Re-think CSR #18 – HEINEKEN Vietnam: Tiếp cận theo hướng chiến lược bền vững hơn là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Re-think CSR #18 – HEINEKEN Vietnam: Tiếp cận theo hướng chiến lược bền vững hơn là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

“CSR giờ đây không còn đơn giản là các hoạt động mang tính ‘trách nhiệm’ và từ thiện. Chủ đề này ngày càng được mở rộng phạm vi, tiếp cận tổng thể và chủ động để có thể tạo tác động lâu dài hơn cho môi trường và xã hội”.

Đó là chia sẻ của bà Loan Bùi – Sustainability Manager tại HEINEKEN Việt Nam với Brands Vietnam trong buổi trò chuyện về cam kết và chiến lược thực hành những hoạt động thực tiễn của tập đoàn tại thị trường Việt Nam trong thời gian qua và tương lai.

Series “Re-think CSR” do Brands Vietnam thực hiện, phỏng vấn các chuyên gia đến từ nhiều ngành hàng và quy mô doanh nghiệp khác nhau. Các đại diện tham gia sẽ chia sẻ về quan điểm, chiến lược, thực thi và kết quả thực tế có được từ hoạt động CSR trong thực tế.

* Đầu tiên, bà có thể chia sẻ quan điểm cá nhân của mình về khái niệm CSR và các hoạt động trách nhiệm xã hội tại Việt Nam nói chung?

CSR là viết tắt của Corporate Social Responsibility, hay còn gọi là Trách Nhiệm Xã Hội Của Doanh Nghiệp. Có rất nhiều cách diễn giải khác nhau về thuật ngữ này tùy vào góc nhìn của cá nhân hay tổ chức, mức độ phát triển về nhận thức, cũng như việc thực hành CSR tại từng quốc gia. Hiểu một cách nôm na, CSR là một trong những hướng tiếp cận, nhằm thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tạo tác động tích cực cho xã hội.

Hiện nay tại Việt Nam, khái niệm CSR đang trở nên phổ biến hơn và được thực hành rộng rãi hơn trong cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần đông các hoạt động CSR hiện nay vẫn theo khuynh hướng “thiện nguyện”, mang tính ứng phó và tập trung chủ yếu vào hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong ngắn hạn. Nhìn chung, cách tiếp cận này vẫn tạo tác động xã hội cho cộng đồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể tạo tác động mang tính lâu dài, tổng thể và bền vững ngay cả trong các hoạt động ứng phó; tôi nghĩ doanh nghiệp nên (1) thay đổi góc nhìn về CSR, (2) phân tích sâu rộng hơn về những vấn đề hiện hữu cùng các rủi ro ngắn hạn lẫn dài hạn, (3) xác định nguyên nhân, giải pháp, đánh giá và đo lường kết quả mọi hoạt động, (4) và hãy kêu gọi hợp tác chung tay từ tất cả các bên liên quan khi có thể.

Bản thân tôi, tôi thường dùng từ “bền vững” (sustainability) hơn là CSR hay ESG. Vì khi dùng từ “bền vững”, chúng ta có thể thấy ngay nó không chỉ là một chiến lược, hoạt động mà còn là “tư duy”, “văn hóa” và cả “phong cách sống”. Và vì vậy mà ai cũng thể làm và thực hiện, chứ không phải trách nhiệm của riêng một công ty hay tổ chức nào.

Bà Loan Bùi – Sustainability Manager tại HEINEKEN Việt Nam, tham gia chia sẻ tại Hội thảo khoa học của Khoa QTKD Đại học Đông Á với chủ đề "Kinh tế tuần hoàn- xu hướng tất yếu của phát triển bền vững trong tương lai"

* Từ những quan điểm trên, bà có thể chia sẻ về chiến lược “Evergreen” cũng như chiến lược phát triển bền vữngBrew A Better World của HEINEKEN trên toàn cầu và Việt Nam? Các mục tiêu phát triển bền vững của HEINEKEN Việt Nam tương ứng mục tiêu nào trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainability) của Liên Hiệp Quốc?

HEINEKEN toàn cầu cũng như tại Việt Nam luôn mong muốn tiếp cận và chung tay tạo tác động xã hội và môi trường một cách chủ động, tổng thể và bền vững.

Từ những ngày đầu mới thành lập vào năm 1991, HEINEKEN Việt Nam đã thể hiện cam kết tạo tác động cho môi trường và cộng đồng thông qua nhiều hoạt động CSR. Điển hình có thể kể đến việc đầu tư mạnh mẽ vào việc giảm tác động đến môi trường trong các nhà máy như cải tiến hệ thống xử lý nước thải; ứng dụng công nghệ tối ưu việc sử dụng năng lượng, nước; áp dụng các giải pháp tuần hoàn phụ phẩm và phế phẩm trong sản xuất… Chúng tôi còn phối hợp với Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia xây dựng văn hóa uống an toàn cho cộng đồng. Bên cạnh đó là hỗ trợ cộng đồng khó khăn nhân dịp đặc biệt như Tết, Trung Thu..., hay những lúc khó khăn như thiên tai, dịch bệnh…; chăm lo cho thế hệ mai sau bằng việc xây mới các cơ sở giáo dục...

Những hoạt động kể trên dựa trên chiến lược phát triển bền vững toàn cầu “Vì một Thế giới Tốt đẹp hơn” (Brew A Better World) và “Vì Một Việt Nam Tốt Đẹp Hơn” (Brew A Better Vietnam) của HEINEKEN Việt Nam được giới thiệu vào năm 2011. Chiến lược này vẫn tiếp tục diễn ra với một lộ trình cụ thể, và tập trung vào những lĩnh vực nơi chúng tôi có thể tạo ra nhiều giá trị tích cực nhất có thể, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững một cách chủ động, tổng thể và lâu dài.

Đến năm 2020-2021, thế giới và Việt Nam trải qua đại dịch COVID-19, cộng với những trận thiên tai với mức nghiêm trọng ngày càng cao. Dẫu HEINEKEN trên toàn thế giới chịu tác động nặng nề, chúng tôi coi đây là bước ngoặc quan trọng để nâng tầm cam kết phát triển bền vững của mình. Theo đó, chiến lược Evergreen ra đời, xác định phát triển bền vững là một trong những trọng tâm chiến lược của tập đoàn. Cụ thể, tập đoàn đã nâng tầm cam kết 2030 hướng đến xây dựng:

  • Mô hình kinh doanh không tác động môi trường, hỗ trợ thực hiện SDGs số 6,7,12 và 13 (SDGs là viết tắt của Sustainable Development Goals, hay còn gọi là mục tiêu phát triển bền vững)
  • Môi trường đa dạng, hoà nhập, công bằng và bình đẳng, hỗ trợ thực hiện SDGs số 5 và 8
  • Văn hóa uống có trách nhiệm, hỗ trợ thực hiện SDGs số 3 và 12

* Mục đích của việc phát hành “Báo cáo phát triển bền vững” theo từng năm trong suốt 8 năm qua của HEINEKEN Việt Nam là gì, thưa bà?

HEINEKEN Việt Nam không phải là một công ty niêm yết, nên việc phát hành Báo cáo Bền vững không phải là một yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, HEINEKEN Việt Nam, vốn là một trong những doanh nghiệp thực hành kinh doanh bền vững tại Việt Nam từ rất sớm, vẫn đều đặn công bố báo cáo bền vững hàng năm. Nỗ lực này của chúng tôi nhằm 3 mục tiêu chính sau.

