Marketer Steven Tran
Steven Tran

Senior Growth Manager @ Homebase

Thế hệ lãnh đạo của tương lai

Thế hệ lãnh đạo của tương lai

“Chúng ta cần một leader như thế nào trong tương lai?”.

Đây là bản dịch của bài viết “The next type of leader the world needs” của tác giả Shane Snow, bàn về những phẩm chất cần có của thế hệ lãnh đạo tương lai.

Một trong những điều đáng giá nhất mà chúng ta học được những trong năm vừa rồi chính là: Con người đã thực sự kết nối với nhau hơn bao giờ hết.

Dịch bệnh hay bạo lực đều có thể cảm nhận được từ khắp mọi nơi trên thế giới. Những hành vi sai trái sẽ bị phản đối từ mọi quốc gia. Các xu hướng địa phương sẽ nhanh chóng trở thành xu hướng toàn cầu.

Và lời nói của những người lãnh đạo, của leader có khả năng tạo ra hiệu ứng nhiều hơn họ nghĩ.

Ở một góc nhìn chi tiết hơn, chúng ta có thể thấy được các loại hiệu ứng tương tự nhau.

Các doanh nghiệp cũng giống như vậy, cũng được kết nối vô cùng chặt chẽ với các đối tác, với các nền tảng công nghệ, cũng như với các công cụ giao tiếp và chuỗi cung ứng.

Trong hệ sinh thái doanh nghiệp, những hành vi sai trái ở một bộ phận có thể ảnh hưởng đến văn hóa của toàn bộ doanh nghiệp.

Việc thiếu đi khả năng tư duy sâu và tố chất đạo đức ở một leader có thể gây ra những hiệu ứng gợn sóng (ripple effect) đến cả nội bộ công ty và đối tác.

Do đó, tôi nghĩ bây giờ là thời điểm tốt để dừng lại và tự hỏi bản thân:

“Chúng ta cần một leader như thế nào trong tương lai?”

Trên thực tế, những phẩm chất của một người dẫn đầu trong quá khứ đang dần trở nên không phù hợp. Đã qua rồi cái thời mà những leader cần là những “Big Guy hừng hực máu chiến” hay những “kẻ luôn có mọi câu trả lời cho bạn”.

Hiện nay, việc có những leader như vậy là điều vô cùng rủi ro. Họ cũng chỉ là con người, và nếu họ đưa ra những quyết định sai lầm, mọi thứ sẽ trở nên vô cùng tồi tệ.

Khi kinh tế – xã hội thay đổi, những người dẫn đầu cũng bắt buộc phải đổi thay để có thể thích nghi.

Tư duy hệ thống (Systems Thinking)

Sau vài năm nghiên cứu về tâm lý học nhằm tạo ra những đột phá trong teamwork, tôi có được những quan điểm khá vững chắc về các nguyên tắc làm việc nhóm cần thiết để giải quyết các vấn đề khó theo những cách mới mẻ.

Những đặc điểm của tư duy hệ thống.

Do đó, tôi thấy rằng những leader thế hệ mới cần nhìn được bức tranh toàn cảnh về cách mà teamwork vận hành, hay có được “Tư duy hệ thống” theo 2 cách dưới đây:

Thứ nhất, những leader giỏi sẽ hiểu được rằng mọi thứ đều có sự liên kết với nhau – chính những lựa chọn và các mối ưu tiên của họ sẽ phản ánh điều đó.

Hệ thống là sự kết hợp giúp tối ưu hóa khả năng của các phần, giúp chúng phát huy tốt hơn so với khi hoạt động độc lập.

Ví dụ, rừng nhiệt đới không chỉ có động vật và thực vật; sự liên kết giữa các sinh vật đã làm hệ sinh thái của nó phát triển tốt hơn rất nhiều.

Các tổ chức của con người cũng tương tự. Những quyết định của một bộ phận, ở đây có thể một thành phố hay một doanh nghiệp, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống.

Ý thức được điều đó, những leader giỏi sẽ biết suy xét một cách có hệ thống trước khi đưa ra những quyết định, thay vì chỉ chăm chăm những vấn đề trước mắt.

Thứ hai, không chỉ liên quan đến hiệu ứng gợn sóng, tư duy hệ thống còn cần được áp dụng trong chính team của bạn. Các thành viên trong team do bạn dẫn đầu cần thông minh hơn bạn.

Bởi lẽ, công việc của leader là khai phá tiềm năng của hệ thống (nhóm), chứ không phải là người quyết định mọi thứ theo ý của mình. Điều này có nghĩa là những leader giỏi cần hiểu và biết cách khai thác tối đa sự đa dạng về nhận thức trong team mình.

Trung thực về trí thức (Intellectually Honesty)

Các biểu hiện của sự thiếu trung thực.

Có một sự khác biệt tương đối rõ ràng giữa “không nói dối” và “hoàn toàn trung thực”. Thật không may, thế giới đã luôn dành phần tôn trọng cho những kẻ trục lợi từ sự bất đối xứng thông tin (information asymmetry) hay sự thiếu trung thực về trí thức.

Nếu bạn thường xuyên phải “vặn vẹo” những điều mình nói – thay vì nói rõ ràng và thừa nhận khi bạn sai – thì bạn không phải là mẫu người được tin tưởng trong thế giới ngày nay.

Trong một thế giới phức tạp và được kết nối chặt chẽ, sự hợp tác yêu cầu nhiều tính minh bạch và trung thực để có thể hoạt động hiệu quả.

Vì vậy, những leader giỏi nhất cần biết cách tôn trọng và nâng tầm sự liêm chính.

Khiêm tốn về trí thức (Intellectual Humility)

Để khai phá tiềm năng và tối ưu hóa khả năng của một nhóm, khiêm tốn là một phẩm chất rất cần thiết ở người leader.

Nhưng, tôi nghĩ chúng ta cần một đức tính cụ thể hơn thế: Sự khiêm tốn về trí thức.

Họ cần nhận thức được giới hạn kiến thức của bản thân và sẵn sàng thay đổi suy nghĩ của mình khi cần thiết – bất kể điều này có thể gây khó chịu, hoặc trông khó coi một chút.

Trừ khi bạn có kế hoạch giới hạn bản thân ở những thách thức hay lối mòn quen thuộc, nếu không, việc chọn những leader quá bảo thủ có thể là một sai lầm lớn. Chúng ta cần những nhà lãnh đạo có khả năng thích ứng linh hoạt.

Sự cảm thông và lòng khoan dung (Empathy & Charitableness)

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy rẫy sự khác biệt. Và đó thực sự là một biểu hiện tích cực. Những sự đột phá cần đến từ những lối suy nghĩ khác nhau và sự bổ sung văn hóa (culture-add) sẽ tốt hơn là phù hợp văn hóa (culture fit).

Trước đây, chúng ta thường bỏ qua việc những người đứng đầu chỉ quan tâm đến bản thân, hoặc cùng lắm là “người của họ”. Nhưng ngày nay, và trong tương lai, chúng ta cần những leader có thể đặt mình vào vị trí của mọi người.

Trong số những phẩm chất lãnh đạo mà mọi người ưa thích, cộng hưởng với những việc đang xảy ra, sự đồng cảm được xếp ở vị trí hàng đầu.

Nhưng chỉ vậy thì chưa đủ. Tôi nghĩ, các leader giỏi cần phải thể hiện sự cảm thông đó rõ ràng và cụ thể hơn là chỉ dừng ở mức “vừa đủ công bằng”.

Chúng ta sẽ gặp nhiều tình huống mà những chấn thương tâm lý, hay các vấn đề trong quá khứ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giải quyết vấn đề ở hiện tại. Do đó, xã hội hiện đại cần những leader có thể đối xử với người khác bằng tấm lòng khoan dung.

Xã hội hiện đại cần những leader có thể đặt mình vào vị trí của người khác và đối xử với họ bằng lòng khoan dung.
Nguồn: Forbes

Chúng ta cần người leader mà theo lời Dr. Martin Luther King từng nói, “not only refuses to shoot his opponent but he also refuses to hate him” (tạm dịch: không chỉ từ chối bắn đối thủ mà còn từ chối cả việc ghét bỏ anh ta).

Đó là kiểu lãnh đạo mà chúng ta cần để tái thiết lập lòng tin. Đó là kiểu lãnh đạo không chỉ giải quyết các vấn đề mới, mà còn có thể nhìn vào những vấn đề hiện có (như bất bình đẳng, bài ngoại và tư duy lỗi thời) và tìm ra giải pháp.

Thực ra, chúng ta đã từng có những người lãnh đạo có đủ 4 phẩm chất đã đề cập.

Một số người trong số họ đã sống từ rất lâu trước đây (như Abraham Lincoln). Một số người trong số họ đã giúp xã hội có những bước chuyển mình (như Dr.King, và gần đây là Nelson Mandela). Và một số người sở hữu những đức tính này hiện đang nắm giữ các vị trí quyền lực (như Thủ tướng New Zealand – Jacinda Ardern).

Nhưng cần phải có nhiều hơn nữa, đặc biệt là đối với doanh nghiệp. Bởi vì doanh nghiệp là một phần thiết yếu của hệ thống toàn cầu, và tất cả chúng ta ngày nay đều là một phần của nó.

Tuy nhiên, một business leader với những phẩm chất trên sẽ phải đối mặt với những lựa chọn vô cùng khó khăn. Họ sẽ đặt mọi người lên trên lợi nhuận. Họ sẽ đặt tác động của công ty đối với cộng đồng lên đầu danh sách ưu tiên. Và họ sẽ sẵn sàng bơi ngược dòng để làm mọi thứ, miễn là nó đúng và có ích cho mọi người.

Khi nghĩ về điều này, tôi nhớ đến Aaron Walton, CEO của Walton Isaacson, một agency sẵn sàng lắng nghe chia sẻ từ những người khiếm thính – và đối tác Magic Johnson của họ đã làm rất nhiều việc để nâng đỡ cộng đồng. Tôi nhớ đến Jane Chen, một CEO xuất thân từ designer có các sản phẩm dành cho những bà mẹ đã giúp cứu sống hàng trăm nghìn trẻ sơ sinh. Tôi nhớ đến Warren BuffettMarc Benioff, những người tiên phong trong việc phổ biến lối tư duy toàn cảnh và bày tỏ sự tử tế trong mọi quyết định kinh doanh.

Các nhà lãnh đạo tài năng của nhiều thế hệ (từ trái qua phải): Abraham Lincoln – Tổng Thống thứ 16 của Hoa Kỳ, Dr. Martin Luther King – Nhà hoạt động nhân quyền, Jacinda Ardern – Thủ tướng New Zealand, Aaron Walton – CEO Walton Isaacson, Jane Chen – Co-founder Embrace, Marc Benioff – Co-founder, Chairman & CEO Salesforce.

Hãy tưởng tượng về một viễn cảnh, nơi mà mọi nhà lãnh đạo của mọi công ty và quốc gia đều là những người có tư tưởng hệ thống, trung thực và khiêm tốn về mặt trí tuệ, luôn có sự đồng cảm và cư xử với lòng khoan dung.

Chúng ta có thể cùng nhau đi xa đến thế nào?

Chúng ta có thể xử lý đợt bùng dịch tiếp theo chứ?

Bây giờ, một số người có thể nói rằng hình mẫu leader mà tôi đang mô tả là một giấc mơ viển vông. Nhưng một lần nữa, chẳng phải Eleanor Roosevelt đã nói rằng “Tương lai thuộc về những ai tin vào vẻ đẹp của những giấc mơ” sao?

* Nguồn: Human Behavior & Innovation