7 phong cách thiết kế logo kinh điển

Theo khảo sát của trang web Zippia, trong tất cả các yếu tố nhận diện, logo là thứ dễ nhận biết nhất với sự đồng tình của 75% người tham gia phỏng vấn. Mặt khác, hơn 50% cho rằng họ có xu hướng ủng hộ thương hiệu mang logo mà họ nhận ra.

Con số trên cho thấy mức độ tác động của logo đối với quá trình phát triển của mọi thương hiệu. Chúng mang đến cho khách hàng nhận thức cụ thể về thương hiệu và đóng vai trò như cầu nối để hình thành những cảm xúc tích cực.

Nhìn xung quanh, ta sẽ thấy logo là một phần không thể thiếu của nền kinh tế hiện đại. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân,… ai cũng có cho riêng mình một logo. Mọi nơi có sự xuất hiện của hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, giá trị, ở đó sẽ xuất hiện các biểu tượng.

Một logo tốt sẽ không chỉ phản ánh chính xác thương hiệu, mà còn phải đảm bảo yếu tố dễ ghi nhớ và hoạt động tốt trong các bối cảnh đa dạng. Và một trong những yếu tố quan trọng khi thiết kế logo chính là phong cách. Đâu là phong cách phù hợp với thương hiệu? Chúng hoạt động như thế nào? Trong bài viết này, đội ngũ Vũ Digital sẽ gửi đến bạn đọc 7 phong cách thiết kế logo kinh điển đã và đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới.

phong cách thiết kế logo

Phong cách thiết kế logo Letterform

Phong cách thiết kế logo Letterform sử dụng một hoặc các chữ cái, thường là chữ viết tắt hoặc đứng đầu trong tên thương hiệu, để thiết kế biểu tượng đại diện. Phương pháp này tương đối phổ biến và được nhiều doanh nghiệp như IBM, CNN, HP, HBO,… áp dụng. Đây đều là những thương hiệu quen thuộc với hàng triệu khách hàng trên khắp thế giới.

Letterform phù hợp với những tên thương hiệu dài, từ 3 âm tiết trở lên. Chúng rút gọn lượng thông tin và giúp khách hàng nhận diện thương hiệu dễ dàng hơn. Chẳng hạn, IBM có tên đầy đủ là International Business Machines, HP là Hewlett-Packard, HBM là Home Box Office.

Rất khó để khách hàng ghi nhớ những cái tên dài như thế. Chưa kể đến việc đưa toàn bộ nội dung vào logo sẽ khiến biểu tượng trở nên phức tạp, chiếm nhiều không gian và không phát huy được hiệu quả. Vì vậy, Letterform là giải pháp phù hợp cho những trường hợp như trên. Ngay cả khi được sử dụng ở kích thước rất nhỏ, chúng vẫn có khả năng được nhận ra, đặc biệt nếu logo có thiết kế tối giản và không có quá nhiều chi tiết.

Phong cách thiết kế logo

Phong cách thiết kế logo Letterform

Ngoài ra, có những thương hiệu sử dụng chữ cái đầu trong tên gọi, kết hợp với các yếu tố thiết kế, cách điệu để tạo nên một biểu tượng độc đáo. Netflix là một ví dụ. Bên cạnh logo Netflix được viết đầy đủ (Wordmark), thương hiệu còn sở hữu một phiên bản khác chỉ bao gồm một chữ “N” – hình ảnh xuất hiện ở giây đầu tiên trong hầu hết các bộ phim Netflix. Logo này được thiết kế để phục vụ cho việc hiển thị trên các nền tảng di động và mạng xã hội, nơi mà logo wordmark không hoạt động tốt.

Tuy nhiên, phong cách thiết kế logo Letterform cũng có nhược điểm. Với những thương hiệu mới hay startup, chữ viết tắt sẽ khiến người dùng không thể biết tên gọi của bạn là gì. Đây là điều vô cùng nguy hiểm trong quá trình xây dựng thương hiệu, đặc biệt là giữa bối cảnh thông tin tràn ngập. Vì vậy, cần suy xét thật kỹ trước khi lựa chọn phong cách thiết kế logo Letterform.

Phong cách thiết kế logo Wordmark

Phong cách logo Wordmark là phương pháp sử dụng tên thương hiệu để làm nguyên liệu thiết kế. Wordmark phù hợp với mục đích tạo dấu ấn thị giác và khắc ghi sâu đậm trong tâm trí người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Logo wordmark hoạt động hiệu quả khi thương hiệu sở hữu một tên gọi ngắn gọn và khác biệt. Những ví dụ có thể kể đến là Coca Cola, eBay hay VISA. Tên của những thương hiệu này vốn đã hấp dẫn, dễ nhớ, vì vậy khi được kết hợp với các yếu tố đồ họa, chúng tạo nên khả năng nhận biết và ấn tượng mạnh mẽ cho người xem.

