Khủng hoảng truyền thông phần 1
Trong thời đại công nghệ 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông là điều kiện thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp quảng bá hình ảnh và truyền tải thông tin của mình một cách nhanh chóng. Tuy nhiên đây cũng chính là con dao 2 lưỡi gây ra các vụ khủng hoảng truyền thông khiến các cá nhân, doanh nghiệp không trở tay kịp.
Khủng hoảng truyền thông là cụm từ khá quen thuộc trong ngành Truyền thông – Marketing, hiểu đơn giản khủng hoảng truyền thông là cụm từ chỉ sự việc, sự kiện diễn ra một cách bất ngờ và nằm ngoài tầm kiểm soát của cá nhân, doanh nghiệp. Khi khủng hoảng truyền thông bùng nổ, sẽ khiến cá nhân, doanh nghiệp đối mặt với nhiều bất lợi và tổn thất về cả danh tiếng và doanh thu.
Khủng hoảng truyền thông xuất phát từ nhiều nguyên nhân và diễn ra dưới nhiều hình thức như:
Xung đột lợi ích: đây là mẫu thuẫn về mặt lợi ích của một nhóm người với các tổ chức, doanh nghiệp. Điều này dẫn đến những hành động chống phá nhằm đem lại lợi ích cho mình như tẩy chay nhãn hàng, sản phẩm,...
Cạnh tranh không công bằng: các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các hoạt động tiêu cực nhằm hạ thấp sản phẩm và hình ảnh thương hiệu đối thủ.
Khủng hoảng liên đới: khi những đối tác của doanh nghiệp gặp vấn đề xấu thì cộng đồng sẽ nhận định doanh nghiệp đó cũng sẽ mắc vấn đề tương tự.
Khủng hoảng tự sinh: xảy ra khi doanh nghiệp tự tạo ra vấn đề tiêu cực hay mắc sai lầm trong sản xuất sản phẩm và các hoạt động truyền thông.
“Một con sâu làm rầu nồi canh”: khi cá nhân thuộc một doanh nghiệp có hành động không đúng sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh, danh tiếng của doanh nghiệp, khiến khách hàng quay lưng với doanh nghiệp đó.
Khủng hoảng chồng khủng hoảng: khi cá nhân, doanh nghiệp xử lý khủng hoảng không khôn khéo khiến cộng đồng phản ứng với thái độ gay gắt.
Nguồn: Big E Co.