Du học Marketing #5: Mai Thị Ánh Tuyết @ Andrews University – Vận dụng trải nghiệm để “soi” chương trình học hiệu quả

Du học Marketing #5: Mai Thị Ánh Tuyết @ Andrews University – Vận dụng trải nghiệm để “soi” chương trình học hiệu quả

Đăng ký du học tại Mỹ, Úc và Canada cần lưu ý những gì? Những giấy tờ nào cần chuẩn bị khi xin visa? Tất cả thông tin cơ bản của quá trình đăng ký du học và cấp visa tại ba quốc gia Mỹ, Úc và Canada sẽ được chị Mai Thị Ánh Tuyết – giảng viên Marketing của Brand Camp thuộc Brands Vietnam – chia sẻ qua những trải nghiệm của bản thân trong số thứ 5 của series Du học Marketing.

Sau khi tốt nghiệp MBA tại Andrews University năm 2019, chị Mai Thị Ánh Tuyết nhận được thư mời thăm lại trường và trao đổi kiến thức về E-commerce & Business, đồng thời cùng năm 2022, chị nhận được thư mời nhập học MS Electronic Commerce của trường Đại học tại bang New Jersey (Mỹ), Master of Entrepreneurship của trường tại bang Ontario (Canada) và Master of Marketing của một trường G8 tại Úc. Chị đã chia sẻ với Brands Vietnam về hành trình cá nhân lý thú này qua phần trò chuyện sau đây.

* Đâu là lý do khiến chị Tuyết quyết định đăng ký du học thạc sĩ ngành Business & Marketing tại cả 3 quốc gia Mỹ, Úc và Canada sau gần 15 năm đảm nhiệm vị trí Quản lý Marketing, Truyền thông ở các công ty lớn?

Chị Mai Thị Ánh Tuyết – Marketing Manager tại Logitech Vietnam & Giảng viên Marketing tại Brand Camp.

Tôi từng chia sẻ trong các khóa giảng của mình: Càng làm càng thấy thiếu. Cảm giác “thiếu” này có lẽ xuất phát từ mong muốn học hỏi và hoàn thiện về mặt kiến thức học thuật cũng như nâng cao hiệu suất làm việc và đạt những bứt phá trong sự nghiệp. Cũng chính cảm giác này đã thôi thúc bản thân tôi đăng ký khóa học MBA vào năm 2019 và giờ đây là hành trình cập nhật thêm những kiến thức mới tại những quốc gia mạnh về lĩnh vực Business & Marketing.

Lý do vì sao lại đăng ký du học tại 3 quốc gia Mỹ, Úc và Canada thay vì chỉ “chốt” với một nơi? Đầu tiên tôi không đi du học trong năm 2022, tôi chỉ muốn “trải nghiệm” về hành trình “tìm đường du học” tại 3 quốc gia nói trên. Bởi lẽ so với thời mình đi học trước đây, các khối ngành, kiến thức về Marketing đã thay đổi và đa dạng hơn rất nhiều, có những chương trình đào tạo những kĩ năng, kiến thức về các lĩnh vực mới như Marketing Analysis, e-Commerce.

Bên cạnh đó, chính vì sự “phân mảnh” về chương trình đào tạo như vậy nên sẽ có những quốc gia, những trường học không thể bao quát hết được những kĩ năng, lĩnh vực theo đúng nhu cầu của bản thân. Ví dụ, với kĩ năng Analysis, nghe tên có vẻ giống nhau nhưng nếu bạn tìm hiểu kĩ hơn vào chương trình học sẽ thấy được sự khác biệt của từng chương trình. Vì vậy, với những người đi làm nhiều năm, họ sẽ dễ dàng “soi” được những điểm thiếu và điểm nổi trội của từng chương trình để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Tiếp theo, các quốc gia Mỹ, Canada, Úc vốn là điểm đến mơ ước của các bạn muốn học về Business & Marketing, nên tôi chọn 3 nước này để trải nghiệm của mình đa dạng và đưa ra sự so sánh trên trải nghiệm thực tế.

