Data Station #37: e-Conomy SEA 2022 - Việt Nam dẫn đầu khu vực về mức tăng trưởng của nền kinh tế số với 23 tỷ USD GMV

Data Station #37: e-Conomy SEA 2022 - Việt Nam dẫn đầu khu vực về mức tăng trưởng của nền kinh tế số với 23 tỷ USD GMV

Mức độ tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á khi đạt 23 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) trong năm 2022 và đang trên đà đạt 50 tỷ USD vào năm 2025. Đáng chú ý là lĩnh vực mũi nhọn thương mại điện tử đã đóng góp đến 14 tỷ USD cho tổng giá trị hàng hóa của thị trường trong năm qua.

Hãy cùng Brands Vietnam và bà Hà Lâm Tú Quỳnh – Giám đốc Quan hệ công chúng và Truyền thông tại Google Việt Nam, đào sâu vào báo cáo “e-Conomy SEA 2022” cùng những điểm nổi bật của thị trường Việt Nam.

Không chỉ đơn thuần chia sẻ những báo cáo hữu ích, Data Station là loạt bài phỏng vấn đào sâu vào các kết quả nghiên cứu, dưới góc nhìn của người trong cuộc, nhằm đưa ra những quan điểm sâu sắc và đề xuất có tính ứng dụng cao cho kế hoạch marketing sắp tới của bạn.

* Trước hết, bà Quỳnh có thể chia sẻ phương pháp thực hiện báo cáo “e-Conomy SEA 2022” là gì? Và vì sao Google quyết định chọn chủ đề cho báo cáo năm nay là “Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội”?

Bà Hà Lâm Tú Quỳnh – Giám đốc Quan hệ công chúng và Truyền thông tại Google Việt Nam

Kết quả báo cáo “e-Conomy SEA 2022” được đúc kết dựa trên rất nhiều nguồn dữ liệu. Đó là insight từ công ty đầu tư Temasek, phân tích từ công ty tư vấn Bain & Company, dữ liệu từ Google Xu hướng, khảo sát người tiêu dùng được ủy thác bởi Ipsos, và nhiều nguồn dữ liệu khác trong ngành. Ngoài ra, chúng tôi thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với chuyên gia kinh tế cũng như nhà đầu tư trong khu vực để có thêm những đánh giá và nhận định của họ về nền kinh tế số Đông Nam Á. Dựa trên những nguồn dữ liệu này, chúng tôi tổng hợp lại, phân tích và đưa ra báo cáo cho nền kinh tế số Đông Nam Á 2022.

Nhìn chung, bất chấp những khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu, chúng tôi nhận thấy tiềm năng tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á. Chính vì thế, chúng tôi đã chọn chủ đề “Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội” cho báo cáo năm nay. Báo cáo ghi nhận nền kinh tế số Đông Nam Á đang trên đà chạm mức 200 tỷ USD tổng giá trị hàng hoá (GMV) trong năm nay. Con số này tăng 20% so với năm 2021 mặc cho tình hình kinh tế toàn cầu nhiều biến động, và tăng nhanh hơn 3 năm so với dự đoán trong báo cáo e-Conomy SEA đầu tiên mà chúng tôi thực hiện vào năm 2016.

Hơn nữa, chúng tôi còn rất lạc quan về sự phát triển bền vững của nền kinh tế số Đông Nam Á trong tương lai. Vẫn có rất nhiều dư địa cho sự tăng trưởng của nền kinh tế này, đặc biệt tại khu vực nông thôn và những thị trường khác chưa có sự thâm nhập sâu, rộng của các dịch vụ số. Nếu nền kinh tế số Đông Nam Á được khai phá hết tiềm năng, tổng giá trị hàng hóa khu vực có thể chạm mốc 1 tỷ USD trong năm 2030.

* Bà có thể chia sẻ về mức độ tăng trưởng của nền kinh tế số của Việt Nam? Trong số 4 trụ cột Thương mại điện tử, Vận tải & Thực phẩm, Du lịch trực tuyến, Dịch vụ nghe nhìn trực tuyến, đâu là lĩnh vực góp phần lớn trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế số Việt Nam trong năm qua?

Mức độ tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á khi đạt 23 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) trong năm 2022 và đang trên đà đạt 50 tỷ USD vào năm 2025. Hơn nữa, Việt Nam đứng đầu danh sách những thị trường tăng trưởng dài hạn tại Đông Nam Á của các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC). Theo báo cáo của các quỹ đầu tư mạo hiểm, có khoảng 83% quỹ kỳ vọng hoạt động thương vụ tại Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn. 

Hoạt động của các thương vụ tăng khoảng 60%, cụ thể vốn đầu tư vào ngành thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 là xấp xỉ 230 triệu USD, trở thành ngành yêu thích của các nhà đầu tư. Tiếp theo đó là dịch vụ truyền thông trực tuyến với gần 190 triệu USD. Tuy nhiên, giá trị của các thương vụ giảm một nửa, chứng tỏ nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi rót vốn ở giai đoạn sau.

Báo cáo “e-Conomy SEA 2022” còn đi sâu vào các xu hướng trong năm lĩnh vực chính gồm thương mại điện tử (eCommerce), truyền thông trực tuyến (Online Media), du lịch trực tuyến (Online Travel), vận tải & thực phẩm (Transport & Food), và dịch vụ tài chính số (Digital Finance Service). Tổng quan, lĩnh vực thương mại điện tử đang là đầu tàu cho sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam, khi đã đóng góp đến 14 tỷ USD cho tổng giá trị hàng hóa của thị trường trong năm qua. Bốn lĩnh vực đầy triển vọng còn lại dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng đột phá trong năm 2025.

Trong đó, chúng tôi ghi nhận Tài chính kỹ thuật số cũng là lĩnh vực được kỳ vọng phát triển vượt bậc khi các khoản đầu tư kỹ thuật số được dự đoán sẽ nhảy vọt sau năm 2025. Với mức tăng trưởng đáng kể của thanh toán số tại Việt Nam (dự kiến sẽ đạt 143 tỷ USD tổng giá trị giao dịch tại Việt Nam vào năm 2025), Google Wallet gần đây đã có mặt tại Việt Nam để giúp tất cả mọi người tiếp cận được với hình thức thanh toán này.

* Thế đâu là những điểm đáng chú ý trong quỹ đạo tăng trưởng của các lĩnh vực kỹ thuật số, thưa bà?

Các lĩnh vực kỹ thuật số tại Việt Nam đang phát triển theo một trong ba quỹ đạo chính là dạng chữ S (S-shaped, với S viết tắt của Sustained Growth), trở lại đường xu hướng (Return to Trendline), và dạng chữ U (U-shaped).

Thứ nhất là dạng chữ S. Giữ vững vị trí trụ cột, thương mại điện tử dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 16% tổng GMV. Có thể thấy, lĩnh vực này tiếp tục phát triển mạnh mặc cho một phần hoạt động mua sắm ngoại tuyến đã được nối lại sau đại dịch và sự tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận của các nền tảng kỹ thuật số. Thay vì thu hút khách hàng mới, các doanh nghiệp đang chuyển đổi sang chiến lược tương tác sâu hơn với khách hàng sẵn có để đẩy mạnh tần suất, giá trị và lòng trung thành. Người bán đang bắt đầu cải thiện lợi nhuận bằng cách cắt giảm các chương trình khuyến mãi, chiết khấu và chuyển hướng sang kiếm tiền từ các dịch vụ giá trị gia tăng.

Có 90% người tiêu dùng số Việt Nam dự định duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới.

Thứ hai là quay trở lại đường xu hướng. Tốc độ tăng trưởng của các lĩnh vực kỹ thuật số như Giao đồ ăn và Truyền thông trực tuyến đang chậm lại sau thời kỳ cao điểm của đại dịch. Cụ thể sau khi đạt mức tăng trưởng gấp 3 lần trong đại dịch, Giao đồ ăn quay về đường xu hướng, dự kiến đạt 14% mức độ tăng trưởng GMV. Còn trong số các lĩnh vực Truyền thông trực tuyến có trả phí, mức tăng trưởng GMV giảm còn 9%; lĩnh vực âm nhạc và video tăng trưởng trở lại bình thường.

Thứ ba là dạng chữ U. Lĩnh vực vận tải và Du lịch trực tuyến dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ bởi lượng dịch chuyển tăng vượt mức sau đại dịch và du lịch quốc tế được mở lại, đạt mức tăng trưởng lần lượt 43% và 115% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn như giá nhiên liệu tăng cao, thiếu hụt nguồn cung và các biện pháp hạn chế đi lại chưa được dỡ bỏ hoàn toàn ở các thị trường lớn (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), trong khi nhu cầu của người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng vọt. Quá trình phục hồi được dự đoán sẽ diễn ra chậm và mất nhiều thời gian để đạt được mức của năm 2019.

* có thể chia sẻ những điểm nổi bật trong hành vi của người dùng số Việt Nam sau đại dịch là gì?

Nhìn chung, hiện có 460 triệu người dùng Internet tại khu vực Đông Nam Á với 100 triệu người dùng mới trong 3 năm vừa qua. Trong đó, số người dùng Internet tại Việt Nam rơi vào khoảng 75 triệu người (theo báo cáo Statista).

Với 100 triệu người dùng Internet mới trong ba năm qua và mức độ tiêu thụ kỹ thuật số tăng nhanh, việc thấu hiểu hành vi người dùng giữa các phân khúc là cần thiết để khai phá tiềm năng tăng trưởng. Phần lớn các doanh nghiệp số đang chuyển hướng ưu tiên của mình từ thu hút khách hàng mới sang tương tác sâu hơn với khách hàng hiện tại.

Chúng tôi phân loại 5 nhóm người dùng theo các yếu tố sau đây:

  • Affluent users: Người dùng từ 18 tuổi trở lên, đang sinh sống tại các đô thị và có thu nhập cao (15,000,001 VND trở lên)
  • Young Digital Natives: Người dùng trong độ tuổi từ 18 - 29 tuổi, đang sinh sống tại các đô thị và có thu nhập tầm trung (từ 4,500,000 VND đến 15,000,001 VND)
  • Metro Mainstream: Người dùng trên 30 tuổi, đang sinh sống tại các đô thị và có thu nhập tầm trung (từ 4,500,000 VND đến 15,000,001 VND)
  • On Budget: Người dùng từ 18 tuổi trở lên, đang sinh sống tại các đô thị và có thu nhập thấp (dưới 4,500,000 VND)
  • Suburban: Người dùng ở mọi độ tuổi và mọi mức thu nhập, sinh sống ở khu vực ngoại ô.

Theo quan sát của chúng tôi, hành vi của người dùng số Việt Nam có sự khác biệt đáng kể so với người dùng trong khu vực Đông Nam Á.

Nổi bật là có đến 90% người tiêu dùng số Việt Nam dự định duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới. Thêm vào đó, 29% người dùng dự tính chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ Tạp hóa trực tuyến, và 22% người dùng dự tính chi tiêu nhiều hơn ở dịch vụ Giao đồ ăn. Cả ba lĩnh vực này tại Việt Nam đều ghi nhận mức độ "dự định sử dụng nhiều hơn" cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Người dùng kỹ thuật số ở khu vực thành thị của Việt Nam sử dụng dịch vụ thương mại điện tử cao thứ 2 khu vực, chiếm tỉ lệ 96%, chỉ đứng sau Singapore (97%). Đáng chú ý, giữa các nước trong khu vực, mức độ tiêu thụ của người dùng thành thị ở các lĩnh vực Tạp hóa trực tuyến, Vận tải và Chơi game đều đạt mức cao nhất, với tỉ lệ lần lượt là 84%, 85% và 60%.

* Những điểm nổi bật trong hành vi của người dùng số Việt Nam sau đại dịch là gì?

Trước hết, tôi muốn chỉ ra những thay đổi đáng chú ý trong hành vi của người dùng số Việt Nam.

Tần suất và thời gian sử dụng các phương tiện truyền thông trực tuyến (chơi game, phát video và nghe nhạc) của người dùng Internet Việt Nam đang ở mức thấp hơn mức trung bình của khu vực. Chỉ 4% trong số người dùng trực tuyến dành hơn 1 giờ mỗi ngày vào các hoạt động nghe nhạc, 9% cho hoạt động chơi game và 9% cho hoạt động xem video. Những số liệu trên cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn đối với lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán kỹ thuật số tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, giới trẻ thành thạo kỹ thuật số bị thu hút bởi các ngân hàng số. Trong khi đó, khách hàng có thu nhập cao và có tầm ảnh hưởng vẫn trung thành với những nhà cung cấp dịch vụ tài chính đã có tên tuổi dựa trên số dư tiền gửi hiện có và nhiều khoản đầu tư của họ.

Đặc biệt hơn, có hơn 55% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam sẵn sàng chi trả thêm 5% cho những sản phẩm hoặc dịch vụ bền vững. Số liệu này cho thấy nhận thức ngày càng cao của người tiêu dùng Việt về các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Thế đâu là những hành vi vẫn được tiếp tục hậu đại dịch và trong tương lai? Sau đại dịch, Việt Nam là một trong những quốc gia khôi phục các hoạt động “bình thường mới” một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, một số thói quen và xu hướng tiêu dùng được hình thành và thúc đẩy trong đại dịch vẫn được duy trì và tiếp tục phát triển.

Có hơn 55% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam sẵn sàng chi trả thêm 5% cho những sản phẩm hoặc dịch vụ bền vững.

Thương mại điện tử tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định ngay cả khi việc mua sắm trực tiếp được hồi phục một phần sau đại dịch. Lĩnh vực này trở thành đầu tàu trong sự tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam và có 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì hay thậm chí gia tăng lựa chọn mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới. Phần lớn người tiêu dùng tập trung vào các dịch vụ Giao đồ ăn (60%) và Mua hàng tạp hóa trực tuyến (54%) dù hoạt động mua sắm và ăn uống bên ngoài đang hồi phục trở lại trong bối cảnh hậu COVID-19.

* Bà có thể cho biết những yếu tố thúc đẩy chính (enabler) nào cần được củng cố để giữ vững đà tăng trưởng của nền kinh tế số hiện nay và trong tương lai?

Những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á và Việt Nam hơn nữa trong tương lai có thể kể đến: thanh toán, logistics, đầu tư; số lượng người dùng truy cập Internet & niềm tin của họ; và người lao động trong nền kinh tế số. Trong đó, yếu tố nhân sự vẫn cần nhiều nỗ lực đầu tư từ các doanh nghiệp hơn.

Theo phân tích của Bain & Company, ngày nay, khi doanh nghiệp bắt đầu hoạch định kế hoạch phát triển theo con đường dẫn đến lợi nhuận (Path to Profitability), nhà lãnh đạo sẽ tiến hành tối ưu hoá đội ngũ nhân sự. Trọng tâm của việc tối ưu đội ngũ sẽ chuyển từ tăng trưởng số lượng nhân viên sang củng cố năng lực, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên môn như kỹ thuật, khoa học dữ liệu, công nghệ đám mây, và tiếp thị kỹ thuật số.

Tuy nhiên để hướng đến xây dựng một nền kinh tế số bền vững, doanh nghiệp còn cần tập trung cải thiện 4 yếu tố gồm con đường dẫn đến lợi nhuận, ESG, khoảng cách kỹ thuật số, và hạ tầng dữ liệu. Theo chia sẻ của các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát, việc thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và ESG cần được quan tâm hơn cả bởi những cơ hội và thách thức mà chúng mang lại cho doanh nghiệp.

Ở Đông Nam Á và Việt Nam, mức độ tìm kiếm về tính bền vững đã tăng hơn gấp đôi trong ba năm qua. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa biến sự quan tâm đó thành các lựa chọn hàng ngày, khi khoảng cách giữa nói và thực hành đến 30%. Còn phía doanh nghiệp và nhà đầu tư cần xem các hoạt động ESG là đòn bẩy tạo ra giá trị hơn là những hạng mục cần tuân thủ khi kinh doanh.

Bên cạnh đó, tại Google chúng tôi ghi nhận “khoảng cách kỹ thuật” số vẫn tồn tại giữa thành thị & ngoại ô, và giữa những nhóm có mức thu nhập khác nhau. Cụ thể, có ít người dùng ở khu vực ngoại ô (20%-30%) sử dụng các dịch vụ kinh tế số so với khu vực thành thị (hơn 90%), trừ dịch vụ thương mại điện tử. Hơn nữa, những người dùng có thu nhập thấp (On Budget) cho rằng các dịch vụ kỹ thuật số quá đắt đỏ, và mong muốn các công ty cần nhắc điều chỉnh mức giá phải chăng hơn. Chẳng hạn như cung cấp gói sử dụng cơ bản hay giảm giá… Để cải thiện tình trạng này, nền kinh tế số cần sự can thiệp sâu rộng hơn của các tổ chức, doanh nghiệp trong việc “educate” kiến thức về kỹ thuật số và giúp người tiêu dùng tiếp cận các dịch vụ dễ dàng hơn.

*Cảm ơn những chia sẻ của bà.

Xem báo cáo đầy đủ tại đây.

Xem thêm các bài viết khác cùng chuyên mục tại đây.

Theo Thảo Nguyên/ Brands Vietnam
*Nguồn: Brands Vietnam