Tổng hợp các mẫu báo cáo Marketing đầy đủ nhất cho Marketers
Lập các mẫu báo cáo Marketing và theo dõi chúng là một phần quan trọng và tất yếu trong các chiến dịch tiếp thị của doanh nghiệp. Các báo cáo này cho bạn biết rằng hoạt động Marketing của bạn có hiệu quả hay không, có những điều gì cần tinh chỉnh lại,… Vậy các nhà quản lý và nhân viên Marketing sẽ cần những mẫu báo cáo Marketing như thế nào? Cần chú ý những điều gì để có được các mẫu báo cáo hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây.
1. Các mẫu báo cáo Marketing tổng quan
Các mẫu báo cáo Marketing chung là các báo dựa trên thời gian hoạt động của một chiến dịch tiếp thị cụ thể.
Thông thường, sẽ cần một khoảng thời gian tiếp xúc nhất định trên các kênh khác nhau mới có thể thay đổi từ người truy cập thành những khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp.
Vậy đâu là những kênh mà các Marketers cần thực hiện báo cáo? Lúc này, việc thực hiện các báo cáo chung là cần thiết.
1.1 Báo cáo Marketing hàng ngày
Mẫu báo cáo Marketing hàng ngày thường được dùng trong nội bộ với mục đích chính là phát hiện ra ngay lập tức những lỗ hổng, thay đổi hoặc những nguy cơ đe dọa sớm nhất có thể.
Từ đó, các Marketers sẽ có những chiến lược điều chỉnh và giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt.
Báo cáo hàng ngày sẽ cho phép doanh nghiệp nắm bắt được những thông tin sau đây:
- Trang Web của công ty hoặc của khách hàng (đối với các Agency) và các trang truyền thông xã hội đang hoạt động ra sao.
- Có những thông tin gì cần chú ý ngay: lượng truy cập giảm hay tăng đột ngột, sự đột biến trong lượng truy cập vào các quảng cáo có trả phí, quảng cáo nào trên Google hay Facebook bị từ chối.
- Tìm ra các lý do cho những thông tin cần chú ý bên trên và những tinh chỉnh cần thiết nếu có.
Để nhận các dữ liệu hàng ngày này, bạn cần tùy chỉnh trên bảng điều khiển của Google Analytics. Chúng cho phép các Marketers biết được số lượng khách truy cập (traffic), số liệu hành vi người dùng, … trên Website.
Với các trang truyền thông xã hội, công cụ miễn phí như Google Alerts hoặc một số công cụ cần trả phí sẽ giúp bạn có được những thông tin cần thiết. Riêng với các quảng cáo trên Google hoặc Facebook, bạn có thể sử dụng chế độ cảnh báo trên email. Khi có bất kỳ vấn đề gì, bạn sẽ nhận được thông báo ngay trong hộp thư đến cực kỳ thuận tiện.
Công cụ lập báo cáo hiệu quả Marketing tự động – MISA AMIS aiMarketing
1.2 Báo cáo Marketing hàng tuần
Sử dụng mẫu báo cáo Marketing hàng tuần giúp bạn theo dõi và phân thích được các kết quả của chiến dịch tiếp thị trong thời gian ngắn và trung hạn.
Thường thì sẽ mất vài ngày chúng ta mới có được các tích lũy số liệu thống kê về lượt xem một bài đăng mới, chiến dịch PPC (chiến dịch quảng cáo trực tuyến có trả phí), … Báo cáo này sẽ là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp phân tích xu hướng dài hạn.
Nội dung trong các mẫu báo cáo Marketing hàng tuần sẽ giúp các nhà tiếp thị có được các thông tin sau đây:
- Bức tranh tổng thể thể về lưu lượng truy cập trong tuần: lượng truy cập biến động ra sao, kênh nào có nhiều lượt truy cập, lượng khách hàng tiềm năng và tỉ lệ chuyển đổi biến động ra sao so với tuần trước.
- Các ý tưởng và chiến dịch Marketing gần đây đem lại kết quả gì về mặt chuyển đổi? Có thể đánh giá là thành công hay không?
- Đưa ra cái nhìn tổng quan về các chỉ số quan trọng trên các kênh Social media như: lượng người theo dõi, lượng người tham gia tương tác, số lượt chia sẻ…
- Dựa trên những thông tin thu được, bạn có thể phát triển kế hoạch cho tuần kế tiếp.
Google Analytics là một kênh cực kỳ quan trọng để thu thập dữ liệu cho báo cáo này. Chúng bao gồm các chỉ số về lượt truy cập, hành vi khách hàng, lượng chuyển đổi so với tuần trước.
Với các kênh mạng xã hội, bạn có thể sử dụng các phân tích có sẵn bên trong của Facebook, Instagram, … chúng cũng cũng cấp data rất chuẩn xác và tức thời.
1.3 Báo cáo Marketing hàng tháng
Mẫu báo cáo Marketing hàng tháng sẽ cho chúng ta thấy những tác động của các ý tưởng trong các chiến dịch Marketing dài hạn như cải tiến SEO hay Content marketing. Thông qua báo cáo, các Marketers sẽ hiểu được các điều chỉnh trước đó ảnh hưởng như thế nào đến các số liệu chính trong dài hạn.
Nội dung của báo cáo hàng tháng sẽ trả lời giúp doanh nghiệp được một số câu hỏi:
- Toàn cảnh lưu lượng truy cập trên một Website, kênh nào đã hoạt động tốt, kênh nào hoạt động kém trong tháng. Những kênh hoạt động kém cần thay đổi gì?
- Các mục tiêu liên quan đến việc chuyển đổi từ lưu lượng truy cập sang khách hàng tiềm năng đã được cải thiện chưa? Chỉ số ROI (chỉ số đo lường tỷ lệ phần trăm doanh thu trên tổng chi phí đầu tư) thay đổi ra sao? Làm thế nào để cải thiện được kết quả?
- Các thông tin tổng quan về các hoạt động trên các kênh Social media, kênh chạy chiến dịch Marketing chính. Qua đó, bạn sẽ xác định được rằng chiến dịch có đạt được các mục tiêu chính đã đặt ra trong thời gian này hay không? Nếu không đạt được thì lý do là gì? Cần làm gì để thay đổi và cải thiện?
Đây là một mẫu báo cáo chung trong thời gian tương đối dài nên bạn cần tận dụng tất cả các công cụ như Google Analytics, số liệu trên các trang mạng xã hội và các công cụ cần thiết cho các kênh khác như email để có được dữ liệu cần thiết.
Ngoài ra, để báo cáo có giá trị hơn, bạn có thể so sánh với báo cáo cùng tháng của năm trước để có những kết luận phù hợp.
>>TẢI TRỌN BỘ 30+ MẪU BÁO CÁO MARKETING<<
1.4 Báo cáo phân tích đối thủ hàng tháng
Một mẫu báo cáo Marketing chung rất có giá trị khác là báo cáo phân tích đối thủ hàng tháng. Dựa vào những thông tin trên báo cáo này, các nhà tiếp thị có thể tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi về chiến dịch Marketing của chính doanh nghiệp mình. Ví dụ:
- Vì sao PPC của mình tăng lên trong tháng qua? Hãy xem xét chiến dịch PPC của đối thủ trong cùng thời điểm.
- Thứ hạng các từ khóa SEO của mình bị sụt giảm? Vậy đối thủ đã nỗ lực chiếm được vị trí thứ hạng của bạn như thế nào?
- Chiến dịch quảng cáo trên Facebook của mình không hiệu quả? Hãy xem đối thủ đã làm gì trong lĩnh vực này, lượng truy cập của họ ra sao, …
Có nhiều loại số liệu cần theo dõi trong báo cáo phân tích đối thủ cạnh tranh như: Sự thay đổi của lưu lượng truy cập và hành vi khách hàng, hiệu suất tìm kiếm theo từ khóa, chiến lược quảng cáo, Content Marketing,…
Để lập được báo cáo này, các công cụ phân tích đối thủ như Traffic Analytics, các phương pháp xem xét thủ công trên các trang mạng xã hội sẽ đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
2. Các mẫu báo cáo Marketing chi tiết
Bên cạnh các mẫu báo cao Marketing tổng quan theo định kỳ, doanh nghiệp cần có những báo cáo chi tiết dành riêng cho từng kênh tiếp thị.
2.1. Báo cáo chất lượng nội dung (kênh Content Marketing)
Báo cáo chất lượng nội dung sẽ bắt đầu với dữ liệu về thời gian quay vòng. Bằng dữ liệu này, bạn sẽ biết mất bao nhiêu thời gian để sản xuất một bài viết, từ khâu lên ý tưởng cho đến khi xuất bản đến với người đọc.
Dữ liệu này giúp Marketers kiểm soát được tiến độ và biết được đâu là giai đoạn mất nhiều thời gian nhất khi viết bài hay sáng tạo nội dung, đồng thời tìm ra cách để cải tiến chúng.
