Marketer Thu Nguyệt
Thu Nguyệt

Head of MarCom @ Unique OOH

Billboard “đổi rác lấy tiền” của Currys truyền cảm hứng tái chế đồ cũ để bảo vệ môi trường

Billboard “đổi rác lấy tiền” của Currys truyền cảm hứng tái chế đồ cũ để bảo vệ môi trường

Mới đây, Currys – một thương hiệu bán lẻ và sửa chữa đồ điện tử tại Vương quốc Anh – đã ra mắt một Billboard quảng cáo ngoài trời tương tác đặc biệt có tên gọi “Cash for Trash” nhằm kêu gọi người dân nước Anh nâng cao ý thức tái chế đồ công nghệ cũ để bảo vệ môi trường.

Đồ công nghệ điện tử là thứ không thể thiếu trong đời sống thường nhật của con người. Mặc dù các món đồ này thường có tuổi đời khá cao nếu sử dụng một cách cẩn thận, thế nhưng, cùng với việc các nhà sản xuất liên tục tung ra sản phẩm với mẫu mã, tính năng mới thì nhu cầu nâng cấp, đổi mới đồ công nghệ điện tử của người dùng cũng gia tăng.

Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều món đồ bị cũ hỏng theo thời gian mà người dùng chưa có dịp đem đi sửa chữa, lâu dần, chúng trở nên hoen gỉ và chẳng còn gì ngoài “đống sắt vụn”, “bỏ thì thương mà vương thì tội”.

Nhận thấy điều này, tháng 3/2022, Currys đã quyết định triển khai dự án “Cash for Trash” thu mua và tái chế đồ công nghệ có quy mô trên toàn quốc để giúp người dân nước Anh xử lý các món đồ điện tử đã cũ, hỏng hoặc lâu không sử dụng tới. Mọi người sẽ đổi lấy các phiếu mua hàng có giá trị từ 5 bảng Anh, các món đồ điện tử như TV hay các thiết bị gia dụng cũng có thể được đổi lấy các sản phẩm mới. 

Currys đã mang đến cho người dân nước Anh một khoản tiền mặt đáng giá ngay cả khi họ nghĩ rằng những món đồ này là vô giá trị. Ngay trong tháng triển khai, Currys đã thu thập được 267 tấn đồ công nghệ cũ, hỏng, nhiều hơn 87% so với thời điểm trước khi chiến dịch diễn ra.

Currys triển khai dự “Cash for Trash” nhằm thu hồi đồ công nghệ cũ và gửi lại tiền mặt cho người dân Anh quốc.

Để quảng bá dự án này đến với đông đảo người dân nước Anh, Currys đã bắt tay với agency AMV BBDO và Spark Foundry triển khai một chiến dịch quảng cáo ngoài trời tương tác nhằm thu hút sự chú ý và kêu gọi mọi người cùng tham gia.

Currys đã dựng các Billboard quảng cáo tương tác tại các địa điểm đông người qua lại ở London, Leeds, Manchester. Trên bảng quảng cáo treo đầy các món đồ điện tử đã cũ, hỏng với đa dạng về kích thước lẫn công năng sử dụng. Tuy nhiên, Currys chủ yếu sử dụng các món đồ quen thuộc với đời sống thường nhật của mọi người, ví dụ như điều hòa, bếp nướng, lò vi sóng, máy làm tóc, máy sấy, điện thoại, bàn phím, loa...

Trên bảng quảng cáo treo đầy các món đồ điện tử công nghệ đã cũ, hỏng.

Kèm theo thông điệp: “Trao đổi đồ công nghệ đã cũ hoặc hỏng của bạn với ít nhất 5 bảng Anh tại Currys. Bao gồm bất cứ thứ gì bạn lấy từ Billboard này”.

Thương hiệu đã mời những người qua đường ghé lại để lấy một món đồ trên Billboard và mang đến những cửa hàng nhất định của Currys để đổi lấy tiền mặt hoặc phiếu giảm giá mua sắm (tối thiểu là 5 bảng Anh). Các phiếu giảm giá này sẽ được áp dụng trong lần mua hàng tiếp theo của tại Currys.

Các chuyên gia của Currys cũng sẽ có mặt để giúp công chúng hiểu cách tái chế rác thải điện tử của họ – điều mà Currys nhận thấy khách hàng muốn làm nhiều hơn nhưng không biết bắt đầu từ đâu, cũng như trả lời bất kỳ câu hỏi nào về dự án “Cash for Trash”.

