Sinh nhật thứ 16: Tuổi dậy thì và hành trình nổi loạn của Netflix
Netflix gắn liền với kỷ nguyên mới nơi khán giả không cần đến rạp chiếu phim mà vẫn có thể thưởng thức các tác phẩm yêu thích với chất lượng cao.
Ngày 16/1/2023 đánh dấu cột mốc 16 năm Netflix ra mắt nền tảng streaming. Trước khi trở thành một trong những “tay chơi khét tiếng” của ngành streaming, ít ai biết Netflix có khởi đầu là cửa hàng cho thuê DVD qua đường bưu điện.
Quay ngược về cuối những năm 90, dù sinh sau đẻ muộn nhưng Netflix đã nhanh chóng thách thức “vị thế” của Blockbuster - kẻ mạnh ngành thuê băng đĩa tại Mỹ. Không chỉ vậy, lúc bấy giờ, Netflix còn được mệnh danh là “kẻ phá bĩnh” (disruptor) giới giải trí nhờ vào hệ thống logistics của hãng.
Ví dụ nếu bạn thuê đĩa từ Blockbuster, bạn thường trả tiền cho mỗi lần thuê. Đó là chưa kể nếu chậm trả theo hạn, bạn sẽ bị phạt một khoản phí. Trong khi đó, Netflix ra mắt website cho thuê DVD với đề nghị trả tiền theo một khoảng thời gian nhất định để có thể sử dụng dịch vụ.
Bước đi này của Netflix đã tạo nên nhiều sự tiện lợi cho khách hàng, giảm thiểu hoàn toàn các khoản phí phát sinh, đồng thời quy trình quản lý và vận hành của doanh nghiệp cũng được tinh gọn hơn. Công thức bí mật của Netflix đã khiến ông lớn Blockbuster bắt đầu nâng cao cảnh giác.
Năm 1999, Netflix công bố gói thành viên, cung cấp cho các khách hàng quyền thuê DVD không giới hạn như không có thời hạn, phí trả trễ hay giới hạn số lượng thuê hằng tháng…
Năm 2000, Netflix tung ra hệ thống đề xuất phim được cá nhân hoá. Hệ thống này sử dụng đánh giá của thành viên cho các tựa phim trước đó để tối ưu dự đoán lựa chọn trong tương lai.
Năm 2005, Netflix ra mắt tính năng Hồ sơ, cho phép thành viên tạo các danh sách khác nhau cho những người dùng và/ hoặc tâm trạng khác nhau.
Đến năm 2007, Netflix chính thức công bố dịch vụ streaming.
Vào “thời hoàng kim” của dịch vụ thuê băng đĩa, việc phát triển nền tảng streaming còn gặp nhiều hạn chế, điển hình là kết nối Internet kém hay sự quen thuộc của người dùng với những phương tiện truyền thông vật lý… Lúc bấy giờ, nền tảng streaming của Netflix chỉ có sẵn 1.000 bộ phim và chương trình truyền hình; trong khi số lượng tựa DVD các phim đã lên đến hơn 70.000.
Khi đọc lại bài báo “Netflix to deliver movies to PC” được đăng tải trên New York Times vào ngày Netflix ra mắt dịch vụ streaming, có thể thấy khái niệm xem phim mà không cần đầu đọc DVD hay tải xuống và lưu trữ vào ổ cứng… khiến nhiều người lạ lẫm:
Netflix is introducing a service to deliver movies and television shows directly to users’ PCs, not as downloads but as streaming video, which is not retained in computer memory.
Hãng đã nhanh chóng bắt tay với các ông lớn trong ngành phát hành phim tại Hollywood như Warner Bros, Universal Pictures hay 20th Century Fox nhằm cung cấp các tựa phim nhanh nhất có thể cho người dùng trực tuyến đã đăng ký. Điều này giúp gia tăng kho nội dung độc quyền và trở thành lợi thế khó có thể cạnh tranh trong bối cảnh hàng loạt các dịch vụ tương tự bắt đầu rục rịch ra mắt.
Netflix còn có nhiều nước đi táo bạo trên hành trình thu hút người dùng đăng ký mới, phá vỡ nhiều khuôn mẫu của ngành công nghiệp điện ảnh. Có thể kể đến như việc tăng cường hợp tác với các chính phủ, các đơn vị làm phim độc lập nhằm bản địa hóa cũng như tạo cơ hội cho các nền điện ảnh nhỏ tiếp cận với phần còn lại của thế giới. Hay hãng cũng tiến hành tự sản xuất các tác phẩm điện ảnh và truyền hình nhằm né tránh sự lệ thuộc vào các nhà phát hành phim truyền thống.
Netflix đã đạt cột mốc hơn 220 triệu người vào tháng 6/2022 và hiện vẫn là nền tảng phát trực tuyến dẫn đầu thế giới về số lượng thuê bao trả phí hàng tháng.
Liệu trong tương lai, Netflix sẽ còn giữ tinh thần của “kẻ phá bĩnh” và lần nữa gây ấn tượng cho ngành công nghiệp điện ảnh nói chung và streaming nói riêng?
* Nguồn: The Verge