Reconsider – Suy nghĩ lại về định nghĩa “thành công” của một startup
Dường như, khái niệm “startup” giờ đây đã bị thu hẹp lại, và trở thành “thống trị cả một thị trường”. Startup bị ám ảnh với việc phải trở thành “kỳ lân” – điều đồng nghĩa với “thành công” trong từ điển của họ. Cả một thế hệ làm việc với (và cho) Internet bỗng nhiên đều khát khao được trở thành sinh vật truyền thuyết có sừng đó.
Bài viết là quan điểm của ông David Heinemeier Hansson – Creator tại Ruby on Rails, Founder & CTO của Basecamp – về định nghĩa “thành công” của một startup.
Nhiều năm về trước, tôi có tham gia đồng sáng lập một startup tên là Basecamp – một công cụ thu phí hàng tháng giúp mọi người có thể hợp tác với nhau một cách đơn giản. Basecamp đã có tác động tích cực lên cách làm việc của người sử dụng, giúp họ có thể quản lí dự án tốt hơn với hệ thống nhắn tin, chia sẻ file và task. Công ty của chúng tôi cũng được hưởng lợi khi có thể sử dụng sản phẩm của chính mình để cải thiện chất lượng công việc cũng như kết nối tốt hơn với các nhân viên.
Đó là Basecamp. Không bị gián đoạn bởi bất kì thứ gì, nhưng cũng không thể trở thành một công ty “tỉ đô”, càng không bao giờ là một startup kỳ lân. Tệ hơn nữa: Sau ngần ấy năm, vẫn chưa đầy 50 người làm việc tại Basecamp. Và chúng tôi còn chẳng có lấy một chi nhánh văn phòng ở San Francisco!
Tôi biết bạn đang nghĩ gì. Chán nản, phải không?
Có thể bạn đang mong đợi bài viết này sẽ kể về những startup thành công, hoặc ít nhất là đã nhận hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư, hay đang có một khát khao thay đổi thế giới. Vậy, điều gì đã khiến các nhân viên của Basecamp dành hơn một thập kỉ vất vả tại một nơi không có bất kì tham vọng “ăn trọn thế giới” nào?
Tôi ở đây để nhắc bạn rằng, có thể, chỉ là có thể thôi, bạn đang hơi vội vàng trong việc phải “trở thành một thứ gì đó vĩ đại” của thế giới hiện tại. Nếu điều này vẫn đang xâm chiếm tâm trí bạn, nó có thể tạo nên một hiệu ứng ngược – hay có thể là một liều thuốc độc với những ai vẫn còn đang đam mê khởi nghiệp.
Một phần của vấn đề là hiện nay, gần như không một startup nào đơn thuần muốn tạo sự đột phá – “put a dent in the universe” cả. Thay vào đó, họ muốn tất cả, muốn cả “universe”. Không chỉ có mặt trên thị trường, họ còn muốn chiếm lĩnh nó. Không chỉ phục vụ khách hàng, họ còn muốn phải giữ chân họ.
Trên thực tế, ngày nay, những người làm startup luôn ca ngợi về hiệu ứng mạng lưới (Network Effect) và việc dám trì hoãn thương mại hóa cho đến khi làm được một điều gì đó mà cả thế giới phải ngước nhìn.
Dường như, khái niệm “startup” giờ đây đã bị thu hẹp lại, và trở thành “thống trị cả một thị trường”. Startup bị ám ảnh với việc phải trở thành “kỳ lân” – điều đồng nghĩa với “thành công” trong từ điển của họ. Cả một thế hệ làm việc với (và cho) Internet bỗng nhiên đều khát khao được trở thành sinh vật truyền thuyết có sừng đó.
Nhưng ai có thể đổ lỗi cho họ? Nhất là khi những lý tưởng tưởng như chỉ có trong truyện cổ tích này đang ngày càng được củng cố.
Hãy bắt đầu từ điểm mấu chốt: Những người thực hiện nhiều cuộc đầu tư nhỏ cho các startup kỳ lân, thường tự xưng danh là “Nhà đầu tư thiên thần”. Họ đã tự đặt cho mình một biệt danh, tương đương với một kiểu nhân vật trong các truyện ngụ ngôn trong tôn giáo, trong khi ở đó, người có tiền luôn bị đánh bại và chắc chắn không bao giờ có cơ hội lên thiên đường. Giống như trong Kinh Thánh có câu: “Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu đến với Chúa”.
Thiên thần chỉ là cấp độ đầu tiên trong “bộ ba thần thánh” (Holy Trinity) của tài chính startup. Tiếp tục theo con đường khai này, bạn sẽ nhanh chóng được tiếp xúc với những nhà đầu tư mạo hiểm, khôn ngoan. Và cuối cùng, nếu chiếc gậy (Hockey Stick) của bạn đủ mạnh, bạn sẽ được thử sức trước mặt các chủ ngân hàng đầu tư, những người sẽ cân nhắc sự tỏa sáng của bạn, cho đến khi hết thời hạn cấm mua cổ phiếu nội bộ.
Và đoán xem họ gọi vòng cuối cùng này là gì? Một sự kiện thanh khoản (a liquidity event). Như một buổi lễ kết nạp để gia nhập Thiên Đàng. Tinh tế, phải không?
Và sau đó, khi bạn đã vượt qua, bạn sẽ được tái sinh thành một “thiên thần”, như đã nói ở trên, và vòng tròn thần thánh coi như đã được hoàn thành.
Bạn có thể thắc mắc, rốt cuộc, tôi quan tâm điều gì?
Tôi cho rằng mình có thể vượt qua mọi trở ngại của một “kỳ lân” và xuất hiện với chiếc sừng đặc biệt. Ai quan tâm về mấy từ vựng của dân tài chính? Chỉ cần họ cho tôi xem tiền, tôi gọi họ là “Big Dollar Daddy” cũng được, nếu họ muốn. Có gì đâu?
Trước tiên, hãy lấy thật nhiều tiền từ “nhà đầu tư thiên thần” của bạn cho công cuộc chạy đua trở thành kỳ lân. Sau đó, bạn lấy chút tiền ít ỏi từ các VC (Venture Capital – Quỹ đầu tư mạo hiểm) để tạo danh tiếng và thổi phồng thêm mức độ tăng trưởng của mình. Và cuối cùng, chọn cho mình một ngân hàng đầu tư, hay một công ty công nghệ kếch xù, quyết định nằm ở bạn.
Và khi cuộc hành trình càng kéo dài, các startup sẽ tích lũy được nhiều ông chủ hơn. Nhiều người sẽ bên cạnh và “hướng dẫn” bạn cách để vắt kiệt công dụng của những con số cho sự nghiệp. Nhưng tất nhiên, khi bạn đã lấy tiền, nó sẽ trở thành một món nợ, và đi kèm vài thứ phiền phức mà không ai mong muốn.
Bây giờ, nếu bạn muốn trở thành một Uber-trị-giá-50-tỷ-USD trong 5 năm tới, tôi cho rằng điều này vẫn khả thi ở một mức độ nào đó. Nhưng hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ lại (reconsider) những điều bạn thực sự muốn. Hay chính xác hơn, liệu bạn có thực sự muốn mọi thứ sẽ thành công như một phép màu, với tỉ lệ xảy ra vô cùng thấp?
Đừng vội chấp nhận một định nghĩa về “thành công” chỉ vì đó là điều mà mọi người đang cổ vũ vào lúc này. Lúc đầu, định nghĩa này có vẻ hào nhoáng và quyến rũ, nhưng bạn sẽ không cần quá nhiều thời gian để thấy sự mục ruỗng bên trong nó.
Hãy lùi lại một bước và xem khái niệm “thành công” thiển cận đến mức nào.
Đầu tiên, suy ngẫm về câu hỏi: Tại sao bạn lại ở đây?
“Hãy cùng đến với các công ty lớn nhất thế giới và các startup thú vị nhất: Không chỉ các startup, những chuyên viên cấp cao từ các công ty hàng đầu thế giới cũng sẽ có mặt để cập nhật xu hướng và gặp gỡ những nhân tố đột phá trong lĩnh vực của họ” – Trích lời mời từ một Hội nghị Thượng đỉnh.
Có lẽ, bạn muốn “các công ty lớn nhất thế giới và các startup thú vị nhất” mà họ đề cập ở đây chính là startup của bạn.
Nói cách khác, bạn muốn được thử cảm giác trở thành startup kỳ lân.
Quay lại với câu hỏi “Tại sao bạn lại ở đây?”, hãy đơn giản hóa nó theo nghĩa đen. Tại sao bạn ở đang ở Dublin, Ireland, Liên minh châu Âu trong khi cách nhanh nhất để gia nhập hội Startup Unicorn là chuyển tới San Francisco sang trọng, nơi giá thuê chỉ tầm 4.000 USD/tháng?
Vậy rốt cuộc tại sao bạn lại ở đây và làm startup? Hy vọng rằng không phải ai cũng chạy theo mấy phép màu đầy hào nhoáng. Để khám phá về những động lực đằng sau những startup, tôi xin phép chia sẻ về những lí do khiến tôi bắt đầu Basecamp.
Đừng vội chấp nhận một định nghĩa về “thành công” chỉ vì đó là điều mà mọi người đang cổ vũ vào lúc này.
Tôi muốn làm việc độc lập, tự đi bằng chính đôi chân của mình
Tôi cảm giác như mình sinh ra để làm điều đó vậy. Còn việc mấy anh chàng mặc vest nghĩ gì thì tôi mặc kệ.
Bây giờ, người ta vẫn luôn ca ngợi và tự hào về sự độc lập với thế giới bên ngoài, trong khi bản thân thì chịu áp lực trước mỗi lần họp hội đồng: “Này, sao không tăng trưởng nhanh nữa lên?”.
Thường thì mỗi khi tính “independence” mà bạn yêu quý biến mất, các ông chủ lắm tiền sẽ quyết định phần còn lại của toàn bộ hành trình. Mà khi mọi thứ đã vào guồng, nó sẽ chỉ dừng lại khi hỏng hóc một thứ gì đó, thế thôi.
Tôi muốn tạo một sản phẩm có thể bán trực tiếp đến những người dùng thực sự quan tâm nó
Điều đó sẽ tạo ra mối liên kết giữa những động lực về tài chính và chất lượng dịch vụ đối với khách hàng.
Đó là một việc hoàn toàn khác với việc bạn chỉ cố gắng tỏ ra hào nhoáng và bán sự chú ý và quyền riêng tư của khách hàng cho những người trả giá cao nhất.
Để tôi nhắc lại một câu cũ mèm: Hãy làm mọi thứ một cách đơn giản và trung thực. Tôi tạo ra một sản phẩm chất lượng và khách hàng trả tiền để mua nó. Nó thực sự đơn giản đến mức thằng bé ba tuổi nhà tôi cũng hiểu được.
Mấy chiến dịch quảng bá rầm rộ như cách mọi người đang làm bây giờ? Không cần thiết đâu!
Tôi muốn tạo dựng những mối quan hệ lâu dài từ gốc rễ: Với đồng nghiệp, với khách hàng và với sản phẩm
Những đối tác lâu năm chính là những mối quan hệ làm việc mà tôi cảm thấy hài lòng nhất sau gần 2 thập kỷ kinh doanh trên Internet. Có những khách hàng đã trả tiền cho Basecamp trong hơn 11 năm. Đơn cử là Jason Fried, người đã làm việc với chúng tôi từ khi mới 14 tuổi, và hơn một thập kỷ đã trôi qua!
Những mối quan hệ công việc bây giờ trông rất tạm bợ, rất “qua đường”. Nhảy việc càng nhiều càng tốt, thật vậy sao? Cá nhân tôi không thể chấp nhận việc đó, nó không hề hợp lý tí nào cả.
Tôi muốn có được một tỷ lệ tốt nhất khi đã đạt được mức ổn định tài chính
Theo kinh tế học trừu tượng, 30% cơ hội kiếm được 3 triệu USD cũng tốt như 3% cơ hội kiếm được 30 triệu USD hay 0,3% cơ hội kiếm được 300 triệu USD. Nhưng nếu phải đưa ra lựa chọn, bạn sẽ chọn cơ hội nào?
Chọn 30% hay 0,3% sẽ đem lại hai chiến lược hoàn toàn đối lập nhau. Mà bạn biết rồi đó, thứ Hai là để đi làm, không phải để mơ mộng về các vì sao.
Tôi muốn có một cuộc sống thực sự sau giờ làm
Sở thích, gia đình và cả việc nghỉ ngơi nên được cân bằng với những framework, chiến lược hay tối ưu hóa số người đăng ký mới.
Tôi muốn mình sẽ hài lòng sau khi kết thúc 40 giờ làm việc trong tuần. Tôi không nuối tiếc gì về những năm 20 hay 30, vì dù gì đi chăng nữa, tôi cũng chỉ sống có 1 lần. Nhưng nếu tôi bán đi thành quả của khoảng thời gian đó chỉ vì tiền thì chắc sẽ tệ lắm.
Những động lực của tôi hoàn toàn trái ngược với quy chuẩn thành công của một thung lũng nào đó kiểu “Được ăn cả, ngã về không”. Với Basecamp, tôi bắt đầu mọi thứ như một công việc kinh doanh phụ. Kiên nhẫn đợi nó phát triển sau hơn 1 năm, trước khi chúng tôi “all-in” vào startup này. Chúng tôi tự phát triển tập khách hàng của mình, thay vì “mua” họ về, rồi bán đi cho một tập đoàn lớn nào đó.
Nếu chiếu theo thần thoại về startup hiện đại, Basecamp còn chẳng phải là một startup! Không có kế hoạch “ăn cả thế giới”, “hủy diệt thị trường” hay “thống trị khách hàng”; không gọi vốn Series A, không IPO; và không có vụ nhượng lại nào cả. Mấy điều đó thậm chí còn chẳng xuất hiện trong cách chúng tôi định nghĩa thành công của Basecamp.
