nhiên, khi bước vào kì học, tôi cũng sẽ “chiến” hết mình với từng môn, tập trung toàn lực hoàn thành bài tập và tham gia các hoạt động đại sứ sinh viên quốc tế.
* Ba điểm anh Hoàng nhận được từ chuyến du học Ireland vừa rồi?
Kết thúc 1 năm với những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời, sự kiên trì và hết mình trong từng khoảnh khắc đã giúp tôi đạt được cả 3 mục tiêu lớn đặt ra ban đầu với những kết quả đáng tự hào. Tôi đã tích luỹ thêm được một kho tàng kiến thức bài bản và hoàn thành xuất sắc khoá học với tấm bằng First Class Honor. Ngoài ra, tôi cùng các thành viên khác trong chương trình đại sứ sinh viên quốc tế đã xuất bản 2 tập san cẩm nang du học Ireland được tổ chức Education of Ireland in Vietnam sử dụng trong quy trình tư vấn du học. Một niềm vui nhỏ khác là tôi đã thành công đặt chân đến hơn 20 quốc gia tại châu Âu.
* Anh có thể chia sẻ một vài lời khuyên cho các bạn đang có cùng định hướng du học cùng chuyên ngành của mình?
Sự học không bao giờ là đủ, nên nếu mỗi cá nhân tiếp cận thế giới tri thức với tinh thần cầu thị, đây sẽ là một bàn đạp vững chắc cho hành trình phát triển bản thân bền vững.
Mỗi người đều sẽ có những mục tiêu và trải nghiệm khác nhau nên để gọi là lời khuyên thì cũng không hẳn. Hy vọng với những chia sẻ đúc kết từ trải nghiệm của tôi có thể giúp các bạn có thêm thông tin tham khảo. Qua đó, biến hành trình khám phá vùng đất tri thức của mình trở nên đặc sắc và đáng nhớ hơn.
Xuyên suốt hành trình du học, tôi luôn cố gắng thực hiện 3 điều sau: (1) xác định định hướng của bản thân hướng tới một ước mơ lớn, (2) xây dựng hồ sơ cá nhân thật chỉn chu và (3) luôn học hỏi với tinh thần cầu thị.
Với điều đầu tiên – xác định định hướng bản thân, đó có thể là một vai trò, một công việc mình có đam mê, và mang đến sự thay đổi tích cực cho cộng đồng, cho xã hội. Bên cạnh đó, việc xác định điểm mạnh, điểm yếu để lựa chọn được hướng phát triển phù hợp với khả năng của bản thân và nhu cầu của thị trường lao động cũng là điều cần thiết. Sau khi xác định rõ định hướng, một hồ sơ cá nhân chỉn chu ấn tượng sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình đăng ký học bổng hay ứng tuyển công việc.
Cuối cùng, tôi luôn nhớ rất rõ câu nói nổi tiếng của Steve Jobs – “Stay hungry, stay foolish”. Sự học không bao giờ là đủ, nên nếu mỗi cá nhân tiếp cận thế giới tri thức với tinh thần tò mò, cầu thị, đây sẽ là một bàn đạp vững chắc cho hành trình phát triển bản thân bền vững. Tôi tin nếu bạn luôn cầu thị thì làm ở đâu bạn cũng sẽ thành công.
* Cảm ơn anh Hoàng với những chia sẻ vô cùng tâm huyết trên!
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.
Thu Nga / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam