Khiêm nhường giữa thế giới “ái kỷ”

Khiêm nhường giữa thế giới “ái kỷ”

Trung bình một người trưởng thành chụp 25.000 bức ảnh “tự sướng” xuyên suốt cuộc đời, theo khảo sát của Mashable.

Và theo báo cáo của Aloha Brower, cũng chính người trưởng thành đăng trung bình hơn 10.000 lần trên mạng xã hội, chưa kể nhiều người không chỉ dùng một mà… nhiều mạng xã hội.  

Chúng ta đang bị ám ảnh bởi điều gì?

Khiêm nhường giữa thế giới “ái kỷ”

“Yêu bản thân”, “Vì bạn xứng đáng”, “Tại sao không?”… thật nhiều khẩu hiệu được đánh dấu hashtag “#” nối nhau và hàng ngàn chia sẻ xuất hiện mỗi sáng trên “dòng thời gian”, trước khi bạn tĩnh tâm lên to-do-list trong ngày, hay thậm chí trước khi bước chân khỏi giường. (Chà điều tôi nói cũ như Trái Đất, nhưng xin lỗi, chúng ta khó có thể phủ nhận sự lệ thuộc của mình với social media).

Lúc đầu, bạn thấy thật nhiều cảm hứng, thật nhiều động lực khi đám đông cùng nhau chia sẻ tư duy tích cực, cùng nhau “tell the story”. Nhưng điều gì xảy ra sau vài chục năm cùng với đà phát triển của thế giới và mạng xã hội?

Một khoanh bánh ngọt bên tách trà, một chứng chỉ vừa đạt được, màn hình tracking 10.000 bước hoàn thành trong ngày, tóc mái mới, đồ chơi của con bày bừa khắp nhà, một câu quote vu vơ trên tường quán café mới ngồi, một món đồ mới… Hơn thập kỷ qua, chính tôi đã đăng đi đăng lại “n” điều mà tôi nghĩ bình thường, vô hại cho tới lúc tự tôi bắt đầu thấy nhàm chán và vô nghĩa. Những chia sẻ đã từng hay ho lúc đầu, cho tới khi nó trở nên không còn gì mới.

Nhưng có phải việc lướt dòng thời gian, trả lời cho câu hỏi “Bạn đang nghĩ gì?” và cảm xúc vui vẻ khi tương tác với cả thế giới đã trở thành cơn nghiện không cưỡng nổi?

Tất nhiên, việc quan sát những trải nghiệm và thành tựu ý nghĩa thực sự từ những người bạn trong mạng lưới vẫn là một điều giá trị, nhưng những bài đăng vô thưởng vô phạt, thì thẳng thắn mà nói, là không (hoặc ít nhất, bài đăng đó cũng nên hài hước).

Khiêm nhường giữa thế giới “ái kỷ”

Thực ra, mạng xã hội chỉ là một khía cạnh phản ánh thế giới hiện tại. Một thế giới quay rất nhanh, với rất nhiều thương hiệu cá nhân, những lời khuyên về việc “Yêu bản thân” và “Là chính mình” đến từ những người, đôi khi, tuyệt vọng nhất trong nhu cầu được ghi nhận. Từ lúc nào, dù không phải một người thường xuyên cập nhật xu thế, nhưng tôi cũng nhận thức được, “yêu bản thân” một chút thì ổn nhưng nhiều hơn tới mức “ái kỷ” – chưa chắc đã hay.

Raymond Tang, trong một bài TED Talk đã từng chia sẻ, khi không biết làm gì để hạnh phúc trong thế giới hiện tại, anh lao đi tìm kiếm câu trả lời. Và khi có quá nhiều câu trả lời, anh thấy thần kinh mình như “béo phì”.

Nửa năm trước, khi thấy tâm trí mình “béo phì” giống Tang, tôi bắt đầu thử nghiệm: Dừng Facebook. Đổi lại, tôi quan sát cả thế giới trên những màn hình online, và bên ngoài nó. Tìm hiểu xem cách nó vận hành. Tôi vẫn ăn bánh uống trà, vẫn đi bộ, vẫn có tóc mái mới, vẫn có chứng chỉ mới, con trai vẫn bày bừa đồ đạc… Nhưng tôi không đăng lên Facebook.

Kết quả? Đâu ai quan tâm tới việc một người dùng Facebook đơn lẻ biến mất trong 2,9 tỷ người dùng khác.

Và thật lòng, nếu một người bạn của tôi biến mất trên mạng xã hội, tôi liệu có đủ chú tâm để nhận ra?

Khiêm nhường giữa thế giới “ái kỷ”

Tôi chuyển một phần để tâm của mình sang thế giới bên ngoài màn hình.

Một số người sở hữu hàng tỷ USD. Họ không có Facebook.

Một số người đang âm thầm triển khai những dự án đặc biệt giá trị và bứt phá. Họ nói cần bảo mật thông tin cho đến lúc cần thiết.

Điều tôi quan tâm là “Yêu bản thân”, “Sống hết mình cho hiện tại”, “Hôm nay mình cần phải đăng tấm hình trong chiếc váy mới chụp siêu đẹp”… Và trong khi tôi nghĩ đó là những sứ mệnh ghê gớm, thì với nhiều người, việc tiếp tục nghiêm túc với giấc mơ lớn của họ, mới là điều quan trọng. Thậm chí, họ nói về nó bình thường và hiển nhiên, như thể sáng tỉnh dậy tôi phải kiểm tra thông báo của mình trước khi bước ra khỏi giường. Không có gì to tát!