Thứ nhất, HEINEKEN Việt Nam mong muốn lan tỏa những giá trị thiết thực của việc theo đuổi và thực hành chiến lược phát triển bền vững, đến với tất cả các cá nhân và tổ chức. Từ đó góp phần tạo động lực cho tất cả các thành phần cùng chung tay “Vì Một Việt Nam Tốt Đẹp Hơn”. Chúng ta chỉ có 1 trái đất, tất cả chúng ta cùng “cộng sinh” trong cùng 1 môi trường tự nhiên. Dân số, kinh tế phát triển trong khi nguồn lực thì có giới hạn. Để có thể duy trì được nguồn tài nguyên, một môi trường an toàn và bền vững thì rất cần nỗ lực của tất cả cộng đồng, nhất là cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ hai, việc phát hành báo cáo bền vững cùng với các hoạt động chia sẻ và gắn kết các bên liên quan giúp chúng tôi có cơ hội lắng nghe phản hồi từ họ. Qua đó, chúng tôi có thể đảm bảo chiến lược cũng như các trọng tâm phát triển bền vững của tập đoàn phù hợp, và hỗ trợ tốt nhất cho chiến lược phát triển bền vững quốc gia, chung tay giải quyết các vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội đang được các bên quan tâm.

Báo cáo bền vững của HEINEKEN Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa, phản hồi và đo lường.

Thứ ba, báo cáo bền vững chính là thước đo hữu ích để tập đoàn có thể nhìn lại một cách tổng quát nhất những gì đã đạt được so với các mục tiêu đề ra, và so với các chuẩn mực quốc tế. Từ đó, chúng tôi sẽ có những điều chỉnh phù hợp, hướng tới mục tiêu cuối cùng, chung tay “Vì Một Việt Nam Tốt Đẹp Hơn”.

* Vậy bà hãy chia sẻ về phương pháp thực hiện báo cáo phát triển bền vững của HEINEKEN Việt Nam?

Như đã chia sẻ bên trên, báo cáo bền vững của HEINEKEN Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa, phản hồi và đo lường. Thế nên, việc đảm bảo tính đầy đủ, tin cậy và minh bạch của báo cáo là một trong những ưu tiên hàng đầu. Và việc áp dụng tiêu chuẩn báo cáo bền vững của GRI (Global Reporting Initiatives) là một trong những cách giúp chúng tôi đảm bảo báo cáo của tập đoàn là một công cụ tin cậy cho chính HEINEKEN Việt Nam “soi” lại mình, cho các bên liên quan của chúng tôi tin tưởng tham khảo và áp dụng nếu thấy phù hợp.  

* Theo “Báo cáo phát triển bền vững 2021” của công ty, cam kết bền vững của HEINEKEN Việt Nam xoay quanh 3 trụ cột: môi trường, xã hội, và văn hoá uống có trách nhiệm. Đâu là những mục tiêu HEINEKEN Việt Nam đề ra ở mỗi trụ cột và phương pháp tiếp cận để đạt được những mục tiêu đó là gì?

Thứ nhất là về trụ cột môi trường, nỗ lực thực hiện hành trình “Vì Một Việt Nam Tốt Đẹp Hơn” thể hiện qua 3 lĩnh vực là trung tính carbon, bảo tồn nguồn nước, kinh tế tuần hoàn.

Với trung tính carbon, chúng tôi hướng đến đạt tỷ lệ phát thải ròng bằng không vào năm 2025 và trung tính carbon trong chuỗi giá trị vào năm 2030. Để làm được, chúng tôi chú trọng áp dụng phương thức 4Rs gồm Reduce, Replace, Remove, và Report. Cụ thể, chúng tôi sẽ giảm tiêu thụ năng lượng bằng cách đầu tư công nghệ tiên tiến và tối ưu quy trình (Reduce), thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo (Replace), loại bỏ phần phát thải còn lại qua các dự án bù hoàn (Remove), và báo cáo đánh giá tác động thường kỳ (Report).

Đối với công cuộc bảo tồn nguồn nước, chúng tôi mong muốn đạt 100% nước được bù hoàn vào năm 2025 và tối đa hoá tái sử dụng nước vào năm 2030. Trong quá trình hướng đến mục tiêu này, chúng tôi chú trọng thực hiện 2 nhiệm vụ lớn sau. Một là hợp tác chiến lược với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam và các đối tác khác triển khai dự án trồng rừng, bảo tồn vùng ngập nước; áp dụng các giải pháp bảo tồn nguồn nước thân thiện môi trường và bền vững; nâng cao nhận thức và kêu gọi cộng đồng chung tay bảo tồn nguồn nước. Hai là tìm kiếm cơ hội hợp tác để thực hành các giải pháp tái sử dụng nước sau xử lý.

