Liệu đã đến ngày lụi tàn của đĩa CD?
Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng nghe nhạc qua điện thoại, tải xuống những bài hát yêu thích trên mạng. Nào có ai còn nhớ đến thời đại phải ra khỏi nhà để đi mua nhạc không?
Những cửa hàng băng đĩa tấp nập người qua kẻ lại giờ nay mất hút, đầu đĩa bị thất sủng khi số lượng sản xuất không nhiều, nhiều laptop đời mới cũng không còn trang bị ổ đĩa... Nao lòng, tôi nhớ lại cái thời thường cùng mẹ ra cửa hàng băng đĩa gần nhà để hỏi mua đĩa CD số mới nhất của trung tâm ca nhạc Thuý Nga. Hay có thú vui ra tiệm ngồi lựa đĩa nhạc có danh sách bài hát yêu thích của Ưng Hoàng Phúc, H.A.T, Mỹ Tâm, Westlife, Backstreet Boys... Ắt hẳn những người thuộc thế hệ đầu 9X trở về trước đều nhớ đến thời hoàng kim lẫy lừng của đĩa CD.
Thời thịnh vượng của đĩa CD
Tháng 8/1982, hai ông lớn điện tử là Sony và Philips bắt tay nhau thiết kế ra chuẩn đĩa CD (đường kính 12cm, dung lượng khoảng 74 phút âm thanh) và cho sản xuất hàng loạt. Sự ra đời của đĩa CD đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên nhạc số, ngay cả khi chất lượng âm thanh của CD lúc bấy giờ vẫn còn có nhiều hạn chế. Với tính tiện dụng cao như dễ dàng mang theo bên người, dễ lưu trữ..., đĩa CD nhanh chóng giành lấy hào quang từ định dạng đĩa than.
Khi doanh số bán đĩa CD của ngành công nghiệp âm nhạc bắt đầu tăng vào năm 1983, hơn 1000 đầu đĩa khác nhau lần lượt ra mắt thị trường. Năm 1985, một trong những ban nhạc rock nổi tiếng thế giới một thời Dire Straits khởi xướng phát hành album “Brothers in Arms” dưới dạng đĩa CD. Đây là album đầu tiên ở định dạng CD bán được 1 triệu bản. Sự kiện châm ngòi cho mức độ phổ biến hơn của CD, biến CD trở thành lựa chọn lý tưởng để mang lại chất lượng âm nhạc tốt nhất cho người nghe. Doanh số CD bán ra đạt đến đỉnh cao với 712 triệu đĩa trong năm 2001.
Việt Nam cũng từng có thời hoàng kim của băng đĩa nhạc. Ông Đồng Giao – Giám đốc Trung tâm băng nhạc Đồng Giao kể: “Trước năm 2000, đĩa từng đạt được lượng phát hành lên tới hàng trăm nghìn bản mỗi CD. Thành phố Hồ Chí Minh từng có hơn 20 đơn vị sản xuất băng, đĩa và hàng trăm ngàn cửa hàng bán băng, đĩa. Riêng khu vực Huỳnh Thúc Kháng (Quận 1, TP.HCM) từ sáng sớm đến tối khuya luôn tấp nập người mua”.
Music Streaming âm thầm khai tử CD
Năm 2001, Appe ra mắt iTunes, chính thức kích hoạt thời đại người dùng mua nhạc online. Đĩa CD bắt đầu lâm vào cú sốc đầu đời. Cho đến năm 2008, Spotify gia nhập thị trường stream nhạc và nhanh chóng thu hút người dùng với dịch vụ trả phí để nghe nhạc chất lượng cao “thả ga”. Khi hạ tầng và công nghệ Internet phát triển hơn nữa, thị trường music streaming bùng nổ với nhiều cái tên mới, như tại Việt Nam, có thể kể đến ZingMP3, Nhaccuatui, Chiasenhac… Việc nghe, tải xuống và lưu trữ nhạc trở nên dễ như trở bàn tay, nên định dạng CD ngày càng ít được ưa chuộng.
Cán cân doanh số giữa music streaming và đĩa CD thể hiện rõ nét qua doanh số ghi nhận được tại Mỹ - một trong những thị trường tiêu thụ nhiều đĩa CD nhất thế giới. Theo Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Mỹ (RIAA), doanh số bán đĩa CD tại Mỹ giảm mạnh đến 95% kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2001 và hiện đang ở mức thấp nhất tính từ năm 1986. Tổng doanh số bán đĩa CD và đĩa than chiếm chưa đến 11% tổng doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc. Trong khi đó, top 3 nền tảng stream nhạc tại Mỹ là Spotify, Tidal và Amazon Music chiếm đến hơn 57% tổng doanh thu thị trường âm nhạc.
Hiển nhiên con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa khi lượng người đăng ký dịch vụ nghe nhạc trực tuyến không ngừng tăng trong thập kỷ qua. Điển hình chỉ trong vòng 6 năm từ 2010-2016, số lượng người dùng đăng ký nghe nhạc trả phí tăng từ 8 triệu lên hơn 100 triệu người.
Đúng là không gì có thể sánh bằng sự tiện lợi khi chúng ta có thể tuỳ ý nghe nhạc vào bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu với mức phí hàng tháng tương đương với giá của 1 album. Thế nên, sự tăng trưởng đột phá của những nền tảng music streaming không quá ngạc nhiên. Điều đáng nói có lẽ là việc người dùng không còn mặn mà với việc nghe nhạc từ đĩa CD. Theo một khảo sát của Statista, khoảng 8 trong số 10 người cho biết họ chưa bao giờ nghe nhạc từ định dạng CD.
Nhưng phải chăng thời thế của đĩa CD đang có chiều hướng thay đổi? Bởi lần đầu tiên sau gần 2 thập kỷ, doanh số bán ra đĩa CD tăng trở lại tại Mỹ vào năm 2021. Theo số liệu do hiệp hội RIAA công bố, doanh số bán đĩa CD tại nước này trong năm 2021 đạt 46,6 triệu chiếc, tăng cao so với con số 31,6 triệu của năm trước đó. Sự trở lại này của đĩa CD được cho là nhờ hoạt động phát hành album của các nghệ sĩ toàn cầu như Adele, Taylor Swift, BTS… Và người hâm mộ mua về chủ yếu để tạo kỷ lục cho “idol”, ủng hộ nghệ sĩ, làm kỷ niệm chứ ít ai mua CD về để nghe nữa.
Suy cho cùng, dù thịnh hay suy, đĩa CD cũng đặt một dấu son trong lịch sử âm nhạc và công nghệ.