Chúng ta thường mặc định những người thành công, quyền lực là những người vốn ở một thế giới hoàn toàn khác. Sứ mệnh của họ là cứu thế giới. Họ khác chúng ta, từ suy nghĩ, hành động, lối sống. Ta không thể với tới họ. Nhiều người thành công ta gặp, củng cố nhận định ấy.

Khiêm nhường giữa thế giới “ái kỷ”

Nhưng đến một lúc nào đó, mọi thứ trở nên tương đối đến độ bạn sẽ phải unlearn rất nhiều điều bạn tưởng đúng. Những người thành công nhất tôi gặp, khoa trương rất ít về thành tựu của họ vì biết còn nhiều người thành công hơn, hoặc đơn giản họ bảo “Muốn để cho mình một đường lui”. (Thực ra tôi còn biết đó là sự tinh tế của những người không muốn bằng một cách nào đó, khiến những người khác thấy tổn thương hoặc thấp kém trước mình).

Những người thành công nhất, cũng là quan tâm nhiều hơn tới những người xung quanh với nhu cầu thu hẹp khoảng cách. Họ, vẫn giản dị trong chiếc thắt lưng đã 10 năm tuổi, vẫn nói bản thân cũng lười biếng, cũng có những lúc thức dậy và không biết mình phải làm gì với cuộc đời. Họ vẫn là một người bình thường như bao người khác. Chỉ có điều, có lẽ ít nhất họ đã luôn “doing something” – làm một điều gì đó.

Với tôi, sự khiêm nhường tỉnh táo ấy mới là trí tuệ, chứ không phải cách tuyên bố hùng hồn về những điều vốn không có gì lớn lao ngoài việc được “làm quá”.

Tất nhiên, tôi không cổ súy cho việc phải máy móc chạy theo những xu hướng. Việc máy móc chạy theo chưa bao giờ là đáp án, cũng như những người đặc biệt kia chỉ là thiểu số. Nhưng điều tôi kỳ vọng sẽ thấy ít hơn những khẩu hiệu hoặc những lối sống đang được “nâng cao quan điểm” tràn lan social media hiện tại.

Biết đâu, chính những tiết chế ấy sẽ chữa lành tốt hơn cho nhiều người, vốn đang bị chính những kỳ vọng của mình làm tổn thương.

Khiêm nhường giữa thế giới “ái kỷ”

Khiêm nhường, vốn luôn bị đánh giá thấp và không cần thiết. Nhưng khi thế giới đã đi quá nhanh và xa, những cách cũ nhất như trở về với căn bản, đôi khi luôn đúng.

Hãy nhìn cách những thành viên tại TED, Kinfolk… và nhiều nơi đang tập trung vào việc lọc và chia sẻ những thông tin hữu ích cho cộng đồng. Hay khi tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, vẫn vô gia cư, không khoe nhà hay thành tựu của mình trên Twitter – mà tập trung vào giấc mơ của ông với tương lai. Warren Buffett cũng thế, bao năm nay tiếp tục ở ngôi nhà ba phòng ngủ giản dị của mình từ 1958, không bao giờ nói về khối tài sản hơn 100 tỷ USD, vẫn uống Coke và sẵn sàng dùng phiếu giảm giá.

Tôi biết, sẽ luôn khập khiễng để so sánh, nhưng giữa một thế giới “ái kỷ” như hiện tại, khi ta quá mệt để nghe những chuyên gia thương hiệu cá nhân PR về chính mình, sự khiêm nhường đẹp đẽ và chậm rãi từ những người thực sự không cần nói về mình, mới là một tài sản. Cũng đừng nhầm lẫn rằng khiêm nhường không yêu bản thân. Thực ra, khiêm nhường là yêu bản thân, nhưng cũng đủ thấu cảm để trân trọng và yêu cả người khác và thế giới này.

Khiêm nhường giữa thế giới “ái kỷ”

Nếu bạn vẫn nghĩ “khiêm nhường sẽ tạo nên khác biệt lớn lao” là tầm phào, “tự tin và tính toán” mới khó thì hãy thử tìm hiểu nhiều nghiên cứu được ForbesThe New York Times và The Wall Street Journal đề cập. Các nghiên cứu này đều chỉ ra: Những lãnh đạo thành công nhất là những người khiêm nhường, những khoản đầu tư được các quỹ cân nhắc cũng có tỷ lệ đặt cược cao nhất vào những CEO khiêm tốn. Và thế giới, tôi cá là họ có cảm tình với những người này hơn là một tỷ phú xa cách, hẳn rồi.

Đến đây, tôi tin mình không phải giải thích gì thêm.

Đã có một thời gian, chúng ta quá khiêm tốn để nói về chính mình, để tự tin và được ghi nhận. Rồi đến một ngày, ai cũng là một “thương hiệu”, là trung tâm của mọi sự chú ý với bảng thành tích từ sự nghiệp đến đời tư đặc sắc, được truyền tải đa kênh. Tôi nghĩ điều này, xét cho cùng vẫn tốt.

Chỉ có điều, bạn có nghĩ 25.000 bức ảnh selfie và 10.000 bài đăng mạng xã hội trong một đời người là quá nhiều giống tôi không?

Linh Đàm
Bài viết gốc: linhdam