Chartbeat: Đánh giá nội dung trên website bằng nguyên tắc 80/20

Chartbeat: Đánh giá nội dung trên website bằng nguyên tắc 80/20

Chartbeat (công ty công nghệ chuyên cung cấp data và dịch vụ phân tích data cho publisher) ứng dụng nguyên tắc 80/20 vào sản xuất nội dung để tìm ra cách thức giúp publisher tối ưu pageview và engagement cho website.

Nguyên tắc 80/20 hay còn được gọi là nguyên tắc Pareto, chỉ 80% kết quả đến từ 20% nguyên nhân. Có thể hình dung nguyên tắc 80/20 như sau: 80% doanh thu của một doanh nghiệp sẽ đến từ 20% khách hàng. Mấu chốt của nguyên tắc này là xác định những yếu tố tạo ra giá trị lớn để tối đa hiệu suất, hiệu quả của một sự việc.  

Tương tự khi bàn về việc sản xuất nội dung, việc xác định những bài viết có khả năng thu hút lượng lớn độc giả sẽ mang lại nhiều lợi ích. Chẳng hạn như publisher có thể tiếp tục sản xuất loại nội dung có khả năng tăng ROI, hay sử dụng các công cụ tối ưu hóa để cải thiện những nội dung có lượng người xem thấp.

Nguyên tắc 80/20 trong sản xuất nội dung

Để xác định mối liên hệ giữa nguyên tắc 80/20 và quá trình đánh giá nội dung website, nhóm nghiên cứu Data Science của Chartbeat đã phân tích hàng nghìn website từ hơn 70 quốc gia. Trong đó, Chartbeat chú trọng xem xét yếu tố độ lớn website vì nếu không, kết quả nghiên cứu sẽ thiên về hành vi của người đọc trên các website lớn mà vô tình "bỏ rơi" những publisher nhỏ hơn. 

Nội dung nghiên cứu chỉ ra: (1) nguyên tắc 80/20 trong mối tương quan giữa lượt xem trang (pageview) và số lượng bài viết; và (2) tỷ lệ 80/20 khác nhau như thế nào khi xét theo độ lớn website (site size) và chủ đề. 

Dưới đây là kết quả Chartbeat nhận được sau khi phân tích.

Chartbeat đã chứng minh được nguyên tắc 80/20 thể hiện trong mối quan hệ giữa lượt xem trang và số lượng bài viết. Cụ thể, theo biểu đồ dưới, có thể thấy 80% lượt xem trang đến từ khoảng 20% bài viết trên website. Bên cạnh đó, Chartbeat chú ý rằng độ lớn của website càng tăng thì lượt xem trang sẽ càng tập trung vào top những bài viết có hiệu suất cao.

Không những vậy, khi xem xét chỉ số engagement, Chartbeat cũng nhận thấy có 20% bài viết chiếm hơn 90% tổng thời gian người đọc tương tác với website.

Chartbeat tiếp tục xem xét tỷ lệ 80/20 có sự thay đổi nào khi xét theo độ lớn website (site size) và chủ đề (topic).

Mối quan hệ giữa pageview và độ lớn website

Khi độ lớn website càng lớn, phần trăm các bài viết “chịu trách nhiệm” phần lớn lượt xem sẽ càng giảm. Để xác thực, Chartbeat đã phân các website thành 4 loại sau:  

  • Tiny site: website có ít hơn 1.000 lượt xem/ngày.
  • Small site: website có 1.000 – 10.000 lượt xem/ngày.
  • Medium site: website có 10.000 – 100.000 lượt xem/ngày.
  • Large site: website có hơn 100.000 lượt xem/ngày.

Như biểu đồ trên, so với các nhóm khác, số lượng bài viết Large site cần để tăng traffic là ít hơn. Với Large site, 14% bài viết thu hút 80% pageview; trong khi đó, Tiny site là 35% bài viết, Small site là 27% và Medium site là 21%. Kết quả này cho thấy các website lớn hơn có thể thu về lượng traffic đáng kể chỉ với vài bài viết “viral”. Trong khi đó, website nhỏ hơn nên triển khai đa dạng bài viết hơn để đạt kết quả tương đương.

Mối quan hệ giữa pageview và chủ đề

Bên cạnh độ lớn website, Chartbeat còn đánh giá sức ảnh hưởng của chủ đề với pageview.

Kết quả cho thấy đối với các nội dung về Tin tức & Truyền thông, 80% pageview đến từ 20% bài viết. Với chủ đề Thể thao & Tài chính và Nghệ thuật & Giải trí, để có được lượng pageview tương đương, con số này lần lượt là 19% và 18%.

Sử dụng quy luật 80/20 để tối ưu nội dung trên website

Khi 80% tổng số lượt xem trang của một website đến từ 20% bài viết, có khả năng là website này có quá nhiều nội dung và độc giả không có đủ thời gian để đọc hết.

Cách khắc phục sẽ khác nhau tuỳ vào mỗi website.  Nhưng có một vài cách thức mà publisher có thể xem xét.

Một là loại bỏ các chủ đề ít được quan tâm để dành nhiều thời gian và nguồn lực hơn cho những bài viết có sức ảnh hưởng hơn.

Hai là xác định “lỗ hổng” và tối ưu hóa những nội dung kém hiệu quả.

Theo đó, việc vận dụng dữ liệu quá khứ và “real-time” sẽ cung cấp cho publisher những insight hữu ích giúp xác định được các loại nội dung tiềm năng và đo lường mức độ hiệu quả của chúng.

Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Chartbeat