Marketer Hoàng Nguyễn
Hoàng Nguyễn

Head of Product Design @ GEEK Up

Tôn trọng quyền được sai của người khác

Tôn trọng quyền được sai của người khác

Việc đi kèm với quan tâm người khác, là để yên cho họ tự trưởng thành.

Bài học lớn nhất cho vị trí công việc Product Design Coach ở GEEK Up của mình đó là học cách tôn trọng quyền được sai của người khác.

Khi là Coach, mục tiêu của mình là chuyển giao các kiến thức và kinh nghiệm bản thân qua cho các thành viên. Thông qua mỗi dự án thực tế, các bạn sẽ được thực hành để trở thành kinh nghiệm của chính các bạn. Và mỗi lần như vậy là mỗi lần cả team phải cùng nhau mắc lỗi, và phản ánh sai lầm của nhau.

Nói nghe thì có vẻ dễ, nhưng chi phí đã phải trả là hơn 3 năm thời gian và sự ra đi của vài thành viên tiềm năng mà mình đã dành nhiều kỳ vọng. Hơn nữa, những sự ra đi này không chỉ dừng lại ở việc mất kết nối, đôi khi nó còn để lại những câu chuyện buồn và cảm xúc không thoải mái dành cho nhau. Một phần lớn lý do cho việc đáng tiếc này tới từ việc không muốn thấy người khác phạm sai lầm.

Vượt ra khỏi ranh giới công việc, tôn trọng quyền được sai của người khác còn ảnh hưởng nhiều lên các mối quan hệ khác, vì thế xin được chia sẻ lại những gì mình nghĩ về một sự tôn trọng nghe có vẻ “vô tâm”.

Sao ta lại sợ người khác mắc sai lầm?

Vì ta quan tâm: Trên danh nghĩa của sự quan tâm, của nỗi sợ rằng người khác sắp gặp khổ, gặp đau, ta tự cho mình quyền ngăn cản người khác sống cuộc sống của họ, theo cách mà họ muốn. Kết hợp thêm các mục tiêu khác (như kinh doanh, tình cảm...), ta nghĩ rằng cách của mình mới là thứ người đó thật sự cần.

Dấu hiệu thường thấy: “Anh chỉ muốn tốt cho em thôi, nên hãy làm theo cách của anh”.

Vì ta sợ mình là người giải quyết hậu quả: Có thể thật ra ta cũng chẳng đủ quan tâm tới người đó như vậy. Thật ra chỉ vì ta sợ mình phải là người đi giải quyết hậu quả từ những sai lầm đó.

Dấu hiệu thường thấy: “Tại sao tôi phải chịu trách nhiệm với sự yếu kém của người khác?”.

Vì ta phải đối mặt với sự tổn thương của mình: Trong quá khứ, từng tổn thương vì hành động tương tự, ta hiểu bản thân đã phải trải qua những gì để trả giá cho sai lầm đó. Vì thế ta không mong thấy lại phần tổn thương đó, từ một người đang ở bên cạnh mình.

Dấu hiệu thường thấy: “Tao đã cảnh báo rồi, đừng có đi vào vết xe đổ của tao”.

Tại sao cần tôn trọng quyền được sai?

Nhà văn Oscar Wilde nói: “Experience is simply the name we give our mistakes” (tạm dịch: Kinh nghiệm chỉ đơn giản là cái tên mà chúng ta đặt cho những sai lầm của mình).

Khi học cách phát triển bản thân, ta được nghe nói nhiều về thái độ hãy cho bản thân mắc sai lầm, và các bài học từ chúng sẽ ở lại lâu hơn. Các phát minh vĩ đại của nhân loại cũng sẽ không xuất hiện nếu không có những tại nạn vô tình.

Ta hãy đồng ý với nhau việc học từ sai lầm là điều rất tự nhiên, rồi nhìn lại những lý do mà ta sợ người khác mắc sai lầm:

Vì quan tâm? Ta chẳng thể mãi mãi chở che, bảo vệ người ta quan tâm. Nên cách đúng đắn nhất là để họ tự trưởng thành, và ở bên cạnh hỗ trợ khi mọi thứ trở nên khó khăn hơn.

Hãy để họ đương đầu với cuộc chiến của họ ở tiền tuyến, nơi hậu phương ta sẽ sẵn sàng xuất hiện bất cứ khi nào họ cần. Thêm nữa, ta đều là những con người độc lập với ý chí, mong muốn riêng, nên hầu hết chúng ta đều cần nhiều sự dìu dắt hơn là chỉ đạo.

Vì sợ xử lý hậu quả? Điều này không có gì sai, xuất phát từ việc ta yêu thương bản thân mình. Nhưng nếu vòng tròn yêu thương quá nhỏ, chỉ chứa nổi một người là chính ta thì có thể một lúc nào đó, nó sẽ biến thành nhà ngục của cô đơn.

Nên nếu đã quyết định đặt mình trong tập thể, hãy sẵn sàng cùng đồng đội giải quyết hậu quả khi xảy ra. Cũng đừng quên nhắc nhở cái giá cho lần này, để không ai mắc lại nó lần sau.

Vì sợ đối mặt với tổn thương? Mỗi người có hành trình riêng, cùng một hành động chưa chắc gì kết quả sẽ giống nhau. Cùng một sai lầm nhưng biết đâu mỗi người lại có một bài học khác. Chẳng phải tổn thương đã giúp ta trở nên mạnh mẽ hơn hay sao, hà cớ gì lại cản người khác cũng được như vậy?

Điều duy nhất ta nên làm đó là nhận ra bản thân còn đó tổn thương, để tự ngồi xuống chữa lành mình đi đã.

Vậy bây giờ ta nên tôn trọng quyền được sai như thế nào?

Sai thế nào, sai ra sao?

Chẳng giống như đồng tiền chỉ có mặt úp ngửa, sự đúng – sai lại là một khái niệm mập mờ như vô số những sắc xám trong dãy màu từ trắng sang đen.

Để dễ hình dung, mình tạm khái quát hóa đúng – sai nằm trong một tam giác có 3 tầng với tính minh bạch giảm dần:

  • Pháp luật: Các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí chung của một quốc gia, khu vực
  • Đạo đức xã hội: Các chuẩn mực xã hội được chấp nhận rộng rãi, được rút ra từ các nguồn thế tục (văn hóa, nhân văn, triết học) và tôn giáo (Phật giáo, Kito giáo...)
  • Giá trị cá nhân: Các quy tắc ứng xử, đạo đức của chính bạn (niềm tin, quan điểm) hoặc của tập thể (công ty, nhóm) mà bạn chọn tham gia

Bây giờ nhìn vào hệ quy chiếu này, những việc sai ở trong trục càng minh bạch, cái giá của nó lại càng cao.

  • Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là sai với “Pháp luật”, “Đạo đức xã hội” và cả “Giá trị cá nhân” của những người bị hại, cái giá là vướng vòng lao lý
  • Ngoại tình trước khi kết hôn là sai với “Đạo đức xã hội” và “Giá trị cá nhân”, nhưng không phạm pháp, sẽ bị cộng đồng xung quanh đánh giá
  • Đi trễ là sai khi tập thể có quy định và kèm trừng phạt, cũng sẽ bị đánh giá thấp trong mắt những người có quan điểm tôn trọng sự đúng giờ

Tạm thấy những việc càng thuộc các trục ở dưới, càng đáng để ta thử, cũng như để cho người khác thử. Vì đây chính là hành trình mở rộng quan điểm, thay đổi những niềm tin không phù hợp và phát triển bản thân để tạo ra nhiều giá trị hơn cho tập thể.

Ta làm gì để tôn trọng quyền được sai?

Bây giờ khi đã hiểu nếu một điều có thể sai ở tầng “Giá trị cá nhân”, ta không cần phải quá cố gắng trong việc thuyết phục người kia là họ “đang sai”.

Ta hiểu rằng, lòng mình dậy lên một mong muốn cảnh báo việc họ đang làm vì ta quan tâm, và vì thế tự nhắc nhở bản thân hãy chịu khó tìm cách thể hiện phù hợp.

Điều ta nên làm thực sự lại là lắng nghe, hãy để cho người khác được phát biểu suy nghĩ của mình và giúp họ tự phân tích đúng sai. Nên nhớ, ta ở đó để hỗ trợ, không phải để cầm quyền chỉ đạo.

Hãy bắt đầu bằng những cụm câu:

  •  “Trước đây anh có từng làm rồi, kết quả thì nó thế này... bởi vì...”
  •  “Cách này cũng chưa thử, nhưng vì mày nói là... nên tao nghĩ nó sẽ có thể bị...”
  •  “Em đã nghĩ tới phương án... chưa? Vì nó có điểm lợi là sẽ tránh được...”

Hãy bảo đảm ta có thể cung cấp thông tin theo cách dễ tiếp nhận nhất để giúp đối phương đưa ra quyết định tốt hơn. Rồi quan sát khi người mắc sai lầm bằng những câu hỏi:

  • Họ có học được gì từ sai lầm đó không?
  • Họ có chịu trách nhiệm với nó không?
  • Họ làm gì để sửa chữa nó?
  • Họ có đưa ra giải pháp để tránh mắc lại sai lầm đó lần nữa?

Chỉ cần không phải là những sai lầm trí mạng gây ra hậu quả quá lớn không thể vãn hồi, để người mắc sai lầm cũng là cách ta gửi lòng yêu thương họ.

Suy nghĩ cuối cùng

Có những chuyện chẳng cần phải đúng sai như mình nghĩ, vì đôi khi ta quá tập trung lý trí của mình vào thứ được tạo ra – thay vì người tạo ra nó.

Như việc bắt lỗi chính tả status của một người đang buồn vậy, sẽ thật không khôn ngoan chút nào, khi để đúng sai vượt lên lên cảm xúc của chủ status đó.

Thật vui vì mình đã nhận ra và đang bắt đầu học cách tôn trọng quyền được sai của người khác. Tự cho mình thêm những lần nhìn nhận sự việc nhẹ nhàng hơn, rồi từ đó thôi xét nét điều vụn vặt.

Để thôi không áp đặt kỳ vọng, để ngừng tự trách móc bản thân, đề người trưởng thành cũng là ta trưởng thành…

Để xem thêm những bài viết tương tự, mời bạn theo dõi:

* Nguồn: hoang.moe