Currys mời gọi người qua đường ghé sát lại Billboard quảng cáo và lấy đi một món đồ được treo trên đó.

Và hãy mang chúng đến bất kỳ cửa hàng nào của Currys để đổi lấy ít nhất 5 bảng Anh hoặc một phiếu mua sắm tương đương.

Chiến dịch quảng cáo ngoài trời tương tác của Currys đã thu hút mạnh mẽ sẽ chú ý của người dân Anh quốc. Nhiều người đã tò mò ghé lại biển quảng cáo để tìm hiểu điều gì đang xảy ra và sau đó họ rất thích thú trước ý tưởng “đổi rác lấy tiền” này. Đặc biệt Currys còn khuyến khích mọi người có thể mang những món đồ cũ này đến Billboard để trao cho nhân viên của Currys và họ sẽ treo lên biển quảng cáo, tất nhiên là bạn vẫn được nhận một số tiền tương xứng.

Đây là một bước đi thông minh từ hãng bán lẻ đồ điện hàng đầu nước Anh này, bởi vào thời điểm mà tất cả mọi người đều lo lắng về sự gia tăng của lạm phát và mức sống của họ bị ảnh hưởng, thì một chiến dịch sử dụng những công nghệ cao cấp đắt tiền sẽ rất dễ bị người dân bỏ qua. Nhưng ngược lại, bằng tinh thần cho đi và tập trung vào tầm quan trọng của việc tái chế, “Cash for Trash” đã thực sự thành công khi thu hút được sự chú ý của công chúng cũng như những người đang tham gia phong trào giảm rác thải – bảo vệ môi trường, đồng thời lượng khách hàng ghé thăm Currys cũng gia tăng sau chiến dịch.

Rebecca Dorfman, Giám đốc Thực thi của Spark Foundry, nói thêm: “Chiến dịch kết hợp các kênh truyền thông bao gồm OOH, mạng xã hội và đài phát thanh để tiếp cận tới đông đảo người tiêu dùng. Trong đó, OOH giữ vai trò tương tác với người tiêu dùng và làm sống động cho thông điệp của chiến dịch đổi rác lấy tiền”.

Cùng với biển quảng cáo tương tác, chiến dịch cũng ghi lại phản ứng của mọi người khi lựa chọn sản phẩm và khám phá giá trị của chúng. Và với sự cho phép của họ, video sẽ được chia sẻ trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok và Twitter để lan tỏa chiến dịch một cách mạnh mẽ hơn.

Biển quảng cáo nhắn nhủ một điều rằng rác cũng có giá trị của nó, đừng để rác trở nên lãng phí.

Với châm ngôn “Cash for Trash – tốt cho ví của người tiêu dùng và tốt cho hành tinh”, Currys cho công chúng thấy được giá trị của những món đồ cũ, hỏng – cái mà mọi người nghĩ là rác và vô giá trị. Không cầu kỳ, hoành tráng, chiến dịch đã sử dụng chính những thứ được cho là bỏ đi để “thức tỉnh” mọi người về việc tái chế chúng một cách hợp lý hơn. Hoặc có thể giao những món đồ cũ, hỏng này cho những đơn vị chuyên tái chế, sửa chữa như là Currys để hạn chế rác thải hoặc tiêu tốn quá nhiều tiền cho việc sắm sửa đồ mới.

Currys là công ty tái chế đồ công nghệ ở Anh, mỗi năm có tới 65.000 tấn thiết bị điện tử cũ hỏng được Currys sửa chữa, tân trang, tái chế, nhiều hơn bất kỳ nhà bán lẻ nào khác. Thương hiệu cũng đã “cứu sống” tới 800.000 tấn đồ công nghệ bị đưa vào các bãi chôn lấp kể từ năm 2007. Vào năm 2021, 40% tổng số rác thải điện tử do các nhà bán lẻ ở Anh đã được Currys thu gom lại. Thương hiệu cũng đang tìm cách để nâng cao nhận thức của mọi người về việc tái chế các thiết bị điện tử, đặc biệt là tại một số thành phố có lượng rác thải công nghệ lớn nhất cả nước.

Ước tính rằng trên khắp Vương quốc Anh có tới 527 triệu mặt hàng điện tử bị “xếp xó”, bao gồm điện thoại di động, máy ảnh và tai nghe... Nếu được tái chế đúng cách, điều này có thể cắt giảm lượng CO2 tương đương với lượng khí thải từ 1,3 triệu xe ô tô trên đường phố.

Thu Nguyệt
* Nguồn: Unique OOH