Tương lai của lãnh đạo: Sự tử tế

Tương lai của lãnh đạo: Sự tử tế

Trong hành trình đi làm nhiều năm, tôi đã gặp không ít người thành công, xuất sắc. Nhưng những người được ủng hộ và ngưỡng mộ nhất, khi lặng lẽ quan sát cách họ tạo dựng sự nghiệp, tôi nhận ra bên cạnh tài năng, họ đều sở hữu chung một phẩm chất: Sự tử tế.

Bạn sẽ cười và nghĩ: “2023 rồi, sao ‘hồn nhiên’ thế?”.

Nhưng cũng giống cách tiếp cận khi làm marketing hay kinh doanh mà ta vẫn nói với nhau: Khách hàng không hề “khờ” hay “dễ tính”. Những cá nhân và tổ chức ta gặp thường ngày, họ cũng vậy. Cách tương tác bề trên, quyền lực và xa cách dường như đã lỗi thời trước những nhân sự thế hệ mới. Kết cục, nhiều lãnh đạo với phong cách tương tự đang loay hoay trong chính công việc mình được giao: Quản trị con người.

Năm 2019, một nghiên cứu của DDI – Hoa Kỳ cho thấy 57% nhân viên nghỉ việc vì sếp của họ. Tới 2021, từ đơn vị nghiên cứu khác – Good Hire, con số cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm: 82% người lao động cân nhắc nghỉ việc vì một người sếp tồi.

Chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng khác về lãnh đạo?

Trong khi nhiều quản lý đang loay hoay, một số quản lý khác, họ làm gì?

Tôi cũng chứng kiến một cuộc dịch chuyển: Từ mệnh lệnh, chuyển sang trao quyền; từ thúc ép, chuyển sang hỗ trợ; từ nguyên tắc, chuyển sang thấu cảm; và từ coi là nhiệm vụ, chuyển sang ghi nhận.

Kết quả, như Gallup tiếp tục chỉ ra trong một cuộc khảo sát: Nhân sự cảm thấy thỏa mãn, nâng cao lòng tự trọng, cải thiện khả năng đánh giá bản thân, khơi dậy cảm xúc tích cực, từ đó nâng cao năng suất cá nhân lẫn đội nhóm.

Và bạn có biết, hơn cả thế, chuyện gì đã xảy ra không?

Khi những doanh nhân trở nên đồng cảm và chân thành hơn, họ đồng thời trở nên hấp dẫn và thu hút hơn trong mắt mọi người.

Sẽ có ai đó vẫn băn khoăn: “Tử tế và dễ mến quá có khiến bạn trở nên mềm yếu?”.

Câu trả lời là: “Không hề!”.

Bạn hoàn toàn có thể mạnh mẽ, táo bạo và vẫn uyển chuyển như cách mà Jacinda Ardern, Thủ tướng New Zealand, luôn nhấn mạnh: “Tôi nghĩ một trong những điều đáng buồn mà tôi đã thấy trong giới lãnh đạo chính trị là – bởi vì theo thời gian, chúng ta đã quá chú trọng vào các khái niệm về sự quyết đoán và sức mạnh – nên có lẽ chúng ta cho rằng mình không thể có những thứ khác như phẩm chất của lòng tốt và sự đồng cảm”.

Ngược lại, thực tế đã chứng minh: Việc thiếu kết nối, lạnh lùng và kém hỗ trợ từ quản lý có thể khiến bạn trông quyền lực, nghiêm khắc nhưng đồng thời cũng kéo nhân sự rời bỏ bạn.

Trong “CEO Excellence”, một cuốn sách của McKinsey phỏng vấn 67 CEO, tất cả đều chia sẻ rằng họ coi những vấn đề chuyên môn cũng như những vấn đề văn hóa và con người với mức độ quan trọng như nhau. Các CEO chia sẻ:

“Là lãnh đạo, bạn có nhiệm vụ phải quan tâm tới những người mà bạn lãnh đạo”.

Trong thế kỷ 21, một lãnh đạo hiện đại đòi hỏi phải tử tế để tạo ra nền tảng lành mạnh giúp giữ chân nhân tài, giao tiếp hiệu quả, an toàn về tâm lý và tạo cơ hội để phát triển. Sự tác động này thậm chí không chỉ giới hạn trong những cá nhân do một quản lý tiếp cận, mà hoàn toàn tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong việc gia tăng kết nối xã hội và hòa nhập trong cả tổ chức.

Thực tế, cách tiếp cận này không hoàn toàn mới. Khi xã hội ngày càng áp lực, sức khỏe tinh thần của con người bị ảnh hưởng, nỗi cô đơn trong những đô thị gia tăng, một câu nói quan tâm tử tế đôi khi có sức mạnh hơn cả việc “sưởi ấm ba tháng mùa đông”.

Có một điều nhỏ nữa bạn có thể thấy: Không cần thiết phải có chức danh, bạn mới có thể “lãnh đạo” người khác, đặc biệt với lòng tốt và sự chân thành.

Và đó sẽ là tương lai của lãnh đạo!

Chúng ta vẫn phải tập trung vào bản thân, phát triển chính mình và đảm bảo hiệu suất. Và đây là thế giới kinh doanh chứ không phải khu vui chơi cho trẻ. Nhưng lần tới, thay vì lựa chọn giữa gửi đi những “to-do-list” và “deadline” máy móc; hãy thử ngồi xuống, nói chuyện với nhân sự của mình về công việc hay cả cuộc sống của họ.

Kết quả bạn nhận được, đôi khi là không tưởng.

Còn bạn thì sao, bạn lãnh đạo bằng điều gì?

Linh Đàm
Bài viết gốc: linhdam