TGM Research: Việt Nam đứng đầu về tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm đến tính bền vững khi mua sắm trực tuyến
TGM Research vừa công bố kết quả từ cuộc khảo sát toàn cầu – “TGM Global E-Commerce Survey” – nhằm đánh giá sự phát triển của thị trường thương mại điện tử sau đại dịch COVID-19.
Các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội trong thời kỳ dịch bệnh đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động kinh tế và xã hội, khiến cho nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chuyển hướng sang thương mại điện tử. Ngay cả khi các hạn chế được dỡ bỏ, quá trình chuyển đổi từ cửa hàng truyền thống sang cửa hàng bán lẻ trực tuyến được dự báo sẽ tiếp tục vì thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Để đánh dấu kỷ nguyên mới của nền kinh tế, TGM Research (công ty nghiên cứu thị trường dựa trên nền tảng công nghệ) đã tiến hành một cuộc khảo sát toàn cầu nhằm xem xét hiện trạng và xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số trên nền tảng thương mại điện tử ở 5 châu lục và 33 quốc gia. Tổng cộng có hơn 12.200 người tiêu dùng từ 18-64 tuổi tham gia khảo sát vào ngày 1-17/10/2022.
Cuộc khảo sát mới nhất của TGM Research về thương mại điện tử cho thấy những kỳ vọng, nhu cầu và hành vi của khách hàng đã thay đổi như thế nào trong suốt những năm qua khi nói đến mua sắm trực tuyến. Kết quả khảo sát cũng thể hiện cách doanh nghiệp điều chỉnh các mô hình kinh doanh để thích ứng trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.
Greg Laski, Tổng Giám đốc của TGM Research, nhận xét: “Nghịch lý thay, giãn cách xã hội trong đại dịch lại giúp chúng ta gắn kết với nhau hơn bao giờ hết. Giờ đây, khách hàng tại các địa phương có thể mua hàng hóa từ bất kỳ khu vực nào thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Những người cao tuổi đã trở nên thông thạo hơn trong việc mua sắm trực tuyến mà không cần quá nhiều sự hỗ trợ từ những người trẻ tuổi. Người tiêu dùng nói chung cũng đã quá quen với hình ảnh của những kiện hàng được giao tới trước cửa nhà họ. Giờ đây, chúng ta không thể phủ nhận rằng đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy một sự chuyển đổi chưa từng có trong cách người tiêu dùng mua sắm hàng hóa”.
Xét riêng tại thị trường Việt Nam, có 313 người trong độ tuổi từ 18-54 tham gia khảo sát. Kết quả cho thấy nhiều tiềm năng và triển vọng của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam.
- Tần suất mua hàng trực tuyến:
Trong 12 tháng qua, nhiều người tiêu dùng thường xuyên tham gia mua sắm trên Internet, 74% số người được khảo sát cho biết họ mua hàng trực tuyến hơn một lần mỗi tháng. Có thể quan sát thấy động lực tăng trưởng đáng kể trong ngành thương mại điện tử Việt Nam khi có đến 38% đáp viên cho biết họ mua hàng trực tuyến hàng tuần.
- Thiết bị sử dụng:
Điện thoại thông minh là thiết bị được ưu tiên hàng đầu, với 96% người được khảo sát ở Việt Nam sử dụng điện thoại để mua hàng trực tuyến. Tỷ lệ sử dụng máy tính cho thương mại điện tử nằm ở mức 47%, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có lượng người sử dụng thiết bị này để mua sắm trực tuyến lớn thứ hai khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sau Úc.
-
Sản phẩm bán chạy nhất:
Tại Việt Nam, quần áo và phụ kiện được mua sắm nhiều nhất (không phân biệt hình thức trực tiếp hay trực tuyến), với 65% đáp viên cho biết họ đã mua những mặt hàng này trong 12 tháng qua. Hơn một nửa số người được khảo sát cũng cho biết các sản phẩm chăm sóc cá nhân là một trong những mặt hàng được mua thường xuyên nhất.
