Tai hại khi làm phim quảng cáo thiếu ý tưởng độc đáo
Người nghĩ ra kịch bản tốt, sẽ khắc biết cách quay dựng cho kịch bản ấy trở nên thực sự hay ho.
Đương nhiên, khi bỏ qua những yếu tố về PR, thời điểm on-air, kênh phát hành, thì ý tưởng kịch bản phim (các thể loại từ phim giới thiệu doanh nghiệp, TVC quảng cáo, phim ngắn, Viral Video Marketing…) là yếu tố then chốt để tạo nên thành công cho một bộ phim.
Các bạn đừng gắng “biện minh” vì đây là chân lý mà bất cứ một nền điện ảnh, đạo diễn, biên kịch và đặc biệt là nhà sản xuất nào cũng phải công nhận.
Gần đây nhất, việc thiếu ý tưởng, cùn cũ nội dung dẫn đến “vụ lùm xùm” giữa nghệ sĩ Xuân Bắc và cộng đồng mạng sau chương trình Táo Quân 2023. Giá mà chương trình này có ý tưởng kịch bản hay thì đâu đến nỗi ấy.
Không chỉ mỗi Táo Quân mà còn rất nhiều dự án phim khác, từ tư nhân đến nhà nước, từ phim điện ảnh đến phim tài liệu, từ gameshow đến sitcom... gặp tình trạng tương tự. Đến nỗi nhiều dân trong ngành phải gào lên rằng: “Việt Nam đang ‘hạn hán’ về kịch bản”.
Trong giới hạn bài viết này, tôi sẽ chỉ nói về thể loại phim tự giới thiệu doanh nghiệp. Tại sao lại là loại này? Đơn giản vì tôi hiểu loại phim này nhất.
Tầm quan trọng của phim tự giới thiệu doanh nghiệp, theo tôi nghĩ, ắt hẳn ai cũng biết rồi. Nó là “profile số” mà bất cứ một doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp nào cũng nên có để tự giới thiệu mình với đối tác, khách hàng và nhân viên. Đại loại như khi đi thuyết trình, để đỡ phải huyên thuyên, bạn có thể cho phát bộ phim ấy, và mọi người tự xem, tự hiểu…
Phim doanh nghiệp có dễ làm không?
Câu trả lời là vừa dễ vừa khó.
Dễ là ở chỗ thể loại này pha chút màu sắc của phim tài liệu, đôi khi là phóng sự chân dung, thỉnh thoảng thiên về điện ảnh… Nhìn chung, phim phải nói được: Tôi là ai? Tôi có gì? Tôi phục vụ các bạn thế nào? Tôi ví dụ như lúc bạn đang đi vòng vòng ở chợ, bỗng có một thanh niên tự nhiên dừng lại và nói oang oang điều gì đó. Hình ảnh mà bạn chứng kiến đấy có thể xem là phim doanh nghiệp.
Chính vì đặc điểm nói oang oang hoặc đều đều đó mà nhiều biên kịch viết kịch bản phim doanh nghiệp thường ưa “chắp ghép” dữ liệu theo trục không gian hoặc thời gian. Có nhiều thì nói nhiều, có ít nói ít. Thậm chí, dù thông tin ít ỏi, nhưng nhiều biên kịch sành sỏi dùng thủ pháp phóng đại rồi pha thêm chút kỹ xảo nữa là ra thước phim “ổn áp” rồi. Khi nghiệm thu, ông chủ doanh nghiệp có vẻ thích vì phim nói được những gì tâm huyết của mình hoặc mình được lên hình nhiều... Ông chủ vui vẻ và tự nguyện thanh toán; nhưng sau đó, phim chẳng ai xem, đành bỏ xó…
Tai hại là, phim có thể nói được tâm huyết của chủ doanh nghiệp. Nhưng sự thật rằng chúng chẳng phải là tâm huyết của khách hàng, đối tác. Bạn hãy nhớ rằng phim doanh nghiệp được làm ra để cho khách hàng xem chứ không chỉ cho mỗi ban Giám đốc.
Việc chắp ghép dữ liệu một cách đơn giản, thô ráp và không chọn lọc khiến người xem bội thực. Hậu quả là xem được độ chừng nửa phim, cơn buồn ngủ thi nhau kéo đến. Đau đớn thay khi thị trường ngày nay, có rất nhiều bộ phim như thế. Phim nào cũng “na ná” nhau. Dù cho phim có kỹ xảo đẹp thì cũng không ăn thua lắm vì trên Internet giờ đây không thiếu những thứ hào nhoáng ấy.
Vậy đâu là yếu tố tạo nên thành công của một bộ phim giới thiệu doanh nghiệp?
Để bạn dễ hình dung hơn, tôi tạm thống kê lại 3 yếu tố tạo nên thành công của 1 bộ phim giới thiệu doanh nghiệp là: Quay/ Dựng/ Kịch bản.
Một là, quay phim nghiêng nặng về công thức của kỹ thuật (trừ phim điện ảnh bom tấn). Hiểu nôm na là bạn bỏ thêm chi phí cho bối cảnh, cứ công thức góc máy các thầy dạy trong trường mà áp dụng là “auto” đẹp.
Hai là dựng. Việc dựng phim cũng tương tự như quay vậy, cứ áp công thức hoặc tham khảo những mẫu thành công.
Ba là kịch bản. Khác với quay và dựng, kịch bản lại chẳng có công thức nào cả (mà nếu làm theo công thức thì thành đồng phục mất). Nếu có dạy nhau viết kịch bản, thì cũng chỉ dạy được lề lối tư duy, phương thức tiếp cận nội dung thôi chứ chẳng ai dạy được sáng tạo ý tưởng đâu!
Kịch bản suy cho cùng là sự sáng tạo độc bản hoặc chí ít, cũng là sự sắp đặt duyên dáng vào bối cảnh. Kịch bản là sản phẩm của quá trình nghiên cứu doanh nghiệp, thấu hiểu khao khát của chủ doanh nghiệp, hay hiểu được cảm xúc, niềm hạnh phúc và nỗi sợ hãi của khách hàng; là nhịp bè đồng điệu với chiến lược marketing tùy từng giai đoạn.
Có kịch bản tốt thì công đoạn quay dựng mới thăng hoa. Nếu không có kịch bản chất lượng, công đoạn ấy cũng chỉ là hành vi lấp liếm và bao biện mà thôi.
Người làm biên kịch giỏi, rất tiếc, nếu không được “giời phú” thì có học miệt mài cũng không thành nghệ được.
Vậy mà vẫn có nhiều doanh nghiệp “xả tiền” đầu tư vào những bộ phim trau chuốt về hình ảnh nhưng quá thô vụng về nội dung. Thú thật những lúc xem các phim doanh nghiệp “nửa mùa” như vậy, tôi thấy việc bấm tắt tiếng, chỉ xem hình lại dễ chịu hơn. Doanh nghiệp không hiểu để rồi đánh giá thấp vai trò của thứ chất xám này. Họ định giá nó quá thấp nên không sẵn sàng bỏ tiền ra để mua nó.
Thế nên hơn lúc nào hết, hỡi các chủ doanh nghiệp, trước khi đặt bút duyệt chi cho một dự án phim quảng cáo, hãy xem đơn vị làm phim có ý tưởng độc đáo không. Hãy nghe đơn vị đó nói xem họ sẽ viết như thế nào. Nếu “đằng ấy” mở bài với việc khoe khoang về máy móc chuẩn quốc tế hay quy trình “chuẩn thiên hà” thì gượm đã. Bởi vì có đầy đơn vị làm được. Doanh nghiệp phải nghe về ý tưởng kịch bản, tạo sao phải làm kịch bản như vậy, người xem sẽ có cảm xúc và hành vi gì sau khi xem phim quảng cáo ấy.
Người nghĩ ra được kịch bản hay ho, sẽ khắc biết cách quay dựng cho kịch bản ấy trở nên hay ho thực sự.
Người xem phim profile doanh nghiệp, trong thực tế, không thể và không muốn nhớ tất tần tật số liệu, họ tên ban Giám đốc, ngày tháng thành lập, các gạch đầu dòng thành tích... Thông tin mà khán giả và cả doanh nghiệp cần là cảm xúc trong – sau khi xem. Nhiệm vụ của biên kịch là bày ra ma trận, dẫn dắt người xem vào ma trận cảm xúc ấy, khiến họ yêu mến, yên tâm, hạnh phúc, sợ hãi…
Khi đó, có thể người xem sẽ nhớ tên doanh nghiệp trong vô vàn cái tên khác nhan nhản ngoài kia.
Vũ Minh Tiến
CEO Songhongmedia.vn