* Chị Tuyết cũng chia sẻ là những người đi làm lâu năm sẽ dễ dàng “soi” và tìm được những lựa chọn hợp ý. Vậy với những cử nhân vừa ra trường thì các bạn có thể xác định ngành, chương trình học như thế nào để tránh bị “vỡ mộng”?

Về vấn đề này thì tôi nghĩ mỗi người sẽ có một quan điểm riêng. Tôi sẽ không bàn đến tính đúng sai cho việc đi du học thạc sĩ ngay vừa tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, theo tôi, các bạn có thể đi làm và nên đi làm ít nhất từ 3 năm để có thể trang bị cho bản thân những kiến thức, kinh nghiệm cùng các kĩ năng làm việc thực tế. Chính những kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình đi làm sẽ là cơ sở để quá trình “scan” trường, tìm ngành chính xác hơn.

* Quay lại với 3 lựa chọn của chị Tuyết với nhóm ngành học về Business & Marketing, chị có thể chia sẻ về những điểm khác biệt trong điều kiện đăng ký du học tại từng quốc gia?

Đầu tiên là về nước Mỹ, đây vốn là quốc gia khá mạnh về ngành Marketing và Truyền thông. Đi đôi với chất lượng đào tạo, điều kiện đầu vào của các trường tại quốc gia này cũng khá “khắt khe” với điểm IELTS đôi khi lên đến 7.5 hoặc yêu cầu điểm GMAT cao không kém (500-600). Nên tôi đã thử tìm đến một lựa chọn “dễ thở” hơn là Úc với những yêu cầu đầu vào không quá khắt khe, phù hợp cho những bạn không có nhiều thời gian ôn tập cho điểm số cao của IELTS, hoặc không “dám” thi GMAT.

Trong khi đó Canada lại là một lựa chọn “trung hòa” được 2 thách thức kể trên. Các trường tại Canada vẫn sẽ có những ngành “trendy” trong lĩnh vực Marketing nhưng số lượng sẽ không nhiều như ở Úc và Mỹ. Độ khó trong yêu cầu đầu vào sẽ trải dài từ dễ đến trung bình khó và sẽ có các trường yêu cầu điểm IELTS, GMAT “dễ thở”. Một điểm cộng thêm khá hấp dẫn với Canada là chi phí học tập và sinh hoạt “mềm” hơn, đứng thứ 3 sau Mỹ và Úc.

So với Mỹ và Úc, Canada có chi phí học tập và sinh hoạt “mềm” hơn với độ khó trong yêu cầu đầu vào trải dài từ dễ đến trung bình khó.
Nguồn: University of Alberta, Canada

* Sau khi xác định ngành học, quốc gia theo học, quá trình chọn trường của chị Tuyết diễn ra như thế nào?

Nhìn lại một cách tổng quát thì quá trình chuẩn bị du học của tôi đi theo các bước với thứ tự lần lượt là xác định ngành học, chọn quốc gia theo học, chọn trường, chuẩn bị hồ sơ đăng ký học và đăng ký visa sau khi nhận được thông báo nhập học.

Sau khi chọn được ngành học, tôi đã cân nhắc và lựa chọn quốc gia theo học dựa trên sở thích về văn hóa, lối sống hoặc có người thân, bạn bè đang sinh sống và học tập tại nước sở tại. Sau khi có danh sách những quốc gia bản thân yêu thích, tôi đã ứng dụng “Google thần chưởng” để tìm hiểu sâu hơn về chính sách hỗ trợ sinh viên quốc tế và đưa ra lựa chọn phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của bản thân.

Một “bí kíp” giúp tôi khoanh vùng và chọn trường dễ hơn là tìm theo bang, thành phố. Chỉ cần vài lần “Google”, vài lần “ngụp lặn” trong các group cộng đồng du học sinh của các trường là có thể nắm được chương trình đào tạo, review về chương trình học cũng như văn hóa, phong cách học tập tại trường. Tùy mỗi người sẽ có những tiêu chí ưu tiên để quyết định chọn trường và để mọi thứ có hệ thống, nhanh chóng hơn còn tôi thì liệt kê các thông tin, nhu cầu của bản thân vào các bảng excel để tiện so sánh, đối chiếu.

Bước “lọc” trường qua bảng excel đã giúp tôi thu hẹp phạm vi còn vài trường phù hợp với nhu cầu học tập và trải nghiệm bản thân. Điều tiếp theo cần xem xét là yêu cầu xét tuyển của trường. Điều tôi đúc kết được qua quá trình chọn trường là mặc dù mình sẽ apply theo 3 mức độ: khó, trung bình và dễ; nhưng đó đều là những trường vừa sức với chất lượng đào tạo tốt và chi phí học hợp lý. Không nên cứ chọn trường “khó” để đạt ước mơ IVY League của Mỹ, Top 10 của Canada, hay G8 của Úc nếu lực học hoặc năng lực tài chính chưa đạt.    

Xếp hạng của trường trong các bảng xếp hạng uy tín cũng là một yếu tố để cân nhắc. Tuy nhiên, bản thân tôi cũng phải kiểm tra nhiều bảng xếp hạng khác nhau để đối chiếu mức độ chính xác của bảng xếp hạng.

Không nên chọn trường “khó” để đạt ước mơ IVY League của Mỹ, Top 10 của Canada, hay G8 của Úc nếu lực học hoặc năng lực tài chính chưa đạt.

Ví dụ, trường A trong bảng xếp hạng của trang này nằm trong top 3 ở trang khác thì rớt xuống top 7. Sự chênh lệch không nhiều nên tôi cũng khá yên tâm vì trường vẫn nằm trong khoảng top 10 về mặt xếp hạng. Nhưng có vài trường, tôi đối chiếu ở một trang nằm top 100 nhưng sang những trang khác lại “lạc trôi” ở tận Top 300 hoặc 500 thì mình cần xem xét những khía cạnh khác của trường để có những đánh giá chất lượng đào tạo sát thực tế nhất.

“Chốt” được trường phù hợp sẽ đến bước chuẩn bị hồ sơ. Bước này và bước đăng ký visa trở nên “khó nhằn” là bởi khối lượng giấy tờ cần chuẩn bị không hề nhỏ. Do đó, lời khuyên của tôi là các bạn nên scan sẵn tất cả các giấy tờ, chứng chỉ học thuật cũng như lưu phương thức liên lạc với các cơ sở cung cấp chứng chỉ để đề phòng trường hợp trường bạn nộp đơn yêu cầu cơ sở đó gửi trực tiếp chứng chỉ cho trường.

Việc scan sẵn giấy tờ sẽ giúp bạn có thêm thời gian để chuẩn bị motivation letter và reference letter – những tài liệu cần đầu tư thời gian để tạo nên sự khác biệt. Tương tự với CV ứng tuyển việc làm, việc gửi motivation letter và reference letter “trăm mẫu như một” là hành động không mấy khôn ngoan nên yếu tố tùy chỉnh cho từng trường là cần thiết.

* Chọn ngành, chọn quốc gia, chọn trường đã xong, chị Tuyết có thể chia sẻ về quá trình đăng ký visa của bản thân, vốn là một bước tốn khá nhiều thời gian?

Sau khi đăng ký visa vào ba nước Mỹ, Úc và Canada tôi cũng đúc kết được vài điểm khác biệt về yêu cầu, cách đăng ký và thời gian trả kết quả của từng quốc gia.

Quá trình đăng ký visa sẽ có sự khác biệt giữa từng quốc gia.
Nguồn: Avanse

Về yêu cầu, đối với Mỹ thì họ không yêu cầu khám sức khỏe trong quá trình đăng ký bởi khâu này đã được đính kèm trong bộ hồ sơ bạn nộp cho trường. Visa Úc thì họ sẽ chỉ định những agency kiểm tra sức khỏe và bạn phải có giấy chứng nhận sức khỏe từ các cơ quan đó để hoàn tất hồ sơ. Canada cũng yêu cầu giấy chứng nhận sức khỏe để có thể hoàn tất thủ tục đăng ký.

