Bức tranh ngành PR thế giới từ góc nhìn của Global Alliance

Bức tranh ngành PR thế giới từ góc nhìn của Global Alliance

Ngày 11/11, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch & Giám đốc điều hành Liên minh Toàn cầu về Quan hệ công chúng và Truyền thông Global Alliance, ông Justin Green và CAO, ông Mateus Furlanetto, đã có buổi gặp gỡ với cộng đồng người làm PR tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hai ông đã chia sẻ về bức tranh ngành Quan hệ công chúng trên thế giới thông qua báo cáo “Trends & Insights in PR & Communications from Around the World”.

Báo cáo được thực hiện với những người làm PR tại Canada, Mỹ, Pháp, Phần Lan, Cộng hòa Ireland, Puerto Rico, Peru, Trung Quốc, Indonesia, Kenya, và New Zealand.

Sau đây là một số điểm nổi bật:

Công nghệ trong ngành PR & Truyền thông

Ngành PR và Truyền thông thế giới phát triển rất mạnh mẽ, tích hợp các ứng dụng khoa học công nghệ và phương thức đổi mới sáng tạo khác. Các loại hình sự kiện online và hybrid không chỉ giúp các nhà tổ chức thu hút tương tác khán giả từ bất kỳ đâu trên thế giới mà còn thuận tiện cho việc lưu trữ dữ liệu, hình ảnh cho các VOD (video - on - demand). A.I. và dữ liệu tiếp tục là những từ khóa hot, nhất là khi các công cụ social listening, theo dõi tin tức, phân tích người dùng ngày càng phát triển để các doanh nghiệp kết nối với khách hàng tốt hơn và chuẩn bị cho những khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra. Nhân sự PR tại các quốc gia đã bày tỏ quan ngại về lượng tin giả, và các chiến dịch truyền thông mạng xã hội gây tranh cãi tăng cao, do vậy, họ cũng cần nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát và bảo vệ hình ảnh của doanh nghiệp, tổ chức.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tăng cường sử dụng công nghệ để quản lý công việc và giao tiếp cũng sẽ cần lưu ý tới trải nghiệm của nhân viên. Với các đội nhóm đa khu vực, đa quốc gia hoặc đi theo mô hình hybrid, tương tác giữa người và người càng cần được chú trọng để mọi thành viên đều cảm thấy thật sự là một phần của đội nhóm.

Đặc điểm công việc của chuyên viên PR tại các quốc gia khá tương đồng

Tại các quốc gia được khảo sát, top 5 trách nhiệm của những người làm PR bao gồm: Quan hệ truyền thông/ báo chí, xây dựng chiến lược truyền thông, quản lý khủng hoảng, quản lý mạng xã hội và truyền thông số, truyền thông nội bộ.

Không ngạc nhiên khi các công việc liên quan tới thiết kế, sáng tạo nội dung, quản lý mạng xã hội và truyền thông trên môi trường số cũng phổ biến với nhân sự PR, nhất là khi PR và Marketing không đi riêng lẻ mà song hành trong các chiến dịch tích hợp hiện nay. Mạng xã hội là kênh truyền thông vô cùng quan trọng để kết nối với cộng đồng trong thời đại 4.0, vì vậy, người làm PR cũng luôn cần trau dồi kiến thức và cập nhật các xu hướng mạng xã hội mới nhất. 

Tỷ lệ nữ giới áp đảo nam giới, nhưng số các lãnh đạo cấp cao là nữ vẫn còn thấp

Theo Global Alliance, nữ giới chiếm đa số nhân sự PR tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, ở Phần Lan và Puerto Rico, tỷ lệ đó lên tới 91% và 85%. Indonesia được ghi nhận là quốc gia có tỉ lệ nam - nữ tương đối cân bằng: 45.4% và 54.5%. Cũng theo ông Justin Green, tỷ lệ nữ giới nắm các vị trí lãnh đạo cấp cao vẫn còn thấp, tuy nhiên đã có sự tăng lên trong những năm gần đây.

Bức tranh ngành PR thế giới từ góc nhìn của Global Alliance

Tỷ lệ nam nữ trong nhân sự PR (trích từ báo cáo của Global Alliance tại sự kiện 11/11/2022)

Theo tổ chức Global Women in PR (GWPR), 4 yếu tố giúp tăng tỉ lệ lãnh đạo nữ trong ngành PR sẽ là: sự linh hoạt về thời gian và địa điểm trong công việc, có thêm nhiều hình mẫu nhân sự nữ giữ các vị trí cấp cao trong tổ chức, sự nhận thức của các cấp lãnh đạo về vấn đề bình đẳng giới, và mentoring - các chương trình cố vấn.

Tỉ lệ người trẻ làm việc trong ngành PR tại một số quốc gia còn thấp

Tại các quốc gia được khảo sát, nhân sự chủ yếu tập trung trong độ tuổi từ 25 - 54. Trung Quốc, Indonesia và Kenya có tỉ lệ nhân sự từ 25 - 34 tuổi cao nhất, trong khi đó tại Mỹ và Phần Lan, nhân sự từ 35 - 44 tuổi chiếm tỉ lệ lớn hơn, và tại Canada, nhân sự từ 45 - 54 tuổi chiếm phần lớn.

