Chiến lược thu hút khách hàng trong xu hướng marketing toàn cầu năm 2023
Tại sự kiện Trends Summit #01 diễn ra mới đây, ông Andy Vũ - Founder và CEO DigiMind Group đã có những chia sẻ về chủ đề Xu hướng Marketing toàn cầu năm 2023 với 5 chiến lược đáng chú ý giúp doanh nghiệp thu hút, giữ chân khách hàng.
Thách thức trong việc thấu hiểu khách hàng
Sự phát triển của các kênh truyền thông xã hội cùng xu hướng thương mại điện tử (TMĐT) đang thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng. Vì thế, doanh nghiệp phải đa dạng hóa cách tiếp cận để đáp ứng được xu hướng mua sắm của các thế hệ.
Hiện có 5 thế hệ mà người làm Marketing cần nghiên cứu và tìm hiểu đó là Gen X, Gen Y, Gen Z, Gen Alpha và Baby Boomers. Cụ thể, Baby Boomers – được sinh ra từ năm 1946 đến 1964, Gen X – sinh năm từ 1965 đến 1980, Gen Y – những người được sinh ra từ giữa những năm 1981 và 1996, Gen Z – những người sinh giữa những năm 1997 và 2009. Đặc biệt thế hệ tiếp nối tới đây sẽ là Gen Alpha – bao gồm những người sinh từ năm 2010 đến 2025.
Gen Alpha - Công dân bản địa số không chỉ là những người bản địa số (digital natives), mà còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hành vi số của bố mẹ của họ (Gen Y) và anh chị của họ (Gen Z). Từ đó, Gen Alpha không chỉ được giáo dục tốt và thuần thục về công nghệ mà còn toàn diện và mang đậm yếu tố xã hội. Gen Alpha sẽ tiếp tục lớn lên, thích nghi và sử dụng các công nghệ bắt chước con người chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, điều khiển bằng giọng nói và cả robots.
Cùng đó, trải nghiệm khách hàng sẽ được chia thành 3 giai đoạn chính: Trước, trong và sau khi mua hàng.
Trong 3 giai đoạn này, doanh nghiệp cần tạo ra rất nhiều điểm chạm khác nhau để kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng. Những điểm chạm này có thể diễn ra ở bất kỳ nơi đâu trong mọi thời điểm tùy thuộc vào các chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp.
Yêu cầu trải nghiệm của khách hàng không dừng lại ở đa kênh liền mạch mà họ còn muốn tương tác với thương hiệu ngay cả trên các kênh trực tiếp và kỹ thuật số.
Để có thể xác định được điểm chạm khách hàng, các doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu ký lưỡng về hành trình khách hàng, đầu tư cho quản trị và kiểm soát các hình thức tương tác giữa khách hàng với doanh nghiệp. Khi đã xác định được, doanh nghiệp nên cải thiện hoặc tạo ra những điểm chạm mới để tạo sự bất ngờ cho khách hàng.
5 chiến lược để chinh phục khách hàng
Khi thế giới thay đổi, doanh nghiệp phải đảm bảo bắt kịp được xu hướng và củng cố nội lực để thay đổi theo thế giới. Bởi vậy, doanh nghiệp cần có sự đầu tư cho điểm chạm khách hàng trên các nền tảng số một cách sáng tạo và kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo được giá trị của thương hiệu.
Marketing 4.0 đánh dấu sự của Marketing từ trực tiếp (offline) sang trực tuyến (online). Đây giống như một bước đệm cho Marketing 5.0. Với sự trưởng thành và phát triển nhanh chóng của công nghệ và ứng dụng toàn phần trong mọi chiến lược cũng như hoạt động Marketing, Marketing 5.0 ra đời.
Dựa trên những phân tích về việc thấu hiểu các nhóm đối tượng khách hàng và bối cảnh hiện tại, nghiên cứu các xu hướng Marketing mới nhất trên toàn cầu, ông Andy Vũ cũng đưa ra các đề xuất phù hợp cho thị trường Việt Nam.
Năm chiến lược mà ông Andy khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam bao gồm: Tiếp thị dựa trên dữ liệu (Data-Driven Marketing), Tiếp thị dự đoán (Predictive Marketing), Tiếp thị theo ngữ cảnh (Contextual Marketing), Tiếp thị tăng cường (Augmented Marketing) và Tiếp thị linh hoạt (Agile Marketing).
Trong đó, tiếp thị dựa trên dữ liệu là xây dựng chiến lược Marketing hiệu quả thông qua hoạt động nghiên cứu cụ thể về sở thích, nhu cầu, độ tuổi, vị trí địa lý… của khách hàng.
Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến để nắm rõ được hành vi khách hàng như lượt tương tác trên website, trao đổi trên social media, mua hàng trên sàn thương mại điện tử… từ đó xây dựng chiến lược tiếp cận đúng insight khách hàng.
Tiếp thị dự đoán liên quan đến việc tận dụng dữ liệu Big Data, để thấu hiểu người dùng và đưa ra những kế ra hoạch tiếp cận dựa trên những tiên liệu về các hành động tiếp theo của họ.
Sự kết hợp dữ liệu này thể hiện cái nhìn toàn diện hơn về hành vi của khách hàng để có thể giúp doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi và cung cấp dự đoán hành vi của khách hàng trong tương lai.
Trước khi tung ra bất kỳ sản phẩm hoặc chiến dịch nào các Marketer sẽ phân tích và dự đoán về kết quả thu lại.
Các dự đoán này dựa trên nền tảng công nghệ số, kết quả của các hoạt động và chiến dịch cũ. Từ đó, doanh nghiệp chủ động xử lý các tình huống, giảm thiệt hại xảy ra ở mức tối thiểu.
Hơn nữa, dữ liệu dự báo còn giúp Marketing hiệu quả hơn bằng cách điều chỉnh các dịch vụ của công ty tốt hơn, phù hợp với kỳ vọng của khách hàng hơn.
Tiếp thị theo ngữ cảnh. Marketing 5.0 chú trọng vào việc ứng dụng các công nghệ bắt chước con người để sáng tạo, giao tiếp, truyền tải và nâng cao giá trị trong suốt hành trình của khách hàng.
Nắm bắt và hiểu biết đầy đủ các tình huống của khách hàng tiềm năng là rất quan trọng. Nếu không có sự hiểu biết, doanh nghiệp sẽ không thể định vị nội dung tiếp thị của mình một cách hiệu quả. Điều đó rất dễ gây hiểu nhầm dẫn đến mâu thuẫn giữa khách hàng và doanh nghiệp gây ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của thương hiệu.
Đó là lý do tại sao cụm từ “tiếp thị theo ngữ cảnh” được ra đời với sứ mệnh đặt sự thấu hiểu của khách hàng trở thành trọng tâm trong các chiến thị Marketing của doanh nghiệp. Hoạt động xây dựng nội dung, chạy quảng cáo cần điều chỉnh phù hợp tùy thuộc vào tình huống và đối tượng khách hàng. Các doanh nghiệp sẽ cân nhắc theo từng giai đoạn và xu thế sử dụng để đưa ra chiến dịch tiếp thị phù hợp, tạo hiệu ứng tốt.
Tiếp thị tăng cường. Doanh nghiệp sử dụng công nghệ kỹ thuật như chatbot để hỗ trợ con người tăng cường tương tác và trải nghiệm khách hàng.
Xu hướng này đều liên quan đến việc áp dụng các công cụ để cải thiện trải nghiệm và tương tác với khách hàng. Công nghệ được sử dụng để mang lại những hỗ trợ hữu ích và có ý nghĩa cho người tiêu dùng.
Tiếp thị linh hoạt. Doanh nghiệp kết hợp các phòng ban chức năng để nắm bắt được hành vi khách hàng, chủ động nghiên cứu thay đổi linh hoạt để thích nghi với biến động của thị trường.
Marketing 5.0 đề cao việc thử – sai – sửa nhằm mục đích nâng cao hiệu quả, tăng lợi thế cạnh tranh, giúp doanh nghiệp phát triển nhanh.
Mức độ cạnh tranh cũng ngày càng phức tạp hơn khi đã có nhiều thay đổi được chỉ ra trong nghiên cứu hành trình của người mua. Khi thương hiệu kể câu chuyện này và giải thích các giá trị của mình sẽ thu hút khách hàng và khiến họ muốn chia sẻ các giá trị của doanh nghiệp.
Khi tìm thấy những người chia sẻ giá trị của doanh nghiệp, thương hiệu sẽ có cơ hội tốt hơn nhiều trong việc lan toả nhận diện và củng cố uy tín. Họ sẽ trung thành với doanh nghiệp (mặc dù ngay cả lòng trung thành của thương hiệu cũng đã thay đổi)…
Nguồn: Doanh nghiệp Việt Nam