Ai đứng sau thành công của Lazada Đông Nam Á?

Chỉ sau hai năm thành lập, Lazada đã trở thành "trang Amazon của Đông Nam Á" khi bành trướng ra năm thị trường Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, với mức tăng trưởng ấn tượng nhất ngành bán lẻ trực tuyến trong khu vực.

“Đại gia” thương mại điện tử Rocket Internet ra mắt Lazada từ tháng 4-2012. Kể từ tháng 9-2012, các nhà đầu tư bên ngoài đã đóng góp vào Lazada ít nhất 486 triệu USD. Trong năm 2013, công ty mẹ Rocket Internet huy động thành công cho Lazada nguồn vốn 250 triệu USD, chủ yếu đến từ tập đoàn bán lẻ khổng lồ nước Anh Tesco.

Lazada có bốn bí mật đằng sau tốc độ lan rộng nhanh chóng của mình và xếp đầu tiên trong số đó là "Khách hàng là trên hết". Hãng sử dụng thước đo Net Promoter Score để đánh giá độ hài lòng của khách hàng với dịch vụ.

Thu nhập ròng 13,5 triệu USD

Theo báo cáo tài chính của Hãng đầu tư Thụy Điển Investment Kinnevik, thu nhập ròng của Lazada trong năm 2012 là 13,5 triệu USD, nhỉnh hơn một chút so với 12,9 triệu USD của "người em" Zalora - trang bán hàng thời trang trực tuyến cũng thuộc Rocket Internet. Trong sáu tháng qua, doanh số của Lazada tăng gấp đôi, lượng truy cập tăng 70%, đạt gần 1 triệu người/ngày.

Trong cuộc họp cuối năm 2013, cựu giám đốc điều hành (CEO) Lazada Thái Lan David Jou cho biết trong vòng 14 tháng, Lazada Thái Lan đã tăng từ điểm khởi đầu chỉ 50-60 đơn hàng/ngày, với doanh thu 75.000 USD/tháng, lên 1.100 đơn hàng/ngày cùng doanh thu 1,1 triệu USD/tháng. Thị trường Bangkok chiếm 60% doanh số và 1/2 doanh số đến từ các quảng cáo trên Facebook dẫn người mua đến với website của Lazada.

Indonesia đang là thị trường hoạt động tốt nhất của Lazada, khi CEO Lazada Indonesia Magnus Ekborn đem về doanh thu hằng năm 7 tỉ USD, chiếm 30% thu nhập của Lazada.

Bùng nổ ở Đông Nam Á

Bất chấp thách thức, Lazada - nơi bán đủ các loại hàng từ đồ điện tử đến quần áo - đã tiến những bước dài để xây dựng chỗ đứng tại Đông Nam Á. Lazada hiện có khoảng 1.500 nhân viên làm việc theo nhóm, ít nhất 5 người/nhóm và không nghỉ ngày cuối tuần.

CEO Lazada Đông Nam Á Maximilan Bittner cho biết ông chọn Đông Nam Á vì khu vực này đang sở hữu tiềm năng 600 triệu khách hàng, với tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng trong khi chưa có một công ty nào hoạt động tương tự Amazon đến khai thác.

Năm thị trường Đông Nam Á kể trên đều có sức hút lớn với mô hình hoạt động của Lazada.Thái Lan đã có một hệ sinh thái trực tuyến phát triển, khi các công ty thương mại điện tử địa phương đã biết chi mạnh tay hơn vào quảng cáo và hướng dẫn khách hàng quen với việc mua sắm online.

Trong khi đó, Indonesia có nguồn tài nguyên là dân số khổng lồ và Malaysia sở hữu GDP ấn tượng. So với các nước trong khu vực, khách hàng ở Việt Nam lại là những người nhiều thời gian nhất để lướt web, tạo điều kiện cho Lazada mở rộng thị trường.

"Nhìn những trang bán hàng Amazon hay Alibaba, bạn sẽ thấy được kích thước khổng lồ của các doanh nghiệp đó. Tất cả đều được xây dựng từ cơ hội cực kỳ ấn tượng" - ông Bittner nói.

Maximilan Bittner

Giám đốc điều hành Lazada Đông Nam Á Maximilan Bittner - Ảnh: swa.co.id

Forbes nhận định thị phần thương mại điện tử ở Đông Nam Á so với thương mại bán lẻ là vô cùng nhỏ - chỉ khoảng 1% - xếp sau Mỹ, Anh 10%, Trung Quốc 8%, thậm chí Ấn Độ 2-3%, theo dữ liệu từ Centre for Retail Research. Con số này cho thấy cơ hội tăng trưởng khổng lồ của Lazada.

Sau khi tập trung toàn lực vào năm thị trường Đông Nam Á, trong đó Việt Nam và Indonesia là hai thị trường tăng trưởng cao nhất - theo Retail Asia, CEO Lazada sẽ tính đến chuyện mở rộng sang Bangladesh, Myanmar, Lào, Campuchia, tiếp đến là Mỹ và Trung Quốc.

“Chúng tôi có thể giao hàng đến tận đảo Papua”

Bất kể doanh số bán hàng là bao nhiêu, Forbes cho rằng khó có thể dự đoán triển vọng lợi nhuận của Lazada, vì khối lượng đầu tư khổng lồ của họ vào chuỗi cung ứng, kho bãi và dịch vụ giao hàng là không thể tính toán được. Hãng có một số địa điểm trọng yếu tại các vùng đảo xa của Indonesia và Philippines.

"Chúng tôi bán hàng toàn quốc, chúng tôi còn có thể gửi hàng đến tận Papua (một hòn đảo xa và ít dân ở Indonesia. Đó là lợi điểm bán hàng độc nhất (USP) của chúng tôi - ông Bittner khoe - Khi Amazon bắt đầu ở Mỹ, họ không phải suy nghĩ chuyện vận chuyển hàng hóa đến khách hàng bằng cách nào, đã có mạng lưới giao nhận UPS lo".

Trong khi đó, Lazada phải tổ chức các đội giao hàng trực tuyến trong từng thị trường, vận chuyển khoảng 30% tổng số đơn hàng. Không chỉ có hậu cần mà mạng lưới thanh toán của Lazada cũng rất khác. Theo đó, phương thức thanh toán lớn nhất vẫn là trả tiền mặt khi giao hàng.

Lazada phải đối mặt với thách thức nội địa hóa mà Amazon không vướng phải ở Mỹ: phần nhiều trong số 535 triệu dân tại năm quốc gia không có thẻ tín dụng, hoặc nếu có cũng rất thận trọng khi cà thẻ cho các đơn hàng trực tuyến. Vì thế họ trả tiền mặt khi nhận hàng. Các công ty hậu cần nội địa vẫn đang phục vụ thương mại điện tử bằng tùy chọn "trả tiền mặt khi giao hàng".

"Chúng tôi cố gắng cho phép khách hàng trên toàn quốc thanh toán tiền mặt khi nhận hàng và xây dựng một mạng lưới dịch vụ hậu cần để giao hàng đến mọi nơi" - ông Bittner nói.

Khó khăn của Lazada là hướng dẫn cho khách hàng kinh nghiệm mua sắm thật sự. Khách hàng sẽ nhận được thông báo qua điện thoại hoặc tin nhắn SMS (đối với Philippines) khi kiện hàng đang trên đường giao đi.