Còn trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ không còn rác thải chôn lấp, và đến năm 2030, tập đoàn sẽ tối đa hóa Kinh tế Tuần hoàn trong chuỗi giá trị. Điều này đòi hỏi ở chúng tôi (1) Sự sáng tạo (Sáng tạo khâu thiết kế bao bì: nhẹ mỏng hơn, dùng nguyên liệu tái chế…; tìm giải pháp sáng tạo nâng giá trị tái chế phụ phẩm/phế phẩm; sáng tạo trong quy trình & hoạt động, xanh hóa văn phòng, cách làm việc, xanh hóa khâu vận chuyển), (2) Chia sẻ (sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm để tăng việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong các tối tác thương mại, doanh nghiệp và cộng đồng), và (3) Hợp tác (tìm kiếm cơ hội hợp tác với các bên lên quan để tăng khả năng tái chế và tái sử dụng). Riêng mục tiêu này, chúng tôi đã hoàn thành vào năm 2021.

Thứ hai, bàn tới trụ cột xã hội, chúng tôi cũng chia thành 3 lĩnh vực nhỏ gồm sự đa dạng & hoà nhập, nơi làm việc công bằng & an toàn, và tạo tác động tích cực cho cộng đồng.

Trong lĩnh vực đa dạng và hoà nhập, chúng tôi tham vọng vào năm 2025, 100% quản lý hoàn thành tập huấn về đa dạng & hoà nhập, và sẽ có 40% nữ giữ các vị trí quản lý cấp cao vào năm 2030. Mục tiêu này buộc chúng tôi tăng cường xây dựng văn hoá và nâng cao quyền phụ nữ trong mọi bộ phận.

Kế đến, chúng tôi mong muốn tạo môi trường làm việc công bằng cho nhân viên, xây dựng tư duy lãnh đạo, và nhất là tích cực phòng chống bệnh nghề nghiệp, chấn thương trong công việc. Theo đó, chúng tôi cần hợp tác chặt chẽ với đối tác để triển khai kế hoạch xây dựng môi trường làm việc an toàn & công bằng cho nhân viên; cũng như tổ chức tập huấn, xây dựng tư duy lãnh đạo an toàn, an toàn đường bộ, an toàn cho nhà phân phối, an toàn trong sản xuất.

Và trong hành trình tạo tác động tích cực cho cộng đồng, chúng tôi chú trọng triển khai các dự án tạo tác động xã hội lâu dài. Hiển nhiên, chúng tôi không thể thực hiện mục tiêu này nếu không có sự hợp tác sát sao, bền vững với các đối tác chiến lược, cùng họ thực hiện các chương trình sinh kế cho người dân.

Thứ ba, hành trình hướng đến xây dựng văn hoá uống có trách nhiệm bao gồm 3 lĩnh vực tham vọng là: không cồn & độ cồn thấp, uống có chừng mực, và uống an toàn. Tương ứng với những mục tiêu ấy, chúng tôi liên tục cải tiến và sáng tạo các loại bia với độ cồn thấp hoặc không cồn; hợp tác đối tác giải quyết các vấn đề lạm dụng thức uống có cồn, xây dựng văn hóa uống có trách nhiệm; và cam kết đầu tư tối thiểu 10% ngân sách truyền thông của nhãn hàng HEINEKEN Việt Nam cho các hoạt động tuyên truyền xây dựng văn hóa uống có trách nhiệm.

* Với việc triển khai đa dạng các hoạt động trách nhiệm xã hội, bà có thể chia sẻ phương pháp phân bổ nguồn lực và quản lý vận hành để đảm bảo chất lượng cho từng hoạt động CSR của doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn?

