5 yếu tố để bạn sống tốt trong môi trường Branding agency
Nếu yêu thích những trải nghiệm mới mỗi ngày và sẵn sàng tìm tòi không ngừng nghỉ thì bạn đã có hơn 50% tố chất của nhân sự Branding agency.
Môi trường làm việc agency luôn gắn liền với những câu chuyện “drama” giữa các bộ phận, những dự án “không nói trước được ngày mai” với ngàn lẻ một các tình huống có thể xảy ra. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường được đánh giá là giàu tiềm năng, cũng như có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp bản thân dành cho nhiều thế hệ trẻ.
Có cơ hội tiếp xúc, chiêm nghiệm và trực tiếp giải quyết vấn đề với nhiều khách hàng đến từ các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau chính là đặc tính của môi trường làm việc agency. Vì lẽ đó mà các bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z hay Gen Y, với nhiệt huyết ngút trời cùng tinh thần sẵn sàng “quăng mình” vào nhiều thử thách khó, luôn muốn bắt đầu và phát triển sự nghiệp của mình trong môi trường làm việc năng động này.
Ở thời điểm hiện tại, đã có đến hàng chục mô hình kinh doanh và agency cung cấp dịch vụ khác nhau. Nhưng các mô hình phổ biến hàng đầu tại Việt Nam vẫn là Digital agency, Creative agency, Media agency, Branding agency và Production house. Đừng quá lo lắng nếu như bạn chưa tìm kiếm và hiểu biết tường tận về từng mô hình agency kể trên, bởi bài chia sẻ lần này của Vũ sẽ giải đáp một cách đầy đủ nhất.
Bên cạnh đó, với vai trò của một đội ngũ tư vấn chiến lược, xây dựng bản sắc thương hiệu rồi truyền tải chúng bằng chữ viết và nghệ thuật thị giác, đội ngũ tại Vũ muốn chia sẻ đến các bạn chi tiết nhiệm vụ cũng như tầm quan trọng của một Branding agency. Cùng với đó là 5 yếu tố giúp bạn sống tốt ở môi trường này, trong trường hợp bạn chuẩn bị ứng tuyển và quyết tâm thử sức mình tại một Branding agency bất kì.
Branding agency và truyền thông thương hiệu ra đời như thế nào?
Trở về nước Anh trong giai đoạn đầu của thế kỷ thứ 15, lúc này mọi thư từ và văn bản chỉ có thể ghi chép hay sao lưu hoàn toàn bằng chữ viết tay. Người góp công lớn thay đổi hiện trạng có phần tiêu cực này chính là Johannes Gutenberg – thợ kim hoàn và là nhà phát minh nổi tiếng người Đức thời bấy giờ.
Ông được công nhận là người đầu tiên tạo ra máy in, sử dụng kiểu sắp xếp chữ viết của người Châu Á trên một khuôn được làm bằng kim loại. Công năng của máy được đánh giá là hiện đại và đỡ hao tốn sức người hơn bất cứ hệ thống in ấn nào khác thời bấy giờ. Giúp nước Anh nói riêng mở ra thời kỳ mới của báo chí và truyền thông chữ viết, đồng thời trở thành một trong những phát kiến đưa Châu Âu bước vào giai đoạn Phục Hưng hùng mạnh.
Tháng 4/1704, bài viết quảng cáo đầu tiên của thế giới đã được đăng trên The Boston Newsletter. Đây là sự hợp tác giữa tờ báo nước Anh với nhà in địa phương Bartholomew Green, cũng là ấn bản giúp định hình cấu trúc truyền thông báo chí với một tờ in thành hai cột, ở cả mặt trước lẫn mặt sau.
Báo chí in ấn có khả năng xuất bản và lưu hành rộng rãi hơn nhiều so với văn bản viết tay. Lúc này, chính phủ các nước nhận ra rằng cần có một hệ thống giúp kiểm soát và thúc đẩy năng lực phát triển kỹ thuật, công nghệ và các lĩnh vực sáng tạo. Đó cũng là lý do ra đời của bằng sáng chế, bảo vệ bản quyền hay những điều luật hiện tại về sở hữu trí tuệ.
Thế kỷ thứ 18, khi cuộc cách mạng công nghiệp xảy đến, thế mạnh của công nghiệp hoá cuối cùng cũng đã mở đường cho sản xuất hàng loạt. Mỗi doanh nghiệp không chỉ sản xuất cùng lúc nhiều hàng hoá hơn, đa dạng hoá số lượng mẫu mã hơn mà về bản chất số lượng doanh nghiệp trong đại chúng cũng tăng lên. Khi người tiêu dùng đã có nhiều tuỳ chọn hơn về số lượng và chất lượng sản phẩm, mỗi doanh nghiệp buộc phải tận dụng thế mạnh của truyền thông báo chí để quảng bá hình ảnh thương hiệu.