Bức tranh ngành PR thế giới từ góc nhìn của Global Alliance

Phân bố độ tuổi nhân sự PR (trích từ báo cáo của Global Alliance tại sự kiện 11/11/2022)

Đáng chú ý hơn, tỉ lệ nhân sự từ 18 - 24 tuổi - thế hệ đang được đào tạo trên ghế nhà trường và ở những năm đầu của sự nghiệp tại hầu hết các quốc gia còn thấp, dưới 20%. Canada, Puerto Rico và Ireland là những nước có tỉ lệ dưới 10%. Trong khi đó, Indonesia có tới 31.4% nhân sự trong độ tuổi này.

Việc đẩy mạnh giáo dục, hướng nghiệp ngành Quan hệ công chúng & Truyền thông và thu hút nhân lực trẻ vẫn sẽ là những vấn đề cần chú trọng. Tại hầu hết các quốc gia được khảo sát, các nhân sự lo lắng về đánh giá của công chúng về giá trị và tính hấp dẫn của ngành PR so với các ngành nghề khác như Quảng cáo và Marketing và vị trí của các chuyên viên PR trong các phòng ban doanh nghiệp. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao và những khoảng trống trong giáo dục và đào tạo chuyên nghiệp trong ngành PR. 

Tôn chỉ mục tiêu kinh doanh là điều tối quan trọng, và các mục tiêu về ESG đều được xem là tiêu chí phát triển bền vững của doanh nghiệp

Theo Global Alliance, top 5 trong số 16 xu hướng toàn cầu có ảnh hưởng trong năm 2022 bao gồm: 

  • Tôn chỉ mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp

  • Số hóa (digitalisation)

  • Tính đa dạng, công bằng và tính toàn diện

  • Lãnh đạo có trách nhiệm

  • Quản lý doanh nghiệp và đạo đức nghề nghiệp

Theo ông Justin Green, tôn chỉ mục tiêu không chỉ là thứ doanh nghiệp đặt ra cho các bên liên quan; doanh nghiệp phải cùng các bên liên quan tạo nên tôn chỉ đó, thúc đẩy việc tạo ra một bản sắc tập thể, có ý nghĩa và tạo ra lực lượng để chuyển đổi hàng loạt, hướng tới một mục tiêu chung.

Ngoài ra, so với các năm trước, 2 xu hướng mới xuất hiện trong danh sách là sự tin tưởng của các bên liên quan (đứng thứ 8) và danh tiếng của các CEO (đứng thứ 14). Các xu hướng còn lại trong danh sách bao gồm:

  • Danh tiếng và rủi ro liên quan

  • Truyền thông trước công chúng

  • 2030 Agenda

  • Đo lường và báo cáo môi trường - xã hội - quản trị (ESG)

  • Tương lai của công việc

  • An ninh mạng

  • Kích hoạt thương hiệu

  • Biến đổi khí hậu

  • Đầu tư bền vững

Đo lường các chỉ số ESG tiếp tục là mối quan tâm của các doanh nghiệp và tổ chức, đứng thứ 10 trong danh sách của Global Alliance. Tuy nhiên, chưa có đủ nhiều các doanh nghiệp thực sự hành động và đầu tư để cải thiện tình hình. 

Theo báo cáo mới nhất về ngành PR toàn cầu của Tổ chức Tư vấn Truyền thông Quốc tế ICCO - ICCO World PR Report 2022 - 2023, ESG đứng đầu trong số các mảng sẽ được các đơn vị PR tăng cường đầu tư tại tất cả các châu lục. Bền vững và môi trường cũng nằm trong top 3 chủ đề được đề cập tới. Vì vậy, có thể hi vọng rằng năm 2023 sẽ chứng kiến những hành động thiết thực, cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa của các tổ chức, doanh nghiệp về ESG và chống lại biến đổi khí hậu.

Mạng lưới Quan hệ công chúng Việt Nam được kết nạp trở thành thành viên quốc gia của Global Alliance 

Nhân chuyến thăm và công tác tại Việt Nam, ông Justin Green đã chính thức công nhận Mạng lưới Quan hệ công chúng Việt Nam VNPR trở thành thành viên chính thức trong mạng lưới toàn cầu của Global Alliance. VNPR cũng là đại diện Việt Nam đầu tiên, góp phần kết nối cộng đồng người làm PR Việt Nam tới thêm một tổ chức quốc tế có ảnh hưởng lớn sau Mạng lưới Quan hệ công chúng ASEAN (APRN).

Ông Nguyễn Khoa Mỹ, Chủ tịch VNPR chia sẻ: “Đây là cú hích để VNPR tiếp tục sứ mệnh xây dựng PR tại Việt Nam thành ngành nghề có chuẩn mực, đáng tôn vinh và ngày một tiệm cận với sự phát triển toàn cầu. Sự hỗ trợ từ mạng lưới toàn cầu sẽ là động lực để người làm PR chuyên nghiệp ở Việt Nam tiếp tục cống hiến cho những giá trị chung tốt đẹp trong bối cảnh truyền thông hiện đại”.

Bức tranh ngành PR thế giới từ góc nhìn của Global Alliance

Ông Justin Green trao giấy chứng nhận tư cách thành viên trong mạng lưới toàn cầu cho ông Nguyễn Khoa Mỹ – Chủ tịch VNPR