Chiến lược thương hiệu LG, 3 đặc quyền của thương hiệu dẫn đầu
Chiến lược thương hiệu mà LG sử dụng là chiến lược dẫn đầu với nền tảng từ thế mạnh công nghệ và chiều sâu nơi danh mục sản phẩm.
Hồi tháng 9 năm ngoái, chuyên trang The Elec phát đi thông báo rằng, LG Innotek – một công ty con thuộc LG đã nhận đơn hàng sản xuất hơn 70% module camera trên iPhone 13. Cùng với Samsung, LG luôn được biết đến là một trong những nhà cung cấp linh kiện quan trọng của Apple. Trước đó, LG cũng từng bắt tay với Táo Khuyết để giới thiệu công nghệ camera kép trên những chiếc iPhone 7 Plus, sở hữu tính năng chụp xoá phông và đồng thời mở ra một trào lưu thịnh vượng cho camera điện thoại.
Tuy vậy, mọi thứ không tìm đến một cách ngẫu nhiên. LG nhiều năm trước đó vẫn luôn là người dẫn đầu về công năng camera nói riêng và công nghệ smartphone nói chung. Còn nhớ hồi năm 2011, thương hiệu HTC đã thất bại chóng vánh trước LG trong cuộc chạy đua về khả năng chụp ảnh 3D. Optimus 3D của LG mất nhiều thời gian để thao tác hơn, những đổi lại là chất lượng ảnh chụp vượt trội hơn so với thiết bị HTC EVO.
Nhìn xa hơn nữa vào tháng 8/2005, LG Innotek đã giới thiệu mẫu module camera nhỏ nhất thế giới dành cho các thiết bị di động – với đường kính chỉ có 6,4mm. Trong suốt chiều dài lịch sử tính từ đầu thập niên 70 cho đến nay, LG luôn thể hiện hình mẫu thương hiệu là những người sẵn sàng tiên phong, giới thiệu phần lớn các tính năng và công nghệ chưa từng có trên thế giới.
Vậy kết quả trong chiến lược thương hiệu LG là gì? Việc dẫn đầu thị trường về các tính năng hay công nghệ giúp ích cho hình ảnh thương hiệu LG ra sao? Tất cả đều được Vũ chia sẻ, phân tích và gửi đến tất cả các bạn thông qua bài viết lần này.
Dẫn đầu về công nghệ
LG luôn được biết đến là một thương hiệu có chiều sâu về danh mục sản phẩm, từ điện máy gia dụng, phương tiện giải trí cho đến các sản phẩm cải thiện chất lượng đời sống. Năm 2021, LG thậm chí đã giới thiệu sản phẩm LG Tiiun – tủ trồng cây và rau sạch tại nhà tích hợp vận hành từ xa bằng ứng dụng LG ThinQ. Tuy nhiên, chiến lược thương hiệu LG, với lợi thế là tên tuổi dẫn đầu công nghệ, đều được bắt đầu từ những chiếc TV.
Có thể chia công nghệ phát triển TV của thương hiệu làm hai giai đoạn, đó là trước và sau năm 2000. LG bắt đầu nền tảng công nghiệp của mình bằng việc sản xuất ra những chiếc radio. Đến năm 1966, thương hiệu đánh dấu cột mốc quan trọng cho lĩnh vực điện tử của Xứ Kim Chi, bằng việc cho ra mắt chiếc TV CRT trắng đen đầu tiên tại Hàn Quốc, sử dụng màn huỳnh quang để hiển thị các điểm ảnh – thông qua ống CRT giúp phóng ra tia điện tử giúp quá trình hiển thị điểm ảnh được chính xác nhất.
Năm 1977, trong khi Hàn Quốc còn chưa phổ biến công nghệ truyền hình màu đến người dân, thương hiệu LG đã sản xuất được TV màu với các sản phẩm mang mã hiệu CT-808. Sản phẩm này sau đó đã xuất khẩu sang Mỹ và đạt được nhiều thành quả nhất định. Trước khi quay lại Hàn Quốc và góp phần xây dựng vị thế rằng LG là thương hiệu số một về TV màu tại thị trường này. Chưa đầy nửa thập kỷ kế tiếp, LG đã giới thiệu hơn 20 sản phẩm TV màu với đủ chủng loại, mẫu mã cũng như giá thành khác nhau.
Đến những năm 2000, khi thị trường TV bắt đầu có dấu hiệu “chật chội”, công nghệ TV LCD và TV Plasma cũng dần soán ngôi của TV CRT truyền thống. Chiến lược dẫn đầu về công nghệ của LG tiếp tục cho thấy những giá trị của mình, với liên tiếp những kỷ lục mới được xác lập ở thị trường TV màu nói riêng và lĩnh vực điện tử nói chung.
Ở giai đoạn này, LG tập trung vào cải thiện độ mỏng cùng với khả năng hiển thị của sản phẩm. Lần lượt những chiếc TV Full HD với kích thước màn hình 55 inch, 70 inch được ra đời để phá sâu những giới hạn trước đó của nhiều thương hiệu cạnh tranh. Năm 2012, sau khi đã khẳng định mạnh mẽ vị thế bằng việc giới thiệu chiếc TV Ultra HD 84 inch, LG bắt tay vào đầu tư công nghệ OLED và cũng là thương hiệu đầu tiên phát triển sản phẩm TV có tiêu chuẩn này.
Công nghệ màn hình OLED có ưu thế là từng điểm ảnh được bật tắt hoàn toàn độc lập, cho chất lượng hiển thị chính xác và sắc nét chưa từng có. Đồng thời công nghệ OLED còn tạo điều kiện cho các nhà sản xuất khác làm ra những chiếc TV siêu mỏng, phô diễn sức mạnh công nghệ với những sản phẩm ở nhiều hình dáng hay cách thức hoàn thiện khác nhau. Thực tế cho thấy những chiếc TV mỏng như giấy hoặc có thể cuộn tròn lại khi không sử dụng, đều được làm ra nhờ nền tảng của công nghệ màn hình OLED.
Giờ đây, khi chúng ta có thể lựa chọn giữa nhiều thương hiệu khác nhau để mua TV OLED, ít ai nhớ lại rằng trong giai đoạn đầu những năm 2010, chiến lược thương hiệu LG từng giúp họ thống lĩnh đường đua công nghệ như thế nào. Năm 2013, sau khi Panasonic và Sony từ bỏ tham vọng thương mại hoá TV OLED, đến lượt Samsung cũng phải tạm gác lại mục tiêu này vì không thể tối ưu chi phí sản xuất, chỉ một mình LG kiên trì với định hướng và tham vọng của riêng mình.
Nhờ lợi thế dẫn đầu và nắm giữ công nghệ trong tay, đội ngũ LG đã thay thế công nghệ RGB OLED bằng công nghệ WRGB OLED hoàn toàn mới. Giải pháp này giúp thương hiệu đến từ Hàn Quốc có thể đưa vào sản xuất hàng loạt mà vẫn tối ưu được chi phí. Trong cùng năm 2013, LG trở thành thương hiệu đầu tiên trên thế giới thương mại hoá thành công TV OLED 4K – điều mà trước đó Sony hay Samsung đều thất bại khi chạy theo công nghệ RGB xưa cũ.
Trở về thời điểm hiện tại khi TV OLED đã không còn là sản phẩm quá xa xỉ, sự tham gia của nhiều thương hiệu đang dần phổ cập tốt hơn công nghệ này lên dòng sản phẩm trung cấp. Tuy nhiên LG vẫn là thương hiệu nắm giữ độc quyền nhận thức của người tiêu dùng toàn cầu, một khi nhắc đến công nghệ OLED hay những sản phẩm TV OLED đột phá. Đó cũng là tầm nhìn của đội ngũ thương hiệu khi bắt đầu xây dựng chiến lược thương hiệu LG.
Chiến lược dẫn đầu giúp mỗi thương hiệu sớm chiếm lĩnh nhận thức của khách hàng mục tiêu. Nhiều cuộc khảo sát và nghiên cứu hành vi tiêu dùng cũng chỉ ra rằng, khách hàng có xu hướng bị thuyết phục và đặt niềm tin vào những “ấn tượng đầu tiên”. Nghĩa là, thay vì cân nhắc chọn lựa giữa nhiều thương hiệu một cách lý trí, người tiêu dùng hầu như chọn tin vào cảm xúc để quyết định gắn bó với một thương hiệu đã có sẵn vị thế trên thị trường.
Đó là lý do vì sao Pepsi hay Coca-Cola không có đối thủ về thị phần nước ngọt có gas, Apple và Samsung thay phiên nhau dẫn đầu đường đua của các thiết bị công nghệ cao cấp. Yếu tố quan trọng quyết định thành bại của một chiến lược dẫn đầu, đó là năng lực tạo ra sự khác biệt của bản thân đội ngũ thương hiệu. Đối với chiến lược thương hiệu LG, họ chọn dẫn đầu về công nghệ làm khác biệt cạnh tranh duy nhất của mình, đứng ngoài cuộc đua về mẫu mã hay giá thành sản phẩm với sự tham gia của nhiều thương hiệu cạnh tranh.
Chiến lược thương hiệu LG mang đến những kết quả gì?
Yếu tố quan trọng quyết định thành bại của một chiến lược dẫn đầu, đó là năng lực tạo ra sự khác biệt của bản thân đội ngũ thương hiệu.
Chiến lược thương hiệu LG xác định tầm nhìn là bảo vệ môi trường cho Trái Đất, giúp xã hội phát triển bền vững và không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống của các bên liên quan. Từ tầm nhìn vĩ mô đó, thương hiệu LG không ngừng theo đuổi sứ mệnh là mang lại giá trị gia tăng cho cuộc sống người tiêu dùng, thông qua định hướng không ngừng tạo ra sự khác biệt, bảo vệ hệ giá trị bền vững và liên tục dẫn đầu về công nghệ sản xuất.
Thành lập vào năm 1970 và trải qua chiều dài lịch sử nhiều thập kỷ, chiến lược thương hiệu LG vẫn đang nhất quán và kiên định với những giá trị mà đội ngũ hằng theo đuổi. Vậy chiến lược thương hiệu LG với nền tảng dẫn đầu về công nghệ nói riêng, cũng như nhiều chiến lược thương hiệu dẫn đầu khác nói chung đang mang đến những lợi thế nào cho doanh nghiệp?
Chiến lược thương hiệu dẫn đầu mở ra cơ hội ở thị trường hẹp
Tại sao Apple không tạo ra những chiếc iPhone “giá rẻ thật sự” để có thêm nhiều khách hàng? Tại sao BMW không giới thiệu những mẫu xe “giá mềm” để nhiều fan trung thành có cơ hội tiếp cận gần hơn – thay vì liên tục bán ra những mẫu xe giới hạn được trang bị gói độ độc quyền? Đây chỉ là hai trong số nhiều ý kiến đề xuất đến từ người tiêu dùng phổ thông, mà chúng ta dễ dàng bắt gặp trên các mặt báo hay những cuộc đối thoại thường ngày.
Tuy nhiên, khi nhìn nhận ở chiều hướng ngược lại, chúng ta sẽ nhận thấy một sự thật có phần “chua chát” – rằng những thương hiệu chọn ứng dụng chiến lược dẫn đầu như Apple, BMW và cả LG nữa, họ không theo đuổi khách hàng hoặc bằng mọi giá vơ vét thị phần về phía mình. Ngược lại, khách hàng mới chính là những người chọn lựa, quyết định và tình nguyện gắn bó trung thành với các thương hiệu kể trên, tuyệt nhiên không cần đến những chiến dịch rầm rộ hay những lời quảng cáo bay bổng trên các phương tiện truyền thông.
