Brands Vietnam 2022 Review: Top 10 bài tiêu điểm được quan tâm nhất
Nhìn qua top 10 bài tiêu điểm được quan tâm nhất, chúng tôi nhận thấy phần lớn bạn đọc Brands Vietnam yêu thích những bài viết tổng hợp số liệu, quan điểm, và xu hướng; cũng như những bài viết liên quan đến các sự kiện mà Brands Vietnam tổ chức nhằm gắn kết cộng đồng marketing.
Lưu ý: Kết quả được trích xuất từ Google Analytics và hệ thống dữ liệu của Brands Vietnam.
1. Data Station #25 – Digital 2022: Số người dùng Việt quan ngại về an toàn dữ liệu giảm gần 1 nửa so với năm 2020
Data Station là chuỗi bài viết chia sẻ những báo cáo hữu ích cũng như bài phỏng vấn đào sâu vào các kết quả nghiên cứu. Từ đó đưa ra những quan điểm hay đề xuất có tính ứng dụng cao cho kế hoạch marketing sắp tới của marketer. Trong số 25, chúng tôi cung cấp cho người đọc những số liệu nổi bật từ báo cáo Digital 2022: Việt Nam do We Are Social và Kepios thực hiện.
Báo cáo Digital 2022: Việt Nam khai thác hành vi của người dùng Việt trên Internet, mạng xã hội, thiết bị di động, e-Commerce; và tổng quan chi tiêu quảng cáo số tại thị trường này. Bài viết được kết lại với hai lưu ý lớn từ ông Simon Kemp – CEO của Kepios, cũng là những điều mà doanh nghiệp có thể lưu ý cho những chiến lược phát triển của mình. Thứ nhất là cải thiện kết nối Internet ở các cộng đồng không nhận được sự quan tâm đầy đủ (under-served community), cụ thể là phụ nữ nông thôn. Thứ hai là những công nghệ nào sẽ thống trị trong một thập kỷ tới.
Hãy cùng điểm qua những số liệu nổi bật mà báo cáo Digital 2022: Việt Nam ghi nhận được tại đây.
2. Cách TikTok “đọc” suy nghĩ người dùng trong chớp nhoáng
Bài viết lược dịch quan điểm của ông Ben Smith – phóng viên phụ trách chuyên mục Truyền thông của trang tin The New York Times. Tác giả đã giải thích và trích dẫn một số quan điểm về cách “thấu hiểu” người dùng của TikTok.
Một báo cáo của Wall Street Journal đã chứng minh rằng TikTok dựa vào thời lượng người dùng xem một chủ đề video để “lôi kéo” họ lướt xem nhiều video liên quan.
Có cùng quan điểm, ông Guillaume Chaslot, nhà sáng lập Algo Transparency nhận định: “Hệ thống này xem thời gian sử dụng là mấu chốt. Các thuật toán có thể khiến người dùng, đặc biệt là trẻ em trở nên ‘nghiện’ TikTok. TikTok sẽ nắm được thông tin qua những video mà một đứa trẻ đã xem. Trong ít giờ, thuật toán này có thể tìm ra sở thích âm nhạc, giới tính, cảm xúc và những nội dung nhạy cảm khác”.
Tuy nhiên, thời lượng xem không phải là yếu tố duy nhất mà TikTok xem xét. Hơn nữa, TikTok cũng tính toán đến trường hợp người dùng sẽ cảm thấy nhàm chán nữa.
Hãy cùng Brands Vietnam tìm hiểu thêm ở bài viết đầy đủ tại đây.
3. Tổng hợp 6 chiến dịch “educate” cách đọc tên thương hiệu thú vị
Đúng với tựa đề, bài viết điểm qua 6 chiến dịch của 6 thương hiệu từ những ngành hàng khác nhau “Việt hoá” tên gọi của mình để người tiêu dùng dễ dàng gọi tên và nhớ lâu hơn. Đó là CC Lemon với giai điệu quốc dân “Xì xì le mân” một thời, “Qua – ri – ơ” vang khắp các tiệm tạp hoá, trường học và quán net, hay Head & Shoulders – Gọi thế nào cũng chuẩn vì khách hàng luôn đúng, Chuỗi thương hiệu AVA – Chỉ 3 chữ cái nhưng kẹt với đủ kiểu phiên âm, Mailchimp – Tận dụng việc đọc sai tên để educate cách gọi đúng, Không phải là “Hun – đai”, đó là “Hân – đê” (Hyundai).
Qua 6 ví dụ tiêu biểu kể trên, có thể thấy việc gọi đúng tên sản phẩm tưởng chừng đơn giản nhưng đóng vai trò khá quan trọng trong việc tăng nhận biết, giúp khách hàng “chỉ mặt gọi tên” sản phẩm dễ dàng hơn khi mua sắm. Trong một vài trường hợp, các TVC và chiến dịch hướng dẫn đọc tên còn có thể giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về định vị thương hiệu, tính cách thương hiệu cũng như các USPs và dịp sử dụng của sản phẩm.
Để tìm hiểu cụ thể 6 thương hiệu trên đã làm gì, mời marketer nhấp vào link này.
4. Khởi động Brands Vietnam Contest #1 – Cuộc thi Viết: “Lovemark là khi?”
Sự kiện “Lovemark là khi?” diễn ra hồi tháng 3/2022 đánh dấu lần đầu tiên Brands Vietnam phát động một cuộc thi viết dành cho cộng đồng marketer. Với đề bài mở “Khoảnh khắc nào đã khiến bạn thích một Brand đến như thế?”, Brands Vietnam mong muốn tạo nên không gian cho các độc giả yêu thích marketing từ khắp mọi miền đất nước trải lòng về giây phút “va phải tình yêu” với các thương hiệu ưa thích của mình.
BTC đã nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình từ hơn 200 người tham dự trải dài từ 13-38 tuổi, hơn 100 thương hiệu được gọi tên. Sau 8 ngày xem xét kỹ lưỡng, đội ngũ BTC và BGK đã thống nhất chọn ra 10 bài viết thật sự ấn tượng và chất lượng.
Mời marketer xem thêm cách thức dự thi tại đây và các bài đạt giải tại đây.
5. Insight Ngẫu Hứng #2: 7749 cách định nghĩa “local brand” của người trẻ
Insight ngẫu hứng là series khám phá những insight ngẫu nhiên đúc kết từ các buổi focus group với nhiều chủ đề khác nhau. Moderator của các buổi focus group này là chị Hồ Minh Huyền – Chuyên gia về nghiên cứu định tính với hơn 13 năm trong nghề. Chị hiện đang là Co-founder tại Phoenix Research Consultancy và là giảng viên khoá học Nghiên cứu định tính tại Brand Camp.
Đến với số thứ hai, Brands Vietnam và chị Huyền đã tổ chức một buổi focus group về chủ đề “Local Brand và niềm tự hào dân tộc”. Với chủ đề này, Brands Vietnam lựa chọn đáp viên với những tiêu chí như sau: Họ là những người trẻ trong độ tuổi 18-30 đã và đang sử dụng các sản phẩm của local brand.
Một trong những điểm sáng gây bất ngờ cho cả moderator và bản thân đáp viên là sự vỡ lẽ “Những ông lớn như Vinamilk, Biti's... không phải là local brand. Họ là thương hiệu quốc gia luôn rồi”. Theo đó, chị Huyền đã cùng các bạn tham gia rút ra một tầng phân loại mới cho các thương hiệu nội địa dựa trên quy mô.
Vì đâu lại có sự vỡ lẽ đó và cách chị Huyền cùng các bạn đáp viên phân loại là gì? Cùng tìm hiểu chi tiết tại đây.
6. Đi thị trường #1: Kênh Modern Trade – Nhìn gì, hỏi gì?
Đi Thị Trường là series Brands Vietnam thực hiện cùng anh Nguyễn Quang Hiệp – hiện là giảng viên tại Brand Camp với mục tiêu mang đến những gạch đầu dòng đáp ứng tiêu chí “3 dễ”: dễ hiểu – dễ nhớ – dễ thực hiện để các marketer có thể tự tin hơn khi đi thị trường.
Tính đến thời điểm chúng tôi lấy số liệu, bài viết đầu tiên bàn về việc đi thị trường ở kênh Modern Trade đón nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong series.
Khi được hỏi tóm gọn những điều cần lưu ý khi đi thị trường kênh MT trong một vài từ khoá, anh Hiệp cho biết: “Tôi nghĩ từ khóa quan trọng nhất khi đi kênh MT là khối planogram. Marketer sẽ cần quan sát kĩ để đảm bảo sản phẩm được trưng bày đúng quy cách, đủ số lượng và đủ SKU để người mua có thể dễ dàng tiếp cận sản phẩm. Từ khóa thứ hai là các hoạt động thực thi, marketer cần kiểm tra xem các hoạt động khuyến mãi có được diễn ra đồng bộ, đúng theo kế hoạch trên toàn hệ thống bán lẻ hay chưa”.
Ngoài ra, bài viết còn đào sâu vào (1) vai trò của kênh MT trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, (2) những mục tiêu chính cần đạt được khi đi thị trường tại kênh MT, (3) những thông tin marketer cần chuẩn bị và thu thập trước – trong – sau đi thị trường kênh MT.
Mời các marketer theo dõi chi tiết bài viết tại đây.
7. Phát triển sản phẩm mới #7: Chill Cocktail – Tân binh thị trường Cocktail pha sẵn
Phát triển sản phẩm mới là series đào sâu vào sự ra mắt của những sản phẩm mới trên thị trường – từ những bước đầu tiên như quá trình hình thành ý tưởng và ra đời sản phẩm cho đến chiến lược tung hàng. Trong số thứ 7, Brands Vietnam đã có buổi trò chuyện với ông Đầy, Mixologist, Head of R&D tại Goody Group về hành trình phát triển Chill Cocktail.
Chill Cocktail ra đời trong bối cảnh thị trường Cocktail đóng chai tại Việt Nam vẫn mới mẻ, còn nhiều dư địa phát triển và chưa có thương hiệu nào nổi bật. Theo ông Đầy, điểm khác biệt của sản phẩm mới Chill Cocktail là không khiến người sử dụng bị “hangover”, khó chịu. Đúc kết này của thương hiệu dựa trên quan sát người tiêu dùng khi lựa chọn đồ uống có cồn, thường lo lắng liệu uống rồi sáng hôm sau có bị mệt mỏi, nhức đầu hay không. Ông Đầy cũng nhận định đây là sự khác biệt của Chill Cocktail so với các đồ uống có cồn khác, giúp thương hiệu tăng tỷ lệ quay lại của người tiêu dùng.
Nội dung phỏng vấn ông Đầy về Chill Cocktail dựa trên mô hình 3-I (Identify – Invent – Implement) của Kantar Worldpanel Division. Qua đó, marketer có cái nhìn sâu hơn về quy trình phát triển sản phẩm mới, đúc kết được những kinh nghiệm thực tiễn về thị trường, sản phẩm, bao bì, tung hàng cũng như quản lý kỳ vọng.
Cùng xem thêm hành trình ra mắt sản phẩm mới Chill Cocktail đầy đủ tại đây.
