8 ví dụ làm thương hiệu sáng tạo 2022
Hướng đến cộng đồng nhiều hơn và xây dựng nội dung sáng tạo là điểm chung ở những cái tên làm thương hiệu sáng tạo nhất trong 2021-2022.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển thương hiệu của bản thân, đồng thời cũng là chặng đường phát triển thương hiệu cho nhiều khách hàng là doanh nghiệp trong nước, Vũ luôn theo đuổi một niềm tin bất di bất dịch đi cùng năm tháng: Trong mọi lĩnh vực khác nhau chứ không riêng gì xây dựng và phát triển thương hiệu, chẳng có gì là đúng mà cũng không có gì là sai, chỉ có phù hợp hay không phù hợp mà thôi.
Ở buổi gặp với một bạn có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực SEO Website, cả hai đều đồng ý rằng sự phù hợp và tính hiệu quả mà Vũ đang theo đuổi cũng chính là xu hướng mới của thế giới quảng cáo, truyền thông và xây dựng thương hiệu. Đến hôm nay khi có dịp xem qua một bài viết vô cùng thú vị đến từ chuyên trang Fast Company, Vũ càng có thêm cơ sở để đặt niềm tin vào hệ giá trị mà đội ngũ của mình vẫn hằng theo đuổi.
Bài viết kể về 8 cái tên có giải pháp xây dựng và làm thương hiệu sáng tạo, trên tinh thần hướng đến việc lan toả các giá trị cộng đồng và xây dựng nội dung truyền thông khác biệt. The J.M.Smucker đã phát triển hình ảnh trên TikTok ra sao, thương hiệu thức ăn nhanh Chipotle đã phát triển trò chơi tương tác với mục đích gì? Tất cả đều được Fast Company tìm hiểu và chia sẻ tường tận đến đông đảo người xem, hoàn toàn miễn phí cũng giống như tinh thần chia sẻ kiến thức thương hiệu của Vũ.
Đó cũng là động lực để ngày hôm nay, đội ngũ của Vũ gửi đến các bạn bài chia sẻ chi tiết của Fast Company. Được dịch lại nội dung gốc và sử dụng ngôn từ đơn giản, bài viết dưới đây khá dễ hiểu, để bất cứ ai cũng có thể đồng cảm với tác giả, từ đó ứng dụng thành công, hiệu quả vào trong mô hình kinh doanh cũng như làm thương hiệu của bản thân.
Làm thương hiệu bằng cách tạo ra tương tác như Chipotle
Chipotle là thương hiệu thức ăn nhanh tại Mỹ với “đặc sản” là nhiều món ăn ngon đến từ Mexico. Không chỉ nổi tiếng nhờ món bánh burrito gà cay trứ danh, thương hiệu Chipotle còn được nhiều người biết đến nhờ những nỗ lực của đội ngũ truyền thông. Họ luôn biết cách tiếp cận với những nền tảng mạng xã hội mới nổi, tổ chức nhiều hoạt động mang tính tương tác cao nhằm thu hút người chơi mà chưa cần đến quá trình quảng bá mạnh mẽ.
Chẳng hạn như đợt lễ Halloween vừa qua, Chipotle đã phát triển một trò chơi giải mã mê cung trên nền tảng Roblox. Phần thưởng cho 30 ngàn người giải mã thành công sớm nhất là một chiếc bánh gà cay miễn phí. Kết quả là chỉ trong thời gian ngắn, lượng người truy cập và tham gia trò chơi đã quá tải đến mức nền tảng trò chơi Roblox gặp sự cố gián đoạn.
Chipotle còn là một ví dụ về xây dựng nội dung khác biệt, ấn tượng trong quá trình làm thương hiệu và truyền thông thương hiệu. Năm 2011 họ giới thiệu đoạn stop-motion để phục vụ cho chiến dịch “Back to the Start”. Đây là hoạt động nhằm thay đổi nhận thức và giải quyết nỗi lo của người Mỹ về thức ăn nhanh, vốn luôn bị cho là một ngành công nghiệp tạo ra nhiều tác hại đến đời sống.
“Back to the Start” kể về anh nông dân muốn cung cấp đến khách hàng những bữa ăn chất lượng, sạch sẽ và quan trọng hơn hết là không tác động tiêu cực đến môi trường. Thoát ra khỏi khuôn khổ của chuồng trại và hoạt động nuôi nhốt, anh nông dân sử dụng nguồn nguyên liệu là đàn gia súc được chăn nuôi khoa học, bài bản trên nông trường rộng lớn. Nhằm cung cấp đến khách hàng những bữa ăn thuần khiết, không dư chất gây hại, đồng thời giữ lại tính nhân văn bằng cách thể hiện dưới dạng stop-motion.
Đoạn phim sau đó trở nên phổ biến và được chia sẻ một cách tích cực, ngay cả bài nhạc đồng quê sử dụng trong phim cũng liên tục có mặt ở nhóm thịnh hành của Apple Music. Điều này cho thấy sự bài bản và đúng đắn của Chipotle trong quá trình làm thương hiệu, thông qua nhiều hoạt động thúc đẩy sự tương tác và sẻ chia trong cộng đồng.
Làm thương hiệu bằng cách phủ sóng trò chơi điện tử như Wendy Company
Cũng liên quan đến trò chơi nhưng thay vì xây dựng mối dây tương tác nói chung như Chipotle, The Wendy’s Company lại tập trung toàn lực cho “mặt trận” trò chơi điện tử. Thương hiệu thức ăn nhanh ra đời từ năm 1969 hiểu rằng luôn có sự kết nối chặt chẽ giữa những người “nghiện game” với nhu cầu đặt hàng và sử dụng thức ăn nhanh tại nhà.
Họ lồng ghép một nhân vật hay một cửa hàng với hình ảnh thương hiệu của mình, sau đó “trà trộn” vào nhiều trò chơi điện tử nổi tiếng khác nhau – như một cách để quảng bá hình ảnh thương hiệu và đa dạng hoá hơn nữa những màn chơi trong game. Từ Street Fighter, Minecraft cho đến Super Mario Maker 2, nhân vật gắn trên mình hình ảnh thương hiệu Wendy Company xuất hiện ở mọi nơi.
Theo thống kê các game thủ đã dành hơn 9,8 triệu phút để trải nghiệm phần chơi có liên quan đến Wendy Company, có gần 1 triệu lượt tải xuống hoặc mở khoá các màn chơi để chinh chiến cùng với những nhân vật này. Thương hiệu cũng trở thành doanh nghiệp F&B đầu tiên có mặt trên nền tảng stream game Twitch và có mặt trong nhóm 1% nội dung được chia sẻ liên tục bởi nhiều streamer khác nhau.
Và nếu bạn muốn con số cụ thể để chứng minh mức độ thành công của chiến dịch này, thì giữa lúc thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, mỗi cửa hàng trên toàn cầu của Wendy Company vẫn duy trì mức tăng trưởng bình quân gần 10%.
Làm thương hiệu bằng cách trở thành “Idol TikTok” như J.M. Smucker
Jif là thương hiệu con của The J.M Smucker Company chuyên cung cấp sản phẩm bơ đậu phộng, họ đồng thời còn xây dựng nội dung sáng tạo liên quan đến chia sẻ công thức làm bánh trên website của mình. Bên cạnh đó, Jif còn làm thương hiệu sáng tạo bằng cách xây dựng nội dung trên nhiều mạng xã hội.
Đầu năm ngoái, khi Ludacris – rapper nổi tiếng và là diễn viên quen mặt của loạt phim Fast and Furious ra mắt sản phẩm mới nhất, thương hiệu Jif đã quyết định bắt tay với ngôi sao này để cùng anh xuất hiện trên một đoạn quảng cáo. Đoạn phim ghi lại cảnh Ludacris chật vật ở trong phòng thu vì không thể tạo ra bản ghi ưng ý, nhưng chỉ cần nếm thử một muỗng bơ đậu phộng Jif, cảm hứng của rapper sinh năm 1977 đã quay trở lại và giúp anh hoàn thành xuất sắc buổi thu âm.
Ludacris sau đó còn tạo ra trào lưu trên TikTok với hashtag #JifRapChallenge, để các TikTokers có thể “hát song ca” với mình và chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội này. Kết quả đã có đến hơn 7 tỷ lượt xem cho dạng nội dung này, góp phần làm cho hình ảnh và nhận thức thương hiệu Jif trở nên tích cực hơn, đến gần hơn với người dùng trẻ trên TikTok.
Làm thương hiệu bằng cách chăm sóc sức khoẻ tinh thần như Calm
Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các ứng dụng an thần, chăm sóc chất lượng giấc ngủ bằng âm thanh đã khiến các ứng dụng đi trước phải liên tục cải tiến. Calm cũng là một trong số đó khi giờ đây, ứng dụng đạt giải nhất về sức khoẻ năm 2018 trên App Store không chỉ dừng lại với tiếng mưa rơi, tiếng nước chảy đơn thuần. Họ đưa vào thêm giọng nói của những người nổi tiếng, những câu nói hay nhất của ngôi sao bóng rổ LeBron James hay nữ ca sĩ Rose đến từ nhóm nhạc BlackPink.
Trong năm 2022, Calm cũng bổ sung thêm giọng nói của P!nk, Randall Park, Wanda Sykes hay Diane Keaton. Ngoài ra ứng dụng còn chia sẻ bộ sưu tập những giọng đọc kể chuyện cho trẻ em, với nhiều tựa truyện hấp dẫn như Peppa Pig, Minions và Kung Fu Panda.
Tuy nhiên, làm thương hiệu thì không thể ngó lơ các hoạt động tiếp thị hình ảnh, Calm hiểu điều đó và bằng chứng là họ liên tục xuất hiện ở các sự kiện mang tính cộng đồng. Họ xây dựng nhận thức rằng mình không chỉ chăm sóc sức khoẻ tinh thần online, mà còn trực tiếp đóng góp cho các hoạt động chăm sóc tinh thần xã hội.
Tháng 5/2021 khi tay vợt nữ Naomi Osaka tuyên bố rút lui khỏi giải Pháp mở rộng, nhiều luồng tin cho biết nguyên nhân là bởi giữa cô và ban tổ chức giải đã nảy sinh mâu thuẫn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giải đấu có một tay vợt rút lui vì bất đồng với ban tổ chức, Naomi Osaka cũng đồng thời nhận về nhiều ý kiến không mấy tích cực.
Tuy nhiên Calm thì không nghĩ như vậy. Ứng dụng tuyên bố sẽ thay Naomi Osaka trả hết số tiền phạt 15 ngàn Euro, đồng thời chấp nhận chi trả cho toàn bộ những vận động viên thể thao khác tuyên bố rút lui khỏi các giải đấu vì lý do sức khoẻ tinh thần từ giờ trở đi. Calm cũng đã phối hợp với Laureus Sport – một tổ chức sức khoẻ tâm lý tại Pháp để gây quỹ phục vụ cho dự án thiết thực này.
Làm thương hiệu tập trung vào chất lượng sản phẩm như ON
Muốn làm thương hiệu tốt, trước tiên, cần có sản phẩm chất lượng. Đây là quan điểm mà Vũ luôn truyền đạt đến khách hàng doanh nghiệp của mình. Thương hiệu ON trong bài chia sẻ từ Fast Company cũng là trường hợp như vậy. Thay vì tung ra những chiến dịch quảng cáo rầm rộ, đầu tư kinh phí truyền thông hay chọn bắt tay với nhiều gương mặt nổi tiếng, đội ngũ làm thương hiệu của ON lại chọn một hướng đi hoàn toàn khác.
Họ chỉ theo đuổi một quy tắc bất di bất dịch, rằng chất lượng sản phẩm cùng với trải nghiệm vượt trội của khách hàng trong quá trình sử dụng, chính là yếu tố quyết định thành bại của hành trình xây dựng thương hiệu. Triết lý của thương hiệu giày thể thao đặt trụ sở tại Zurich chính là: “Không có sự hào nhoáng nào lớn đến mức cản trở được bạn, chúng tôi sẽ chỉ mang lại những sản phẩm có chất lượng cao thuần tuý”.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu của ON đã tăng đến 77% so với cùng kỳ năm trước đó. Kết quả này có được phần lớn là nhờ nỗ lực của đội ngũ ON khi truyền thông thương hiệu, cho ra mắt chuỗi phim quảng cáo nhấn mạnh vào công năng và chất lượng của sản phẩm. Chuỗi phim quảng cáo đưa người xem đi qua những cung đường từ New York đến Vancouver, từ Thượng Hải đến Melbourne của Úc.
Trong đó còn có những câu chuyện truyền cảm hứng như của David Brown – người mù đầu tiên lập kỷ lục chạy 100m trong chưa đến 11 giây và đã từng 2 lần vô địch thế giới. Từng phần nhỏ trong chuỗi phim quảng cáo đều có một mẫu số chung: Truyền cảm hứng để khách hàng của ON rèn luyện lối sống khoa học và đáng mơ ước, với hình ảnh sản phẩm là những đôi giày sở hữu thiết kế bọt khí nổi tiếng, được lồng ghép khéo léo dưới thước phim đậm chất điện ảnh.
Làm thương hiệu bằng cách lan toả giá trị cộng đồng như Athleta
Athleta là thương hiệu con của Gap, sản phẩm chủ đạo của họ là trang phục thể thao dành riêng cho phái đẹp. Cũng có nhiều liên hệ với các vận động viên thể thao như ON, nhưng Athleta dĩ nhiên chỉ chọn hợp tác với các nữ vận động viên trong quá trình làm thương hiệu.
Hướng đi quen thuộc của Athleta là hợp tác với những nữ vận động viên có sẵn các kế hoạch từ thiện, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn hoặc thúc đẩy phong trào rèn luyện thể thao trong cộng đồng. Năm 2019, Athleta bắt tay với Allyson Felix – nữ vận động viên điền kinh nổi tiếng trong giai đoạn đầu những năm 2000. Thương hiệu này đã tài trợ cho Felix khoảng 200 ngàn USD, giúp cô hoàn thành dự án hỗ trợ các em nhỏ có tiềm năng trở thành vận động viên chuyên nghiệp trong tương lai.
Một thời gian ngắn sau đó, Athleta tiếp tục hợp tác với một nữ vận động viên là Simone Biles. Cô là vận động viên môn thể dục dụng cụ người Mỹ, có cơ hội giành huy chương vàng Olympic cùng đội tuyển quốc gia ở độ tuổi chín nhất trong sự nghiệp. Tuy nhiên ngay trước thời điểm bước vào màn thi đấu, Biles bất ngờ rút lui vì lý do “chưa kịp chuẩn bị về mặt tinh thần”. Đội tuyển thể dục dụng cụ Mỹ cũng vì vậy mà tuột mất huy chương.
Trước báo giới, vận động viên sinh năm 1997 đã chia sẻ như sau: “Tôi mất 5 năm khổ luyện chỉ để đổi lấy thời khắc có mặt ở đây, đủ để hiểu rằng mọi quyết định hay hành động của tôi đều hoàn toàn nghiêm túc. Tôi muốn thi đấu bất cứ lúc nào nhưng hiện tại thì không, treo mình trên độ cao 3m cùng với một loạt tình huống khó trong khi tâm lý chưa đủ sẵn sàng, đó chắc chắn không phải ý hay. Tôi không muốn rời nơi này bằng cáng hoặc những thứ đại loại vậy”.
Quyết định của Biles vấp phải làn sóng phản đối và chỉ trích của nhiều người hâm mộ. Phần lớn cho rằng cô đã xâm phạm vào tinh thần thi đấu của tập thể và làm mất đi bản sắc giàu tính chiến đấu của người Mỹ. Tuy nhiên cũng giống như trường hợp của Calm với Naomi Osaka, thương hiệu Athleta chọn đi ngược lại số đông để bảo vệ “đối tác quan trọng” của mình. Vỡ kế hoạch vì sự cố của Biles ở Olympic Tokyo, nhưng vài tháng sau Athleta vẫn bày tỏ thái độ ủng hộ cô trong một sự kiện về thể dục dụng cụ khác tại Mỹ.
Nhằm chứng minh cho sự đồng lòng, nhất quán trong quá trình làm thương hiệu, cũng như định hướng xây dựng thương hiệu tích cực thông qua việc lan toả các giá trị cộng đồng, Athleta đã gửi thông điệp ủng hộ và tài trợ liên tục không chỉ cho Simone Biles, mà còn gắn bó lâu dài với nhiều vận động viên khác trên hành trình cải thiện nhận thức của họ, từ đó nâng tầm quan trọng của sức khoẻ tinh thần trong đời sống hiện đại.
Giúp thương hiệu vô danh trở nên phổ biến như cách làm của FTX
FTX có lẽ là từ khoá xuất hiện dày đặc nhất trên các công cụ tìm kiếm thời gian qua, khi nhiều nguồn tin xác nhận người sáng lập FTX là Sam Bankman-Fried đã bị bắt ở Bahamas. Đối tượng này được phía Washington yêu cầu dẫn độ về Mỹ, sau khi Thủ tướng Bahamas là ông Philip Davis khẳng định: “Những người phản bội niềm tin của công chúng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”.
Trước khi trở thành con nợ của hàng triệu người tham gia giao dịch, FTX có lúc được định giá đến 32 tỷ USD và là đối trọng lớn của sàn tiền ảo số một thế giới Binance. Từ một kênh giao dịch tiền điện tử có ít tên tuổi, FTX đã phát triển để liên tục góp mặt trong nhóm 3 sàn tiền ảo lớn mạnh nhất thế giới. Quá trình làm thương hiệu và lan toả hình ảnh của FTX được dựa trên nền tảng của những bộ môn thể thao.
Tại Mỹ, đa phần người dân không xem bóng đá là môn thể thao vua như ở nhiều quốc gia khác, thay vào đó họ tôn sùng bóng rổ, bóng chày hoặc là bóng bầu dục. FTX và đội bóng rổ nhà nghề Mỹ – Miami Heat – đã đạt thoả thuận trị giá 135 triệu USD, để đổi tên nhà thi đấu của đội thành FTX Arena. Tiếp sau đó, FTX cũng đạt được thoả thuận với Hiệp hội bóng chày Hoa Kỳ để logo của mình xuất hiện trên trang phục của những vị trọng tài.
Mấu chốt là từ chỗ gần như vô danh, hình ảnh FTX lại bất ngờ xuất hiện với tần suất dày đặc trong mắt hàng triệu người dân, từ đó kích thích mạnh mẽ trí tò mò, như kiểu ai cũng quay sang hỏi nhau rằng: “FTX là gì nhỉ, đó là một thương hiệu mới của Mỹ hay sao?”.
Tiếp đà thuận lợi, FTX chuyển sang thoả thuận trực tiếp với cá nhân những vận động viên nổi tiếng. Từ Lewis Hamilton của đội đua F1 Mercedes, ngôi sao Steph Curry của đội bóng rổ Golden State Warriors, cho đến Aaron Jones hay Tom Brady đều là những huyền thoại của bóng bầu dục Hoa Kỳ. Họ đều trở thành đại sứ của FTX như một cách để ngầm khẳng định: “Chúng tôi thành công và chúng tôi tin tưởng đầu tư vào FTX, còn bạn thì sao?”.
Bỏ qua những bê bối cùng với lời tuyên bố phá sản tương đối vô trách nhiệm, hãy nhớ rằng chỉ trong quý IV/2021 và quý I/2022, FTX đã huy động được số vốn hơn 800 triệu USD để trở thành đối trọng thật sự của sàn tiền ảo số một Binance. Đây là con số trong mơ của nhiều kỳ lân khác tại Mỹ cũng như toàn thế giới, cũng là bài học đáng ghi nhận về năng lực làm thương hiệu thông qua tranh thủ sự ủng hộ của người dân.
Trung thành với triết lý thương hiệu như Need Essentials
“Only what you need” – chính là triết lý vận hành mà đội ngũ Need Essentials vẫn luôn theo đuổi trong suốt quá trình làm thương hiệu. Nếu bạn đang tìm kiếm một bộ đồ lướt sóng hoành tráng, màu mè hay nhiều công nghệ hiện đại, không cần quan tâm đến giá tiền thì bạn cũng không cần quan tâm đến Need Essentials, vì đơn giản đó không phải những giá trị mà đội ngũ này theo đuổi.
Thay vào đó, nếu bạn tìm kiếm một bộ đồ lướt sóng có thể thực hiện đúng chức năng của nó, với thiết kế đơn giản, công năng chấp nhận được cùng mức giá phù hợp nhất, thì sản phẩm của Need Essentials là tất cả những gì bạn đang tìm.
Triết lý của thương hiệu này là chỉ làm ra những gì khách hàng thật sự cần, cách làm này có phần khác biệt so với nhiều thương hiệu đối thủ. Nhưng cũng chính sự khác biệt đó đã giúp Need Essentials duy trì năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường. Thương hiệu thấu hiểu rằng văn hoá lướt sóng luôn gắn liền với niềm đam mê xê dịch, người yêu thích bộ môn lướt sóng thì cũng không bao giờ khước từ những chuyến đi khai phá chân trời mới.
Need Essentials đã không đầu tư nhiều tiền vào các chiến dịch quảng cáo, họ kết hợp với vận động viên lướt sóng Torryn Martin – để ra mắt loạt phim 4 phần “Lost Track Atlantic” kể về những chuyến phiêu lưu của một người đam mê lướt sóng. Từ phía Bắc Scotland đến những bờ biển của Tây Phi, nhân vật trong phim đã cùng chiếc xe Van của mình để lan toả niềm cảm hứng với bộ môn thể thao dưới nước.
Ngay trên website chính thức của thương hiệu, Founder Need Essentials là ông Ryan Scanlon đã chia sẻ: “Người yêu lướt sóng luôn có lối sống tối giản, khiêm nhường và gần gũi thiên nhiên. Vậy nên chúng tôi chỉ làm ra những gì bạn thật sự cần, tạo ra bộ đồ đẳng cấp nhất trong tầm giá. Bằng cách giảm chi tiêu cho một bộ đồ lướt sóng, bạn có thể tăng chi tiêu cho nhiều giá trị cuộc sống quan trọng hơn”.
Lời kết
Làm thương hiệu sáng tạo và hiệu quả vốn không cần đầu tư quá nhiều cho các chiến dịch quảng cáo, hoặc cùng lúc thực hiện quá nhiều chiến dịch khác nhau. Nền tảng của một thương hiệu thành công chính là sự khác biệt, định hướng lan toả các giá trị cộng đồng cùng với nỗ lực theo đuổi đến cùng triết lý thương hiệu ban đầu.
Qua bài chia sẻ lần này, đội ngũ Vũ Digital hy vọng bạn đọc đã có được những ví dụ làm thương hiệu sáng tạo, xây dựng hình ảnh thương hiệu hiệu quả, từ đó áp dụng vào mô hình kinh doanh của mình và mang đến nhiều giá trị tích cực hơn nữa cho cộng đồng.
* Nguồn: Vũ Digital