Lambda School và hành trình tạo ra cơ chế “học trả sau”
Austen Allred trở thành người vô gia cư trong vòng 3 tháng, khi anh đang cố gắng gọi vốn cho Grasswire, một nền tảng cho phép người dùng tạo tin tức cộng tác bằng cách “vote” và có thể kiểm tra nhanh nội dung trên mạng xã hội cùng một lúc.
Austen đã cháy túi đến mức không đủ tiền thuê một nơi ở tử tế tại Thung lũng Silicon. Để tìm được nguồn vốn cho Grasswire, anh quyết định đi khắp California suốt 3 tháng ngủ trong xe của mình.
“Căn hộ là nơi để ngủ, tắm rửa và ăn uống. Vì vậy, tôi ngủ trong xe hơi của mình, sau đó tắm rửa tại YMCA (một tổ chức cộng đồng) địa phương… Tôi có nói với mọi người rằng tôi đang sống trong xe và họ thốt lên: ‘Ồ, đỉnh thật đấy!’. Và đối với tôi, nó giống như là ‘Này, người bình thường không làm vậy đâu’. Nhưng, đó là một phần của cuộc sống” – Austen nói trong cuộc phỏng vấn với Yahoo.
Khởi động “Secret Sauce”
Không may cho Austen, startup đó đã không thành công dù đã sớm có một số dấu hiệu tích cực. Nhưng điều này lại không tệ bằng thứ diễn ra tiếp theo: Con gái anh bị ốm nặng và phải nhập viện trong thời gian dài.
Để có thể chi trả các hóa đơn, anh làm việc cho một startup fintech – Lendup – với tư cách là thành viên của nhóm tăng trưởng. Mặc dù đó là một startup đang có tốc độ tăng trưởng rất tốt, những hóa đơn y tế đã sớm vượt qua ngưỡng mà anh có thể chi trả. Chẳng mấy chốc, anh đã nợ hơn 25.000 USD.
Austen cố gắng trả nợ nhanh nhất có thể, nhưng chi phí đắt đỏ ở San Francisco khiến anh không thể giải quyết mọi thứ nhanh chóng.
Anh hiểu rằng mình cần phải làm gì đó. Trong một lần nói chuyện với Vin Clancy, một người bạn của anh, cả hai nảy ra ý tưởng tổng hợp các bài đăng trên blog của mình thành một quyển sách marketing, sau đó sử dụng chính những chiến thuật bán hàng trong sách để bán nó.
Austen và Vin đều có thâm niên trong lĩnh vực marketing, đồng thời đã có một trang blog với số người theo dõi khá tốt. Cuốn sách này được đặt tên là “Secret Sauce” (Tạm dịch: Nước sốt bí mật).
“Chúng tôi lấy một số bài đăng trên blog marketing cũ của mình, thêm một vài chương để đề cập đến tất cả các kiến thức nền tảng của marketing. Vì chúng tôi không đủ thời gian để viết một cuốn sách mà không biết sẽ bán được hay không, nên chúng tôi quyết định đưa nó lên Kickstarter, nơi sẽ cho bạn tiếp tục bán sau khi thời hạn kêu gọi kết thúc. Chúng tôi đã bán được khoảng 30.000 USD trong ngày đầu tiên và nó vẫn tiếp tục tăng lên”, Austen chia sẻ.
Bài học từ “Secret Sauce”
Thành công to lớn của quyển sách chính là một bàn đạp quan trọng cho Austen. Nó đã giúp anh trả hết nợ và tiết kiệm được một số tiền cho công việc kinh doanh tiếp theo của mình (Lambda School).
Về Secret Sauce, Austen chia sẻ một số insight như sau:
- Ai cũng khát khao cải thiện cuộc sống của họ: Giá của cuốn sách rất cao, 40 USD cho bản e-book và 100 USD cho sách giấy, nhưng mọi người vẫn mua. Họ muốn mua nó để cải thiện bản thân và cuộc sống của mình.
- Mọi người không thích làm việc: Một nửa số người đã mua sách điện tử nhưng chưa bao giờ tải xuống. Hầu hết mọi người đều thích học nhưng họ chẳng làm gì để hiện thực hóa điều đó cả.
- Ai cũng thích nội dung miễn phí: Điều làm nên thành công của cuốn sách là họ đã tặng miễn phí một số chương, đóng vai trò như một động cơ thúc đẩy những khách hàng tiềm năng (cũng là động cơ tăng trưởng chính cho Lambda School sau này).
