Tăng doanh số bán hàng nhờ thiết kế bao bì sản phẩm phù hợp
Làm thế nào để thu hút người mua, tăng doanh thu và khả năng cạnh tranh với bao bì?
Không chỉ có tác dụng bảo vệ sản phẩm, bao bì còn là yếu tố quan trọng trong hoạt động marketing sản phẩm cũng như của cả thương hiệu. Những cải thiện nhỏ trong đóng gói hay bao bì đều có thể tạo nên những phản ứng hoàn toàn khác biệt từ khách hàng. Vậy làm thế nào để thu hút người mua, tăng doanh thu và khả năng cạnh tranh với bao bì?
Bao bì không chỉ là lớp vỏ bên ngoài sản phẩm, đó là một thành phần thiết yếu của một thương hiệu, là phương tiện giao tiếp hiệu quả với người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp đang đánh giá thấp tầm quan trọng của bao bì đến doanh thu của họ và đang hạn chế ngân sách cho hoạt động này. Đây không chỉ là sự nhầm lẫn mà còn là sự hiểu sai về cơ chế thị trường và tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến thiệt hại về tài chính.
Thương hiệu chỉ có 6-8 giây để thuyết phục khách hàng có mua sản phẩm của mình hay không, và một bao bì được thiết kế tốt chắc chắn sẽ làm cho người mua chú ý đến sản phẩm. Đồng thời, một thiết kế bao bì tốt giúp thương hiệu trở nên đặc biệt, dễ nhận biết và dễ dàng thu hút khách hàng mới hơn.
Nhiều khách hàng có xu hướng sưu tập những chiếc hộp, chai lọ đẹp đẽ, một số lại tận dụng túi đựng đồ để tái sử dụng. Có thương hiệu nào mà không thích thái độ này khách hàng đối với sản phẩm của họ? Nhưng làm thế nào để tạo nên một bao bì mà khách hàng thậm chí sẽ cảm thấy tiếc nếu vứt đi?
Những quy tắc thiết kế bao bì hiệu quả để tăng doanh số bán hàng
Ai nên phát triển ý tưởng?
Trong quá trình biến ý tưởng thành sản phẩm cụ thể, luôn tồn tại một số sai lầm mà rất nhiều doanh nghiệp mắc phải. Chẳng hạn, chủ doanh nghiệp chủ động truyền đạt ý tưởng của họ cho designer vì họ tự tin vào khả năng am hiểu sản phẩm của mình. Tuy nhiên, bao bì sau khi thiết kế thường không đáp ứng được kỳ vọng về mặt thẩm mỹ cũng như khách hàng. Một sai lầm khác là chủ doanh nghiệp dựa hoàn toàn vào designer, cho họ không gian tự do để sáng tạo, nhưng kết quả nhận lại thì vẫn như nhau.
Tại sao lại xảy ra điều này? Trong cả hai cách triển khai này, đều thiếu mất một mắt xích quan trọng. Chủ doanh nghiệp am hiểu về sản phẩm, designer am hiểu về thiết kế, nhưng ai là người hiểu rõ khách hàng và đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp? Đó là marketer. Nếu không có đội ngũ marketing, cơ hội thu hút khách hàng bằng bao bì gần như bằng không. Nói một cách dễ hiểu, bao bì sản phẩm phải là sự tổng hòa của ba trụ cột: Chủ doanh nghiệp - marketer - designer.
Thông tin trên bao bì
Bao bì cần truyền tải được tới người tiêu dùng về bản chất thương hiệu (Brand Essence), định vị thương hiệu, đồng thời xây dựng kết nối với người mua và phản ánh được mong đợi của họ.
Trước hết, đó là những thông tin rõ ràng và dễ hiểu về sản phẩm, để làm sao trong vài giây, người dùng có thể biết được đây chính xác là sản phẩm cần thiết và hữu ích với họ. Đồng thời cho họ thấy rằng, sản phẩm của bạn tốt hơn những sản phẩm khác và họ thích nó ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Phù hợp với brand guideline của thương hiệu
Thiết kế nói chung và thiết kế bao bì nói riêng cần phù hợp với những nguyên tắc, quy định về quảng bá thương hiệu trong brand guideline để hoạt động truyền thông của doanh nghiệp trở nên đồng bộ và thống nhất.
Tất cả các yếu tố trong bao bì như màu sắc, kiểu chữ, hình ảnh, biểu tượng, nhãn hiệu, kết cấu bao bì... khi được thực hiện dựa trên quy chuẩn thống nhất sẽ tạo nên một bao bì vừa góp phần xây dựng câu chuyện hoàn chỉnh cho thương hiệu, vừa khơi gợi sự quan tâm và thúc đẩy người dùng mua hàng.
Đồng cảm về mặt cảm xúc
Thiết kế có cảm xúc là chìa khóa để đạt doanh số cao. Thiết kế này hoạt động dựa trên cảm xúc nhiều hơn là logic. Cảm xúc thiết kế không chỉ là sự thích thú khi nhìn thấy bao bì thẩm mỹ và tiện lợi mà còn gợi lên những liên tưởng và cảm xúc nhất định nơi người dùng.
Sự hài hòa giữa bao bì và sản phẩm
Một bao bì hiệu quả phải luôn phù hợp với sản phẩm. Trong nỗ lực để trở nên nổi bật so với đối thủ cạnh tranh, thương hiệu cần đặc biệt lưu ý đến nguyên tắc về sự tương ứng trực quan giữa bao bì với các đặc điểm quen thuộc của sản phẩm, chẳng hạn, chai nước sốt cà chua không được giống chai dầu gội, thanh socola không được giống với bao thuốc. Nếu vi phạm nguyên tắc này, khách hàng có thể hiểu nhầm về sản phẩm của doanh nghiệp.
Màu sắc bao bì
Màu sắc của bao bì là một công cụ hiệu quả để truyền đạt thông tin, khi nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khoảng 60-90% người mua đưa ra đánh giá đầu tiên về sản phẩm chỉ dựa trên màu sắc. Mỗi loại sản phẩm khác nhau sẽ có màu sắc đặc trưng của riêng chúng (Sản phẩm công nghệ cao - đen, trắng; Đồ chơi trẻ em - các màu cơ bản tươi sáng: đỏ, xanh dương, vàng, hồng và tím) giúp gợi lên phản ứng cảm xúc nhất định ở người mua.
Tuy nhiên, có xung đột khi lựa chọn màu sắc cho bao bì. Một mặt, bạn cần dự đoán được và không đi quá xa khỏi bảng màu chính, mặt khác, bạn cần phải nổi bật so với đối thủ cạnh tranh. Nhưng làm thế nào để cân bằng được điều này? Có hai cách:
- Sử dụng các sắc thái màu khác trong bảng màu
- Phối từ màu cơ bản của thương hiệu để tạo nên màu sơ cấp mới
Cách làm này vừa giúp tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu vừa tạo ra một giải pháp độc đáo. Tất cả các bảng màu và cách kết hợp màu mới cần được thử nghiệm để hiểu phản ứng của người dùng.
Kiểu dáng
Kiểu dáng của một bao bì tốt là sự kết hợp giữa vẻ đẹp và chức năng. Kiểu dáng có thể đơn giản, nhưng cần tạo được sự độc đáo riêng. Bên cạnh đó, người mua cũng quan tâm đến độ bền, sự nhỏ gọn, tiện lợi và khả năng dễ vận chuyển của bao bì đó. Một cách dễ hiểu, thiết kế bao bì phải hài hòa về hình thức và tất cả tính năng của nó.
Kết
Bao bì là một trong những cách hiệu quả để truyền tải bản sắc thương hiệu. Sự hiện diện thường xuyên của bao bì sản phẩm trên thị trường là điều khiến thương hiệu của bạn được nhận biết và ghi nhớ. Do vậy, hãy tiếp tục đầu tư và cải tiến thiết kế bao bì để tăng tương tác với khách hàng, từ đó tác động đến quyết định mua hàng của họ.
Rubyk Agency