Marketer Steven Tran
Steven Tran

Senior Growth Manager @ Homebase

Làm thế nào để biến đam mê thành một công việc toàn thời gian?

Làm thế nào để biến đam mê thành một công việc toàn thời gian?

Biến đam mê thành công việc chưa bao giờ là dễ dàng. Đây luôn là một vật cản lớn đối với những bạn trẻ muốn khởi nghiệp từ chính đam mê của mình.

Dưới đây là những chia sẻ của Dean McPherson, Founder và CTO của Paperform – một công cụ tạo biểu mẫu chuyên nghiệp, và câu chuyện xây dựng startup từ đam mê của anh ấy.

Công ty của tôi, Paperform, được tạo ra từ cả đam mê lẫn nhu cầu thị trường. Tôi thực sự hứng thú với những phát triển phi lập trình (no-code development), đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến, landing page, khảo sát hay thậm chí là hơn thế nữa.

Ở thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp loay hoay trong việc tìm nguồn cung cho những nhu cầu thiết yếu nêu trên. Tôi nhận thấy khả năng của mình có thể giúp giải quyết vấn đề này. Và thế là hành trình khởi nghiệp của tôi bắt đầu.

Lúc bắt đầu, tôi vẫn là một lập trình viên toàn thời gian. Việc duy trì giữa công việc này vào ban ngày, và xây dựng Paperform vào ban đêm đã làm tôi thực sự kiệt sức. Sau một vài tháng suy nghĩ, tôi cùng vợ – Diony đã quyết định biến Paperform thành công việc toàn thời gian duy nhất của mình.

Cả hai chúng tôi đều nghỉ việc và dành toàn bộ tâm huyết cho Paperform. Trong vòng một năm, chúng tôi đi từ những nhân viên 9-to-5 (nhân viên làm việc giờ hành chính từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều) trở thành chủ và làm việc cho chính mình. Bốn năm sau, Paperform đã mở rộng phạm vi khách hàng ra toàn thế giới.

Nhưng không phải lúc nào mọi thứ cũng thuận buồm xuôi gió. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều bài học xuyên suốt cuộc hành trình. Sẽ có những thăng trầm mà bạn chỉ đơn giản là không thể né tránh. Và đó là nơi đam mê xuất hiện. Vì nếu bạn không có đam mê, bạn khó có động lực để vượt qua những quãng thời gian khó khăn như thế.

Sẽ có những thăng trầm mà bạn chỉ đơn giản là không thể né tránh. Và đó là nơi đam mê xuất hiện.
Nguồn: Unsplash

Cuối cùng, “đứa con cưng” của bạn cũng chỉ là một công việc. Vì vậy, bạn cần tìm cách tận hưởng công việc và “ám ảnh” bởi nó một cách lành mạnh nhất. Đó chính là chìa khóa.

Dự đoán và lập kế hoạch cho sự thất bại

Trong năm đầu tiên vận hành Paperform, chúng tôi đã đứng trước một số quyết định khó khăn và đôi khi phải đối mặt với sự thất bại. Đây là 3 bài học khó nhất trong thời gian đầu của chúng tôi:

1. Hy sinh thời gian rảnh rỗi

Khi chúng tôi còn là nhân viên văn phòng full-time và chỉ dành thời gian rảnh ngoài giờ làm việc cho Paperform, mọi tiến độ đã không đi nhanh như chúng tôi mong đợi.

Vì vậy, chúng tôi đã sử dụng những ngày nghỉ cho Paperform thay vì đi du lịch hay thư giãn. Sự hy sinh những khoảng thời gian rảnh rỗi đó là vô cùng quý giá vì nó giúp chúng tôi cải thiện sản phẩm và dịch vụ của mình.

Sức khỏe là có hạn, bạn phải tự chăm sóc chính mình nếu muốn tiếp tục công việc trong tương lai.
Nguồn: Envato

2. Để ý đến sức khỏe

Trong những tháng đầu tiên, trong khi chúng tôi vẫn làm việc toàn thời gian, chúng tôi thay phiên nhau thức dậy ba giờ một lần vào ban đêm để trả lời các câu hỏi về dịch vụ khách hàng.

Điều đó có vẻ ổn trong thời gian đầu, nhưng cuối cùng, chúng tôi hiểu rằng không thể duy trì việc này mãi. Sức khỏe là có hạn, chúng tôi phải tự chăm sóc chính mình nếu muốn tiếp tục công việc trong tương lai.

3. Sẽ có những lúc doanh thu tăng chậm

Như bạn đã biết, doanh số bán hàng thường chậm hơn trong nửa cuối năm. Thật không may, đó là những gì đã diễn ra xuyên suốt với chúng tôi trong năm 2017. Có một vài tuần trong tháng 8 năm đó, doanh số cứ như lao xuống vực, khiến chúng tôi thực sự “lo sốt vó”.

Rất may, chúng tôi đã có kế hoạch ngân sách bù vào những trường hợp như thế này. Kể từ đó, chúng tôi luôn dự trù những khoảng thời gian như thế trong kế hoạch hàng năm.

Biến đam mê thành sự nghiệp không phải là một việc quá khó, tuy nhiên, bạn phải chắc chắn về nguồn thu nhập của mình trước khi nghĩ đến việc từ bỏ công việc hiện tại.

Tìm sự ổn định

Tôi đã xây dựng phiên bản Paperform đầu tiên trong thời gian rảnh rỗi vào cuối năm 2016. Sau đó, tôi đã chạy thử phiên bản beta để nhận phản hồi và thực hiện chỉnh sửa. Những đóng góp đó vô cùng đáng giá, giúp tôi ra mắt phiên bản trả phí của Paperform, và kiếm được 40.000 USD đầu tiên.

Những khoản thu nhập này chính là bằng chứng xác thực nhất để tôi tin rằng Paperform có thể phát triển xa hơn. Khoản thu đó cũng giúp chúng tôi quyết định nghỉ việc vào tháng 3/2017 và tập trung toàn bộ nguồn lực vào “đứa con” này.

Biến đam mê thành sự nghiệp không phải là một việc quá khó, tuy nhiên, bạn cần phải chắc chắn về nguồn thu nhập của mình trước khi nghĩ đến việc từ bỏ công việc hiện tại.

Sự ổn định là mục tiêu của chúng tôi. Dù mọi thứ ở thời điểm đó vẫn chưa đâu vào đâu nhưng chúng tôi luôn cố gắng xác định những rủi ro. Và hơn hết, ít nhất chúng tôi đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.

Một bước thiết yếu để đưa ý tưởng của bạn lên cấp độ tiếp theo là xây dựng một kế hoạch và thực hiện theo.
Nguồn: Pexels

Lập kế hoạch và thực hiện theo

Một bước thiết yếu để đưa ý tưởng của bạn lên cấp độ tiếp theo là xây dựng một kế hoạch và thực hiện theo. Nếu bạn đang bỏ dở công việc hàng ngày của mình để bắt đầu một dự án kinh doanh mới, tốt hơn hết là bạn nên đảm bảo rằng bạn không làm điều đó một cách mù quáng và biết mình nên làm gì với thời gian có hạn.

Việc lập kế hoạch chưa bao giờ là thú vị đối với tôi, nhưng việc tạo ra một bản thiết kế chi tiết với các ý tưởng và những cải tiến trong tương lai đã giúp tôi hình dung lộ trình phát triển của sản phẩm. Chúng tôi đã tạo ra một “tình huống xấu nhất” với việc không có doanh thu và tìm ra cách để duy trì mọi thứ cho tới lúc có được lợi nhuận.

Khi mới bắt đầu, doanh thu hàng tháng của Paperform đạt khoảng 1.000 USD. Số tiền đó hiển nhiên là không đủ để sống nhưng nó đã cho chúng tôi thấy rằng có một thị trường khả thi cho Paperform. Sau nhiều nỗ lực, đến cuối năm 2017, chúng tôi đã đạt 10.000 USD doanh thu hàng tháng (MRR).

Nguồn: Getty Images

#BeYourOwnBoss

Có lẽ điều quan trọng nhất mà tôi muốn nói với bạn là bạn phải tự động viên chính mình. Không phải ai cũng thành công khi khởi nghiệp, và bạn cần thành thật với bản thân trước khi muốn đột phá.

Cuối cùng, #BeYourOwnBoss là một ý tưởng hay, nhưng không dễ dàng chút nào. Vì vậy, niềm đam mê và sự gan dạ (cùng với việc lập kế hoạch và thực hiện đúng cách) sẽ là chìa khóa dẫn đến thành công cho startup của bạn.

* Nguồn: Home Business