Từ những năm 1800 trở đi, các công ty truyền thông và Branding agency bắt đầu ra đời rồi phát triển mạnh mẽ. Có một thực tế là trong suốt giai đoạn này, không phải ai cũng đọc và quan tâm đến thông tin báo chí, nên nhiều hình thức truyền thông thương hiệu khác nhau lần lượt được sử dụng, bao gồm ấn phẩm truyền thông và bộ nhận diện thương hiệu như những gì chúng ta đang chứng kiến ở thì hiện tại.
Branding agency khác gì so với phần còn lại?
Hiện nay phải kể đến hàng chục mô hình agency khác nhau nhưng như đã nói ở phần đầu bài viết, các mô hình agency phổ biến tại Việt Nam vẫn là Creative agency, Production house, Digital agency, Media agency và Branding agency. Bên cạnh đó còn một số mô hình quen thuộc khác như Event agency hay Research agency, nhưng Vũ sẽ phân tích chi tiết hơn ở một bài viết khác.
Trong khuôn khổ của bài viết lần này, Vũ muốn chia sẻ đến các bạn sự khác biệt giữa Branding agency so với phần còn lại – những mô hình agency phổ biến hàng đầu tại Việt Nam. Từ đó, bạn sẽ thấy được nhiệm vụ của nhân sự trong môi trường Branding agency, vai trò của quá trình tạo dựng và phát triển hình ảnh cho mục tiêu duy trì năng lực cạnh tranh của thương hiệu trên thị trường.
1. Branding agency với Digital agency và Media agency
Đầu tiên hãy so sánh với Digital agency và Media agency. Nếu nhìn nhận dịch vụ mà các agency đang cung cấp như những sản phẩm hữu hình, vậy thì sự khác nhau giữa Branding agency so với hai mô hình còn lại đã nằm ngay ở tên gọi. Trong khi Digital agency mang đến kết quả về mặt con số báo cáo, được đúc kết sau mỗi chiến dịch digital marketing thì Media agency lại là cầu nối giữa sản phẩm với phương tiện truyền thông.
Đặt banner quảng cáo ở vị trí nào, kích thước ra sao để phù hợp nhất với hành vi tiêu dùng của khách hàng mục tiêu. Hoặc đoạn TVC “vừa mới ra lò” sẽ được phát trên kênh nào, vào thời điểm nào để tận dụng tối ưu hành vi người dùng tương ứng với các nền tảng đó. Cùng vô số tình huống cũng như vấn đề truyền thông khác, tất cả đều là nhiệm vụ quan trọng của một nhân sự thuộc Media agency.
Không như Media agency và Digital agency, “sản phẩm” mà Branding agency mang đến không chỉ được thể hiện qua từng con số, càng khó lòng đánh giá chỉ bằng phản ứng tức thời của người xem đối với một sản phẩm truyền thông bất kì. Hiệu quả của quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu đi sâu hơn vào trong nhận thức của khách hàng, cũng như Vũ luôn định nghĩa rằng thương hiệu là nhận thức tích cực của người tiêu dùng – sau một thời gian đủ lâu có cơ hội sở hữu và trải nghiệm các sản phẩm.
Kết quả do một đội ngũ Branding agency mang đến không chỉ chạm được bằng tay, nhìn thấy bằng mắt mà còn có thể cảm nhận rõ rằng bằng tất cả các giác quan. Cũng như một câu nói nổi tiếng của Muhtar Kent – Cựu Giám đốc Điều hành của Coca-Cola: “Coca-Cola là nơi duy nhất trên thế giới mà nếu bạn trả lời rằng mình đang làm việc tại đây, mọi người không cần phải hỏi thêm rằng đó là gì, hoặc nó nằm ở đâu”.
Thương hiệu có thể không mang lại kết quả hữu hình ngay lập tức, đội ngũ Branding agency có thể không đưa thương hiệu từ vạch xuất phát bằng không, lên dẫn đầu thị trường chỉ trong một sớm một chiều. Nhưng chỉ cần có đủ kiên nhẫn và niềm tin cho rằng xây dựng thương hiệu là con đường độc đạo để tiếp cận nhận thức của khách hàng, có được vị thế vững vàng trong tâm trí của họ để luôn duy trì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, khi đó chính năng lực của nhân sự Branding agency sẽ được kiểm chứng và trao cơ hội.