Ngoài ra, mẫu báo cáo Marketing về chất lượng Content còn bao gồm việc thống kê các bài viết/ ấn phẩm có lượt tương tác cao như like, share hay comment. Kết hợp các chỉ số này với một số chỉ số khác, các Marketers có thể phân tích đâu là nội dung mà khách hàng mục tiêu yêu thích và bị thu hút. Một số mẫu báo cáo về chất lượng nội dung còn bao gồm cả thang chấm điểm độ dễ đọc. Đây sẽ là cơ sở để người sáng tạo nội dung có thể điều chỉnh cách viết, ngôn từ, văn phong sao cho phù hợp với người dùng.
2.2 Báo cáo Google Ads
Google Ads là một trong những nền tảng quảng cáo có trả phí chủ đạo hiện nay. Chính vì vậy, các Marketers không thể thiếu mẫu báo cáo Marketing trên nền tảng này.
Báo cáo sẽ gồm các phần liên quan đến từ khóa, lượt nhấp chuột, tỷ lệ lead … Cụ thể, dựa vào báo cáo Google Ads, các nhà Marketing sẽ biết đâu là từ khóa thu hút, được nhấp chuột nhiều nhất và chi phí cho nền tảng này đang đổ vào vị trí nào.
Chỉ số CTR trung bình trên tại các địa điểm có quảng cáo Google Ads xuất hiện sẽ cung cấp tiêu chuẩn cho bộ từ khóa mà các nhà tiếp thị đang sử dụng. Từ chỉ số này sẽ đánh giá được về tính hiệu quả cho chiến dịch của mình.
Mẫu báo cáo Marketing Google Ads
2.3 Báo cáo chiến dịch Marketing trên mạng xã hội (Social Media)
Các kênh mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube, Tiktok… có lượng người dùng theo dõi rất lớn.
Các mẫu báo cáo Marketing trên các kênh này thường sẽ bao gồm các chỉ số như: lượng người xem, người theo dõi, lượt tương tác, lượt hiển thị, lượt tiếp cận, số liệu về mức độ tương tác với các bài viết trên trang, thời gian trung bình để tạo ra chuyển đổi, …
Các thông tin trong mẫu báo cáo chiến dịch Marketing trên mạng xã hội cần có sự liên kết với nhau và được thể hiện một cách rõ ràng. Điều đó giúp cho người xem có thể dễ dàng đánh giá và đưa ra những biện pháp điều chỉnh, thay đổi nếu cần thiết.
2.4 Báo cáo hiệu quả hoạt động trên Website
Google Analytics là một công cụ hữu hiệu để theo dõi hành vi khách hàng trên các Website. Khi làm mẫu báo cáo Marketing về hiệu quả hoạt động trên Website, các Marketers cũng sẽ cần đến các số liệu thu thập được bởi công cụ này.
Nội dung của báo cáo thường bao gồm các dữ liệu về tổng số lượt truy cập, lượt người dùng mới tiếp cận, tỷ lệ thoát trang, thời gian ở lại trên trang, số lượng người chuyển đổi sang mua hàng và tỷ lệ chuyển đổi.
Mẫu báo cáo hoạt động marketing trên website trên Google Analytics
Những thống kê này có thể được thực hiện theo ngày, tuần, tháng, quý hoặc năm và có thể giúp người làm Marketing dễ dàng nhận ra những thay đổi và xác định xu hướng tăng giảm của chúng. Báo cáo hoạt động trên Website còn có cả các thông tin liên quan đến khu vực địa lý mà khách hàng đang sinh sống. Nhờ đó, bạn có thể đưa ra quyết định xem nên đầu tư ngân sách vào khu vực nào, đâu là thời điểm thích hợp, …
2.5 Báo cáo SEO
Báo cáo SEO giúp Marketers nắm được các thông tin về vị trí và hiệu quả nhấp chuột vào mỗi bộ từ khóa trên Website, đồng thời biết được vị trí của các bài viết đã được đăng lên trên Google.
Đặc trưng của SEO là thường phải thời gian dài mới có kết quả, do đó, các mẫu báo cáo Marketing về SEO hiếm khi được thực hiện hàng ngày.
Lượng thông tin thu thập được từ các báo cáo SEO cũng rất lớn. Chúng có thể cho doanh nghiệp biết rằng từ khóa nào đang thúc đẩy khách hàng truy cập vào Website, sự thay đổi thứ hạng của các bài viết, khách hàng đến từ khu vực địa lý nào, tỷ lệ thay đổi lưu lượng truy cập, kỹ thuật SEO hiện tại có ảnh hưởng như thế nào…
Để lập báo cáo SEO, bạn có thể lấy các số liệu từ Google Analytics, Google Search Console và các số liệu khác.
Mẫu báo cáo hiệu quả SEO Marketing trên Google Search Console
>>TẢI TRỌN BỘ 30+ MẪU BÁO CÁO MARKETING<<