[Sách mới] Edward L. Deci & Richard Flaste: “Sao ta làm điều ta làm” – Chỉ khi thật sự tự chủ, con người mới có tự do

[Sách mới] Edward L. Deci & Richard Flaste: “Sao ta làm điều ta làm” – Chỉ khi thật sự tự chủ, con người mới có tự do

“Sao ta làm điều ta làm” của Edward L. Deci và Richard Flaste sẽ góp phần giúp bạn đọc thấu hiểu động lực, giải mã hành vi, từ đó làm chủ cuộc đời mình và hỗ trợ những người xung quanh.

Kiểm soát hay khơi gợi sự tự chủ?

“Sao ta làm điều ta làm” có thể cung cấp cho bạn một hệ thống kiến thức tương đối đầy đủ, với các lập luận chặt chẽ, dựa trên các nghiên cứu thuyết phục từ thực tiễn đời sống sinh động. Từ đó, bạn đọc có thể hiểu một cách có hệ thống về động lực, hành vi, hay kết quả những điều mình làm hàng ngày; và làm sao để có động lực tốt, hành vi đúng, hiệu quả mỹ mãn hơn…

Tác giả Edward L. Deci.

Đó chính là tầm quan trọng của sự tự chủ của mỗi cá nhân. Theo tác giả, khi thực hiện giải pháp cho vấn đề này, bạn có hai sự lựa chọn: hoặc là thắt chặt kiểm soát (hứa khen thưởng hay đe doạ, trừng phạt) hoặc là khơi gợi con người hành động tự chủ, tập trung vào động lực của họ (cảm thấy tự do, tự nguyện khi hành động). Qua các nghiên cứu, thí nghiệm, Edward L. Deci và Richard Flaste đã bàn sâu về động lực của con người, về sự phân biệt quan trọng trong hành vi: Giữa việc nó là tự chủ hay bị kiểm soát.

Có nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh hai sự lựa chọn này. Nếu bạn là nhà lãnh đạo, là người phụ trách, là thầy cô, là bác sĩ, là cha mẹ… bạn sẽ chọn giải pháp nào? Thắt chặt kiểm soát (hứa khen thưởng cho người làm tốt; đe doạ, xử lý kỷ luật người vô trách nhiệm, người không tuân thủ yêu cầu), hay bằng mọi cách khơi gợi sự tự chủ của người khác?

Quyển sách đầy đặn với 4 phần, chia thành 13 chương, chứa đựng nhiều thực nghiệm khoa học, nhiều câu chuyện thực tế và những kiến thức sâu rộng của bộ đôi tác giả. Các chương sách sẽ khơi gợi những giải pháp tham khảo đáng suy ngẫm để người đọc có thể tự quyết định mình nên làm gì, và làm như thế nào trong mối quan hệ chằng chịt, trong một bối cảnh xã hội phức tạp hiện bao quanh cuộc sống con người.

Sẽ ra sao khi “tôi làm điều đó chỉ vì tiền”?

Tác giả thuyết phục bạn đọc hãy tìm đến giải pháp khơi gợi sự tự chủ trong mỗi con người. Đó mới là động lực nội tại, là yếu tố quyết định để con người hành động có hiệu quả và trách nhiệm. Bởi, lâu nay nhiều người đã nhầm lẫn khi cho rằng động lực (nội tại) được tạo ra cho con người, chứ không phải là thứ do chính con người tạo ra.

Chẳng hạn, bàn về giải pháp hứa thưởng, dùng tiền để tạo động lực, tác giả đã dẫn ra các thực nghiệm và lập luận thú vị, như: Tiền có thể tạo động lực cho con người (động lực bên ngoài), con người bằng lòng tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau vì tiền. Họ buộc bản thân làm những công việc họ ghét, bởi vì họ cần tiền… Mấu chốt là dù đồng tiền thúc đẩy con người, nhưng nó cũng đồng thời huỷ hoại động lực nội tại, cùng nhiều tác động tiêu cực khác…

“Sự tự thúc đẩy, thay vì động lực thúc đẩy từ bên ngoài, mới là trung tâm của sự sáng tạo, trách nhiệm, hành vi lành mạnh và thay đổi lâu dài”.

