Đừng trì hoãn nữa, dậy mà viết!
Tất cả chúng ta đều có tiềm năng đạt được những điều đáng kinh ngạc – không chỉ với việc viết mà còn với các khía cạnh khác của cuộc sống. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta lại trì hoãn chúng quá lâu, đến nỗi không bao giờ có cơ hội để làm lại. Trong bài viết này, tôi muốn nói về “procrastination”, hay sự trì hoãn, và cách để vượt qua chúng.
Nội dung bài viết được dịch từ bài blog có tựa đề “How to overcome procrastination?” (Làm thế nào để vượt qua sự trì hoãn?) của tác giả Darren Rowse.
Phạm nhân trẻ tuổi của sự trì hoãn
Khi tôi 5 tuổi, mẹ hứa sẽ cho tôi 20 xu vào mỗi sáng thứ Sáu để tiêu vặt. Cứ đúng ngày đó, vào 8 giờ 30 khi tôi chuẩn bị đi học, mẹ sẽ đưa tiền cho tôi. Nhưng bù lại, tôi phải dọn phòng và làm một số việc nhà trong tuần. Nếu không hoàn thành trước 8 giờ 30, tôi sẽ không có xu nào. Mọi việc chỉ đơn giản như vậy thôi.
Vậy, bạn nghĩ tôi sẽ chăm chỉ dọn dẹp và giữ cho phòng của mình sạch sẽ cả tuần?
Tất nhiên là không rồi. Cứ 8 giờ 25 sáng thứ Sáu hàng tuần, tôi sẽ dọn dẹp phòng của mình một cách điên cuồng, cố gắng hoàn thành trước khi đồng hồ điểm 8 giờ 30.
Những lúc như vậy, mẹ hay nói một câu mà đến giờ tôi vẫn không quên: “Cuộc sống của con sẽ tốt hơn nếu con cố gắng hoàn thành những điều con đang né tránh”.
Đó là một câu nói mà tôi đã nghe đi nghe lại trong suốt những năm học phổ thông của mình. Tôi đã để mặc tất cả mọi thứ cho đến phút cuối cùng – bài tập về nhà, bài luận, ôn thi, thậm chí cả việc đến văn phòng khi tôi có công việc đầu tiên.
Tôi không thể phủ nhận việc mình là một người hay trì hoãn. Mặc dù hiếm khi tôi chậm trễ trong công việc, nhưng mọi thứ sẽ luôn vô cùng hỗn độn mỗi khi deadline tới gần.
Deadline – thực tế và tưởng tượng
Ai cũng có deadline, như một điều hiển nhiên vậy. Đối với nhiều người, đặt ra những deadline là cách duy nhất để hoàn thành công việc. Đó là cách tôi nộp thuế, là cách tôi viết bài thuyết trình cho một cuộc hội nghị, và thậm chí cũng là cách tôi mua quà Giáng Sinh cho bạn gái.
Nhưng có một số deadline với thời hạn vô cùng xa trong tương lai, cho nên chúng ta thường bỏ qua, không để ý gì đến chúng.
Ví dụ như sức khỏe. Rõ ràng, ai cũng nên giữ cho mình một lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên. Nhưng hầu hết mọi người chỉ nghiêm túc với vấn đề sức khỏe khi họ bước sang tuổi thất tuần (hoặc sớm hơn, nếu mọi thứ “bùng phát” trước đó).
Điều này cũng tương tự với việc viết. Không chỉ với khía cạnh kinh doanh, mà còn cả những thứ như bắt đầu tạo podcast hoặc kênh YouTube, chúng ta thường không có deadline cụ thể cho việc này. Từ đó, ta trở nên thiếu động lực để bắt đầu.
Để đạt được những điều này, chúng ta cần đặt ra những deadline cho bản thân, và nỗ lực thực hiện chúng một cách đúng thời hạn.
Sổ tay
Tôi có hẳn một ngăn kéo dành riêng cho sổ ghi chép. Trong khoảng hơn 20 năm qua, tôi đã sử dụng sổ tay để ghi chép lại những điều quan trọng trong tất cả các cuộc hội thảo mà tôi tham dự. Đó cũng là nơi tôi lên rất nhiều kế hoạch cho bản thân mình.
Một thời gian trước, tôi tìm kiếm trong ngăn kéo này và thấy cuốn sổ từ năm 2009. Mỗi trang đều chứa đầy thông tin hữu ích mà tôi đã thu thập trong suốt cả năm. Gần cuối, tôi có một trang dành riêng cho các mục tiêu của mình trong năm 2010. Và đứng đầu danh sách đó là: “Bắt đầu podcast ProBlogger”.
Như hình bên, tôi đã viết ra nội dung cho podcast của mình, và điều đó diễn ra hàng tuần.
