Marketer Steven Tran
Steven Tran

Senior Growth Manager @ Homebase

Pallet: Tuyển dụng thông qua các content creator sẽ như thế nào?

Pallet: Tuyển dụng thông qua các content creator sẽ như thế nào?

Gaby Goldberg đã viết trên blog “Curators Are the New Creators” của mình: “Không phải nội dung, chính sự chú ý (attention) mới là thứ thực sự khan hiếm. Với sự tràn ngập thông tin như hiện tại, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là chọn lọc những gì quan trọng và đáng để tiếp thu nhất – hoặc tốt hơn là tìm được những người có thể làm điều đó thay chúng ta”.

Đây là bản dịch của bài viết “Pallet – The economics of running a job board” của tác giả Leo Luo về hành trình của Pallet – trang cộng đồng đăng tin tuyển dụng trả phí thông qua content creator, cùng những chia sẻ của Kai Han – Founder của startup này.

Tôi đồng cảm sâu sắc với chia sẻ trên của Gaby vì đó là một trong hai lý do cốt lõi khi tôi làm Consumer Startups. Đó là:

  1. Để có thể học và chia sẻ kiến thức đến bạn bè trên mạng
  2. Để tìm hiểu các xu hướng và cập nhật những tin tức về gọi vốn cho những ai quan tâm, điều mà tôi không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác

Và, dưới đây là câu chuyện về Pallet.

Nguồn: Pallet

Background

Kai Han, một sinh viên mới tốt nghiệp Oxford và cũng là Founder của Pallet, nhận thấy xu hướng quản lý chọn lọc này.

Kai học Kinh tế tại Oxford với chuyên ngành Labor Economics. Trong quá trình nghiên cứu, anh nhận thấy thị trường tuyển dụng là một khía cạnh hấp dẫn của kinh tế vĩ mô. Anh ấy đã tận mắt trải nghiệm điều đó khi bắt đầu tìm việc làm. Mọi thứ trông thật... “tàn bạo”.

“Tôi đã có được tất cả những trải nghiệm này trên Internet, tham gia vào các cộng đồng khác nhau trên Twitter hoặc Slack, nhưng nó không thực sự giúp ích cho quá trình tuyển dụng của tôi. Tôi đã tạo tài khoản trên Indeed và LinkedIn nhưng thậm chí tôi không biết mình phải tìm kiếm cái gì”, Kai cho biết.

“Nhảy vào hang thỏ”

Việc học tập và những trải nghiệm cá nhân đã thúc đẩy Kai tìm hiểu sâu hơn. Là một sinh viên học về kinh doanh, Kai muốn khám phá các cơ hội để tạo ra một sản phẩm tốt hơn trên thị trường tuyển dụng.

“Về cơ bản, tuyển dụng không phải là một ngành dựa trên sản phẩm – nó là một ngành dịch vụ”.
Nguồn: Envato

Sau khi xác định được thị trường, anh “đi sâu vào hang thỏ” (rabbit hole) bằng cách nhắn tin cho nhiều người nhất có thể và đọc thêm những case-study trong thị trường này. Anh ấy nhận ra 2 insight thú vị:

  • Thị trường tuyển dụng có thể gây ra những hiệu ứng mạng lưới tiêu cực

“Việc thêm nhiều ứng viên vào nhóm không cải thiện trải nghiệm cho tất cả mọi người. Trên thực tế, việc này sẽ làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn với cả công ty và ứng viên. Nó sẽ trở thành một nơi ồn ào và các ứng viên sẽ khó nhận được sự chú ý”, Kai chia sẻ.

  • Việc xây dựng một thị trường lao động có khả năng mở rộng cho không gian tri thức là vô cùng thách thức

“Về cơ bản, tuyển dụng không phải là một ngành dựa trên sản phẩm – nó là một ngành dịch vụ. Sản phẩm duy nhất đã hoạt động trên quy mô lớn là CRM (Quản lý quan hệ khách hàng). Tuy nhiên, nếu bạn cố gắng xây dựng một CRM, LinkedIn sẽ ‘đá’ bạn ra khỏi cuộc chơi. Hầu hết các thị trường tuyển dụng theo từng ngành đặc thù thường hoạt động tốt ngay từ đầu vì nhóm ứng viên đã được tuyển chọn, nhưng họ vẫn có thể thất bại trong việc mở rộng nó”, Kai chia sẻ.

Thử sức: Cardea

Những insight này đã đưa Kai đến một luận điểm quan trọng: Cách duy nhất để xây dựng một sản phẩm tuyển dụng có thể mở rộng là tạo ra các lớp tính năng có thể hỗ trợ cho nhiều thị trường tuyển dụng khác nhau.

Nỗ lực đầu tiên của Kai là xây dựng một sản phẩm tiêu dùng. Nó được gọi là Cardea với tính năng đề xuất những “Job playlist” – danh sách công việc cho người dùng. Người dùng có thể đăng ký các “playlist” này để nhận được việc trong các “luồng” thông tin đã được cá nhân hóa.

Giao diện ban đầu của Cardea.

“Mục tiêu ban đầu của chúng tôi là thu hút đủ sự chú ý để bắt đầu thực hiện một số hoạt động hướng ngoại – tìm kiếm những người có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực tech-twitter để họ chọn lọc ra một danh sách. Mục đích của chúng tôi là thu hút một lượng lớn người dùng bằng cách sử dụng sự mới mẻ của sản phẩm và sự ‘viral’ từ những influencer. Một khi thành công, chúng tôi sẽ có khả năng thu hút các doanh nghiệp tham gia”, Pallet blog.

Pivot – chuyển hướng: Tập trung vào các creator

Tôi nhận thấy rằng hầu hết các founder trẻ tuổi có xu hướng xây dựng một sản phẩm tiêu dùng cho startup đầu tiên của họ. Tuy nhiên, người tiêu dùng hay thay đổi, và việc trở nên “viral” là vô cùng khó khăn. Kai và nhóm của anh ấy cũng nhận ra thử thách này.

Chất xúc tác đầu tiên cho sự xoay trục đến từ cuộc trò chuyện giữa họ với một nhà báo, Ian Kar, người đã thành lập Fintech Today. Họ trình bày ý tưởng về Cardea với Kar và chọn lọc danh sách công việc trên nền tảng này như những influencer khác.

Ian hứng thú với việc giúp đỡ Cardea, nhưng anh ấy cũng đề xuất một giải pháp thay thế: Giúp anh ấy xây dựng một hệ thống hỗ trợ tuyển dụng (recruiting backend system).

Nhân tố thứ hai tác động đến quyết định chuyển hướng là Lenny Rachitksy, một trong những cây viết về công nghệ nổi tiếng. Lenny hoàn toàn không quan tâm việc chọn lọc danh sách công việc, nhưng anh ấy đang tham gia làm một job board (bảng tuyển dụng) và được thuê (với nhiều tiền) để làm nổi bật các tin tuyển này trên bản tin của Lenny. Anh ấy muốn có một giải pháp có thể tổng hợp tất cả tin tuyển dụng đó vào một nơi, và cho phép anh ấy kiếm tiền dễ dàng.

Những điều này đã tác động mạnh mẽ đến nhóm của Kai.

“Lenny đã đề nghị ‘đặt con ngựa trước chiếc xe đẩy’. Nghĩa là, thay vì cố gắng tạo ra một thị trường mới từ con số không, chúng tôi bắt đầu bằng cách làm việc với những người đã có ảnh hưởng tại một số thị trường từ trước hoặc có nhiều tiềm năng để tạo ra một thị trường mới”, Pallet blog.

Sau cuộc trò chuyện đó, Kai và nhóm của anh ấy đã quyết định chuyển hướng. Từ ý tưởng cho người tiêu dùng, họ muốn xây dựng một sản phẩm job board cho những content creator như Ian và Lenny.

Giao diện hiện tại của Pallet.
Nguồn: Pallet

Thị trường job board

Lenny đã trở thành content creator đầu tiên của Pallet.

Do nền tảng vững chắc của Lenny, với hơn 100.000 người theo dõi, nội dung bắt đầu lan rộng, đặc biệt là trong mảng công nghệ. Nhiều cây viết về công nghệ nổi tiếng khác đã tham gia nền tảng này, chẳng hạn như Packy McCormickSahil Bloom. Cho đến nay, nhóm của Kai đã giới thiệu 50 content creator và có hơn 1.000 người trong danh sách chờ.

Sản phẩm này khá đơn giản – một trang web tuyển dụng do các creator quản lý. Các công ty sẽ trả tiền cho họ để được xuất hiện trên nền tảng. Sản phẩm đơn giản, nhưng lại hiệu quả bất ngờ.

Với content creator, đây là một nơi giúp họ có thêm thu nhập. Ngoài ra, nhiều cây viết cũng đã nhận làm quảng cáo tuyển dụng từ trước.

Với người dùng, đây là một cách hiệu quả để tiếp cận công việc phù hợp với khả năng và sở thích của họ, giữa bối cảnh nhân viên tri thức không ngừng tìm kiếm công việc mới để xoay chuyển hoặc có thêm những trải nghiệm mới. Ngày nay, nhiều người đổi công việc hai năm một lần, đặc biệt là trong những ngành công nghệ cao.

Với các công ty, họ có được một danh sách các ứng viên phù hợp hơn với công việc, so với danh sách từ các công ty tổng hợp theo chiều ngang như Indeed. Pallet có thể có được những ứng viên hàng đầu, tùy vào độ tin cậy của content creator mà công ty thuê.

Kinh tế học

Bản thân là một người viết bản tin, tôi khá quan tâm đến mặt kinh tế của việc điều hành một job board.

Mô hình này đơn giản, tương tự như Substack. Content creator có thể quyết định mức phí cho mỗi bài đăng tuyển dụng, cũng như thời gian công việc đó sẽ hiển thị trên job board. Pallet có phí hoa hồng 10%.

Chúng ta có thể lấy ví dụ từ trường hợp của Lenny, một trong những cây viết nổi tiếng nhất trong lĩnh vực bản tin công nghệ.

Lenny tính hai mức giá trên trang web là 500 USD cho một bài đăng tuyển dụng tiêu chuẩn trong 30 ngày và 1.500 USD cho một bài đăng tuyển dụng nổi bật trong thời gian tương tự.

Vào thời điểm tôi viết bài này (tháng 10/2021), có 39 công việc trên job board của anh ấy và 11 trong số đó là các bài đăng nổi bật. Để đơn giản hóa các phép tính, hãy giả sử trung bình có 40 bài đăng tuyển dụng mỗi tháng (30 bài tiêu chuẩn và 10 bài nổi bật).

Tôi tin rằng đây là một con số khá thận trọng. Số lượng bài đăng tuyển dụng thường sẽ tăng lên theo thời gian khi nhiều công ty tìm ra kênh tuyển dụng mới này.

Đây là những tính toán cụ thể:

Nhiều người rỉ tai nhau về việc Lenny đã kiếm được hơn 360.000 USD từ những người đăng ký bản tin trả phí vào năm vừa qua. Anh ấy dự kiến sẽ tăng gấp đôi thu nhập trong năm nay chỉ bằng cách đăng việc làm mà không cần thêm bất kỳ người đăng ký trả phí mới nào. Ngoài ra, vì anh ấy đã đăng tuyển rất lâu trước Pallet, nên chi phí biên sẽ rất rất thấp.

Đây là lý do tại sao tôi yêu thích các công cụ sáng tạo. Họ mở ra các nguồn thu nhập mới và giúp content creator kiếm sống bằng cách làm những việc họ đam mê một cách dễ dàng.

Thách thức

Pallet đang đặt cược vào một tương lai nơi việc làm ngày càng được phân bổ nhiều hơn và hướng đến cộng đồng. Với mục đích trở thành Shopify của thế giới tuyển dụng, những tính năng của Pallet sẽ đáp ứng cho nhu cầu tuyển dụng đặc thù cho từng ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, nó vẫn còn rất nhiều thách thức phải vượt qua, trước khi hiện thực hóa tầm nhìn đó.

Nguồn: Pallet

Đầu tiên là khả năng mở rộng. Mô hình này hoạt động hiệu quả với những content creator có hơn 30.000 người đăng ký, nhưng sẽ khó có hiệu quả nếu họ có dưới 1.000 followers. Để mở rộng quy mô của mình, Pallet cần tìm giải pháp để giải quyết vấn đề đó.

Vấn đề thứ hai là sự cạnh tranh. Khi một mô hình kinh doanh được chứng minh là sinh lời và hiệu quả, nhiều người mới sẽ tham gia và khai thác nhiều góc độ khác nhau để canh tranh.

Có lẽ các startup tiếp theo có thể sẽ xây dựng một công cụ tương tự nhưng tập trung vào một phân khúc người sáng tạo khác – một vấn đề mà cả Linktree và Substack hiện đang gặp phải.

Lời khuyên về việc gọi vốn

Vào cuối cuộc phỏng vấn của tôi với Kai, anh ấy đã rất tử tế khi chia sẻ một số lời khuyên về việc gọi vốn pre-seed cho các founder, đặc biệt là những founder trẻ tuổi chưa có quá nhiều thành tựu để chứng minh.

  • Tìm một người cố vấn hoặc một chương trình hỗ trợ

Trong trường hợp của Kai, anh ấy đã tìm được một cựu sinh viên ở Oxford có hứng thú với tầm nhìn của anh và sẵn sàng giúp đỡ. Anh ta đã giúp Kai rất nhiều trong giai đoạn tiền startup.

Kai chia sẻ: “Nếu bạn không có nhiều mối quan hệ, bạn cần một điều gì đó có thể bật đèn xanh cho mình. Cho dù đó là một người cố vấn hay một chương trình cấp tốc, bạn cần tìm một người tin tưởng vào bạn và giúp bạn trong quá trình này”.

  • Tạo FOMO và giữ tất cả các cuộc họp trong thời gian ngắn

“Gọi vốn là một trò chơi và FOMO (Fear Of Missing Out) là một công cụ quan trọng để thu hút các nhà đầu tư quan tâm. Tôi cũng khuyên bạn nên giữ tất cả các cuộc gặp gỡ trong khoảng thời gian ngắn khoảng hai tuần. Nó có thể thúc đẩy FOMO và hiệu quả hơn cho các founder”, Kai nói.

  • Trung thực với tri thức (Intellectual Honesty)

Cuối cùng, Kai chia sẻ: “Khi bạn kể câu chuyện của mình, điều quan trọng là phải trung thực về mặt trí tuệ. Không ai mong đợi một founder pre-seed sẽ có thể giải quyết mọi thứ. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rõ về các giả định, lý do và cách bạn có thể xác nhận các giả định đó. Các nhà đầu tư đang tìm kiếm một người có tầm nhìn lớn và nhận thức được những động lực nào sẽ thúc đẩy hay phá vỡ doanh nghiệp”.

* Nguồn: Consumer Startups