Thí nghiệm cũng chỉ ra, cái giá đầu tiên là con người mất đi niềm hứng thú trong nhiều hoạt động. Họ bắt đầu xem các hoạt động là công cụ để đạt được phần thưởng bằng tiền, vậy nên họ sẽ mất đi sự hào hứng và sức sống từng dành cho những hoạt động đó. Phát hiện này cho rằng con người đang mất kết nối với bản ngã bên trong khi họ dần bị những phần thưởng bằng tiền điều khiển… khiến con người trở nên tha hoá – từ bỏ phần nào con người chân thật của mình – và tự thúc ép bản thân làm những gì họ nghĩ là phải làm.

Từ việc phân tích những mặt trái của giải pháp kiểm soát bằng hứa thưởng hoặc đe doạ, tác giả đặt vấn đề: “Thay vì kiểm soát hãy trao quyền lựa chọn, là khía cạnh trung tâm trong việc ủng hộ quyền tự chủ của một người. Điều cốt yếu của một lựa chọn có ý nghĩa là nó sinh ra sự tự nguyện. Chính vì vậy, những người ở vị thế có uy quyền cần phải bắt đầu cân nhắc về cách trao đi nhiều quyền lựa chọn hơn”.

Theo tác giả, “chỉ khi các quá trình khởi xướng và chỉnh đốn một hành động được hợp nhất với các khía cạnh trong bản ngã con người thì hành vi mới tự chủ và con người mới chân thật”. Và tất cả những nghiên cứu đều chỉ ra rằng “sự tự thúc đẩy, thay vì động lực thúc đẩy từ bên ngoài, mới là trung tâm của sự sáng tạo, trách nhiệm, hành vi lành mạnh và thay đổi lâu dài”.

Tự do sẽ đi cùng trách nhiệm

Khơi gợi sự tự chủ trong mỗi con người, dễ hay khó?

Tác giả chỉ ra rằng: “Việc khuyến khích tự chủ có thể rất khó khăn, đặc biệt với những người đã quen bị kiểm soát. Do đó, chúng ta phải kiên nhẫn; chúng ta phải làm việc với học sinh và nhân viên để đánh thức những gì căn bản trong bản chất của họ và những gì gần như chắc chắn sẽ dẫn họ đến kết quả tốt đẹp hơn. Chúng ta cần giúp họ quay về nơi mà họ có sức sống, cảm thấy hứng thú và khao khát đón nhận những thử thách cũng như trách nhiệm. Chúng ta cần thúc đẩy sự tự chủ của họ, một phần bằng cách trao cho họ quyền lựa chọn”.

Như vậy, chỉ khi thật sự tự chủ, con người mới có tự do, hay theo cách viết của tác giả “tự do con người có nghĩa là thật sự tự chủ”.

“Tự do con người có nghĩa là thật sự tự chủ”.

Bàn về sự tự do, tác giả cho rằng: “Tự do đích thực liên quan đến sự cân bằng giữa việc chủ động đối phó với môi trường xung quanh mình và tôn trọng nó. Tự do về mặt tâm lý đòi hỏi một thái độ chấp nhận người khác. Chúng ta không chỉ sống riêng mình mà còn là một phần của hệ thống rộng lớn hơn, và bởi vì bản ngã đích thực có những xu hướng kép hướng về sự tự chủ và gắn kết với người khác, nên người nào có hành động xuất phát từ một bản ngã được phát triển tốt sẽ chấp nhận những người khác và tôn trọng môi trường xung quanh, cũng như chủ động tác động đến cả hai”.

Và cuối cùng, Edward L. Deci và Richard Flaste nhận định: “Tự do của con người dẫn đến chân nguyên, có nghĩa được là chính mình. Và tự do sẽ đi cùng trách nhiệm, bởi vì đó là một phần trong con người thật của chúng ta. Bản chất của chúng ta là phát triển một cách có trách nhiệm, khi chúng ta nỗ lực trở nên hợp nhất với cộng đồng và xã hội…”.

“Sao ta làm điều ta làm” là một quyển sách mà khi đọc nó, độc giả sẽ luôn liên hệ bản thân với câu hỏi thường trực “Sao ta làm điều ta làm?”, từ đó thôi thúc việc tìm kiếm những giải pháp để điều mình làm được tốt đẹp hơn, đầy đủ trách nhiệm hơn.