Marketer event vgo
event vgo

Công Ty TNHH Du Lịch Sự Kiện VGO

Bạn có bị mất gì không ?

TP.HCM, ngày 24/2/2023 – Một buổi tối của Sài Gòn

Một bài viết mang tính tâm sự của tôi tới bạn. Bài viết này không hàm chứa lý thuyết hay lý lẽ để tranh luận đơn giản chỉ là “cảm xúc”. Cảm xúc và lí trí dường như là 2 con đường chạy song song với nhau, không có điểm giao nhau, khi cảm xúc lên ngôi thì lí trí sẽ không xuất hiện, ngược lại khi lí trí có mặt thì cảm xúc lại ẩn mình ở đâu đó.

Chúng ta đều đang sống trong một vòng quay của thời đại, ở nhà – ra đường – đi làm – ở nhà, điều này gợi lại cho tôi một lý thuyết trong môn triết học: Tiền – Hàng – Tiền. Tất cả đều là sự chuyển hóa, sự chuyển hóa lí trí, có công thức để trao đổi giá trị và giá trị phải được cân đo đong đếm.

Tuy nhiên, chúng ta không chỉ được bồi đắp lên bằng những con số, bằng sự tính toán, hay bằng những kế hoạch dài hạn trong 10 năm hay 20 năm. Chúng ta là những vật thể có chứa đựng “cảm xúc” và trước giờ, chưa từng có ai đưa ra một thang đo hay những quy chuẩn của cảm xúc để chúng ta mỗi khi biến đổi cảm xúc của bản thân có thể mang ngay cây thước đó ra “À, hiện tại cảm xúc của tôi đang ở mức tức giận, tôi không nên nói gì hay làm gì vào lúc này cả”.

Khi còn nhỏ, chúng ta được đi học ở trường với những môn học hàm chứa sự logic cao, những bài thi cũng được chấm dựa trên một đáp án chuẩn, nếu giống hết như đáp án thì sẽ được 10 điểm, một học sinh với 12 năm học phổ thông với 4 năm học đại học, luôn luôn được sống trong môi trường của sự “logic”, luôn luôn được đi trên con đường đúng – sai, đến khi bước ra ngoài xã hội, những cái được coi là tuyệt đối đó dường như chỉ nằm trên sách vở.

Khi lớn lên, chúng ta được học ở một ngôi trường lớn hơn, một ngôi trường có vô số lớp học, đa dạng về ngành nghề và trình độ. Chúng ta vẫn tiếp tục làm những bài thi lên cấp, nhưng khác biệt so với trước kia, đây là những bài kiểm tra không có đáp án chuẩn xác. Hay thậm chí, chúng ta biết đáp án cũng thì vẫn có thể thi trượt, bởi đơn giản đáp án của những kỳ thì này còn có phần điểm cho “cảm xúc”.

Cảm xúc xuất hiện khi chúng ta mua những tờ vé số trên đường, nó cũng xuất hiện trên những cảnh đồng lúa chín hay thậm chí ngoài biển khơi. Cảm xúc có thể bao trùm mọi không gian, từ những thứ nhỏ nhặt - một em bé cảm thấy hào hứng khi được mẹ đón về học - đến việc một nhân viên được thăng chức quản lý. Nó vừa nhỏ, vừa to, vừa tồn tại trên đất liền cũng vừa tồn tại ngoài biển khơi, nó xuất hiện một cách bất hợp lý và phi logic, chẳng tồn tại ở một dạng cụ thể nào cả.

Cảm xúc không phải là một dạng vật chất được chuyển hóa giống như tiền, sau một quá trình lại trở về hình dạng cũ, nó đơn giản chỉ là một sợi dây kết nối, giúp chúng ta cảm nhận được hiện tại, nó kết nối mọi thứ với chính bản thân chúng ta: người – cảm xúc – người; người – cảm xúc – động vật; người – cảm xúc – cây cối; người – cảm xúc – đồ vật; người – cảm xúc – thiên nhiên...

Một trong những căn bệnh về tâm lý lớn hiện nay đó chính là trầm cảm, căn bệnh khiến cho một người vốn dĩ có sự vui tươi, hòa đồng với bạn bè phải tự thu bản thân mình vào trong một góc để cắt đứt đi sự kết nối với mọi thứ xung quanh. Căn bệnh này dường như ẩn mình trong mỗi bản thân chúng ta, nó cắt đi mọi kết nối của chúng ta với cảnh vật, con người, đồ vật, động vật thiên nhiên... từng chút, từng chút một.

Sự kết nối ở đây có phải đó chính là cảm xúc?

Chúng ta bị mất tiền, mất đồ đạc trong nhà thì sẽ biết, tuy nhiên khi chúng ta đánh mất cảm xúc của bản thân, hành động hốt hoảng hay lo lắng dường như không có. Ngay cả khi chúng ta rơi vào căn bệnh trầm cảm – căn bệnh biến chúng ta trở thành một cái ly trống rỗng – chúng ta cũng không hề phát hiện ra điều đó.

Bạn đã từng muốn thu mình lại, không còn muốn làm bất cứ điều gì, không muốn nói chuyện với bất cứ ai?

Hãy dừng lại, đi chậm lại một chút để cảm nhận, nhìn nhận lại chính mình và người thân của chúng ta. Bởi đôi khi, chính những người thân trong gia đình, họ cũng đang cần một cánh tay kéo họ ra khỏi góc tối đó, nhưng chúng ta chẳng thể nào lắng nghe được những lời thỉnh cầu từ họ.

Những khoảnh khắc hào nhoáng ngoài xã hội hay những cuộc vui cùng bạn bè sẽ giúp ta có được những sợi dây kết nối – sợi dây cảm xúc nhưng nó không thể giữ chúng ta chặt mãi được, nó hình thành một cách nhanh chóng và cũng mất đi nhanh như khi xuất hiện. Nhưng ngược lại với xã hội ngoài kia, nơi mà chúng ta cần phải có được những sợ dây kết nối thật bền chặt, “gia đình” lại không nhận được sợi dây cảm xúc nào cả.

Cảm giác khi mà bản thân chúng ta bị mất đi một thứ gì đó sẽ làm ta cảm thấy hối tiếc và thất vọng trong nhiều ngày dài, một hợp đồng bị tuột mất hay một cơ hội thăng tiến trong công việc vừa vụt qua khiến bản thân tự trách... nhưng hơn tất cả, thứ thực sự làm chúng ta gục ngã là khi không còn cơ hội để hình thành nên những kết nối cảm xúc với người thân trong gia đình.

......

Đi chậm lại, nếu được hãy dừng lại để cùng nhịp bước trái tim !

Nguồn: VGO EVENT