Marketer Thanh Uyên
Thanh Uyên

Content Editor @ Brands Vietnam

Giảng viên cấp cao Đại học RMIT Việt Nam: Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nắm bắt chiến lược số

Giảng viên cấp cao Đại học RMIT Việt Nam: Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nắm bắt chiến lược số

Trong khi Việt Nam tiếp tục phát triển về mặt công nghệ, các công ty dần nhận ra sự cần thiết của việc thực hiện chiến lược số hiệu quả nhằm duy trì tính cạnh tranh trên thị trường.

Chiến lược số thúc đẩy chuyển đổi

Nghiên cứu gần đây của Đại học RMIT chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu một chiến lược số rõ ràng trong khi điều này mang lại nhiều lợi thế cho họ.

Tiến sĩ Burkhard Schrage, Chủ nhiệm cấp cao chương trình MBA và bộ môn Quản trị tại Khoa Kinh doanh (tên gọi cũ: Khoa Kinh doanh và Quản trị), Đại học RMIT Việt Nam, cho biết: “Một trong những lợi ích chính của chiến lược số đối với doanh nghiệp Việt là khả năng tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Cùng với sự phát triển của Internet và công nghệ di động, ngày càng có nhiều người Việt thường xuyên truy cập Internet hơn”.

Theo Tiến sĩ Schrage, điều này tạo cơ hội cho các công ty kết nối với người tiêu dùng và tương tác với họ theo những cách mới và sáng tạo.

Tiến sĩ Manjit Sandhu, Giảng viên cấp cao Khoa Kinh doanh, cho biết thêm: “Chiến lược số có thể giúp công ty tăng cường hiện diện trực tuyến thông qua việc sử dụng mạng xã hội và các nền tảng số khác”.

Giảng viên cấp cao Đại học RMIT Việt Nam: Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nắm bắt chiến lược số

Tiến sĩ Manjit Sandhu (trái) và Tiến sĩ Burkhard Schrage (phải).

Điều này đặc biệt hiệu quả ở Việt Nam do tỉ lệ sử dụng mạng xã hội cao, và nhiều người dùng các nền tảng như Facebook và Instagram để kết nối với bạn bè, gia đình, cũng như các nhãn hàng. Bằng cách tạo nội dung hấp dẫn và liên quan, doanh nghiệp có thể xây dựng một cộng đồng trực tuyến vững mạnh và đẩy mạnh quan hệ tích cực với khách hàng của họ.

Tiến sĩ Schrage giải thích rằng chiến lược số góp phần thu thập và phân tích dữ liệu. Với công cụ và hệ thống phù hợp, doanh nghiệp có thể thu thập thông tin giá trị, bao gồm cả sở thích, hành vi và thói quen mua sắm, về khách hàng của mình. 

Sau đó, doanh nghiệp có thể dùng dữ liệu này để cải thiện sản phẩm và dịch vụ của công ty, cũng như giúp các hoạt động marketing mục tiêu hiệu quả hơn.

Ngoài ra, chiến lược số còn giúp các công ty vận hành trôi chảy và giảm chi phí. Bằng cách số hóa quy trình và chức năng, công ty có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc mà lẽ ra phải chi cho các việc thủ công và giấy tờ. Ví dụ như có thể tận dụng nền tảng số để quản lý chuỗi cung ứng.

Giảng viên cấp cao Đại học RMIT Việt Nam: Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nắm bắt chiến lược số

Chiến lược số rõ ràng có thể giúp doanh nghiệp lấy lòng khách hàng.
Nguồn: Pexels

Vén màn trở ngại 

Theo Tiến sĩ Sandhu, một trong những thách thức mà các công ty Việt Nam gặp phải khi thực hiện chiến lược số là thiếu chuyên môn và kiến thức trong lĩnh vực này. Nhiều doanh Việt vẫn còn tương đối nhỏ và có thể không đủ nguồn lực hoặc chuyên môn để tự phát triển và thực hiện chiến lược số hiệu quả.

Tiến sĩ Schrage cũng chỉ ra rằng doanh nghiệp có thể còn thiếu hiểu biết về lợi ích tiềm năng của chiến lược số, cũng như lo ngại về chi phí và nỗ lực cần bỏ ra để thực hiện.

Tìm kiếm giải pháp số

Tiến sĩ Sandhu gợi ý: “Để vượt qua những thách thức này, doanh nghiệp Việt có thể tìm hỗ trợ và chuyên môn từ bên ngoài. Chẳng hạn, họ có thể làm việc với các công ty tư vấn chuyển đổi số, những bên có thể đưa ra lời khuyên và hướng dẫn về cách xây dựng và thực thi chiến lược số”.

Ngoài ra, hiện có một số tổ chức và sáng kiến cung cấp đào tạo và hỗ trợ giúp doanh nghiệp phát triển năng lực số, chẳng hạn như Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (vecom.vn) và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (idea.gov.vn).

Các công ty hoạt động theo mô hình truyền thống, mang tính kế thừa, cần nhanh chóng nghiên cứu cách sử dụng công nghệ để hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai. Thế Giới Di Động, nhà bán lẻ trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, là ví dụ điển hình về cách một chiến lược số thực hiện tốt và có mục đích có thể mang lại hiệu quả như thế nào – hoạt động thương mại điện tử của họ giữ vị trí số hai trong nước, chỉ xếp sau sàn thương mại điện tử Shopee, theo thống kê của iPrice Group.

Giảng viên cấp cao Đại học RMIT Việt Nam: Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nắm bắt chiến lược số

Thế Giới Di Động nổi lên như một trong những trang thương mại điện tử phổ biến nhất trong những năm gần đây.

Nhìn chung, việc áp dụng các chiến lược số đang trở thành một phần quan trọng trong bối cảnh kinh doanh tại Việt Nam. Đất nước tiếp tục phát triển và thúc đẩy công nghệ, và nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ thông qua quyết định số 411/QĐ-TTg “Chiến lược quốc gia về xã hội và kinh tế số”.

Các công ty có thể thực hiện thành công chiến lược số sẽ có vị thế tốt để cạnh tranh và phát triển trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chương trình Quản trị tại RMIT Việt Nam

Thông qua chương trình giảng dạy gắn liền với kinh nghiệm kinh doanh thực tế, chương trình Quản trị của RMIT Việt Nam hỗ trợ học viên trên hành trình trở thành lãnh đạo doanh nghiệp, sở hữu kỹ năng số và có khả năng hoạch định và lãnh đạo quá trình chuyển đổi số, xử lý các vấn đề phức tạp, lãnh đạo đội nhóm và đưa ra các quyết định kinh doanh ở nhiều cơ cấu tổ chức khác nhau trong các lĩnh vực.