Phát triển tư duy cho Intern Planner
Một trong những kỹ năng quan trọng nhất của Strategic Planner - người hoạch định chiến lược truyền thông chính là tư duy chiến lược. Đặt biệt, đối với newbie đang trong giai đoạn intern, đây là thời điểm quan trọng để quan sát, học hỏi và cải thiện tư duy chiến lược, chứ không phải có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành rồi mới bắt đầu nghĩ đến. Cùng AIM Academy khám phá bản chất của tư duy chiến lược và 5 bước cải thiện qua bài viết sau.
TƯ DUY CHIẾN LƯỢC LÀ GÌ?
Tư duy chiến lược (strategic thinking) là một quá trình liên tục và phát triển, nó xác định cách bạn đi đến kết luận và đưa ra quyết định. Đó là khả năng tư duy giúp bạn hình dung ra các giải pháp mới cho các vấn đề muôn thuở. Nó có thể cho phép bạn nhìn thấy những cơ hội mà người khác bỏ lỡ, giúp bạn có lợi thế hơn đối thủ.
Tư duy chiến lược nếu được thực hiện đúng, bao gồm quá trình tìm ý tưởng, lập kế hoạch chiến lược và lập kế hoạch hành động cụ thể. Nó bao gồm what (cái gì), why (tại sao), how (như thế nào) và when (khi nào) để quyết định chiến lược có cơ hội thành công cao hơn.
Đối với Strategic Planner thì đây là kỹ năng bắt buộc phải có, được tích lũy từ những kinh nghiệm thực chiến và được thể hiện qua CV của họ để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.
QUÁ TRÌNH CỦA TƯ DUY CHIẾN LƯỢC
Bước 1: Lên ý tưởng
Đây là mạch máu trong tư duy chiến lược, là quá trình “động não” và nghiên cứu những ý tưởng có tiềm năng tác động lớn nhất đến doanh nghiệp.
Bạn có thể đánh giá và so sánh các ý tưởng bằng cách sử dụng PIES: Potential (tiềm năng), Importance (sự quan trọng), Ease (độ khó), Score (điểm). Hãy xếp hạng 10 ý tưởng cho mỗi tiêu chí để có được điểm PIES, nếu muốn công bằng hơn có thể nhờ đồng nghiệp đánh giá và tính điểm trung bình. Cuối cùng, ưu tiên lựa chọn những ý tưởng có điểm PIES cao nhất. Mặc dù không có gì đảm bảo thành công, nhưng PIES đã giúp bạn giải trình trước khi cam kết sử dụng nguồn lực.
Bước 2: Lập kế hoạch chiến lược
Kế hoạch chiến lược được lập sau khi đã chọn ra các ý tưởng ưu tiên. Tiếp theo là xem xét các yếu tố bên ngoài và bên trong ảnh hưởng đến sự thành công của các ý tưởng. Các yếu tố bên ngoài bao gồm môi trường kinh tế, chính trị, sự thay đổi của xã hội và công nghệ. Các yếu tố bên trong bao gồm nhu cầu của khách hàng, của tổ chức và nhân viên. Hai frameworks được sử dụng chính là phân tích PEST và phân tích SWOT.
Bước 3: Lập kế hoạch hoạt động
Đây là bước mà chiến lược được chuyển thành các kế hoạch hành động cụ thể, kèm theo việc thiết lập mục tiêu và các chỉ số đánh giá. Các mục tiêu được lập phải có những điều kiện nhất định, có thời hạn hành động để đạt được, và phải có khả năng đo lường. Đừng xem thường bất cứ yếu tố nào, vì đó là cơ sở để bạn xác định được chiến lược của mình đã được thực hiện tới đâu.
ÁP DỤNG TƯ DUY CHIẾN LƯỢC TRONG TÌNH HUỐNG KHÓ
Đây chính là những tình huống nhạy cảm về mặt thời gian, khi chúng ta cần có các quyết định nhanh chóng. Đối với những trường hợp này chỉ cần phải mất vài giờ, có khi chỉ vài phút để đi đến một quyết định lớn ảnh hưởng đến kết quả của một tổ chức. Vậy, làm thế nào để bạn đưa ra quyết định sáng suốt một cách nhanh chóng?
Bạn cần tập trung vào các giải pháp, chứ không phải ý tưởng. Suy nghĩ càng nhiều giải pháp tiềm năng càng tốt, sau đó sử dụng khung PIES để ưu tiên giải pháp tốt nhất. Đây không phải là một quy trình chính thức, mà chỉ cần cân nhắc đến xác suất, sự tác động và tính dễ thực hiện của giải pháp mà chúng ta sẽ quyết định theo đuổi.
Đương nhiên, với thời gian ít ỏi này bạn sẽ không kịp tiến hành phân tích PEST hoặc SWOT. Thay vào đó, hãy sử dụng khuôn khổ PIES, tiếp tục lập và xây dựng kế hoạch hành động để cung cấp giải pháp trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể. PEST và SWOT sẽ giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt hơn nếu bạn phải có đủ thời gian.
5 BƯỚC CẢI THIỆN TƯ DUY CHIẾN LƯỢC CHO INTERN PLANNER
Cuộc sống phát triển nhanh đến mức, dù là nhà lãnh đạo hay nhân viên đều phải tiếp cận vấn đề một cách toàn diện và đưa ra rất nhiều quyết định hàng ngày. Dưới đây là năm bước bạn có thể cải thiện tư duy chiến lược:
-
Thứ nhất, ưu tiên các nhiệm vụ.
Hãy xem lại tất cả các nhiệm vụ cần phải làm và quyết định, nhiệm vụ nào có thể làm sau và nhiệm vụ nào phải làm ngay để mang lại lợi ích lớn nhất cho tổ chức, từ đó suy nghĩ ra các ý tưởng và giải pháp mà bạn có thể đóng góp. Hãy tự hỏi bản thân: "một nhiệm vụ tôi có thể làm hôm nay sẽ tạo ra lợi ích nhiều nhất là gì?"
-
Thứ hai, nhận thức về sự thiên vị.
Mọi người đều có thành kiến khác nhau, bạn phải suy nghĩ kỹ lưỡng, kiểm soát tâm trí của mình và liên tục đặt câu hỏi. Bạn chọn ý kiến này vì nó hợp lý hay vì nó đã rất thành công trong quá khứ? Việc thừa nhận những sự sai sót không làm giảm khả năng hoàn thành công việc mà ngược lại, bạn đang suy nghĩ một cách có chiến lược.
-
Thứ ba, cải thiện kỹ năng nghe.
Khi bạn đã chấp nhận rằng ai cũng có thể sai sót và có thể tìm cách khắc phục, bước tiếp theo là hãy cải thiện kỹ năng lắng nghe. Nói chuyện nhiều hơn với đồng nghiệp và bạn sẽ học được những cách suy nghĩ mới. Hãy duy trì tinh thần cởi mở để tiếp thu, phản hồi và đánh giá mọi thứ bạn nghe được.
-
Thứ tư, rèn luyện kỹ năng đặt câu hỏi.
Tư duy chiến lược đòi hỏi bạn phải đặt câu hỏi về mọi thứ bạn nhìn thấy hoặc nghe đến. Mục đích là bạn đang thu thập và cân nhắc các dữ kiện, chứ không phải bác bỏ ý tưởng hay sự truyền thống. Hãy hỏi rằng ý tưởng có hợp lý không, tại sao nó lại được đề xuất, với những thông tin và lập luận đáng tin cậy.
-
Thứ năm, hiểu thật rõ hậu quả.
Mọi quyết định đều có hậu quả. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng tác động tiềm ẩn của từng quan điểm/ý tưởng/giải pháp được đưa ra. Ưu và nhược điểm của nó là gì? Đâu là điều có khả năng giúp tổ chức đạt được các mục tiêu của mình nhanh nhất? Nắm rõ hậu quả sẽ giúp bạn sáng suốt hơn và quyết định một cách tự nhiên hơn.
Nắm vững tư duy chiến lược, bạn sẽ sở hữu “nghệ thuật” để làm được nhiều việc hiệu quả hơn, đưa ra quyết định sáng suốt hơn và tạo ra nhiều ý tưởng hay ho hơn. Đây cũng chính là những viên gạch đầu tiên của sự nghiệp, nhất là với những vị trí khởi đầu như Intern Planner. Đừng quên tham khảo khóa học Strategic Communication Planning để được rèn luyện tư duy chiến lược cùng những Planner “kỳ cựu” đến từ Samsung, TBWA, GroupM và DSquare bạn nhé!