8. Deep Dive #9: Liệu TikTok Shop có tạo ra nhu cầu mua hàng cao hơn so với các nền tảng thương mại điện tử khác?
Deep Dive là chuỗi nội dung chuyên bàn luận và phân tích về các sự kiện thú vị liên quan đến hoạt động truyền thông, xây dựng thương hiệu tại Việt Nam. Vào tháng 6/2022, TikTok gây xôn xao dư luận với lần ra mắt tính năng TikTok Shop. Thế liệu TikTok Shop có tạo ra nhu cầu mua hàng cao hơn so với các nền tảng thương mại điện tử khác? Để trả lời câu hỏi này, Brands Vietnam đã có buổi trò chuyện thú vị với anh Lucas Phạm – Managing Director tại Mango Digital.
Anh Lucas đưa ra những nhận định dựa trên trải nghiệm và quan sát của cá nhân về TikTok Shop. Để làm rõ quan điểm của mình, anh so sánh cách thức hoạt động, trải nghiệm người dùng khi mua sắm trên các nền tảng TikTok Shop, Facebook Shop, Website bán hàng chính thức của thương hiệu, các sàn e-Commerce, nền tảng Affiliate.
Một điểm đáng chú ý là anh cùng đồng nghiệp đánh giá rằng TikTok có thể tạo nhu cầu mua hàng nhiều hơn so với các trang eCommerce. Động lực thúc đẩy chính là các video review sản phẩm trong mục For You đánh trúng sở thích và có sự liên quan trực tiếp đến từng người dùng.
Cùng lắng nghe thêm những chia sẻ hay ho khác về TikTok Shop tại đây.
9. Inside Jobs #6: Digital Marketing – Công việc không chỉ dừng lại ở viết nội dung và chạy quảng cáo
Là series nghề nghiệp do XONE Radio sản xuất, Inside Jobs khai thác những góc nhìn và kinh nghiệm làm việc thực tế của các chuyên gia – những “người trong cuộc” thuộc những lĩnh vực được đông đảo giới trẻ quan tâm. Số thứ 6 của series Inside Jobs có sự tham gia của hai vị khách mời là chị Linh Đào – Digital Marketing Manager tại Manabie Việt Nam và anh Long Nguyễn – Deputy Managing Director tại Xanh Marketing cùng những câu chuyện về nghề Digital Marketing.
Hai anh chị lần lượt “gỡ rối” những khái niệm, yếu tố xoay quanh Digital Marketing thông qua chia sẻ góc nhìn toàn cảnh hơn về công việc này, và nêu lên điểm khác biệt giữa Digital Marketing và Marketing truyền thống. Ngoài ra, anh chị còn chia sẻ chi tiết case-study về hai chiến dịch bản thân từng triển khai và cảm thấy tâm đắc. Buổi chia sẻ khép lại với những lời khuyên súc tích mà hữu ích cho các bạn mới vào nghề khi cần đưa ra quyết định lựa chọn kênh Digital để triển khai chiến dịch.
Cùng xem chi tiết nội dung chia sẻ tại đây.
10. Sự kiện “Passport To Marketing 2: The World of Agencies” trở lại hoành tráng với 10 diễn giả đến từ 10 loại Agency đặc thù
Sự phân mảnh và phức tạp trong chuyên môn của các agency đã thôi thúc sự trở lại của sự kiện “Passport To Marketing 2: The World of Agencies”. Để có thể giúp các bạn trẻ trót đem lòng yêu Marketing nhận được những thông tin nền tảng và cái nhìn thực tế về chuyên môn, chức năng của từng nhóm agency, trong 2 ngày liên tiếp 15&16/4/2022, Brands Vietnam cùng 10 anh chị chuyên gia đến từ 10 loại hình agency sẽ đồng hành và chia sẻ những kinh nghiệm “thực chiến” cùng các định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
10 phiên chia sẻ kéo dài 10 tiếng đã thu hút hơn 1000 lượt đăng ký, 10.000 lượt xem trong 2 ngày cùng 100 phần quà tặng đã được trao cho người tham dự.
Marketer có thể tìm hiểu thêm về sự kiện “Passport To Marketing 2: The World of Agencies” tại đây và đọc thêm về tóm tắt 10 phiên chia sẻ tại đây.
Theo Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam