Đại học RMIT cung cấp học bổng tiến sĩ toàn phần, mở đường cho nghiên cứu Kinh doanh và Quản trị
Chương trình Tiến sĩ tại Khoa Kinh doanh (tên gọi cũ: Khoa Kinh doanh và Quản trị) tại Đại học RMIT Việt Nam đã mở rộng đáng kể trong những năm gần đây. Từ năm 2019 đến nay, 25 nghiên cứu sinh đã đăng ký học tại khoa và 7 nghiên cứu sinh đã hoàn thành luận án trong năm 2021 và 2022.
Khoa Kinh doanh hiện đang cung cấp nhiều suất học bổng toàn phần dành cho các ứng viên nghiên cứu sinh muốn lấy bằng cấp được quốc tế công nhận ngay tại Việt Nam thông qua những công trình nghiên cứu có tác động mạnh mẽ.
Chương trình Tiến sĩ tại khoa được chia thành năm lĩnh vực: Hệ thống thông tin kinh doanh, Chuỗi cung ứng & Logistics, Kinh tế, Tài chính & Marketing, Quản trị và Kinh doanh. Các chương trình đều chú trọng nghiên cứu độc lập và toàn diện dưới sự hướng dẫn của các học giả đang làm việc tại Việt Nam, Australia và Châu Âu.
Nghiên cứu sinh tốt nghiệp tại Việt Nam với bằng tiến sĩ của RMIT Australia, đồng nghĩa với việc họ không phải ra nước ngoài để lấy bằng tiến sĩ quốc tế. Ngoài việc được miễn toàn bộ học phí, các ứng viên đáp ứng yêu cầu tuyển sinh và học bổng của RMIT tại Việt Nam có thể nhận khoản trợ cấp 170 triệu đồng/năm.
Trưởng khoa Kinh doanh RMIT Việt Nam, Giáo sư Robert McClelland, cho biết: “Chương trình Tiến sĩ của RMIT mở ra cánh cửa tiếp cận kiến thức chuyên môn và phát huy sức mạnh tổng hợp từ nhiều lĩnh vực. Nghiên cứu sinh được sử dụng các nguồn lực tiên tiến và hợp tác chặt chẽ với các đối tác doanh nghiệp của nhà trường.
Chúng tôi kỳ vọng sẽ đem những cơ hội học bổng này đến với nhiều nhà nghiên cứu tương lai hơn nữa trong vài năm tới. Qua đó chúng tôi có thể cùng nhau thực hiện những công trình nghiên cứu có ý nghĩa nhằm thúc đẩy nền kinh tế và hệ sinh thái kinh doanh của Việt Nam phát triển hơn”.
Nghiên cứu và đổi mới để tạo tác động là một trong ba định hướng chiến lược của Đại học RMIT đến năm 2031. Kết hợp quan điểm và kiến thức chuyên môn đa dạng để phát triển giải pháp thiết thực, bền vững và có đạo đức cho những thách thức trong xã hội là động lực thúc đẩy hệ sinh thái nghiên cứu của RMIT.
Hiện có hơn 20 đề tài nghiên cứu do các chuyên gia Khoa Kinh doanh đề xuất đang tìm kiếm nghiên cứu sinh tương lai với trình độ và kinh nghiệm phù hợp tại Việt Nam.
Các đề tài bao quát nhiều lĩnh vực học thuật, ngành nghề và trọng tâm khác nhau, trong đó có nhiều đề tài liên quan đến tính bền vững, đổi mới và phát triển công bằng.
Nghiên cứu sinh năm ba – Nguyễn Thị Vân Anh – chia sẻ về hành trình theo đuổi nghiên cứu bậc cao tại RMIT Việt Nam với học bổng toàn phần: “Chủ đề luận án của tôi là về hành vi của người tiêu dùng trong môi trường bán lẻ đa kênh. Nhu cầu thương mại điện tử và sử dụng các kênh trực tuyến tại Việt Nam đang tăng vọt và một trong những vấn đề mà các công ty gặp phải là mức độ đầu tư đa kênh. Nghiên cứu của tôi nhằm mục đích hỗ trợ các công ty đưa ra quyết định về việc áp dụng và tích hợp các kênh trực tuyến và ngoại tuyến trong truyền thông và bán hàng”.
Thạc sĩ Vân Anh đã công bố luận án của cô trên tạp chí khoa học Journal of Retailing and Consumer Services (xếp hạng A theo hệ thống ABDC) và International Review of Retail, Distribution and Consumer Research (xếp hạng B) cũng như Hội nghị Học thuật mùa đông năm 2022 của Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ và Hội nghị Học viện Khoa học Marketing năm 2022.
“Việc trở thành nghiên cứu sinh ở RMIT đã cho tôi cơ hội theo đuổi đam mê nghiên cứu, kết nối với một cộng đồng nghiên cứu, trau dồi kỹ năng giải quyết vấn đề, và quan trọng nhất là thử thách bản thân theo những cách mới”, cô chia sẻ thêm.
Tiến sĩ Đặng Phạm Thiên Duy, Giảng viên Cấp cao và Chủ nhiệm Cấp cao chương trình Tiến sĩ tại Khoa Kinh doanh, nhấn mạnh chất lượng được quốc tế công nhận của chương trình: “Chương trình Tiến sĩ được Khoa Kinh doanh cung cấp giống như ở Australia, bao gồm các khóa học và quy trình nghiêm ngặt nhằm đào tạo các nghiên cứu sinh tại Việt Nam trở thành những nhà nghiên cứu độc lập.
Trung bình, nghiên cứu sinh tại khoa xuất bản thành công hai đến ba bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc Scopus và ISI trước khi tốt nghiệp. Điều này chuẩn bị cho họ bước vào sự nghiệp nghiên cứu thành công. Một số nghiên cứu sinh tốt nghiệp gần đây đã có việc làm ổn định tại các trường đại học ở Australia và Vương quốc Anh, trong khi phần lớn đã trở thành cán bộ giảng dạy – nghiên cứu tại Việt Nam”.
Ứng viên quan tâm có tìm hiểu danh sách đề tài nghiên cứu tiến sĩ hiện có (chọn “Business & Management (VN)” trong bộ lọc “Search by school”) và đọc thêm về các yêu cầu và quy trình ứng tuyển.