“Nhẹ gánh” phần khám sức khỏe nhưng đăng ký visa Mỹ phải trải qua vòng phỏng vấn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Tương tự, với visa Canada, dù không có vòng phỏng vấn chính thức nhưng khi sang tới Canada thì bạn cũng phải phỏng vấn để lấy study permit trước khi nhập cảnh. Ngược lại, visa Úc có phần dễ thở hơn khi không yêu cầu phỏng vấn, chỉ cần nộp đủ giấy tờ cần thiết và bạn đã có thể yên tâm chờ đến ngày lên đường sau khi nhận được visa và nhập cảnh thuận lợi.

Về cách đăng ký, cả 3 quốc gia đều cho làm thủ tục qua cổng đăng ký trực tuyến (portal). Có một vài lưu ý với từng nước tôi đúc kết được. Tại cổng đăng ký của Úc bạn chỉ cần điền thông tin theo yêu cầu, đính kèm file scan các giấy tờ chứng minh tài chính và chứng nhận sức khỏe là đã hoàn thành hồ sơ. Thời gian chờ duyệt hồ sơ trung bình của Úc là 6 tuần.

Ngược lại, thời gian chờ duyệt hồ sơ visa Canada thường sẽ lâu hơn, trung bình là 12 tuần. Nhưng cũng có những trường hợp “chẳng may” và có thể bị hoãn khiến thời gian chờ lên 9-12 tháng. Bên cạnh đó xin visa du học Canada có 2 diện: SDS (miễn chứng minh năng lực tài chính) và diện chứng minh tài chính. Nhưng thực tế, dù đăng ký diện nào thì bạn cũng nên “lận lưng” các giấy tờ chứng minh tài chính với các quy định nghiêm ngặt như giá trị sổ tiết kiệm, thời hạn từ 1 năm, và đã mở được vài tháng trước thời điểm nộp hồ sơ.

Với visa Mỹ, phần nộp hồ sơ không quá “nhiêu khê” vì các hồ sơ chứng minh tài chính, đã phải hoàn thành và gửi cho trường đại học xét duyệt trước đó để đi đến các bước giấy tờ cho hồ sơ xin visa du học (F1). Nên phần điền thông tin trên portal của Mỹ đa phần là điền mã code của biên nhận chứng minh bạn đã đóng các khoản phí cần thiết hoặc mã form, hồ sơ do nhà trường yêu cầu. Thời gian trả visa của Mỹ cũng khá ngắn, chỉ cần nhận được cái “gật đầu” trong buổi phỏng vấn thì visa có thể được gửi đến nhà bạn từ 4 đến 10 ngày làm việc.

* Vậy giữa việc đăng ký visa qua agency và tự làm, chị Tuyết ưu tiên phương pháp nào hơn?

Quan điểm của tôi là nếu các bạn vừa tốt nghiệp hoặc các em học sinh cấp 3 thì nên có sự hỗ trợ của người thân, bạn bè – những người đã có kinh nghiệm – hoặc nếu không có thì nên nhờ đến sự hỗ trợ của các agency du học. Bởi “xin” visa là một quá trình rất “hành chính” nên nếu chưa có kinh nghiệm giải quyết các giấy tờ thì sự trợ giúp từ những người có kinh nghiệm sẽ có ích rất nhiều.

Đối với những bạn đã đi làm được 3-5 năm thì tôi nghĩ chúng ta nên tự làm bởi đây là cơ hội để các bạn tập làm quen với việc tự chuẩn bị, tự nghiên cứu, tự phân tích – đều là những kĩ năng cần thiết cho các chương trình học bậc cao như Thạc sĩ. Hơn nữa, việc tự chuẩn bị cũng tiết kiệm chi phí hơn một chút.

“Xin” visa là một quá trình rất “hành chính” nên nếu chưa có kinh nghiệm giải quyết các giấy tờ thì sự trợ giúp từ những người có kinh nghiệm sẽ có ích rất nhiều.
Nguồn: Pexels

* Phỏng vấn visa Mỹ được xem là phần “thót tim” nhất trong quá trình đăng ký, buổi phỏng vấn visa Mỹ của chị Tuyết diễn ra như thế nào?

Hôm đó tôi may mắn chỉ “bị” hỏi 3 câu. Câu đầu tiên khá cơ bản là nói về công việc hiện tại của bản thân. Một câu hỏi cơ bản nhưng nếu bạn trả lời cũng “cơ bản” và chỉ dừng lại ở câu “tôi đang làm công việc A” thì khả năng bị rớt cũng khá cao.

Tôi hay kể đùa với mọi người là trả lời những câu hỏi này nên trả lời với tâm thế thi IELTS. Tức là bạn cần diễn giải thêm về công việc bạn đang làm, kể về công ty của bạn hoạt động trong lĩnh vực nào, có những dự án nổi bật gì để nhân viên Lãnh sự có thể hiểu rõ và hiểu đúng về nội dung công việc hiện tại.

Du học là một cơ hội trải nghiệm quý giá, hãy dành thời gian, công sức để có thể đặt chân đến những nơi thật sự chất lượng và giúp bạn mở rộng con đường sự nghiệp.

Sau phần trả lời câu 1 khá trôi chảy, nhân viên lãnh sự tiếp tục hỏi về ngành học của tôi ở trường bên Mỹ. Câu hỏi này cũng không quá phức tạp và tôi đã liên kết được sự liên quan giữa ngành học (e-Commerce) với kinh nghiệm nhiều năm làm trong lĩnh vực Marketing tại Việt Nam. Nhưng với một số bạn khi ngành học và kinh nghiệm làm việc của bạn không quá liên quan với nhau thì các bạn nên chuẩn bị trước phần trả lời cho những câu hỏi đào sâu hơn về lí do vì sao bạn quyết định chuyển ngành, mục tiêu và kế hoạch của bạn sau khi học xong từ nhân viên lãnh sự.

Tuy nhiên, câu hỏi cuối cùng về ngành học ở bậc cử nhân đã khiến tôi hơi lo lắng trong lòng một chút. Bởi tôi học đại học chuyên ngành báo chí – một ngành hơi “xa” với e-Commerce. Với câu hỏi này, tôi vẫn trả lời rõ ràng về ngành học cử nhân của mình cũng như tập trung nhấn mạnh lại về những năm kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực Marketing để người phỏng vấn thấy rõ lộ trình học tập và sự nghiệp của mình.

* Chị Tuyết có lời khuyên nào dành cho các bạn đang chuẩn bị hành trang để “xuất cảnh” trong tương lai?

Qua quá trình chuẩn bị hồ sơ du học cho 3 quốc gia Mỹ, Úc và Canada tôi nghĩ các bạn sẽ cần rất kiên nhẫn để nghiên cứu thật kĩ về quốc gia, ngành học, và trường đào tạo trước khi quyết định nộp hồ sơ. Với một lượng lớn giấy tờ cần chuẩn bị thì việc lên kế hoạch và nhờ sự trợ giúp khi cần thiết là điều nên làm để quá trình chuẩn bị được suôn sẻ và nhanh chóng hơn.

Một điểm nữa là tôi nghĩ các bạn đừng quá vội vàng khi vừa tốt nghiệp là đăng ký học thạc sĩ ngay để “trám” vào thời gian chưa tìm được việc làm. Bởi theo tôi, du học là một cơ hội trải nghiệm quý giá nên hãy dành thời gian, công sức để bản thân có thể đặt chân đến những nơi thật sự chất lượng và giúp bạn mở rộng con đường sự nghiệp của mình.

* Cảm ơn chị về những chia sẻ thú vị trên!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Theo Thu Nga / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam