Invisible Design: Khi tối giản thiết kế là tối đa trải nghiệm
Jared Spool, một chuyên gia người Mỹ chuyên nghiên cứu tính khả dụng của sản phẩm, từng chia sẻ: “Good design, when it’s done well, should be invisible”. Thực vậy, Invisible Design giúp người dùng đỡ phải tiêu tốn nhiều nỗ lực không cần thiết để tìm hiểu các bước tiếp theo cần làm gì thông qua những chỉ dẫn rõ ràng, phù hợp với bản năng hành vi tự nhiên của con người.
Invisible Design là gì?
Nếu mới sử dụng lần đầu hoặc hiếm khi tương tác với sản phẩm, người dùng thông thường sẽ bắt đầu làm quen, học cách sử dụng cũng như nguyên lý hoạt động của sản phẩm. Nếu thiết kế sản phẩm không tối ưu, người dùng dễ rơi vào cảm giác bối rối, phải nỗ lực “thử và sai” nhiều lần để khám phá cách dùng. Tuy nhiên trải nghiệm đó không phải lúc nào cũng dễ chịu nên người dùng sản phẩm có thể dễ nản lòng và rời bỏ sau thời gian làm quen sản phẩm.
Vì vậy vai trò của một thiết kế UX/UI tối ưu vô cùng quan trọng, giúp cho mỗi tương tác ban đầu này trở nên tự nhiên, gần gũi với người dùng hơn, khéo léo dẫn dắt họ bằng những chỉ dẫn trực quan thông qua các kỹ thuật thiết kế đúc rút từ các nghiên cứu tâm lý, hành vi tự nhiên mang tính bản năng của con người cũng như các định kiến phổ biến người làm UX/UI cần biết.
Invisible Design hướng đến các thiết kế tối ưu, “ẩn” đi những chi tiết có thể mang đến cảm giác gò bó, thiếu tự nhiên cho người dùng khi thực hiện một chuỗi những tương tác cần thiết để sử dụng sản phẩm hiệu quả, bằng các nỗ lực thiết kế trải nghiệm tối giản và trực quan nhất.
Các cấp độ của Invisible Design
Aesthetic invisibility (Vô hình trong thẩm mỹ)
Cấp độ Invisible Design này chú trọng đến việc tiết giảm tối đa các chi tiết rườm rà, mang tính hình thức, không có công năng cụ thể trong UI sản phẩm cũng như các thiết kế hình họa, chỉ giữ lại những thiết kế cân đối, cấu trúc khoa học, trực quan và dễ sử dụng với người dùng.
Interactive invisibility (Vô hình trong tương tác)
Không ít phần mềm ra đời cách đây một thế kỷ chọn cách tiếp cận “nhồi nhét” ngồn ngộn menu, tab quảng cáo cũng như ra sức giới thiệu nhanh chóng, tức thì hàng loạt tính năng cho người dùng ngay từ lần đầu sử dụng. Trong khi đó, nhiều ứng dụng ngày nay đều hướng đến hành trình dẫn dắt người dùng qua các cử chỉ “quẹt trái quẹt phải” đơn giản và tự nhiên “như hơi thở”. Các tính năng được “lui về hậu cung” và chỉ xuất hiện khi cần thiết, như một người hỗ trợ thầm lặng mà hữu ích.
Có thể thấy những tương tác vô hình nhưng rất hữu ích này trong các ứng dụng bản đồ khi chủ động hiển thị đề xuất điều chỉnh lộ trình nếu người dùng lỡ đi sai đường, hay tính năng kiểm tra lỗi chính tả nhẹ nhàng gạch đỏ nhắc nhở người viết khi có từ bị lỗi sai. Phía sau những tương tác tự nhiên đó là nỗ lực không biết mệt mỏi của những người thiết kế sản phẩm mong muốn loại bỏ những chi tiết rườm rà và biến mọi tương tác trở nên trực quan, thân thiện và ngày càng “vô hình” hơn.
Product invisibility (Vô hình trong trải nghiệm sản phẩm)
Ở cấp độ sản phẩm, thiết kế không còn dừng lại ở những chỉ báo tương tác đơn thuần mà còn nằm ở khía cạnh vận hành sản phẩm hoàn toàn tự động. Đội ngũ sản phẩm sử dụng sức mạnh công nghệ để tự động tối ưu các trải nghiệm, trở nên tiện lợi hơn khi giúp cho người dùng tiết kiệm các bước cần phải thực hiện để tương tác, sử dụng hiệu quả sản phẩm.
Những yếu tố hữu hình (UI) để tạo nên thiết kế vô hình
Quay trở lại với cấp độ Aesthetic Invisibility, các yếu tố mà đội ngũ thiết kế có thể bắt tay cải thiện ngay để mang đến trải nghiệm thị giác “vô hình” trực quan hơn cho người dùng có thể kể đến như:
1. Nội dung và ngôn ngữ: Từ ngữ có thể truyền tải tông giọng và ảnh hưởng không nhỏ đến cảm xúc phản hồi từ phía người dùng. Hãy sử dụng ngôn ngữ theo cách mà đội ngũ sản phẩm muốn người dùng cảm nhận khi tương tác với các thiết kế. Hãy điều chỉnh giai điệu của từ ngữ, con chữ một cách tự nhiên nhất khi thử đọc lên thành lời.
2. Màu sắc: Màu sắc nói riêng và sự kết hợp màu sắc nói chung đều có thể khơi gợi những cảm xúc nhất định trong mỗi con người. Hãy lựa chọn bảng màu kỹ lưỡng và đặt màu sắc ở những vị trí phù hợp, giúp người dùng thực hiện các hành động cụ thể như mong muốn cũng như tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu và hài hòa giữa các yếu tố. Một số sản phẩm sẽ đòi hỏi người thiết kế cân nhắc thêm các yếu tố văn hóa cũng như cảm xúc khi sử dụng màu sắc.
3. Typography: Mỗi bộ font chữ (typefaces) đều mang ý nghĩa riêng, truyền tải các sắc thái riêng, có thể là đơn giản hay trang trọng. Vì vậy người thiết kế cũng cần đặc biệt cân nhắc truyền tải những cảm xúc “vô hình” qua thiết kế của những con chữ.
4. Hình ảnh: Những chi tiết hình ảnh, ảnh động (animation) hay video trong sản phẩm đều có thể tác động mạnh mẽ đến các cảm xúc “vô hình” trong người dùng. Các yếu tố như tốc độ video, chọn tông màu nóng/ lạnh hoặc cân nhắc sự xuất hiện của con người trong một khung hình,.. đều cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo người dùng không bị lạc lối, mà tập trung vào chính xác những thông điệp mà đội ngũ muốn truyền tải.
5. Icon và các yếu tố UI: Sự đồng bộ về icon và các yếu tố UI cũng đóng góp rất quan trọng cho một thiết kế “vô hình” khi giúp người dùng hiểu cách thức vận hành của sản phẩm cũng như cách tương tác trong sản phẩm qua từng điểm chạm mà không cần phải suy nghĩ quá nhiều. Các hiệu ứng thiết kế cũng đảm bảo truyền tải đúng tông mood, cá tính sản phẩm, đáp ứng mục tiêu của sản phẩm trong khi vẫn giữ được sự tự nhiên, trực quan nhất khi người dùng trải nghiệm.
Các tips UX để hoàn thiện một Invisible Design cho sản phẩm số
Song song với các yếu tố hữu hình thì các cải thiện mang tính vô hình cũng góp phần tối ưu trải nghiệm cho người dùng. Sau đây là một số gợi ý mà đội ngũ sản phẩm có thể cân nhắc sử dụng:
- Tối giản luồng trải nghiệm người dùng: Một luồng trải nghiệm người dùng tối giản không chỉ đơn thuần thể hiện tài năng của người thiết kế mà hơn hết là giúp người dùng đạt được mục đích một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn. Các kỹ thuật bao gồm phác hoạ trước luồng trải nghiệm người dùng, tiến hành loại bỏ các bước rườm rà, thiết kế từng bước tối giản hơn, và đừng quên thử nghiệm để kiểm chứng giả định và cải thiện sản phẩm.
- “Giao tiếp” rõ ràng: Mỗi lần người dùng tương tác với sản phẩm và cảm thấy bối rối, rõ ràng họ đang có một trải nghiệm chưa tốt. Sự giao tiếp rõ ràng chính là mục tiêu tối thượng của Invisible Design, thể hiện qua nội dung ngôn từ truyền tải chính xác, đặc biệt là UX Writing trong lĩnh vực ngân hàng.
- Cho người dùng “cơ hội làm lại”: Hãy để người dùng có thể “sửa chữa lỗi lầm” với các tùy chọn như nút “Undo” (hoàn tác), hoặc cho phép họ tự do nhập dữ liệu trong khi đội ngũ “ngầm” sử dụng các dòng lệnh tự động tinh chỉnh để chuẩn hóa định dạng. Đội ngũ cũng cân nhắc tính năng tự động lưu tiến trình của người dùng; hay đính kèm các hướng dẫn hành động cụ thể tiếp theo trong các thông báo phản hồi khi người dùng gặp lỗi (errors, bugs) trong lúc trải nghiệm sản phẩm.
Nguồn tham khảo: fadeyev.net, intercom.com, designmodo.com
Liên hệ với GEEK Up nếu bạn cần được tư vấn cho giải pháp xây dựng sản phẩm số từ đối tác đáng tin cậy, có chuyên môn về thiết kế UX/UI sản phẩm.
- Hotline: +84 93 500 3830
- Email: [email protected]
* Nguồn: GEEK Up