Phong cách thiết kế logo

Phong cách thiết kế logo Wordmark

Một số thương hiệu sẽ tùy chỉnh phông chữ cho logo của họ, chẳng hạn như Coca-Cola. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi thời gian và kỹ năng của một nhà thiết kế chuyên nghiệp. Cách làm đơn giản hơn là bạn có thể chọn một phông chữ logo phản ánh được bản sắc của thương hiệu. Ví dụ, những tập đoàn công nghệ thường sẽ sử dụng phông chữ sans serif tối giản, trong khi các thương hiệu thời trang có thể yêu cầu kiểu chữ phức tạp hơn.

Cả hai phong cách thiết kế logo Letterform và Wordmark đều dễ dàng ứng dụng và hiển thị trên nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm cả kỹ thuật số lẫn in ấn. Do đó, chúng sẽ là những lựa chọn phù hợp cho những thương hiệu ưa chuộng sự đơn giản và linh hoạt.

Phong cách thiết kế logo Pictorial Mark

Phong cách thiết kế logo Pictorial Mark, hoặc brand mark, là những hình ảnh được lấy cảm hứng từ biểu tượng gắn liền với tên tuổi và chiều dài lịch sử thương hiệu. Đây có lẽ là liên tưởng khi chúng ta hỏi ai đó định nghĩa của họ về “thiết kế logo”: trái táo của Apple, chú chim xanh của Twitter hay vỏ sò của Shell. Chúng đều là Pictorial Mark.

Ưu thế lớn nhất mà Pictorial Mark mang lại là khả năng linh hoạt, tùy biến theo thời gian, nhưng nó không hề kéo giảm mức độ nhận diện thương hiệu. Pictorial Mark mang tính biểu tượng cao và vì vậy, nó có thể là yếu tố tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu. Có những cái tên thậm chí không cần đến những lời giới thiệu dài dòng, chỉ cần một biểu tượng thôi là đã đủ để người xem lập tức nhớ đến họ.

Phong cách thiết kế logo

Phong cách thiết kế logo Pictorial Mark

Yếu tố quan trọng nhất cần cân nhắc khi ứng dụng phong cách thiết kế logo Pictorial Mark là lựa chọn hình ảnh đại diện, vì đây là thứ sẽ gắn bó xuyên suốt và chặt chẽ với thương hiệu. Bạn có muốn nó đại diện theo nghĩa đen giống như Apple (Quả táo). Hoặc biểu tượng cũng có thể được sử dụng để đề xuất các giá trị hoặc thông điệp thương hiệu. Ví dụ như cách chú chim của Twitter hướng lên trên, mang ý nghĩa đại diện cho hy vọng và sự tự do.

Ngoài ra, với những doanh nghiệp mới và chưa có nhiều tên tuổi trên thị trường, chúng ta cần có kế hoạch đầu tư cho hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu nhằm tạo ra tính nhận diện cho biểu tượng. Mục tiêu cuối cùng, như đã chia sẻ, là khiến khách hàng liên tưởng đến thương hiệu chỉ bằng logo.

Bên cạnh đó, một tiêu chí để đánh giá logo là đảm bảo rằng thiết kế sẽ trường tồn với thời gian. Mặc dù sẽ rất hấp dẫn khi sáng tạo một biểu tượng hình ảnh hợp thời trang, nhưng chắc chắn chúng ta không muốn phải tạo một biểu tượng mới vào tháng sau để theo kịp những xu hướng mới.

Phong cách thiết kế logo Abstract

Phong cách thiết kế logo Abstract là phương pháp sử dụng hình ảnh trừu tượng để thể hiện thương hiệu một cách cô đọng, khác biệt. Thay vì một ý nghĩa cụ thể, dễ hiểu như quả táo hay vỏ sò, logo Abstract sẽ bao hàm những hình ảnh mang tính bao quát, nó cho phép chúng ta tạo ra những thứ độc đáo nhất có thể.

Nếu bạn chọn phong cách thiết kế logo này, trước tiên hãy xác định giá trị cốt lõi của thương hiệu. Thể hiện logo bằng các dạng hình học đơn giản sẽ gợi lên những cảm xúc và thông điệp phù hợp. Ví dụ, ngoài việc trông giống chữ ‘A’, logo của Airbnb còn gợi nhớ đến icon ‘địa điểm’ quen thuộc, đồng thời trông giống một hình trái tim đảo ngược.

Phong cách thiết kế logo

Phong cách thiết kế logo Abstract

Phong cách thiết kế logo Abstract hiện được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi. Chúng có khả năng cô đọng hình ảnh thương hiệu trong một biểu tượng cụ thể. Tuy nhiên, như đã chia sẻ, cần đảm bảo thương hiệu hiểu rõ những gì mình muốn truyền tải đến người xem. Logo Abstract cũng là một lựa chọn phù hợp cho những thương hiệu toàn cầu, vốn phải xuất hiện dưới nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Phong cách thiết kế logo Mascot

Phong cách thiết kế logo Mascot là hình ảnh những nhân vật được minh họa bằng ngôn ngữ thiết kế. Chúng có thể là bất cứ thứ gì, từ sinh vật hư cấu đến người thật, miễn là chúng phản ánh bản sắc của thương hiệu.