Tôi không thể nhớ lý do tại sao tôi lại viết ra các mục tiêu cho năm 2010 trong cuốn sổ tay năm 2009. Tôi đoán đó là vì tôi đã nhìn thấy những người như Pat Flynn, Aimee Porterfield và Chris Dhaka nói về việc sẽ làm podcast hoặc đã bắt tay vào thực hiện rồi.
Đến năm 2010, tôi trở nên bận rộn với quyết định chuyển nhà (đó là một thách thức, nhất là khi tôi còn có 2 đứa con), và một số công việc khác đã chiếm rất nhiều thời gian.
Tôi cũng bắt đầu cảm thấy hơi e ngại về toàn bộ ý tưởng này. Điều gì sẽ xảy ra nếu không có ai lắng nghe? Điều gì sẽ xảy ra nếu nội dung của tôi nghe thật ngu ngốc? Điều gì sẽ xảy ra nếu không ai có thể thấm được giọng của tôi? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi làm podcast dở tệ?
Và sau đó là những lý do khác: Tôi không biết cách set-up. Tôi không có micro chuyên dụng. Tôi chưa từng làm việc này bao giờ.
Nhưng rốt cuộc nó đã không xảy ra, không bao giờ xảy ra.
Vào cuối năm 2010, tôi cũng viết ra các mục tiêu cho năm 2011. Và một lần nữa, tôi đặt “ProBlogger podcast” lên đầu danh sách. Nhưng năm 2011 thậm chí còn bận rộn hơn (số đứa nhóc trong nhà đã tăng lên thành 3), và tất cả nỗi sợ hãi, và những lời bào chữa như trên lại nổi lên một lần nữa.
Thật không may, quá trình đó còn lặp lại thêm nhiều lần. Nó nằm ở đầu danh sách mục tiêu của tôi cho các năm 2012, 2013, 2014 và 2015. Và khi tôi trì hoãn càng lâu, quá trình đó lại càng khó bị phá vỡ.
Câu hỏi
Vào năm 2015, tôi có kế hoạch tham dự hội nghị Tropical Think Tank của Chris Dhaka ở Philippines. Tuy nhiên, nó trùng với Ngày của Mẹ ở Úc, ngày mà tôi muốn về với mẹ. Vì vậy, tôi chỉ đến tham dự vào ngày gần cuối của sự kiện.
Là một người hướng nội, với tôi, nó không khác gì một cơn ác mộng cả. Hội nghị đã diễn ra được vài ngày, mọi người đều đã quen mặt nhau cả, trong khi tôi chẳng biết ai. Tôi chỉ là một người còn đang say máy bay, sau khi ngồi gần 24 tiếng để bay và “tận hưởng” cơn ác mộng này.
Tôi đã gặp một vài người vào đêm đó, trong đó có Lane Kennedy, người rủ tôi chơi billiards cùng với một vài người khác. Không ai trong chúng tôi giỏi môn này, nên trò chơi kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Trong khoảng thời gian đó, tôi và Lane đã có thời gian để trò chuyện với nhau.
Được một lúc, Lane hỏi tôi mục tiêu của tôi cho năm 2015. Khi ấy, tôi đã uống một vài ly bia, cộng thêm cơn say máy bay sẵn có làm tôi bắt đầu thấy lâng lâng. Và tôi lấp lửng rằng: “Tôi sẽ bắt đầu làm podcast”.
Đây là lần đầu tiên tôi nói với người khác về điều này.
Lane có vẻ hứng thú, cô ấy hỏi tôi thêm một vài câu nữa, rồi nói: “Tôi nghĩ rằng nó sẽ hay đấy. Tôi sẽ nghe nó”.
Tôi không biết rằng cô ấy thực sự có ý đó hay chỉ làm một lời động viên xã giao. Nhưng nó đã khiến tôi trở nên hào hứng hơn hẳn.
Sau đó, tôi nói rằng tôi sẽ phát hành podcast với 31 tập sau 31 ngày, dựa trên ebook “31 ngày để xây dựng blog tốt hơn” của tôi. Ý tưởng đến với tôi, theo đúng nghĩa đen, khi tôi đang nói chuyện với cô ấy.
Cô ấy có vẻ thích ý tưởng đó, cô ấy hỏi tôi một câu hỏi – mà với tôi, nó có giá trị như một món quà: “Khi nào anh sẽ thực hiện nó?”.
Vẫn còn cảm thấy lâng lâng, tôi trả lời: “Tôi sẽ ra mắt nó vào đầu tháng 7”.
Tháng 7 khi ấy, chỉ còn cách 6 tuần.
Đừng chỉ lập kế hoạch. Hãy đặt những deadline.
Và nhất mực tuân thủ chúng.