Chúng tôi không đạp đối thủ xuống để tiến lên, cũng không dấn thân vào cạnh tranh xem ai có thể đốt tiền nhanh hơn và nhiều hơn. Tôi cho rằng tôi và bạn đều có thể kiếm tiền, không phải tôi hoặc bạn. Chúng tôi có thể thành công và bạn cũng vậy.
Bạn có thể thấy những gì tôi nói nghe có vẻ quá nhún nhường và thiếu tham vọng. Nhưng tôi gọi đó sự khiêm tốn, thực tế và tính khả thi cần thiết (modest, realistic, achievable).
Những thành tựu vượt bậc về tài chính sẽ đem về cho bạn thật nhiều tiền và danh tiếng, nhưng lợi nhuận trên mặt cuộc sống, tình yêu và gia đình sẽ sụt giảm trầm trọng. Và đôi khi, nó không chỉ sụt giảm mà còn diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn.
Tôi đã có những cuộc trò chuyện với những người thành công theo những tiêu chuẩn truyền thống của startup. Chúng tôi nhận ra rằng những thành tựu mà nhiều người cho là khuôn mẫu sẽ mang lại ít rủi ro hơn những thứ họ đang theo đuổi ngày nay – phù phiếm và vô cùng khó để định lượng (nhưng rất sát với tháp nhu cầu của Maslow).
Tôi có cảm giác mọi người chỉ hành động vì lợi ích của họ, hoặc ít nhất là cho số vốn họ bỏ ra. Họ tìm mọi cách để hợp lý hóa điều đó, và gọi nó là “lợi ích cộng đồng” mà không mảy may tự thấy xấu hổ. Chắc vì bản thân họ thấy rằng mình đã cố gắng “làm những gì tốt nhất”.
Tất nhiên, những điều này không đại diện cho bộ mặt chung của cả giới startup!
Họ đã thuyết phục cả thế giới rằng San Francisco là hy vọng chính cho sự tiến bộ, dù bạn có khởi nghiệp ở đây, nếu không phải tại San Francisco thì cũng chỉ là “đồ bỏ đi” mà thôi.
Họ đã huấn luyện giới truyền thông như những “chú cún ngoan ngoãn” để kỷ niệm từng cột mốc thống trị thị trường, “ăn cả thế giới”, cũng như phô trương vốn từ vựng đầy hoa mỹ: Nào là Series A, Bảng vốn hóa, Quyền mua cổ phiếu...
Nhưng tựu trung lại, họ chỉ là những kẻ cho vay.
Trong một cuộc đấu tay đôi, vốn đầu tư thường “out trình” đạo đức. Lòng tham vốn dĩ đã đáng sợ, nhưng nó thường bùng phát dữ dội hơn khi bạn đang phục vụ cho lòng tham của người khác. Vì mục đích chung để phát triển thế giới, họ sẽ có được một giấy phép hẳn hoi để làm mọi thứ phục vụ lợi ích của mình, bất chấp.
Đừng tin vào những bức tranh kiếm tiền đầy màu sắc nhưng phù phiếm. Hãy tự vấn bản thân về động lực và khởi nghiệp với một thứ gì đó có ích.
Rõ ràng, không phải ai cũng xấu xa. Nhưng những góc tối trong giới startup vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm như bề mặt tốt đẹp của nó. Sự méo mó càng trở nên trầm trọng hơn vì những người nằm ngoài các quỹ đầu tư thường không có nhu cầu chia sẻ câu chuyện của họ, dù họ vẫn thành công đều đều với các startup họ rót tiền vào.
Mặt khác, các VC cần chiến dịch PR liên tục để đáp ứng các mục tiêu tuyển dụng của họ. Họ luôn muốn đạt được nhiều hơn, nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Đến mức bộ mặt của các startup kỳ lân được trang hoàng và chăm chút kỹ càng như những người mẫu trên bìa tạp chí: Đều theo những concept được tính toán và tốn hàng tá thời gian để chăm sóc cho vẻ bề ngoài.
Web là nền tảng kinh doanh vĩ đại nhất từng được phát minh: Đơn giản hóa mọi rào cản và tối ưu hóa với của người sử dụng, không cần cấp phép, phạm vi tiếp cận lớn, triển khai đa dạng. Song, cũng đừng tin vào những bức tranh kiếm tiền đầy màu sắc nhưng phù phiếm. Hãy tự vấn bản thân về động lực và khởi nghiệp với một thứ gì đó có ích.
“A dent in the universe” đã là quá đủ rồi. Hãy kiềm chế tham vọng của bạn, và quan trọng là phải hạnh phúc.
* Nguồn: Medium