Mô hình “tiếp thị thác nước” – Waterfall Marketing – và những điều bạn cần biết
Trong thế giới của digital marketing ngày nay, có hai loại chiến lược chính mà các doanh nghiệp sử dụng để tiếp thị sản phẩm và dịch vụ của họ.
Đầu tiên là “tiếp thị thác nước” – Waterfall Marketing. Quá trình này bao gồm việc tạo ra một kế hoạch và sau đó thực hiện nó theo từng giai đoạn cho đến khi sản phẩm/ dịch vụ của bạn sẵn sàng để đưa ra thị trường.
Loại chiến lược thứ hai là “tiếp thị linh hoạt” – Agile Marketing – tập trung vào việc nhanh chóng lặp lại các ý tưởng và thử nghiệm chúng với khách hàng thực càng sớm càng tốt. Bằng cách này, bạn có thể tìm ra được phương án tối ưu nhất mà không phí quá nhiều thời gian vào một phương án không hiệu quả.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về chiến lược Waterfall Marketing – “tiếp thị thác nước”, và các giai đoạn của loại chiến lược này.
Waterfall Marketing là gì?
Tiếp thị kiểu thác nước là một chiến lược tập trung vào Inbound Marketing và các nghiên cứu sâu (in-depth research) nhằm tạo ra một quy trình cụ thể cho các hoạt động digital marketing. Trong đó, Inbound Marketing là chiến lược marketing được thực hiện dựa trên việc tạo ra các giá trị hữu ích cho người dùng, nhằm mục đích giúp họ chủ động tìm đến sản phẩm của doanh nghiệp
Đó là cách hiệu ứng thác nước (waterfall effect) hoạt động, với nhiều bước nối tiếp nhau thành một quá trình. Trong marketing, đặc biệt là digital marketing, chỉ khi bạn thu thập đủ kiến thức ở một “level” nhất định, bạn mới có thể “level-up” đến bậc tiếp theo.
Quá trình bắt đầu từ phía trên cùng của mô hình, và kết thúc ở đáy, như hình bên dưới. Nó giống như cách một thác nước hoạt động (và cả màu sắc nữa).
Mặc dù mô hình này có thể sẽ không chính xác với một vài trường hợp, tuy nhiên, nó có thể giúp bạn định hình rõ hơn về concept chung của Waterfall Marketing.
8 giai đoạn chính của Waterfall Marketing
Thông thường, một chiến lược Waterfall Marketing thường có 8 bước. Nhưng trong nhiều trường hợp, người ta có thể bỏ qua một số bước và cố gắng làm nó cô đọng nhất có thể. Như trong hình minh họa trên, chỉ có 7 giai đoạn mà thôi (nếu bạn đã đếm).
Bây giờ, hãy xem xét chi tiết từng giai đoạn.
1. Định hình dự án/ sản phẩm (Conception)
Đỉnh của mô hình thác nước bắt đầu với Conception. Dự án/ sản phẩm cần được định hình rõ ràng tại đây, nhằm có một kế hoạch để hoàn thành dự án hoặc đạt được những mục tiêu đã đề ra.
2. Thu thập thông tin ban đầu (Information gathering and initiation)
Trước khi thực hiện các công việc tiếp theo, công ty phải tìm hiểu kỹ và có thêm thông tin về những gì cần thiết để thực hiện dự án.
Mặc dù bước này không giúp dự án của bạn tiến triển nhanh hơn, tuy nhiên, nó sẽ giúp công ty có nền tảng vững chắc về những gì đang làm. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, bạn có thể chuyển sang giai đoạn thứ 3.
3. Phân tích (Analysis)
Bước tiếp theo trong quy trình này là phân tích. Đây lại là một bước chuẩn bị khác trước khi thực hiện dự án khi công ty cần xem xét các thông tin đã thu thập được, từ đó phân tích và có những nhận định từ nhiều góc độ cho dự án sắp tới.
Tại bước này, các khía cạnh của dự án cần được đặt lên bàn cân một các cụ thể, tuân theo một số phương pháp nhất định, tuy nhiên, vẫn chưa gì là chắc chắn cả.
4. Thiết kế (Design)
Tại giai đoạn này, các ý tưởng cần được phác họa thành những “hình hài” cụ thể. Đây là lúc để marketers vận dụng những gì đã thu thập, kết luận được từ bước 2 và bước 3 để đóng góp vào quá trình thiết kế sản phẩm/ dự án.
Tuy nhiên, không phải những gì đã được đưa vào thiết kế thì sẽ góp mặt trong sản phẩm hoàn thiện. Mọi thứ chỉ mới được nửa chặng đường. Ý tưởng ban đầu đã có một số thay đổi, và từ đây cho đến bước cuối cùng, việc thay đổi sẽ còn tiếp diễn.
5. Hiện thực hóa thiết kế (Construction)
“Thực hiện” hay “Thi công”, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là ở bước thứ 5 này, bạn phải tạo ra một điều gì đó. Sau khi phân tích và thiết kế ý tưởng của mình, đây là lúc bạn biến nó thành hiện thực.
Tùy thuộc vào loại sản phẩm hoặc dịch vụ, giai đoạn này có thể bao gồm công đoạn xây dựng hoặc lập trình.
6. Thử nghiệm (Testing)
Trước khi bất cứ sản phẩm/ dịch vụ nào được tạo ra trên thế giới, chúng đều cần có một phiên bản thử nghiệm, và dự án của bạn cũng không ngoại lệ.
Những tính năng hay cách vận hành cần được kiểm tra kĩ càng và tìm ra những lỗi gây ảnh hưởng để sản phẩm, hay trải nghiệm của khách hàng. Những lỗi này cần được khắc phục càng sớm càng tốt, trước khi sản phẩm của bạn được đưa ra thị trường.
Đó là lý do tại sao những ý tưởng được trình bày trong giai đoạn đầu có thể bị loại bỏ dần sau đó, đặc biệt là trong giai đoạn thử nghiệm đầy quan trọng này.
7. Thực hiện (Implementation)
Nếu như những bước trước đó đã vận hành trơn tru, đây chính là bước để bạn chính thức ra mắt sản phẩm và tung nó ra thị trường.
Bước này chỉ được thực hiện khi quá trình thử nghiệm nhiều lần đã hoàn tất và sản phẩm đã hoàn toàn “sạch” lỗi.
8. Bảo dưỡng (Maintenance)
Bước cuối cùng của quá trình này là bảo trì. Đây là bước để bạn tiếp nhận và xử lí những góp ý, ý kiến của khách hàng nhằm giúp cải thiện sản phẩm tốt hơn.
Nhìn chung, bạn có thể sử dụng mô hình thác nước này cho nhiều vấn đề khác nhau, ví dụ như xây dựng một hệ thống bán hàng tốt hơn, phát triển hệ thống marketing tự động hóa hay bất kì một vấn đề nào liên quan đến marketing.
Mô hình thác nước: Ưu và nhược điểm
Không có bất kì phương pháp hay mô hình nào là hoàn hảo, và mô hình này cũng vậy. Việc nghiên cứu ưu – nhược điểm của mô hình này sẽ giúp bạn áp dụng nó một cách hiệu quả và tối ưu nhất.
Ưu điểm
Ưu điểm lớn nhất của mô hình này cho đến nay là việc tập trung vào các chi tiết. Quy trình 8 bước này giúp bạn lên kế hoạch cặn kẽ và cụ thể từ lúc hình thành ý tưởng cho đến lúc tung ra thị trường.
Khi kế hoạch được vạch ra, mọi thứ bắt đầu đi vào hoạt động theo từng bước, sản phẩm được test vô số lần bởi những người trong công ty. Kể cả khi sản phẩm đã được đưa ra thị trường, bước cuối cùng là theo dõi và bảo dưỡng vẫn luôn được duy trì trong thời gian đó.
Sẽ thật tệ nếu công ty của bạn tung ra một sản phẩm ngớ ngẩn. Với model này, bạn sẽ thu thập được những thông tin cần thiết, nghiên cứu và phân tích nhằm tránh được tình huống đó.
Waterfall Marketing gần như sẽ đảm bảo cho bạn một kế hoạch đầy kín kẽ và khó lòng có biến số nào vượt qua. Danh tiếng của công ty bạn có thể đi lên và thúc đẩy nhiều hoạt động kinh doanh hơn ở giai đoạn sau đó.
Bên cạnh đó, một lợi ích khác có thể kể đến của mô hình này là thời hạn (deadlines). Đôi khi, các dự án có thể kéo dài một cách không cần thiết, nhưng đó sẽ không phải là vấn đề với mô hình này. Từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, các deadlines được đặt ra vô cùng chắc chắn và thường ít có sự thay đổi.
Điều này giúp mọi người có trách nhiệm và thực hiện đúng nhiệm vụ từ khi bắt đầu dự án cho đến khi kết thúc.
Nhược điểm
Đầu tiên, sự thiếu linh hoạt là một vấn đề, vì Waterfall Marketing được biết đến với tính cứng nhắc của nó, đặc biệt là khi so sánh với tiếp thị linh hoạt (Agile Marketing).
Thời gian dành cho 8 giai đoạn là tương đối nhiều. So với Agile Marketing, Waterfall Marketing thực sự tốn nhiều thời gian và công sức hơn. Nếu thời gian là tiền bạc, bạn sẽ không muốn lãng phí bất kỳ thời gian nào. Song, đặc trưng của tiếp thị thác nước có vẻ đi ngược với điều đó.
Giai đoạn thử nghiệm muộn của mô hình thác nước cũng có thể là một vấn đề đối với một số công ty. Giả sử bạn đã có ý tưởng cho một dự án hoặc sản phẩm, nhưng ý tưởng đó rất khó hình dung và không ai để ý đến điều đó cả.
Dự án được tiến hành một cách trơn tru qua các bước mà gần như không phải gặp bất kì trở ngại nào, cho tới khi bước vào giai đoạn thử nghiệm. Lúc này, bạn mới nhận ra rằng có một số lỗ hổng trong dự án mà bạn không thể xử lí được. Bạn đã đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc để có thể đi đến bước này, nên việc từ bỏ nó là một sự lãng phí lớn.
Khi đó, bạn chỉ còn lại hai lựa chọn: vẫn tiếp tục với một mớ hỗn độn hoặc bắt đầu lại từ đầu với rất nhiều thời gian và tiền bạc bị mất.
Đúng, bạn có thể cố gắng sửa chữa, khắc phục lỗi và tung sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, nếu trải nghiệm của khách hàng không thực sự tốt, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu của bạn.
Thời điểm tốt nhất để sử dụng Waterfall Marketing
Waterfall Marketing gần như đảm bảo cho bạn một kế hoạch đầy kín kẽ và khó lòng có biến số nào vượt qua.
Vậy khi nào bạn nên sử dụng mô hình này?
Có nhiều trường hợp bạn nên sử dụng mô hình này, chẳng hạn như bạn mới có lần đầu tiên phát triển một sản phẩm hoặc cần cải tiến một sản phẩm đã có từ trước.
Lúc này, bạn có thể dành bao nhiêu thời gian tùy thích để nghiên cứu, thử nghiệm và feedback trước khi dự án đi vào hoạt động. Điều này cho phép bạn tạo ra sản phẩm chất lượng cao phù hợp với các mục tiêu và giá trị của công ty.
Nếu bạn là công ty B2B hoặc thậm chí là công ty marketing B2C chuyên về các chu kỳ bán hàng dài hạn, thì Waterfall Marketing chính là phương pháp tối ưu một cách tự nhiên cho công ty.
Cách bạn làm mọi thứ theo từng bước giống như cách công ty của bạn vận hành, và điều đó giúp bạn dễ thích nghi với mô hình này hơn.
Các dự án lớn với mục tiêu xác định vị thế của thương hiệu trên thị trường sẽ cần nhiều thời gian và công sức, và rõ ràng, phương pháp thác nước hoàn toàn phù hợp với điều đó.
* Nguồn: EngageBay