-
Hoạt động trực tuyến của người tiêu dùng trong 12 tháng qua:
Các cửa hàng bán lẻ truyền thống đang nhường chỗ cho thương mại điện tử. Bằng chứng là dựa trên kết quả khảo sát, 55% người Việt Nam đã đặt hàng trực tuyến và sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh hoặc bưu điện.
Thị trường thương mại thông qua phát sóng trực tiếp (livestream) cũng đang tăng đột biến, với 38% số người được khảo sát nói rằng họ đã tham dự mua sắm qua livestream trong 12 tháng qua. Con số này minh chứng cho sức hấp dẫn của các hình thức bán hàng kết hợp yếu tố giải trí đối với người tiêu dùng Việt Nam.
- Nền tảng thương mại điện tử được ưa chuộng nhất:
Thương mại điện tử Việt đang được thống trị bởi ba tên tuổi lớn bao gồm Shopee, Lazada và Tiki. Theo khảo sát, 74% người tham gia cho rằng Shopee là trang thương mại điện tử yêu thích của họ. Bên cạnh đó, Shopee cũng là kênh mua sắm được ưa chuộng nhất trên khu vực APAC, theo sau là Lazada.
- Các yếu tố quan trọng nhất khi mua sắm trực tuyến:
Người tiêu dùng tại Việt Nam đặt “chi phí thấp” và “miễn phí vận chuyển” là những yếu tố hàng đầu khi mua hàng trực tuyến, với tỷ lệ 46%. Giá là yếu tố đứng thứ hai, đạt mức 43%.
Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân quan tâm tính bền vững khi shopping online cao nhất trong số 33 quốc gia được khảo sát (24%), cao hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu là 14%. Con số này cho thấy người tiêu dùng Việt ngày càng quan tâm về các vấn đề môi trường, ưu tiên các tùy chọn tái chế sản phẩm hay mua sắm những mặt hàng được sản xuất bền vững.
- Các hình thức khuyến mãi được ưa chuộng:
Trong sự cạnh tranh khốc liệt của lĩnh vực thương mại điện tử, các doanh nghiệp phải thật sự sáng tạo trong việc đưa ra các chiến lược khuyến mãi để kích cầu người tiêu dùng.
Khảo sát cho thấy 47% người dân Việt Nam cho rằng giảm giá theo phần trăm (ví dụ: giảm giá 30%) là hình thức khuyến mãi hấp dẫn nhất. Giảm giá theo số tiền (ví dụ: giảm 50.000 VND cho đơn hàng tiếp theo) cũng được khách hàng ưa chuộng, với 45% đáp viên lựa chọn loại hình này.
Mặt khác, chỉ có 13% số người tham gia khảo sát lựa chọn “mua trước, trả sau” khiến hình thức này trở thành chiêu thức khuyến mãi kém hấp dẫn nhất đối với khách hàng tại Việt Nam.
- Các phương thức thanh toán được ưa chuộng nhất khi mua hàng trực tuyến:
37% số người được khảo sát trong nước đã chọn “phương thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng” là hình thức thanh toán được ưa chuộng nhất.
Ngoài ra, các chính sách ưu đãi, miễn trừ nhiều loại phí dịch vụ của một số ngân hàng đã khiến việc thanh toán qua chuyển khoản trở thành phương thức ưa chuộng thứ hai, với tỷ lệ 25%.
Kết quả của cuộc khảo sát góp phần đem lại những hiểu biết sâu sắc về thái độ của khách hàng đối với việc mua hàng trực tuyến. Thương mại điện tử vẫn đang phát triển nhanh chóng trên mọi phương diện, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần nắm bắt những cơ hội này để thúc đẩy tính đổi mới, tính bền vững và tăng trưởng dài hạn trong tương lai.
Xem chi tiết báo cáo tại đây.