Marketer Lâm Hồng Lan
Lâm Hồng Lan

Giảng viên chuyên ngành Truyền thông và Fashion Marketing @ RMIT University Vietnam

Fashion Marketing #25: ChatGPT ảnh hưởng đến ngành thời trang như thế nào?

Fashion Marketing #25: ChatGPT ảnh hưởng đến ngành thời trang như thế nào?

ChatGPT(*) là một bước đột phá trong kỷ nguyên AI. Các chuyên gia thời trang và Web3 đang từng bước dùng công cụ tiềm năng này vào lĩnh vực marketing như miêu tả sản phẩm, tương tác với khách hàng và kể câu chuyện thương hiệu.

Nội dung bài viết được đăng lần đầu tại blog Lamhonglan.

Trong bài viết này, tôi lược lịch bài đăng trên Vogue Business ngày 7/2/2023 về những điểm “được – mất” của ChatGPT, một công cụ AI đang được nhắc đến rất nhiều trên mạng xã hội, để các thương hiệu thời trang tại thị trường Việt Nam có thể cân nhắc thử nghiệm.

Fashion Marketing #25: ChatGPT ảnh hưởng đến ngành thời trang như thế nào?

Váy dạ hội của Tribute Brand.
Nguồn: Vogue Business

Thương hiệu thời trang ảo Tribute Brand, được biết đến với mẫu thiết kế váy dạ hội màu ánh bạc nổi bật, cùng chiếc nơ ngoại cỡ bồng bềnh, đã sử dụng ChatGPT trong chiến dịch marketing của mình khi miêu tả câu chuyện đại sứ thương hiệu ảo và lịch sử của chiếc váy cô ấy đang mặc.  

ChatGPT, tương tự như những công cụ AI, có thể giúp miêu tả sản phẩm một cách lạ lẫm hơn. Điều này tạo ra sự thay đổi trong công nghệ và văn hóa người tiêu dùng, như cách iPhone đã từng thay đổi cách người tiêu dùng sử dụng điện thoại di động. Thương hiệu chỉ cần cho một vài gợi ý cơ bản về sản phẩm và chọn mẫu giọng văn, chẳng hạn “khôi hài” hay “tinh tế”, từ đó ChatGPT có thể cho ra phần miêu tả sản phẩm như mong muốn.

Dù mang lại nhiều lợi ích mang tính đột phá, ChatGPT cũng không phải là hoàn hảo vì đòi hỏi người sử dụng phải khéo léo lựa chọn và điều chỉnh cho phù hợp. Khi hãng tin chuyên về công nghệ CNET dùng công cụ này để viết bài, các biên tập viên của hãng phải sửa khá nhiều lỗi về thông tin.

Hơn nữa, ChatGPT thường dùng những câu từ đơn giản, đôi khi sáo rỗng và bị lập lại. Đây là điều mà các biên tập viên dày dạn kinh nghiệm luôn tránh. ChatGPT cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm và chỉ được sử dụng trên dữ liệu năm 2021 nên một số thông tin có thể chưa được cập nhật. Phát ngôn viên của OpenAI, công ty chế tạo ra công cụ này, cũng khuyến cáo các thương hiệu thời trang nên thận trọng khi sử dụng vì chưa có bằng chứng thành công cụ thể nào được ghi nhận.

Tuy nhiên công cụ này được kỳ vọng sẽ gia tăng cả về sự quan tâm của công chúng lẫn việc sử dụng trong tương lai gần. Công ty tư vấn Journey chuyên về metaverse đã nhận rất nhiều lời đề nghị về việc hướng dẫn sử dụng ChatGPT trong vài tháng gần đây. Đơn giản là vì công cụ này rất dễ tiếp cận và dễ sử dụng so với những khái niệm công nghệ khác như NFT hoặc Web3, nên nhiều người tiêu dùng tò mò muốn thử. Công ty mẹ của ChatGPT sẽ tung gói cước chuyên nghiệp với giá 20 USD/tháng trong thời gian tới, sau khi cải tiến dung lượng để phù hợp với nhu cầu đang ngày càng gia tăng.

Fashion Marketing #25: ChatGPT ảnh hưởng đến ngành thời trang như thế nào?

ChatGPT đang được sử dụng miễn phí tại một số nước trên thế giới.
Nguồn: Nicolas Maeterlinck / Getty Images

Những gã khổng lồ công nghệ cũng bắt tay vào cuộc chơi đầy thú vị này. CEO Mark Zuckerberg của Meta tuyên bố công ty muốn trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực AI. Microsoft mới đây cũng cho biết công ty sẽ đầu tư 10 tỉ USD vào công ty mẹ của ChatGPT. Google sắp tới cũng cho ra công cụ AI tương tự, với tên gọi Bard.

Fashion Marketing #25: ChatGPT ảnh hưởng đến ngành thời trang như thế nào?

Biểu đồ cho thấy mức độ tìm kiếm ChatGPT trên toàn cầu vượt xa những công cụ AI khác từ tháng 12/2022.

Không chỉ đơn thuần là viết quảng cáo

Ứng dụng AI đã được sử dụng từ lâu trong việc viết nội dung, tìm kiếm hình ảnh và trả lời câu hỏi của khách hàng. Nhưng ChatGPT được xem như một công cụ tinh tế hơn, dễ sử dụng hơn. Và trong tương lai, các thương hiệu có thể dùng công cụ này không chỉ cho việc chăm sóc khách hàng như cung cấp dịch vụ hỗ trợ 24/7, trả lời thắc mắc của khách hàng với tốc độ nhanh chóng và chính xác; mà còn cho cả những hoạt động như miêu tả sản phẩm, viết quảng cáo cho các hoạt động marketing.

Ở thời điểm hiện tại, ChatGPT có thể được dùng để tối ưu hóa trong sáng tạo, đặc biệt là trong các chiến dịch marketing của những trang thương mại điện tử nhằm tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Ví dụ, thương hiệu muốn gợi ý ChatGPT viết một đoạn văn mang tính tương tác cao, nhấn mạnh vào lợi ích của chiếc váy làm bằng vải cotton organic, thương hiệu có thể hỏi những gợi ý từ khóa liên quan. Hay người bán hàng có thể dùng công cụ này để cá nhân hóa phần viết sản phẩm, giúp tạo sự khác biệt so với phần miêu tả gốc với hy vọng sẽ được công cụ tìm kiếm của Google ưu tiên chọn.

Fashion Marketing #25: ChatGPT ảnh hưởng đến ngành thời trang như thế nào?

Thương hiệu Tribute Brand sử dụng công cụ AI Midjourney để nâng cao chất lượng nhân vật ảo trong thiết kế mới nhất (hình trái). Và hình ảnh thương hiệu sử dụng trong chiến dịch truyền thông (bên phải).
Nguồn: Tribute Brand

Nhưng giới hạn của AI vẫn còn đó

Các chuyên gia cho rằng tuy những nội dung được tạo ra từ AI đòi hỏi sự can thiệp của con người, AI lại không bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc của con người. Những cảm xúc của con người, đặc biệt là nỗi buồn, đôi khi là chất xúc tác cho những tác phẩm để đời. Nhưng AI nào biết buồn bao giờ? Như vậy có nghĩa là sẽ không có những tác phẩm để đời từ AI?

Với những nhận xét kiểu “tôi chỉ cần 15 phút dùng ChatGPT để tạo ra website 20 trang với nội dung độc lạ”, các chuyên gia cho rằng kiểu đi đường tắt này sẽ không tồn tại lâu. Có thể quá vội vàng khi kết luận rằng nghề marketing sẽ bị thay thế bởi AI. Nhận xét phản ánh đúng nhất trong thời điểm hiện tại là marketing sẽ được thay thế bởi những người có thể sử dụng công cụ AI.

Thương hiệu thời trang Việt nên làm tốt việc xây dựng thương hiệu, thay vì dùng ChatGPT như là một trào lưu.      

Cơ hội cho thị trường Việt Nam

ChatGPT được nói đến rất nhiều trên mạng xã hội Việt Nam trong vài tháng gần đây. Tuy những lợi ích của nó là không thể phủ nhận, nhưng cũng như những công cụ AI khác, ChatGPT đòi hỏi những người làm thương hiệu nắm rõ những điểm cơ bản về thương hiệu như đặc tính thương hiệu, giá trị thương hiệu, định vị thương hiệu… trước khi có thể gợi ý những từ ngữ, hình ảnh liên quan.

Những điều này, theo đánh giá cá nhân của tôi, có khá nhiều thương hiệu thời trang Việt chưa làm tốt. Công cụ chỉ là phương tiện, còn cốt lõi thương hiệu là gì vẫn phải đến từ chủ thương hiệu hay đội ngũ marketing của họ. Cho nên, trước khi có thể tận dụng được ưu điểm của ChatGPT, các thương hiệu thời trang Việt nên làm tốt việc xây dựng thương hiệu, thay vì dùng ChatGPT như là một trào lưu.      

(*) ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển. Điểm đặc biệt của AI này nằm ở “kho” kiến thức mà ChatGPT đã học được. ChatGPT có thể trả lời lưu loát các câu hỏi mà bạn đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực gì. ChatGPT còn có thể làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế… (Nguồn: Internet).

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

* Nguồn: Blog lamhonglan