Austen bắt đầu brainstorm, tìm cách cải thiện hoàn cảnh sống của mọi người, phát triển một hệ thống có thể giúp mọi người học hỏi và áp dụng những kiến thức đó vào cuộc sống thực.
MVP – Thử lần đầu
Lambda School bắt đầu với tên gọi là “Khóa học lập trình Haskell” (Haskell Functional Programming Course). Dựa trên insight từ việc bán “Secret Sauce” – mọi người chỉ muốn mua kết quả (outcome), chứ không phải nội dung (content) – khóa học lập trình Haskell đã áp dụng triệt để điều này để tạo ra sức bật mạnh mẽ nhất.
Haskell đã tạo ra một cơ hội thú vị bởi vì: (1) Grasswire, công ty khởi nghiệp trước đây của Austen, được viết bằng Haskell, (2) thị trường đủ nhỏ để họ có thể tham gia. Khóa học lập trình Haskell đầu tiên của Lambda School được bán với giá 69 USD.
Để thu hút khách hàng cho khóa học, Austen đã chạy cùng một chiến lược mà anh ấy đã áp dụng cho “Secret Sauce”, tận dụng chiến dịch Kickstarter để thu hút khách hàng ban đầu và mở rộng theo thời gian bằng cách cho đi các bài giảng miễn phí.
Khoá học Haskell đã thu về được hơn 10.000 USD. Tuy nhiên, con số này hoàn toàn không tương xứng với những nỗ lực họ đã bỏ ra để quảng bá khoá học.
Nhìn chung, thị trường cua Haskell quá nhỏ để họ có thể duy trì việc kinh doanh.
Thử lần hai
JavaScript boot camp
Thị trường thực sự có nhiều tiềm năng là JavaScript (JS). Lần này, thay vì là một khoá học, Austen chuyển hình thức sang một boot camp.
Lambda School, boot camp JS, tạo sự khác biệt so với các chương trình đào tạo khác bằng cách tập trung vào các nhóm với tiêu chuẩn tuyển sinh cao hơn mặt bằng chung. Kế hoạch trong những ngày đầu là chạy một nhóm 10 học sinh hàng quý với mức phí 9.000-10.000 USD cho mỗi học sinh.
Để thu hút sự quan tâm cho khóa học toàn thời gian kéo dài 12 tuần, Austen đã mở một cộng đồng những lập trình viên đầy tham vọng, tạo một mini-boot camp online, miễn phí và post một số bài giảng lên YouTube. Trong những năm qua, Austen đã phần nào trở thành bậc thầy trong việc tạo ra khách hàng tiềm năng, thu hút hơn 8.000 sinh viên tham gia các phiên bản mini trực tuyến của Lambda School.
Austen đã thuyết phục được 10 người từ danh sách 8.000 người đó, tham gia Học viện lập trình Full-stack 12 tuần (tức Lambda School sau này).
Thử lần ba
Mô hình kinh doanh mới
Mô hình của Austen đã hoạt động, tạo ra những nội dung miễn phí trả trước cho các đối tượng tiềm năng và chuyển đổi một tỷ lệ nhỏ những người đủ động lực nâng cao sự nghiệp tham gia khóa học 3 tháng với giá 10.000 USD.
Một điều thú vị đã xảy ra trong nhóm thứ hai: Một học sinh bỏ học vì không có đủ thời gian.
Vì Lambda School chỉ có khoá học toàn thời gian trong 3 tháng, nên không phải ai cũng có thể bỏ tất cả mọi thứ để tham gia khoá học. Vì vậy, Austen đã thử một vài thứ khá “điên rồ”.
Austen thông báo về một vị trí mở cho 8.000 học sinh. Người tham gia ở vị trí này không cần phải trả bất cứ khoản nào cho Lambda School. Họ sẽ chỉ trả chi phí đó sau khi kiếm được một công việc. Khi ấy, công ty có tình hình tài chính tương đối tốt, do đó, họ có thể chi trả chi phí cho một học viên.
Kết quả: 200 người đã đăng ký cho một vị trí duy nhất!
Thử lần cuối
Lambda School ngày nay
Đây là khoảnh khắc “chính là nó” hay “eureka” đối với Lambda School: Học sinh cần giảm thiểu rủi ro về kết quả của chương trình đào tạo, thay vì tính cao cấp của nó.
Trong lần thử này, Lambda School chuyển sang mô hình 6 tháng và tăng giá lên 20.000 USD, và học sinh cũng sẽ không phải trả trước bất kỳ khoản nào. Họ sẽ chỉ trả tiền nếu họ tìm được một công việc tương ứng với thứ họ học tại Lambda School (1% thu nhập của họ sẽ được trả dần cho Lambda School cho đến khi đủ 20.000 USD).
Mô hình mới này đã đưa Lambda School vào Y Combinator (YC). Một trong những khoảnh khắc quan trọng trong suốt thời gian ở YC là khi Geoff Ralston hỏi Austen tại sao họ không chạy các chương trình song song với nhau. Vì YC chỉ kéo dài trong 3 tháng, nên Lambda School, với mô hình mới của mình, sẽ không có sinh viên tốt nghiệp nào cho đến 3 tháng kể từ ngày demo.
Lúc đầu, Austen đã do dự, khi việc nhận được đầu tư vẫn chưa chắc chắn, việc tiêu hết số tiền họ có trong ngân hàng để tuyển giáo viên hướng dẫn mang lại khá nhiều rủi ro. Geoff đề nghị trả trước 250.000 đô la Úc nếu không gọi được vốn, và một tháng sau, Lambda School bắt đầu khoá “học trả sau” thứ hai của mình.
Lambda School cuối cùng đã gọi được 4 triệu USD sau ngày demo và sớm bắt đầu mở rộng sang nhiều chương trình hơn. Mô hình “học trả sau” của họ, đặt trọng tâm vào kết quả của việc học, đã trở thành một mô hình độc đáo và khác biệt so với các khoá học lập trình truyền thống.
Lambda School: Điều gì thực sự xảy ra ở đó?
Dưới đây là phần phỏng vấn với Justin, người hiện đã hoàn thành chương trình “Phát triển Web” của Lambda School.
* Tại sao lại là Lambda School?
Mọi người chọn Lambda vì những lý do khác nhau. Tôi đã tốt nghiệp đại học ngành kinh doanh và nhận được một số lời mời làm việc trong lĩnh vực marketing, nhưng tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về công nghệ. Sau khi trò chuyện với một số người bạn trên Twitter, tôi quyết định mạo hiểm và theo học Lambda School.
Tôi đã gặp những người bằng tuổi tôi và cả những người hơn tôi rất nhiều tuổi. Một trong số đó đã làm việc trong lĩnh vực Tư vấn Quản lý trong một vài năm và quyết định nghỉ việc để học tại Lambda School.
* Cấu trúc của chương trình
Lambda School cung cấp các chương trình khác nhau trong 6 tháng. Mỗi tháng có một học phần cụ thể, từ HTML đến React nâng cao. Mỗi ngày, có một bài giảng kéo dài 2 giờ sau đó là một bài tập mà bạn phải hoàn thành trước 8 giờ tối. Vào thứ Sáu, sẽ có project hàng tuần để hoàn thành. Mọi người cũng có thể học lại bất kỳ học phần nào nếu họ chưa hiểu rõ.
* Trải nghiệm tổng thể
Tôi hài lòng với mọi thứ cho đến hiện tại, vì nó đã mang lại cho tôi những gì tôi cần từ một khoá học lập trình – những kỹ năng thực tế mà những lập trình viên sẽ cần trong công việc.
Tôi nghĩ rằng hầu hết các đánh giá tiêu cực đều đến từ kỳ vọng sai lệch về Lambda School. Bạn sẽ nhận được từ Lambda bằng với những gì bạn đặt vào nó. Học lập trình là một việc cực kỳ khó và tìm được công việc lập trình phù hợp cũng khó khăn không kém.
Tương lai của Lambda School
Vị thế của nền giáo dục truyền thống đang ngày càng bị đe doạ.
Mỗi năm, sinh viên phải gánh hàng chục nghìn món nợ với hy vọng rằng sẽ chi trả bằng một công việc sau đó. Lambda School muốn phá vỡ hệ thống bằng cách đào tạo một nguồn nhân lực mới và giúp họ tiếp cận những cơ hội tốt trong lĩnh vực công nghệ. Để làm được điều đó, quả thật không hề dễ dàng.
“Chúng tôi đã làm việc trong nhiều năm để tìm ra giải pháp giáo dục phù hợp và hiệu quả. Nó khó hơn những gì chúng tôi nghĩ. Và chúng tôi đã bắt đầu mọi thứ từ con số không, đồng thời phải làm nhiều việc với sự chính xác tuyệt đối”, Austen kết luận.
Bất chấp những thách thức phía trước, Lambda School vẫn đang tạo ra những tác động tích cực đến sự phát triển của các cá nhân và giúp họ thay đổi cuộc sống.
* Nguồn: Consumer Startups