Sau cùng
Bất kỳ ai đã từng làm podcast đều biết rằng 6 tuần là một khoảng thời gian “điên rồ”. Sáng hôm sau, khi đã tỉnh táo hơn, tôi nhận ra rằng hầu hết thành viên trong team của mình đều tham gia vào các dự án khác và gần như không thể giúp gì cho “vụ án” podcast này.
Vậy là, tất cả sẽ đều phụ thuộc vào việc tôi học cách set-up, thu âm, biên tập podcast như thế nào, và cả sắm sửa những trang thiết bị chuyên dụng.
Đó là 6 tuần “điên rồ”, thực sự “điên rồ”.
Ấy vậy, việc thông báo với Lane về tiến độ công việc lại là một cảm giác vô cùng tuyệt vời với tôi. Cô ấy không đặt áp lực lên tôi bằng cách hỏi “Mọi thứ thế nào rồi?” mà ngược lại, cập nhật tiến độ với Lane đã cho tôi có thêm nhiều động lực hoàn thành mọi thứ đúng hạn hơn và triệt tiêu hoàn toàn sự trì hoãn.
Vào tháng 7/2015, cuối cùng tôi cũng đã có thể đăng tải podcast ProBlogger. Và điều đó thật tuyệt vời. Mỗi tập đã đã có hơn 30.000 lượt tải xuống và nó đã mang đến cho tôi vô vàn cơ hội cùng với sự kết nối đến với độc giả, thính giả của mình.
Bước đệm
Sau khi hoàn thành dự án podcast sau nhiều năm trì hoãn, tôi có thêm động lực để tìm cách thực hiện nốt những điều mình từng gác lại. Một trong số đó là thiết kế lại trang web ProBlogger, thứ đã “ngốn” của tôi 6 tháng để ra khỏi to-do list.
Tôi bắt đầu xây dựng ProBlogger vào năm 2004, ở thời điểm không mấy ai có thể viết và kiếm tiền từ việc viết. Tôi đã quyết định bắt đầu, rồi động não tìm kiếm tất cả những chủ đề mà tôi có thể.
Tôi bắt đầu với những chủ đề gần gũi và cơ bản – cách bắt đầu một trang blog, cách viết nội dung hay, cách tìm kiếm độc giả, cách kiếm tiền từ blog, v.v.
Và tất nhiên, đó là thứ tự hợp lý để làm điều đó – bắt đầu blog, tạo nội dung, tìm độc giả và kiếm tiền từ nó. Nhưng bất cứ khi nào tôi cố gắng viết về cách bắt đầu một blog, tôi bắt đầu nghe thấy những tiếng kêu sợ hãi và nghi ngờ.
“Tôi không có đủ kỹ năng. Nếu tôi làm sai thì sao? Sẽ không ai tin vào bất cứ điều gì tôi nói nữa. Tôi cần phải nghiên cứu thêm. Tôi cần thêm nhiều lời khuyên nữa”.
Nếu bạn xem qua kho lưu trữ ProBlogger, bạn sẽ thấy rằng trong 10 năm đầu tiên, tôi đã không viết một bài đăng nào về cách bắt đầu một blog. Và bất cứ khi nào ai đó hỏi, “Này, anh có thể chỉ cho tôi bài viết về cách bắt đầu một blog không?”. Tôi sẽ chỉ họ đến các bài viết của người khác trong kho lưu trữ cá nhân hoặc trên các blog khác.
Khi thấy đủ là đủ
Sau khi gác lại quá lâu, cuối cùng tôi cũng đã ngồi xuống và viết một bài về cách tạo blog. Và khi tôi bắt đầu, tất cả những lý do in nghiêng nói trên bắt đầu tan biến.
Tất nhiên tôi có thể viết nó. Tôi đã khởi tạo hơn 30 cái blog suốt những năm qua, vì vậy tôi biết mình đang nói về điều gì.
Sau khi ra mắt, bài viết đó đã được ủng hộ rất nhiều.
Hàng ngày, khi nhận được email từ các đối tác nói rằng: “Bạn đã kiếm được tiền từ bài đăng này”, tôi lại nghĩ: “Tại sao tôi không viết nó sớm hơn?”.
Không hối tiếc
Và tôi đoán đó là lý do tại sao tôi muốn viết bài này. Tôi không muốn sau này bạn sẽ nuối tiếc về những điều mà bạn có thể thực hiện ngay bây giờ.
Đừng chỉ lập kế hoạch. Hãy đặt những deadline. Và nhất mực tuân thủ chúng.
Vậy bạn đang chần chừ điều gì? Hãy chia sẻ về điều đó trong phần bình luận. Và nếu bạn đã và đang thực hiện nó, hãy cho mọi người biết: Khi nào bạn sẽ hoàn thành?
* Nguồn: ProBlogger