2. Branding agency với Creative agency và Production house
Không khác biệt hoàn toàn như với Digital agency và Media agency, Branding agency là sự kết hợp linh hoạt giữa các giá trị mà Creative agency hay Production house mang lại. Nếu nhân sự Creative agency được phép bay bổng, tự do thể hiện năng lực với những ý tưởng sáng tạo và điên rồ nhất; thì ngược lại, nhân sự Production house là người hiện thực hoá các ý tưởng sáng tạo, mang đến cho chúng hình hài và những trải nghiệm ngoài đời thực.
Nhân sự Branding agency vừa mang trong mình suy nghĩ và tinh thần của người làm sáng tạo, vừa sở hữu năng lực và kỹ năng biến những ý tưởng sáng tạo thành “sản phẩm” cụ thể. Nhiều sản phẩm thiết kế nhận diện, sáng tạo nội dung hay thậm chí phát triển chiến lược kênh truyền thông, kênh phân phối đều có thể thành hình dưới bàn tay của nhân sự Branding agency.
Trước kia từng có giai đoạn bộ ba Digital agency, Creative agency và Branding agency ít nhiều phải “cần có nhau”. Creative agency cho ra đời những ý tưởng và sản phẩm nội dung sáng tạo bậc nhất, trong khi Branding agency hoạt động như một nhà tư vấn chiến lược – có tác động tích cực đến quá trình tạo ra sản phẩm nội dung. Còn Digital agency không bao giờ bị đứng ngoài cuộc, bởi nhân sự Digital agency phải luôn đảm bảo tính hiệu quả của sản phẩm nội dung trên phương diện kỹ thuật số.
Lâu dần nhân sự Branding agency đã thể hiện được năng lực của mình trong việc tạo ra sản phẩm nội dung, biến những ý tưởng trong đầu hay trên bản phác thảo trở thành sản phẩm thiết kế đúng nghĩa – kết hợp với các công cụ và phần mềm kỹ thuật số.
Tất nhiên sản phẩm nội dung hoặc thiết kế sau cùng vẫn luôn bám sát định hướng, tầm nhìn và chiến lược ban đầu của quá trình xây dựng thương hiệu. Nói một cách khác, năng lực sáng tạo vô biên có thể chưa phải sở trường lớn nhất của nhân sự Branding agency, đổi lại họ là những người có góc nhìn trực quan, hiệu quả đối với chiến lược phát triển tầm vóc của một thương hiệu bất kì.
Hơn bất cứ ai, kể cả những nhà lãnh đạo đang chèo lái con tàu thương hiệu, họ mới là những người thấu hiểu và định hướng hoạt động thương hiệu đó hiệu quả nhất. Khoảng cách về năng lực thực thi, tạo ra sản phẩm cuối giữa nhân sự Branding agency với các Production house cũng ngày càng được thu ngắn. Trong khi nhìn vào năng lực sáng tạo để cho ra đời những ý tưởng khác biệt, hiệu quả thì nhân sự Branding agency cũng chẳng hề thua kém nếu phải so sánh với các Creative agency.
5 yếu tố giúp bạn sống tốt trong môi trường Branding agency
Bà Peggy Johnson, người từng giữ chức Phó Chủ tịch Phát triển Kinh doanh của Microsoft, đã nói rằng:
“Môi trường làm việc lí tưởng chính là cách để bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình”.
Môi trường Branding agency cũng vậy, đừng nhìn vào những hào nhoáng và tính sáng tạo cực độ của công việc này mà quên mất là sau “branding” vẫn còn đó “agency.” Làm việc trong một agency chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng, nhiều màu hồng và môi trường Branding agency cũng không phải một ngoại lệ.
Để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình và “sống tốt” trong Branding agency, điều đầu tiên là phải biết chính xác bản thân nên làm gì và sẽ làm được gì trong môi trường này. Cùng với đó là những yếu tố hoặc kỹ năng cần thiết để bản thân tạo ra nhiều giá trị, trở thành “nhân sự key” và để lại nhiều di sản lớn lao cho môi trường mình đang làm việc.
1. Tư duy giải quyết vấn đề
Luôn có hai hướng tư duy trong xử lý công việc và hoàn thành trách nhiệm, vai trò của mỗi cá nhân trong một tổ chức hay doanh nghiệp bất kì. Đó là tư duy dựa trên việc tạo ra giải pháp và tư duy dựa trên năng lực giải quyết vấn đề. Trong đó tư duy giải quyết vấn đề đang được sử dụng ở nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Google hay Intel. Một số ứng dụng của tư duy giải quyết vấn đề cũng được phân tích, giảng dạy ở nhiều trường danh tiếng như Stanford, MIT hay Harvard.
Có thể kể đến thực nghiệm của Giáo Sư Bryan Lawson từ Đại học Sheffield như một minh hoạ chi tiết cho hai hướng tư duy. Ông lập ra hai nhóm bao gồm nhóm những nhà khoa học và nhóm những nhà thiết kế đồ hoạ. Nhiệm vụ là tạo ra một bề mặt ghép từ nhiều khối màu xanh đỏ khác nhau, sao cho chu vi bề mặt được tạo thành bởi nhiều khối đỏ hoặc nhiều khối xanh nhất có thể.
Nhóm các nhà khoa học toàn những khối óc đặc sệt tư duy giải quyết vấn đề, họ thử đi thử lại sự kết hợp của càng nhiều các khối màu càng tốt – nhằm mục đích tối đa hoá số lượng mẫu thử đáp ứng yêu cầu. Sau đó sắp xếp lại các khối màu một cách hợp lý, mục tiêu là để tối ưu hoá mật độ hai màu xanh đỏ ở phía ngoài bề mặt.
Nhóm các nhà thiết kế đồ hoạ lại sử dụng tư duy tạo ra giải pháp, họ tạo ra từng bề mặt có chu vi được sử dụng hai màu nhiều nhất có thể. Nếu bề mặt nào chưa đáp ứng tốt yêu cầu thì họ phá bỏ ngay, rồi bắt đầu với một sự kết hợp khác cho đến khi “đề bài” được thoả mãn. Tất nhiên đây là hướng đi tốn nhiều phương án hơn, nhiều sự kết hợp hơn và đặc biệt làm tốn nhiều thời gian hơn. Không tư duy giải quyết vấn đề, nhóm các nhà thiết kế đã vô tình tạo ra nhiều vấn đề mới trong quá trình liên tục tìm kiếm giải pháp.
Nhìn vào hàng trăm, hàng ngàn hay thậm chí hàng vạn nhà làm sáng tạo nội dung nói chung và thiết kế đồ hoạ nói riêng, chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy thực trạng đó. Dù bản thân có chuyên môn về thiết kế và sáng tạo nội dung số, nhưng không ít các graphic designer vẫn chưa thể từ bỏ thói quen làm việc theo tư duy giải pháp. Trong khi chưa kịp phân tích và xác định vấn đề mà mình sắp đối diện, họ lại lao vào tạo ra hết giải pháp này đến phương án nọ.
Trên chặng đường đó họ vô tình làm phát sinh nhiều vấn đề khó lòng giải quyết. Kết cục là tạo ra một sản phẩm thiết kế không có chiều sâu, thiếu đi sự hiệu quả và dù có được chấp thuận sử dụng hay không, chúng vẫn kéo theo nhiều hệ luỵ ảnh hưởng đến quá trình tạo dựng nhận thức thương hiệu. Nguyên nhân đến từ chính thói quen vội vàng, hấp tấp hoặc nói một cách có phần tiêu cực, là đang nhìn vào túi tiền của phía đối tác nhiều hơn là ưu tiên giải quyết các vấn đề mà họ không thể nhìn thấy.
Ưu tiên trao đổi, thấu hiểu và xác định chính xác vấn đề đội ngũ sáng lập thương hiệu đang gặp phải, rồi dùng tư duy giải quyết vấn đề để tạo ra các sản phẩm nội dung hiệu quả – đây là yếu tố đầu tiên giúp mỗi nhà sáng tạo nội dung số đủ sức sống khoẻ, sống tốt và vượt qua thử thách bước đầu nơi môi trường Branding agency.
2. Khả năng đặt đúng câu hỏi
Ông Jiddu Krishnamurti – tác giả và là nhà diễn thuyết nổi tiếng người Ấn Độ – có một câu nói trả lời đầy đủ và chính xác về tầm quan trọng của việc đặt đúng câu hỏi:
“Đặt đúng câu hỏi quan trọng hơn nhận được câu trả lời, đôi khi câu trả lời nằm ngay bên trong một câu hỏi đúng, giải pháp của một vấn đề luôn đến từ tầm hiểu biết của bạn về vấn đề đó”.
Đặt câu hỏi là một kỹ năng nhưng đặt đúng câu hỏi lại là một khả năng, chúng khác nhau ở điểm gì? Thứ nhất, đặt câu hỏi là kỹ năng hoàn toàn cơ bản và ban sơ của mỗi người, cũng giống như ăn cơm, uống nước hay vô số nhu cầu cần thiết khác trong cuộc sống. Chúng ta sớm đã biết tò mò, nghi vấn và đặt câu hỏi ngay từ lúc chưa thể bập bẹ tập nói. Con người luôn không ngừng nghi hoặc và thắc mắc mọi thứ, chỉ là trong từng giai đoạn cuộc sống khác nhau chúng ta đều sẽ có những cách thể hiện khác nhau.
Ngược lại, đặt câu hỏi đúng là kết quả của một quá trình không ngừng tò mò, nghi vấn và sẵn sàng theo đuổi mọi vấn đề có liên quan hoặc bản thân đam mê tìm tòi. Cũng như tác giả Jiddu Krishnamurti đã nói, tầm hiểu biết của bạn về một vấn đề mới là thứ quyết định bạn có đủ sức tìm thấy câu trả lời hay không.
Đặt câu hỏi mà bản thân chưa kịp hoặc không chịu suy nghĩ, dẫn đến đặt câu hỏi sai sẽ chỉ làm mọi thứ dần đi vào ngõ cụt. Thậm chí nếu đối phương là người khá khó tính, giá trị và năng lực của bạn trong mắt họ cũng ít nhiều bị suy giảm.
Trái lại, đặt đúng câu hỏi là cơ hội để bạn tự cởi trói các giới hạn đang ràng buộc bản thân mình, từ đó vượt qua điểm tới hạn hoặc thoát khỏi vùng an toàn của mình, nghĩ nhiều thêm bản thân đã từng và nghĩ lớn hơn những gì bản thân có thể. Người đặt đúng câu hỏi thì khả năng cao là họ đã tự có cho mình câu trả lời. Điều họ cần có chăng chỉ là một câu trả lời để xác nhận lại, kiểm chứng chặt chẽ hơn nữa quan điểm của bản thân. Hoặc đôi khi chỉ là để người khác thay mình nói ra câu trả lời.
Vậy có quá đáng không khi xem người đang nói chuyện với mình như một cái loa phát thanh? Thực tế thì không, nhất là khi đặt vào hệ quy chiếu nhằm tìm ra các yếu tố giúp sống khoẻ trong môi trường Branding agency. Nhân sự Branding agency, như đã nói, phải theo đuổi tư duy giải quyết vấn đề ở trong mọi quy trình cũng như tất cả dự án mình tham gia, mà để giải quyết tốt vấn đề thì cần xác định đúng vấn đề trước đã.
Điểm yếu của nhiều doanh nghiệp trong nước khi bắt tay vào xây dựng, phát triển vị thế thương hiệu đó là không nhìn thấy vấn đề của mình. Nghiêm trọng hơn nữa là nhìn thấy vấn đề nhưng không muốn thừa nhận, không muốn nói ra và thậm chí không biết bản thân mình muốn gì. Lúc này, khả năng đặt đúng câu hỏi của nhân sự Branding agency là vô cùng quan trọng, đặt đúng câu hỏi để người đối diện chấp nhận thừa nhận và nói ra vấn đề của họ.
Lạc quan hơn, họ có thể chấp nhận trò chuyện như những người bạn thật sự, chủ động kết hợp với nhân sự Branding agency để chia sẻ, trao đổi về mong muốn xác định đúng và giải quyết vấn đề của mình.
Ở chiều ngược lại, nhân sự Branding agency phải phần nào thấu hiểu và đoán biết trước vấn đề đội ngũ lãnh đạo thương hiệu đang gặp; sau đó, dùng khả năng đặt đúng câu hỏi để họ biết rằng nhu cầu, mong muốn hay thậm chí tâm can sâu sắc của bản thân đã được bạn nhìn thấu. Họ hoàn toàn có thể tin tưởng, giao phó nhiệm vụ xác định và giải quyết vấn đề thương hiệu vào tay bạn, rồi cùng nhau xây dựng chiến lược xây dựng, phát triển vị thế thương hiệu chất lượng và hiệu quả.
3. Quan điểm cho rằng “khách hàng luôn sai”
Khác biệt giữa tư duy giải pháp và tư duy giải quyết vấn đề không chỉ nằm ở cách vận hành đội ngũ, cách làm việc của mỗi cá nhân hay phương án hoàn thành nhiệm vụ được giao. Xét trên khía cạnh quan điểm và thái độ làm việc, người theo đuổi tư duy tạo ra giải pháp thường có xu hướng nhanh chóng tin tưởng vào những gì người khác nói. Họ rập khuôn cho rằng những điều mình được nghe là đúng, chỉ cần dùng kiến thức chuyên môn và kỹ năng làm việc của mình để hoàn thành nhiệm vụ.
Người theo đuổi tư duy giải quyết vấn đề thì không như vậy. Đứng trước mọi sự vật, hiện tượng hay một quan điểm nào đó, người theo đuổi tư duy giải quyết vấn đề luôn nghi ngờ và không ngừng đặt câu hỏi. Trước mỗi ý kiến hay quan điểm của khách hàng là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, họ sẵn sàng đi ngược vấn đề với quan điểm cá nhân cho rằng “khách hàng luôn sai”.
“Khách hàng luôn sai” là câu thần chú mà bất cứ một nhà sáng tạo nội dung, thiết kế thương hiệu và nhân sự Branding agency nào cũng phải luôn ghi nhớ.
Ở đây không có nghĩa rằng chúng ta sẽ phản bác khách hàng một cách mù quáng, chủ quan và không hề có cơ sở, mà bởi vì khách hàng sai thì rốt cuộc họ mới phải tìm đến sự hỗ trợ, tư vấn và năng lực chuyên môn của mình. Khách hàng sai thì bản thân nhân sự Branding agency mới có cơ hội làm lại, chỉnh sửa lại cho đúng trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
“Khách hàng luôn sai” cũng chính là động lực để nhân sự Branding agency sớm tìm thấy vấn đề, xác định đúng vấn đề trên nền tảng là những lỗ hổng về chiến lược hay định hướng phát triển doanh nghiệp.
Không ít lãnh đạo doanh nghiệp vẫn đang nhầm lẫn giữa chiến thuật với chiến lược công ty, giữa tầm nhìn bền vững với sứ mệnh thực tại của nội bộ doanh nghiệp. Còn rất nhiều nhầm lẫn khác về khái niệm, kiến thức hay quy trình xây dựng thương hiệu mà các doanh nghiệp trong nước vô tình mắc phải, thậm chí không biết rằng mình đang sai vì bản thân vẫn đang chạy theo kiểu xu hướng mà mình cho là đúng.
Nhiệm vụ của nhân sự Branding agency là rất rõ ràng, thay đổi khách hàng ngay từ trong nhận thức vấn đề và tiếp cận mọi quy trình với quan điểm “khách hàng luôn sai”, luôn tin rằng bản thân mình mới là người giỏi hơn họ, ít nhất là trong thế giới thương hiệu vốn đầy biến động và không ngừng xoay chuyển.
4. Có nhiều trải nghiệm đời sống
Trong số nhiều mô hình agency đang tồn tại và hoạt động ở thị trường Việt Nam, nhân sự Branding agency là những người có nhiều cơ hội nhất để đi sâu vào thói quen, tâm lý hay thậm chí cả văn hoá của người tiêu dùng lẫn nội bộ các doanh nghiệp. Nhân sự làm Branding cần thấu hiểu bản sắc của một thương hiệu, đồng cảm với thói quen và quan điểm của các khách hàng mục tiêu. Kết hợp cả hai một cách nhuần nhuyễn, bài bản thì mới cho ra đời những sản phẩm thiết kế hay sáng tạo nội dung hiệu quả.
Nhìn vào trường hợp của đội ngũ tại Vũ, mỗi khách hàng doanh nghiệp tìm đến cũng như mỗi dự án xây dựng thương hiệu được triển khai, đều là một cơ hội để đội ngũ có dịp nghiên cứu, chiêm nghiệm và dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới. Sáng hẹn nhau brainstorm ý tưởng thiết kế bao bì thực phẩm chức năng, chiều trình bày ý tưởng xây dựng bản sắc và văn hoá cho một thương hiệu thuỷ sản là chuyện bình thường ở Vũ.
Trở thành nhân sự tại Branding agency cũng giống như việc xây dựng thói quen thích đọc sách. Nhiều người nói rằng đọc sách chính là cách để sống nhiều cuộc đời, trải nghiệm những gì bản thân mình chưa thể lập tức chạm tới ngoài đời thực, hiểu được tâm lý lẫn hành vi trong nhiều môi trường và hoàn cảnh sống khác biệt.
Xây dựng thương hiệu và trở thành nhân sự Branding agency cũng vậy, chúng ta không thể tạo dựng nhận thức tích cực cho một thương hiệu khi chưa trải nghiệm, dấn thân và dành thời gian “ở bên cạnh” nó như một người bạn đúng nghĩa. Trong một buổi phỏng vấn gần đây, Giáo sư Trương Nguyện Thành – người được gọi vui với cái tên “Giáo sư quần đùi” và từng có 4 năm giảng dạy ở Đại học Utah, Mỹ – đã chia sẻ như sau:
“Mục tiêu trong cuộc đời phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức cũng như trải nghiệm sống của bản thân. Nếu bạn hỏi một đứa trẻ vùng cao mơ ước điều gì, nó chỉ ước có được một mảnh đất và hai con trâu”.
Ông cũng chia sẻ thêm rằng ngày xưa mới sang Mỹ chỉ biết học tập chăm chỉ, xin đi làm thêm ngoài giờ để kiếm tiền trang trải việc học phổ thông. Lớn thêm một chút nữa mới tin rằng “đại học là con đường duy nhất của bản thân, muốn nhanh thoát nghèo và không mãi đi làm thuê cho người khác thì phải học đại học”. Nhưng sau này học đại học rồi, ông lại có mục tiêu lớn hơn, tầm nhìn xa hơn là học tiếp lên cao học.
Mục tiêu và tham vọng trong cuộc đời Giáo sư Trương Nguyện Thành cũng chẳng khác gì chúng ta, nó luôn lớn lên thêm và tỉ lệ thuận với những trải nghiệm mới mẻ chúng ta có được hằng ngày. Trong công việc và đặc biệt là khi trở thành một nhân sự Branding agency cũng thế, trải nghiệm mới mang đến vốn sống mới, tạo ra một phiên bản mới của chính mình theo chiều hướng tích cực.
Trải nghiệm đời sống giúp nhân sự Branding agency dễ dàng nhìn thấu vấn đề của khách hàng doanh nghiệp, nhanh chóng chỉ rõ quan điểm và tâm lý đặc thù của người tiêu dùng. Người mua hàng thì luôn nghĩ rằng bản thân họ có khả năng chủ động, toàn quyền quyết định hành vi mua hàng của bản thân. Nhưng trên thực tế, hành động mua sản phẩm của mọi người luôn bị chi phối, hấp dẫn và “dìu dắt” bởi chính đội ngũ xây dựng thương hiệu.
Có thể kể đến trường hợp của Tide và Ariel, cả hai đều là thương hiệu và sản phẩm đến từ tập đoàn danh tiếng P&G. Nếu như Tide là “tiền nhân” với chiến lược giá hướng đến khách hàng tầm trung trở lên, có điều kiện chi tiêu nhất định thì Ariel lại là “đàn em sinh sau đẻ muộn” với cách định giá hướng đến phân khúc bình dân, chiều lòng hầu hết khách hàng phổ thông trên thị trường.
Nếu bạn tinh ý thì sẽ nhận thấy rằng, sản phẩm của Tide và Ariel luôn xuất hiện cạnh nhau trên kệ hàng ở các siêu thị. Đội ngũ P&G là như thế, họ vừa muốn chiếm lĩnh thêm nhiều thị phần với động thái rõ ràng nhất là tung ra nhãn hiệu Ariel, vừa muốn tạo ra tâm lý rằng “khách hàng là người chiến thắng sau cùng trong cuộc chiến thương hiệu”.
Hai phương án thì luôn dễ chọn hơn chỉ một, người tiêu dùng luôn chi tiền để sở hữu ít nhất một sản phẩm đến từ P&G mà không biết rằng mình đã bị chi phối, điều hướng để bỏ qua rất nhiều thương hiệu cạnh tranh khác. Rốt cuộc thì người chiến thắng thật sự chính là đội ngũ thương hiệu của tập đoàn luôn có tên trong Top Fortune 500 danh tiếng.
5. Có nhiều hơn một kỹ năng
Vì sao nhân sự Branding agency lại cần có nhiều hơn một kỹ năng, chẳng lẽ để cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò trong nội bộ công ty hay sao? Chắc chắn là không, trừ một số ít các mô hình agency hoạt động theo định hướng cực đoan, kéo giảm ý chí và năng lực sáng tạo của cộng sự bằng cách ép họ “vừa xay lúa vừa ẵm em”. Phần lớn Branding agency còn lại đều định hướng nhân sự theo đuổi sự tập trung, chuyên biệt đảm nhận một vai trò duy nhất có liên quan đến năng lực thật sự của mình.
Trong cuốn “Những kẻ xuất chúng: Câu chuyện những người thành công”, tác giả Malcolm Gladwell chính là người đã xây dựng nguyên tắc 10.000 giờ vô cùng nổi tiếng. Cụ thể, ông đã kết luận rằng nếu một người muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, họ cần tối thiểu 10.000 giờ rèn luyện và trau dồi. Tính ra mất khoảng 10 năm, mỗi năm trung bình 1.000 giờ, mỗi tuần hơn 20 giờ hoặc mỗi ngày mất tối thiểu 3 giờ để chăm chỉ rèn luyện.
Vậy hãy thử hình dung xem, bạn sẽ cần đến 10.000 giờ hay thậm chí hơn thế rất nhiều lần, nếu đặt mục tiêu trở thành “nhân sự key” tại Branding agency mà phải cùng lúc đảm nhận, hoàn thành quá nhiều vai trò quan trọng. Đừng hiểu sai ý của Vũ hay bất kì ai khác khi họ cho rằng, bạn cần có nhiều hơn một kỹ năng để sống tốt trong môi trường Branding agency.
Kỹ năng bổ sung mà bạn cần có thể là một kỹ năng mềm, một tài lẻ đặc biệt hay thậm chí là thú vui của bản thân lúc nhàn rỗi. Ngay cả nhà vật lý học thiên tài Albert Einstein, người gần như “dọn đồ vào sống trong phòng thí nghiệm” những năm cuối đời cũng thích chơi đàn violin.
Hoặc như Andrea Pirlo, đôi chân thiên tài và nghệ sĩ của bóng đá thế giới giai đoạn đầu thế kỷ 21 cũng là người rất sành rượu vang. Chỉ cần nhấp môi, nhà vô địch World Cup 2006 đã có thể phân biệt giữa nhiều chai vang khác nhau.
Bạn không nhất thiết phải cân bằng cuộc sống trên chặng đường tìm kiếm thành công, thế chẳng khác gì đi thăng bằng trên dây mà nghiêng hẳn về bên nào cũng khiến bạn gặp nguy hiểm. Kỹ năng bổ sung chỉ là một trong những phương án giúp trung hoà giá trị đời sống, để bạn không chỉ chạm đến thành công về mặt tiền của hay sự nghiệp, mà còn đạt đến thành công trên phương diện đời sống tinh thần.
Nên nhớ rằng cuộc sống agency tuy không khắc nghiệt và nhiều thách thức, nhưng nó cũng chẳng phải con đường dài trải đầy hoa hồng. Nhân sự Branding agency lắm lúc cũng chán chường, mệt mỏi hoặc bơ vơ giữa một đại dương ý tưởng nhưng dường như chẳng có ý tưởng nào thuộc về mình. Một số bạn chọn trừ đi mấy ngày nghỉ phép để đi đến nơi thật xa, tìm kiếm không khí cùng với niềm cảm hứng mới mẻ.
Bạn cũng có thể chọn cách giải toả để “sạc đầy” nguồn năng lượng sáng tạo đơn giản hơn, nhanh chóng hơn mà cũng ít tốn kém hơn nữa. Bằng một kỹ năng mềm hay tài lẻ thú vị nào đó của bản thân, rồi chia sẻ và củng cố niềm yêu thích đó đến những cộng sự bên cạnh mình, để những giá trị tinh thần tích cực không dừng lại, không bị giới hạn bởi cái tôi quá lớn của bản thân, mà không ngừng lan toả đến những người xung quanh.
Lời kết
Branding agency là một môi trường làm việc đặc thù và có những tính chất rất riêng, đòi hỏi nhân sự Branding agency phải có khả năng thích nghi tốt – không chỉ với áp lực công việc mà còn phải thích nghi với những biến đổi không ngừng của thị trường. Một lĩnh vực bất kì mà hôm nay mình gần như tiếp thu được trọn vẹn kiến thức, sang ngày mai cũng là mình nhưng bỗng trở thành một tờ giấy trắng, là câu chuyện rất bình thường trong thế giới Branding agency.
Cái gì quá cũng không tốt, bạn không nên khép kín và thu mình đến mức trở thành một nhân sự nhạt nhoà trong môi trường Branding agency. Nhưng trái lại cũng không thể trở thành một chú tắc kè hoa, biến chuyển màu da và ngoại hình liên tục đến mức chẳng biết đâu mới là bản sắc của mình.
Nhân sự Branding agency hiện đại cần nhanh chóng nhận thức đúng vấn đề của khách hàng, chuẩn bị cho mình thật tốt cả về kỹ năng mềm lẫn kỹ năng chuyên môn. Quan trọng hơn hết phải trau dồi và không ngừng bổ sung kho tàng trải nghiệm đời sống phong phú, thông qua các hoạt động tiếp thu kiến thức ngoài trường lớp như đọc sách, nghiên cứu tư liệu chuyên sâu, giải trí bằng một số bộ phim có liên quan đến branding agency hoặc kiến thức thương hiệu…
Hy vọng rằng bài chia sẻ lần này của Vũ đã giúp các bạn có thêm góc nhìn mới, quan điểm đúng đắn hơn trước khi trở thành nhân sự Branding agency.
Xin chân thành cảm ơn.
* Nguồn: Vũ Digital