Giảng viên Đại học RMIT: Đầu tư đổi mới sáng tạo – Thách thức đáng để giải quyết
“Doanh nghiệp có thể làm gì để thu hẹp khoảng cách giữa khoản đầu tư cho đổi mới sáng tạo và giá trị tạo ra từ đó?”, Giảng viên Đại học RMIT – Tiến sĩ Seng Kiong Kok chia sẻ góc nhìn về vấn đề này.
Bài viết là quan điểm của Tiến sĩ Seng Kiong Kok, Quyền chủ nhiệm cấp cao bộ môn Sáng tạo và Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam.
“Làm rõ vấn đề, lên ý tưởng, phát triển giải pháp và thực thi” là những nguyên tắc tư duy thiết kế cơ bản để dẫn dắt quy trình đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, từ các “gã khổng lồ” đa quốc gia đến những công ty khởi nghiệp.
Nhu cầu về đổi mới và nguồn nhân lực chuyên biệt trên toàn cầu hiện đang rất lớn, thể hiện qua số lượng phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo (innovation lab) xuất hiện ngày càng nhiều. Xu hướng này đặc biệt rõ rệt ở châu Á, nơi đã vượt qua châu Âu về số lượng trung tâm đổi mới thuộc các doanh nghiệp. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ và đang xếp thứ hai về đổi mới trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp (theo báo cáo của WIPO). Trước đó, Việt Nam từng xếp hạng cao hơn các quốc gia như Ấn Độ, Malaysia và Philippines trong một vài năm.
“Đổi mới sáng tạo” hiện đang là cụm từ kích hoạt hành động trong giới doanh nghiệp. Dữ liệu khảo sát gần đây chỉ ra rằng khái niệm này luôn nằm trong Top 3 ưu tiên hàng đầu của các công ty. Ngoài ra, một số minh chứng cho thấy những doanh nghiệp đầu tư nhiều vào đổi mới trong giai đoạn đại dịch toàn cầu vừa qua sẽ gặt hái được kết quả kinh doanh cao hơn đối thủ. Mặc dù đổi mới sáng tạo đang thu hút được khá nhiều sự quan tâm nhưng đây vẫn là một khái niệm khó định nghĩa, mỗi nơi lại mang một hình thái khác. Nhưng có lẽ, rất ít doanh nghiệp muốn bị coi là đang đứng ngoài cuộc chơi đổi mới.
Việc thiếu định nghĩa cơ bản có thể là lý do khiến các doanh nghiệp vẫn còn yếu kém trong việc mở rộng quy mô đầu tư đổi mới để tạo ra giá trị cho tổ chức. Nói cách khác, ngay cả khi họ có khả năng “bắt chước” đối thủ hay tiền bối cùng ngành trong quá trình xây dựng phòng thí nghiệm hoặc đổi mới cơ sở hạ tầng, thì kết quả vẫn khác nhau đáng kể.
Bên cạnh việc cho thấy những doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho đổi mới sẽ kinh doanh tốt hơn sau giai đoạn COVID-19, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỉ lệ các công ty có khả năng mở rộng quy mô đổi mới chỉ đạt 20%. Từ góc độ thể chế, điều này đặt ra một câu hỏi đầy thách thức và cần được giải quyết.
Những nghiên cứu hiện có giúp xác định ba vấn đề cốt lõi: (1) thiếu văn hóa doanh nghiệp, (2) ít coi trọng hợp tác trong và ngoài doanh nghiệp, và (3) không đánh giá cao và thiếu tuân thủ các mục tiêu của tổ chức. Nói một cách đơn giản, doanh nghiệp có chuyên môn và kiến thức kỹ thuật để đổi mới, nhưng họ thiếu năng lực lãnh đạo để điều phối, hướng dẫn và thúc đẩy các nguồn lực này nhằm đạt được mục tiêu.
Vậy làm thế nào để đối phó với vấn đề này?
Trước khi ra mắt chuyên ngành Sáng tạo và Kinh doanh, đội ngũ giảng viên tại Đại học RMIT Việt Nam đã trò chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp và đối tác trong ngành về mức độ sẵn sàng đổi mới và khả năng mở rộng đổi mới, nhằm hiểu hơn về những giải pháp giúp thu hẹp khoảng cách giữa đổi mới và giá trị tạo ra. Các chuyên gia cũng kết hợp những cuộc trò chuyện này với việc xem xét kiến thức học thuật hiện có để tìm ra giải thích cho những hiện tượng trên. Theo đó, có bốn biện pháp can thiệp tổng quát:
Thứ nhất, cần phải hướng tầm nhìn ra ngoài nội bộ tổ chức để tìm động lực đổi mới. Việc sử dụng và xây dựng các nguồn lực đổi mới trong nội bộ là điều tốt. Tuy nhiên, nếu có thể tăng cường những hoạt động này bằng các cơ chế bên ngoài thì đây sẽ là động lực bổ sung để thu hẹp khoảng cách giữa đổi mới và các giá trị tạo ra.
Thứ hai, tìm hiểu về cơ cấu tổ chức sẽ giúp xác định cách khai thác những nguồn lực đổi mới có giá trị. Cơ cấu tổ chức ở đây bao gồm các cấu trúc hữu hình như mạng lưới chi nhánh và vị trí địa lý, cũng như các tổ hợp cấu trúc chính trị – xã hội ít hữu hình hơn như hệ thống lãnh đạo và quản trị.
Thứ ba, cần chú trọng trau dồi và hỗ trợ các nhóm khác nhau trong đội ngũ nhân sự. Đổi mới là (hoặc có thể là) một quá trình mang tính chất đột phá, đòi hỏi các tổ chức và nhân sự phải hiểu rõ hơn về những vấn đề nhức nhối hiện tại và loại bỏ những lối mòn trong tư duy để tìm ra giải pháp. Một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình đổi mới là tạo ra môi trường cho phép các cá nhân sáng tạo và đưa ra ý kiến không đồng thuận, cũng như hỗ trợ họ về mặt tâm lý xã hội khi phải tham gia vào những cuộc thảo luận khó khăn.
Cuối cùng, cần hiểu rõ hành lang quy định để đảm bảo đổi mới sáng tạo phù hợp với các mục tiêu của tổ chức. Cần lưu ý rằng đổi mới thường chỉ thực sự diễn ra khi doanh nghiệp phải đối mặt với trở ngại, còn hành lang quy định trong và ngoài nước sẽ giúp xác định mức độ đổi mới thể chế.
Những biện pháp can thiệp trên không chỉ giúp thu hẹp khoảng cách giữa giá trị tạo ra và hoạt động đổi mới của doanh nghiệp mà còn tác động đến các thế hệ tương lai, đặc biệt là những sinh viên đang học tập hoặc sắp tốt nghiệp và chuẩn bị tham gia vào thị trường lao động.
Thông điệp chung là cần quan tâm đến khả năng bổ trợ và khả năng thích ứng của các kỹ năng trong lực lượng lao động nhằm đón đầu những bước chuyển đổi số tiếp theo trong nền kinh tế. Các bộ kỹ năng truyền thống cần được bồi đắp để bắt kịp tốc độ chuyển đổi nhanh chóng và doanh nghiệp cần nhận thức rõ lợi ích từ các cơ hội hợp tác. Mặc dù doanh nghiệp có thể tự mình đổi mới, nhưng hợp tác sẽ đem lại lợi ích lớn hơn cho cả mặt bằng chung.