Một số thương hiệu được khai sinh, tồn tại rồi phát triển trên thị trường để hoàn thành mục tiêu đáp ứng thị hiếu của càng nhiều khách hàng càng tốt, giống như một người luôn muốn xây dựng hình ảnh thân thiện, dễ gần và thích nghi tốt trong mọi hoàn cảnh khác nhau. Thương hiệu chọn định hướng đáp ứng nhu cầu của đại đa số khách hàng, hay còn được xem là một thương hiệu phổ thông có những đặc tính trái ngược so với thương hiệu theo đuổi chiến lược dẫn đầu.
Thiết kế sản phẩm của thương hiệu phổ thông có xu hướng chiều lòng phần lớn khách hàng, tính năng của thương hiệu phổ thông nhiều đến nỗi khó lòng nhớ được hết – dù bạn có là khách hàng trung thành của thương hiệu đó hay không.
Quan trọng hơn cả, thương hiệu phổ thông có hai hướng đi trong quá trình định giá sản phẩm. Một là trở thành thương hiệu chuyên cung cấp sản phẩm giá rẻ, hai là giới thiệu nhiều sản phẩm ở nhiều phân khúc giá khác nhau. Trong đó, sản phẩm ở phân khúc giá thấp có nhiệm vụ chính yếu giúp gia tăng doanh số và lợi nhuận của doanh nghiệp, còn số ít sản phẩm ở phân khúc giá cao có nhiệm vụ xây dựng hình ảnh cao cấp của thương hiệu, phần nào đó đóng vai trò giới thiệu các công nghệ tiên tiến mà thương hiệu đang nắm giữ.
Một thương hiệu chọn lựa chiến lược dẫn đầu thì không như vậy. Cách định giá sản phẩm của họ không phức tạp đến thế và nhóm khách hàng mục tiêu của họ cũng không lớn đến mức buộc đội ngũ phải nghiên cứu, giới thiệu hay bán ra quá nhiều sản phẩm ở các phân khúc khác nhau. Chiến lược thương hiệu LG hay nhiều thương hiệu dẫn đầu khác luôn tin tưởng, kiên định vào cách chọn lọc khách hàng mục tiêu.
Những thương hiệu chọn chiến lược dẫn đầu như Apple, BMW và cả LG, không theo đuổi khách hàng hoặc bằng mọi giá vơ vét thị phần.
Chọn lọc khách hàng mục tiêu hiệu quả không chỉ góp phần xây dựng dấu ấn riêng cho thương hiệu, mà còn là cơ hội để lôi kéo ngày một nhiều hơn nhóm khách hàng trung thành về phía mình. Ở bài chia sẻ trước của Vũ về chiến lược thương hiệu tập trung, chúng ta đã nhìn lại trường hợp điển hình của thương hiệu đàn guitar Gibson: Không bán tất cả dòng sản phẩm hay mẫu mã có mặt trên thị trường, Gibson chỉ tập trung vào nhóm khách hàng có niềm đam mê với Rock và Blues.
Tất cả sản phẩm Gibson bán ra đều sở hữu thiết kế, tính năng hay công nghệ dành riêng cho nhóm khách hàng này. Thậm chí họ còn kết hợp với những nghệ sĩ nổi tiếng với dòng nhạc tương ứng, luôn xuất hiện với cây đàn Gibson trên tay để quảng bá hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ. Kết quả là sau một thời gian không quá dài xuất hiện trên thị trường, đàn Gibson trở thành một “hệ tư tưởng” để bất cứ ai trót yêu nhạc Blue Rocks cũng đều mong muốn sở hữu, trải nghiệm hay thậm chí chỉ cần một lần được chạm tay.
Chiến lược thương hiệu LG giúp họ tối ưu chi phí quảng cáo
Có một sự thật là những thương hiệu nổi tiếng, có tuổi đời lâu năm hay liên tục dẫn đầu ít nhất là trong lĩnh vực và phân khúc thế mạnh, họ không phải đầu tư quá nhiều nguồn lực lẫn chi phí vào quảng cáo. Đặc biệt là khi nhìn vào các chiến dịch quảng cáo trên nền tảng trực tuyến, hoặc trên những trang mạng xã hội phổ thông có đến hàng tỷ người dùng. Điểm chung ở họ là số lượng nội dung không quá nhiều, tỉ lệ tương tác và theo dõi nội dung chỉ nằm ở mức trung bình khi so sánh với các thương hiệu cạnh tranh.
Chiến lược thương hiệu LG cũng phần nào chứng minh được thực tế đó. Nhìn sang nhiều thương hiệu cạnh tranh nổi tiếng như Samsung hay Sony, thương hiệu LG quả thật không thể nào sở hữu tỉ lệ tương tác ở trên mạng xã hội xứng tầm. Tuy nhiên, số lượt tương tác và bấm theo dõi trên Facebook hay Instagram cũng không phải “đích đến” của đội ngũ thương hiệu LG.
LG hiểu rằng mình có cách xác định nhóm khách hàng mục tiêu riêng biệt, với những yếu tố về mức thu nhập, nhân khẩu học hay thói quen tiêu dùng phù hợp với định hướng quảng bá hình ảnh thương hiệu bấy lâu. Khách hàng mục tiêu trong chiến lược thương hiệu LG là những người ở độ tuổi 30-50, có thu nhập trên mức trung bình khá so với mặt bằng chung. Đây là những người sinh sống và làm việc ở các thành phố lớn, những đô thị loại đặc biệt hoặc ít nhất là đô thị loại 1, loại 2.
Khách hàng mục tiêu trong chiến lược thương hiệu LG có thói quen tiêu dùng riêng biệt, họ có đầy đủ năng lực cũng như khả năng trong việc chọn lựa hoặc đưa ra quyết định mua hàng. Nghĩa là thay vì bị chi phối bởi người thân hay tham khảo nhiều hơn các nguồn tin tư vấn, khách hàng mục tiêu của LG thường có xu hướng tự mình ra quyết định sở hữu sản phẩm. Tổng hợp giữa nhiều yếu tố, chiến lược thương hiệu LG chọn đầu tư vào các cửa hàng trưng bày tại nhiều thành phố lớn.
Không dừng lại ở đó, LG cũng sớm xây dựng và phát triển hình ảnh của mình trên nền tảng thương mại điện tử. Ngoài việc bắt tay với những sàn thương mại điện tử nổi tiếng, bản thân LG cũng có cho riêng mình một website bán hàng chính thức. Nơi khách hàng có thể trải nghiệm toàn bộ những sản phẩm hay công nghệ mới nhất của thương hiệu này, mà không cần trực tiếp có mặt ở các cửa hàng trưng bày.
Cách làm này không chỉ giúp LG hạn chế chi phí quảng cáo trên mạng xã hội, mà còn giúp thương hiệu Hàn Quốc tối ưu chi phí lẫn nguồn lực quảng cáo trên nhiều phương tiện truyền thông khác. Đổi lại, chiến lược thương hiệu LG sử dụng chính “tài sản thương hiệu” đến từ nhiều cửa hàng, với việc sản phẩm luôn thường trực xuất hiện ở những điểm bán hàng quan trọng – thu hút nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng. Chúng ta từng nhìn thấy cách làm này ở nhiều thương hiệu lớn như Apple, Zara, IKEA…
Chiến lược thương hiệu LG giúp xây dựng tài sản thương hiệu
Chiến lược thương hiệu dẫn đầu không chỉ giúp thương hiệu chiếm lĩnh nhận thức khách hàng, song song đó còn giúp thương hiệu dẫn đầu chiếm lĩnh nhận thức và niềm tin từ các đối tác quan trọng. Khi sản phẩm hay nhãn hiệu của một thương hiệu được nhiều khách hàng biết đến và tin dùng, nó cũng kéo theo cơ hội quảng bá hình ảnh và sản phẩm chiến lược của một thương hiệu khác.
Chẳng hạn như sản phẩm máy chơi game XBOX đến từ nhà Microsoft. Năm 2020 trong chiến dịch “Trải nghiệm chơi game phi thường” trên những chiếc XBOX Series X, Microsoft đã chọn hợp tác với dòng sản phẩm TV OLED của LG. Cụ thể với những tính năng vượt trội như HDR, tốc độ phản hồi 1ms, tốc độ 120 khung hình/giây…cùng với khả năng hiển thị vốn luôn là ưu điểm của LG TV OLED, đây được đánh giá là sản phẩm hoàn hảo nhất để kết hợp chơi game cùng XBOX Series X.
Ông Winston Churchill – người từng là Thủ tướng Anh trong giai đoạn Thế chiến thứ hai từng khẳng định rằng: “Không có tình bạn nào là mãi mãi, cũng không có mối thù nào là mãi mãi, chỉ có lợi ích của các bên liên quan luôn luôn trường tồn”.
Nhìn vào chiến lược thương hiệu LG cùng với giá trị của chiến lược dẫn đầu trong hình thành mối quan hệ đối tác, ta dễ dàng nhận ra chân lý đằng sau câu nói nổi tiếng của Cựu Thủ tướng Anh. Không chỉ hợp tác thành công với ông lớn Microsoft, LG còn đồng thời là đối tác quan trọng của Apple và Samsung – hai thương hiệu ông lớn của làng công nghệ luôn thay nhau dẫn đầu thị phần điện thoại cao cấp.
Nếu như phần đầu bài viết Vũ đã đề cập đến mối lương duyên giữa Apple với LG, thì trong một nỗ lực sản xuất TV OLED sử dụng công nghệ phát sáng hữu cơ, Samsung cũng phải hợp tác với một nhà sản xuất màn hình vốn là công ty con của LG Electronics. Cần biết rằng năm xưa Samsung và LG từng bỏ qua cơ hội hợp tác với nhau, một phần đến từ việc chênh lệch vị thế của cả hai khi đó ở lĩnh vực điện tử còn chưa quá lớn.
Nhưng bây giờ khi LG đã là thương hiệu chiếm hơn 60% thị phần OLED TV toàn cầu, chỉ trong quý 4/2021 đã cho xuất xưởng hơn 2,6 triệu chiếc TV OLED, Samsung đang dần chấp nhận việc lệ thuộc vào thương hiệu LG để tiếp tục cạnh tranh hiệu quả trên thị trường. Trong năm dương lịch 2022, dự kiến LG Displays sẽ cung cấp cho Samsung từ 1,5 triệu đến 2 triệu tấm nền, dựa trên thoả thuận hợp tác của đôi bên với giá trị vào khoảng vài tỷ đô.
Lời kết
Nền tảng trong chiến lược thương hiệu LG là những nỗ lực duy trì, theo đuổi tham vọng dẫn đầu thị trường về mặt công nghệ. Giờ đây, khi nhắc đến LG người ta không chỉ nhớ đến họ là một thương hiệu điện tử, hay LG Electronics với thế mạnh trở thành đối tác của nhiều thương hiệu lớn toàn cầu. Vượt lên trên giá trị của một “chaebol” xứ Hàn với năng lực đóng góp chủ đạo cho nền kinh tế quốc gia, LG đã trở thành một biểu tượng của chiến lược dẫn đầu và đầu tư mở rộng hơn nữa các danh mục sản phẩm.
Qua bài chia sẻ lần này, đội ngũ Vũ Digital hy vọng bạn đọc đã có được những kiến thức hữu ích về chiến lược thương hiệu LG, giá trị của một chiến lược thương hiệu dẫn đầu, từ đó áp dụng vào mô hình kinh doanh của mình và mang đến nhiều giá trị tích cực hơn nữa cho cộng đồng.
* Nguồn: Vũ Digital