Như đã chia sẻ, tại HEINEKEN Việt Nam, chúng tôi tiếp cận theo hướng chiến lược bền vững lâu dài, chủ động và tổng thể trong đó bao gồm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Phát triển bền vững hiện đã được lồng ghép vào chiến lược hoạt động của công ty và từng phòng ban, cũng như trở thành tư duy lãnh đạo của tất cả các cấp quản lý. Ủy Ban Phát Triển Bền Vững của HEINEKEN Việt Nam, đứng đầu là Tổng Giám Đốc Điều Hành cùng với tất cả các thành viên Ban Điều Hành lãnh đạo chương trình phát triển bền vững tại các phòng ban.

Chiến lược phát triển bền vững của chúng tôi bao gồm 3 lĩnh vực tập trung chính, mỗi lĩnh vực có 3 chủ đề với các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cụ thể và chi tiết. Căn cứ vào đó, tất cả các phòng ban liên quan dưới sự dẫn dắt của Ban Điều Hành, sẽ xây dựng kế hoạch chiến lược, triển khai dự án, đo lường, theo dõi và báo cáo kết quả định kỳ cho Ủy Ban Phát Triển Bền Vững của công ty.

Ủy Ban Phát Triển Bền Vững của HEINEKEN Việt Nam, đứng đầu là Tổng Giám Đốc Điều Hành cùng với tất cả các thành viên Ban Điều Hành lãnh đạo chương trình phát triển bền vững tại các phòng ban

* Những hoạt động CSR có được truyền thông rộng rãi không? Làm sao để người tiêu dùng, khách hàng, giới truyền thông có được những thông tin chính xác về các chương trình, hoạt động của doanh nghiệp?

Chúng tôi luôn mong muốn lan tỏa những thực hành tốt về phát triển bền vững của HEINEKEN Việt Nam. Tất cả hoạt động, thực hành tốt đều được chúng tôi chia sẻ trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các kênh truyền thông trực tuyến của công ty như website, Facebook, LinkedIn... Ngoài ra, chúng tôi cũng tình nguyện tham gia chia sẻ tại nhiều diễn đàn, hội thảo... Hay có thể thấy báo cáo bền vững hàng năm của chúng tôi cũng là một kênh thông tin tin cậy, cung cấp đầy đủ và chi tiết những cam kết, tiến trình, kết quả cũng như những thực hành tốt về phát triển bền vững của HEINEKEN Việt Nam. 

HEINEKEN Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực đội ngũ có thể tạo tác động tích cực tốt nhất cho nền kinh tế địa phương, môi trường và cộng đồng

* Trong quá trình triển khai hoạt động CSR, HEINEKEN Việt Nam có gặp khó khăn gì không? Và cách doanh nghiệp xử lý các vấn đề đó thế nào?

Chiến lược phát triển bền vững “Vì Một Việt Nam Tốt Đẹp Hơn” của HEINEKEN Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực HEINEKEN Việt Nam có thể tạo tác động tích cực tốt nhất cho nền kinh tế địa phương, môi trường và cộng đồng. Tuy chúng tôi đã đạt được những thành tích nhất định trên hành trình “Vì Một Việt Nam Tốt Đẹp Hơn”, nhưng hành trình hướng tới thực hiện tham vọng đặt ra cho năm 2025, 2030 và 2040 chắc chắn không thể tránh khỏi những thử thách.

Đầu tiên phải kể đến nhận thức và thực hành phát triển bền vững tại Việt Nam vẫn còn chưa cao, nhất là đối với cộng đồng và nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này dẫn tới những hạn chế nhất định cho chúng tôi khi triển khai các mục tiêu phát triển bền vững với đối tác trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Thứ hai, chúng tôi vẫn rất cần những định hướng mạnh mẽ từ chính phủ, những cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững. Tôi ví dụ như với tham vọng phát thải ròng bằng 0, chúng tôi đã xây dựng lộ trình (roadmap) cho tham vọng này; trong đó, việc được tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữ một vai trò quan trọng. Chúng tôi hiện vẫn đang mong đợi cơ chế DPPA cho giai đoạn thử nghiệm sớm được ban hành.

Nhận thức và thực hành phát triển bền vững tại Việt Nam vẫn còn chưa cao, nhất là đối với cộng đồng và nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ ba là sự hạn chế về tính sẵn có của công nghệ và sự chậm chạp của quá trình dịch chuyển sang áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Thách thức này đã hạn chế các sáng kiến kinh tế tuần hoàn trên phạm vi rộng hơn, nghĩa là tái chế tạo giá trị cao hơn (upcycle). Đơn cử với mục tiêu tối đa hóa kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị, chúng tôi vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nghệ, đối tác phù hợp cho những sáng kiến tăng giá trị tuần hoàn của các phụ phẩm và phế phẩm trong quá trình sản xuất, cũng như thúc đẩy đối tác cùng chung tay với chúng tôi. 

Chúng tôi hiểu rằng phát triển bền vững cần sự chung tay của mỗi cá nhân và tập thể, và đây là một hành trình dài. Là một trong những doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững từ sớm, chúng tôi hiểu rõ vai trò của mình trong việc không ngừng lan tỏa những giá trị tích cực, góp phần nâng cao nhận thức và tạo động lực cho mọi người cùng chung tay “Vì Một Việt Nam Tốt Đẹp Hơn”.

* Với hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam, bà có chia sẻ những quan sát của mình về sự quan tâm tới thực hiện CSR của các bên có liên quan như thế nào? Và các hoạt động liên quan tới môi trường, xã hội, văn hóa có thay đổi về mức độ quan tâm của công chúng, người tiêu dùng, chính phủ hay không?

Theo quan sát của chúng tôi, sự quan tâm của các bên liên quan đối với các vấn đề môi trường, xã hội gia tăng đáng kể, nhất là trong những năm gần đây khi những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng đối với sự an toàn, sức khỏe và sinh kế người dân. Chúng tôi thấy vui vì khái niệm CSR giờ đây không còn đơn giản là các hoạt động mang tính “trách nhiệm” và từ thiện. Chủ đề này ngày càng được mở rộng phạm vi, tiếp cận tổng thể và chủ động để có thể tạo tác động lâu dài hơn cho môi trường và xã hội.

CSR không còn đơn giản là các hoạt động mang tính “trách nhiệm” và từ thiện, mà ngày càng được mở rộng phạm vi, tiếp cận tổng thể và chủ động để tạo tác động lâu dài hơn cho môi trường, xã hội.

Về phía chính phủ, chúng ta đều biết chính phủ đã đưa ra những cam kết mang tính quốc tế để chung tay chống biến đổi khí hậu cũng như giải quyết các vấn đề xã hội như cam kết COP26, SDGs… Theo đó, chiến lược phát triển bền vững quốc gia cùng với các quy định pháp luật liên quan đã và đang được chính phủ liên tục cập nhật cùng những hành động rõ ràng, quyết liệt. Từ đấy, tạo động lực thúc đẩy mọi thành phần trong xã hội cùng chung tay xây dựng một Việt Nam tốt đẹp hơn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy các cơ quan truyền thông cũng đã quan tâm nhiều hơn đến chủ đề phát triển bền vững, chung tay lan tỏa chiến lược chính sách quốc gia, các thực hành tốt về phát triển bền vững, những kiến thức kinh nghiệm liên quan… Những hành động thiết thực này góp phần nâng cao nhận thức đồng thời kêu gọi sự chung tay của cộng đồng giải quyết các vấn đề mang tính sống còn chung của toàn thể xã hội.

Đối với người tiêu dùng, có nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ quan tâm và chọn lựa tiêu dùng của họ đã thay đổi đáng kể, nhất là nhóm khách hàng trẻ. Sức khoẻ và an toàn trở thành mối quan tâm hàng đầu trong các quyết định tiêu dùng. Thế nên, tôi nghĩ rằng ngoài những tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh như thường lệ, nếu những công ty, nhãn hàng càng cam kết và thực hành phát triển bền vững, thì sẽ dễ dàng nhận được sự tin yêu từ khách hàng. Việc theo đuổi phát triển bền vững rõ ràng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội. Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai không xa, phát triển bền vững sẽ thực sự trở thành một lối tư duy và phong cách sống cho tất cả chúng ta.   

* Cảm ơn những chia sẻ tận tình của bà.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Theo Thảo Nguyên/ Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam