5 bài học cho marketer đúc kết từ vòng loại World Cup 2022
Khi mà cả thế giới đang hướng về giải bóng đá lớn nhất hành tinh, dưới góc nhìn của một marketer, thật sự có rất nhiều bài học có thể ứng dụng cho “Quản lý dự án truyền thông”. Dưới đây là 5 bài học thú vị đúc kết từ vòng loại World Cup 2022.
Bóng đá chỉ là bộ môn thể thao giải trí?
Tính đối kháng cao, sự hồi hộp, bất ngờ… là những điều khiến bóng đá trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, đằng sau một trận bóng là biết bao nghiên cứu phân tích, ứng dụng khoa học và công nghệ để phục vụ cho việc thi đấu.
Tôi ví dụ dữ liệu là “bằng chứng” chắc chắn giúp huấn luyện viên đưa ra quyết định nhanh chóng và chuẩn xác hơn, hay những thiết bị công nghệ cao được cầu thủ mặc lên người trong lúc thi đấu, hay camera theo dõi đặt ở mọi góc sân để đo lường những động tác, tỷ lệ chuyền bóng…
Như trong trận ra quân tại World Cup 2022, Cristiano Ronaldo đã có 33 pha chạm bóng, 4 lần dứt điểm, 3 lần bị phạm lỗi, tỷ lệ chuyền chính xác 79%, cùng một bàn thắng. Nếu để ý, các chỉ số tương tự cho mỗi đội bóng cũng thường xuyên được cập nhật trên màn hình tivi trong lúc phát sóng. Các đội tuyển sẽ dựa vào những số liệu này để đưa ra kế sách cho trận đấu hay thậm chí hiệp đấu tiếp theo.
Tương tự với bóng đá, có nhiều lầm tưởng về vẻ hào nhoáng của những chiến dịch quảng cáo, khi cho rằng những dự án được giải thưởng cao trong ngành, là nhờ những bài hát “trendy”, người nổi tiếng… Thế nhưng, đằng sau một chiến dịch thành công, là sự đầu tư nghiên cứu dữ liệu, phân tích thị trường, thấu hiểu đối tượng mục tiêu và sản phẩm để đưa ra cách tiếp cận chiến lược.
Dĩ nhiên, từ chiến lược đến thực thi đều cần chuẩn xác từng khâu, cũng như một đấu pháp hay cần cầu thủ triển khai tốt. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó là: Bóng đá không chỉ là thể thao giải trí, cũng như marketing không phải là nghệ thuật hay phép màu; tất cả đều là bộ môn khoa học, cần logic và chiến lược.
Không thể “ra quân” chỉ với một đấu pháp
Diễn biến trận đấu diễn ra rất nhanh, bóng đá cũng vì thế mà trở nên hấp dẫn, vì không ai đoán trước được điều gì. Chẳng thế mà “người cầm quân” là HLV cần nắm rõ cục diện trước trận đấu (như tình hình đối phương và đội nhà), hoàn cảnh khách quan của trận đấu (đang vòng bảng hay vòng loại trực tiếp), tình thế trận đấu (hiệp 1 hay hiệp 2, đang bị dẫn trước hay đang cầm hòa)… Từ đó, hoạch định sẵn các phương án khác nhau để tiếp cận và xoay chuyển linh hoạt theo diễn biến thực tế của trận đấu.
Trong trận Argentina gặp Saudi Arabia, trước tình thế hiệp 1 đang dẫn trước, đội tuyển Argentina không có bất kỳ thay đổi nào khi bước vào hiệp 2. Nhưng bất ngờ thay, đội tuyển Saudi Arabia lại thay đổi cách tiếp cận trận đấu với tâm thế quyết liệt giành bóng hơn, đá nhanh hơn, để rồi ghi bàn gỡ hòa. Argentina lúc này vì chưa có giải pháp dự phòng, nên giữ nguyên cách chơi, và cuối cùng họ đã thua cuộc.
Đây là một bài học rất sâu sắc cho việc quản lý chiến dịch truyền thông. Chúng ta phải luôn có những phương án dự phòng vì mọi điều đều có thể xảy ra.
Kể một câu chuyện từ kinh nghiệm thực tế của tôi khi sản xuất thematic clip cho chiến dịch “Học Viện MoMo”. Mặc dù, khách hàng đã duyệt áo sơ mi cho diễn viên từ buổi fitting (mặc thử trang phục). Nhưng đến khi quay thực tế, lúc diễn viên ngồi vào ghế sofa lại thấy áo này mặc không đẹp, để lộ khuyết điểm. Vì luôn ý thức việc có các phương án dự phòng, nên chúng tôi vẫn có sẵn 3 bộ trang phục khác. Cuối cùng đã có ngay một bộ đồ mới để diễn viên thay đổi, tiết kiệm rất nhiều thời gian.
Vậy nên, là một người quản lý dự án, chúng ta luôn cần các phương án, kịch bản dự phòng để có thể giải quyết những rủi ro bất ngờ ập đến.
Đội bóng mạnh gồm những cầu thủ giỏi nhất?
HLV Louis van Gaal, người vừa đưa đội tuyển Hà Lan tiến vào tứ kết đã có phát biểu trước giải đấu rằng một đội bóng khiến ông ưng ý, chỉ nên có “3 hay 4 cầu thủ xuất sắc trong đội hình, còn lại nên là những cầu thủ sẵn sàng thi đấu theo ý HLV và tập thể”.
Thật vậy, một đội hình mạnh chưa chắc là tập hợp của những cầu thủ siêu sao, mà phải là những người phù hợp nhất. Việc lựa chọn các cầu thủ phù hợp dựa trên tình thế từng trận đấu, hay yêu cầu cần thiết của vị trí đang còn trống chỉ là một phần. Bản thân HLV cũng cần phải nhìn thấy để “kích hoạt” được tiềm lực của cầu thủ, từ đó ứng dụng sở trường của họ vào thi đấu.
Điều này liên hệ như thế nào vào quản lý dự án? Đó là marketer cần hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng thành viên tham gia dự án. Đặc biệt ở vị trí client – người xem nhãn hàng như “đứa con” của mình, càng cần biết cách khai thác thế mạnh các bên tham gia để giúp chiến dịch quảng cáo của mình thành công.
Đạo diễn sẽ có thế mạnh về kể chuyện hay kỹ thuật góc máy, Creative sẽ mạnh về sáng tạo, Account sẽ có kinh nghiệm đánh giá các tình huống rủi ro của dự án… Thay vì đặt mọi người vô tình huống phải làm theo những gì mình muốn, hãy khơi gợi để tận dụng tiềm lực của từng cá nhân, giúp dự án hoàn thiện một cách tốt nhất.
Một cây làm chẳng nên non?
Bóng đá là bộ môn tập thể, cầu thủ không thể ghi bàn nếu thiếu những pha kiến tạo từ đồng đội. Vậy nên đừng nhìn vào bàn thắng của một cá nhân, mà cũng cần công nhận cả những pha phối hợp và kiến tạo trước đó.
Điển hình như trận Hàn Quốc “lội ngược dòng” dẫn trước một Bồ Đào Nha được đánh giá cao với tỉ số 2-1. Với nhiệm vụ buộc phải chiến thắng để giành tấm vé đi tiếp, Hàn Quốc đã chơi quả cảm và chờ thời cơ để tung đòn chí mạng ở những phút cuối cùng. Đội trưởng đội tuyển Hàn một mình vượt qua “hàng rào” cầu thủ của đối phương, tạo đường truyền gọn gàng, tinh tế đến chân đồng đội và sút tung lưới Bồ Đào Nha ở phút thứ 90+1.
Sự cộng tác cũng rất quan trọng trong việc triển khai chiến dịch truyền thông, quảng cáo. Sự phối hợp sẽ diễn ra trong suốt quá trình quản lý, từ xây dựng kế hoạch, đến tổ chức, thực thi và kiểm tra kết quả. Mục tiêu cuối cùng của phối hợp là tạo ra sự thống nhất, đồng thuận của nhiều bên nhằm bảo đảm chất lượng và hiệu quả của dự án. Thế nên, đừng nói dự án này thành công là chỉ nhờ Creative có ý tưởng hay, nhờ Brand có sản phẩm tốt, hay nhờ Account triển khai hiệu quả… tất cả đều góp phần tạo nên thành công của dự án.
Phút thứ 89 chưa phải là hết!
Sự thú vị của bóng đá là khán giả không đoán được diễn biến tiếp theo của trận đấu. Điều này phản ánh rõ nét qua kết quả vòng loại 1/16 của World Cup 2022 khi những “kẻ mạnh” phải “chào thua” trước những đội được cho là yếu thế hơn. Đáng chú ý có lẽ là tuyển Nhật Bản quật ngã hai cựu vô địch là Đức và Tây Ban Nha. Trong khi Đức và Tây Ban Nha giữ lối chơi chủ quan, phiêu lưu trong cả 2 hiệp, Nhật Bản đổi chiến thuật ở hiệp 2, đẩy mạnh tấn công song song duy trì hàng phòng ngự chặt chẽ.
Tôi học được gì từ bàn thắng của tuyển Nhật Bản? Đó là sự tập trung cao độ và quan sát kỹ lưỡng mọi sự vật, sự việc trong quá trình triển khai dự án. Hãy loại bỏ những tư tưởng, suy nghĩ chủ quan, kiêu ngạo, và đặc biệt thận trọng với đối thủ. Có như vậy, marketer mới sẵn sàng đối diện và nhanh chóng ứng phó với bất kỳ tình huống bất ngờ nào.