Không giống như những phong cách còn lại, khách hàng có xu hướng hình thành cảm xúc với Mascot ngay trong những lần tiếp xúc đầu tiên. Mascot cũng không cần đến ngôn từ để diễn đạt ý nghĩa, câu chuyện như tagline hay thông điệp truyền thông. Logo Mascot giúp thương hiệu gia tăng mức độ nhận diện và khả năng kết nối với khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ em hoặc gia đình.

Những linh vật nổi tiếng có thể kể đến là đại tá Colonel Sanders của KFC, chú thỏ đen của tạp chí Playboy hay chú khỉ tinh nghịch của Mailchimp. Nếu linh vật được thiết kế tốt và tạo được sự yêu thích, thương hiệu sẽ có được lợi thế to lớn khi đặt cạnh những đối thủ khác.

Phong cách thiết kế logo

Phong cách thiết kế logo Mascot

Dù phong cách thiết kế logo Mascot linh hoạt và phù hợp với nhiều ngành kinh doanh, chúng ta vẫn cần phải cẩn thận khi lựa chọn linh vật làm hình ảnh đại diện cho thương hiệu. Đặc biệt nếu sản phẩm của bạn có ảnh hưởng hoặc tác động đến ngoại hình của khách hàng, Mascot không phải là chiến lược phù hợp. Những ngành hàng này có thể thể là mỹ phẩm, thời trang, trang sức,…

Ngoài ra, mascot cũng không phải lựa chọn phù hợp nếu thương hiệu có định hướng mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác trong tương lai. Một thương hiệu Pizza có thể sử dụng hình ảnh miếng bánh Pizza trong logo của mình, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bắt đầu bán bánh mì kẹp thịt, hamburger hay gà rán?

Phong cách thiết kế logo Emblem

Phong cách thiết kế logo Emblem gợi nhớ đến các huy hiệu. Chúng kết hợp văn bản và hình ảnh tượng trưng để tạo thành những thiết kế được trang trí công phu, mang lại cảm giác truyền thống.

Nếu bạn đang cân nhắc liệu logo Emblem có phù hợp với thương hiệu của mình hay không, hãy nghĩ về lĩnh vực mà bạn đang kinh doanh. Mặc dù không có quy tắc cụ thể nào, nhưng phong cách thiết kế logo này đặc biệt phổ biến trong những trường đại học, đội thể thao và thương hiệu cà phê (nhờ sự nổi tiếng của Starbucks).

Phong cách thiết kế logo

Phong cách thiết kế logo Emblem

Phong cách thiết kế logo Emblem cung cấp cho thương hiệu không gian cần thiết để thêm slogan hoặc tagline. Khi lựa chọn logo huy hiệu, chúng ta cần lưu ý rằng vì các chi tiết phức tạp của chúng, phương pháp logo này có thể kém linh hoạt và không phải lúc nào cũng hoạt động tốt ở quy mô nhỏ. Trong những trường hợp như thể, thương hiệu có thể lựa chọn những giải pháp thay thế đơn giản hơn.

Phong cách thiết kế logo kết hợp

Phong cách thiết kế logo kết hợp là sự phối hợp giữa một chữ cái, ký tự và một hình ảnh (biểu tượng, trừu tượng hoặc hình ảnh linh vật). Hình và chữ có thể được đặt cạnh nhau, hoặc theo thứ tự trên dưới, để tạo ra một thiết kế hoàn chỉnh. Logo của những thương hiệu như Amazon, Burger King và Disney,… là ví dụ điển hình của kiểu thiết kế này.

Mặt khác, một số thương hiệu sở hữu logo chính dưới dạng hình ảnh và chữ kết hợp, nhưng đôi khi sẽ tách riêng hai thành phần để phù hợp hơn với các ngữ cảnh khác nhau. Chẳng hạn, Lacoste sử dụng biểu tượng kết hợp trên trang web chính thức, trong khi hầu hết các sản phẩm của thương hiệu chỉ có hình con cá sấu màu xanh lá cây – hình ảnh rất được yêu thích và dễ nhận biết của hãng.

Phong cách thiết kế logo

Phong cách thiết kế logo kết hợp

Đối với startup, logo kết hợp có thể là điểm khởi đầu phù hợp. Việc hỗ trợ văn bản bằng biểu tượng và các yếu tố đồ họa khác giúp bạn xây dựng sự nhận biết thương hiệu. Theo thời gian, bạn sẽ có quyền lựa chọn sử dụng văn bản hoặc biểu tượng mà vẫn có thể giúp khách hàng nhận dạng được thương hiệu.

Lời kết

Cho dù bạn lựa chọn phong cách nào, logo cũng cần phải được thiết kế chỉn chu, thể hiện bản sắc thương hiệu và đảm bảo các tiêu chí về sự hiệu quả. Logo không chỉ nâng tầm thương hiệu mà còn là cầu nối giúp xây dựng nhận thức thương hiệu trong tâm trí khách hàng.

Xin chân thành cảm ơn,

*Nguồn: Vũ Digital