Doanh nhân là “người bất hạnh”

Có một anh CEO của một ứng dụng rất nổi tiếng tại Việt Nam, cũng là cựu sinh viên trường đại học Harvard có nói trong một buổi chia sẻ (đêm qua mình vô tình xem khi lướt news feed): Harvard Business School là nơi sản sinh ra những con người bất hạnh, đúng là bất hạnh khi mà cái nghiệp làm doanh nhân (hay còn gọi là "nghiệp chủ") nó chọn mình. Nói đơn giản hơn là những người sinh ra, được "lý tưởng" lựa chọn để hiện thực hóa nó.

Thế giới này luôn phát triển và đi lên nhờ vào những thay đổi, những quan điểm mới, mô hình kinh doanh mới, lý tưởng mới ra đời luôn bị những yếu tố trong thời điểm hiện tại vùi dập.

Khi Galile nói rằng "Dù sao trái đất vẫn quay" - ông đã bị hỏa thiêu, khi bạn đưa ra một điều mới, xóa bỏ những định kiến, những thói quen đã được mặc định, bạn sẽ phải chuẩn bị cho những thách thức, nhưng trái đất luôn sản sinh ra những người "được chọn" để làm một điều gì đó mới, giúp mọi người xung quanh được thừa hưởng một giá trị mới tích cực hơn, như Larry Page sáng lập Google để số hóa thế giới, hay Mark Zuckerberg tạo ra FaceBook để ngày nay ta được tiếp cận những người ta cần chỉ bằng một cái click, rồi Thomas Edison muốn ánh sáng đèn điện thắp sáng trái đất khi nhìn từ vũ trụ. Hay những sản phẩm ứng dụng giao thông như Uber, Grab, hay VietGo (ứng dụng made in Viet Nam), muốn số lượng lưu thông trên đường ít hơn, số người được ngồi ôtô cao hơn với chi phí thấp hơn.

Có vài lần, tôi và người bạn cũng là một trong những đồng sáng lập #CoffeeBike đi từ Sài Gòn ra Hà Nội trên những chiếc máy bay Boeing, tôi cũng hay nói cùng bạn tôi rằng: “Nhìn này, chiếc máy bay này mới vĩ đại làm sao, đó là sự kết hợp của hàng trăm ngàn chi tiết, tỉ mỉ và logic đến đáng kinh ngạc, nếu không có những con người đủ “điên” để nghĩ kim loại có thể bay trên không trung, thì ngày nay ta làm gì di chuyển nhanh đến thế nhỉ. Mình cũng đang “điên” đấy, mình đang rời bỏ vùng an toàn, để bước vào nơi mà bản thân 2 thằng mình cũng không biết sẽ dẫn mình đến nơi nào, nhưng nhìn đi, cỗ máy bằng sắt kia có thể bay trên bầu trời bởi ý chí con người, thì việc 2 thằng mình đang nghĩ nó bé tí tẹo và dễ thực hiện làm sao.” Nói thế để hai thằng có thêm động lực và cố gắng nhiều hơn trong công việc của mình.

Thế 2 thằng mình đang đi theo “lý tưởng” gì, à! Đó là làm sạch hơn thị trường Việt Nam bằng mô hình #CoffeeBike, có làm được không? Được!. Tại sao thế? Vì như đã trích dẫn ở trên, nếu vì lí do bắt đầu tốt, giúp mang đến giá trị cho mọi người kết hợp cùng ý chí thì không có lẽ gì ta lại thất bại. JackMa từng nói, ở đâu có lời than vãn, ở đấy doanh nhân còn cơ hội. Thị trường cà phê Việt Nam đang gặp những thách thức từ văn hóa uống cà phê vỉa hè, đã sản sinh ra những kẻ kinh doanh cà phê bẩn, vì lợi nhuận mà đã sẵn sàng đánh đổi bằng sức khỏe, thậm chí mạng sống của khách hàng. Hơn nữa, như đã nói, khi ta làm một điều gì mới, đưa ra một quan điểm mới, nghĩa là ta đã sẵn sàng cho những chỉ trích. Khi ta nói, nguồn gốc của cà phê bẩn là do “Gu” uống cà phê của người Việt mình thấp, có nghĩa là ta sẽ đối đầu và thuyết phục họ, chính những khái niệm về cà phê pha phin đen đậm, đặc, sánh là cái nôi tạo ra những cơ sở sản xuất cà phê bẩn.

Giả định “Gu” uống cà phê của người Việt được nâng tầm lên chỉ uống cà phê rang Mộc pha máy, thì chắc chắn không có đất cho cà phê bẩn lan rộng, nếu người Việt chỉ uống cà phê là cà phê, không có bắp, không có đậu nành, thì làm gì còn đất cho cà phê tạp chất xuất hiện.

Nếu có những người trẻ đầy nhiệt huyết, tiếp thị đêm ngày về cà phê Mộc – rang máy, thi nguồn nhiệt huyết ấy sẽ lan rộng và tiếp cận nhiều người hơn. Lâu năm hình thành văn hóa và nâng Gu uống cà phê người Việt mình lên một đẳng cấp mới.

Tôi đã rơi nươc mắt trong đêm chung kết tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, khi không thể trình bày ý tưởng đang đau đáu trong chính con người mình. Khi mà các thương hiệu cà phê hòa tan bảo rằng, phải sản xuất ra loại cà phê đúng Gu, họ được cả nước đón nhận, có nghĩa là muốn kiếm lợi nhuận thì rất dễ, chỉ cần nuông chiều theo cái “hiểu” sai trái của khách hàng là được.

Nếu tôi có đứng ra và thét lên rằng, cái Gu mà mọi người đang tự hào ấy là cái nôi của cà phê bẩn, thực phẩm có hại cho sức khỏe. Cộng đồng sẽ đưa tôi lên dàn hỏa thiêu ngay, nên tôi và những đồng sự, cuối cùng cũng chỉ biết âm thầm cùng làm với nhau một mô hình xe ba gác đường phố, được tích hợp máy pha cà phê Espresso để tiếp thị từ từ những ly cà phê sạch, rang mộc – pha máy đến nhiều người hơn.

Con đường ấy, sẽ gặp nhiều cản trở, nhưng nhìn vào những tấm gương lớn, đã lưu danh ngàn đời, những tấm gương sẵn sàng hiện thực hóa những cái mới để xã hội phát triển. Chúng tôi càng thêm tự tin với con đường mà mình theo đuổi, mặc dù đắng cay, vất vả bủa vây mỗi ngày.

Doanh nhân là “người bất hạnh”

Bởi thế, làm doanh nhân (nghiệp chủ) đồng nghĩa với việc mình sinh ra để làm người bất hạnh, bất hạnh để theo đuổi mãi một lý tưởng lớn, lý tưởng thay đổi cả một nhận thức được mặc định hàng mấy chục năm. Bất hạnh nhưng lại hạnh phúc từ trong sâu thẳm nhất trong tâm hồn mình, khi nhìn thấy những nỗ lực của mình được đền đáp, khi nhìn thấy những nụ cười của những người xung quanh, họ đang được thụ hưởng giá trị mà chúng ta đã hao tâm tổn sức để gầy dựng nên.

Hoàng Tiễn - CoffeeBike