SEO PDF: Tối ưu file PDF cho Digital Marketing
Tối ưu file PDF là một trong những cách sáng tạo để marketing website. Vậy làm thế nào để tối ưu hóa PDF? Dưới đây là 7 bước đơn giản mà ai cũng làm được.
Định dạng PDF được sử dụng rất phổ biến trong các cơ quan nhà nước, trong môi trường giáo dục cũng như trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Kể từ năm 2001, Google đã bắt đầu lập chỉ mục cho các file PDF, nhờ đó số lượng các truy vấn tìm kiếm liên quan đến tài liệu PDF cũng đã gia tăng đáng kể.
Và trong khi những người làm Digital Marketing đang dành nhiều thời gian và nguồn lực cho những kênh truyền thông tiếp thị hiện đại, thì vai trò của PDF dường như đã bị lãng quên đến mức hiếm ai nghĩ đến việc tạo ra một file PDF để marketing cho website và thương hiệu của mình.
Nhưng điều này không có nghĩa là phương pháp Digital Marketing website bằng PDF đã chết, ngược lại, nó vẫn đang phát huy hiệu quả trong chiến lược Content Marketing với hàng loạt các lợi ích như:
- Thu hút lưu lượng truy cập chất lượng cao cho website;
- Nâng cao uy tín cho thương hiệu;
- Xây dựng độ tin cậy cho website;
- Cung cấp thông tin hữu ích cho khách hàng cả trước, trong và sau khi mua sản phẩm dịch vụ;
- ......
Dưới đây, hãy tìm hiểu cách Google xử lý và lập chỉ mục file PDF, cũng như cách tối ưu file PDF để Marketing cho website.
CÁCH GOOGLE LẬP CHỈ MỤC FILE PDF
Giả sử, bạn đang muốn tìm những tài liệu liên quan đến các nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng tại Việt Nam, các truy vấn tìm kiếm mà bạn có thể sử dụng có thể là:
- Vietnam consumer behavior pdf;
- Vietnam consumer behavior research;
- Vietnam consumer behavior report;
- Báo cáo hành vi người tiêu dùng Việt Nam;
- ......
Trong danh sách các kết quả tìm kiếm, bạn có thể thấy một số trang web được gắn nhãn là PDF, báo hiệu rằng trình duyệt web sẽ mở tài liệu PDF khi bạn nhấp vào kết quả này.
Nhìn sơ bộ, cách hiển thị của file PDF trên trang kết quả tìm kiếm gần như giống hệt các trang web thông thường, đó là nhờ Google đã chuyển đổi file PDF đó thành dạng văn bản HTML.
Ngoài ra, đối với các hình ảnh trong file PDF, Google cũng quét và lập chỉ mục để chúng hiển thị trong trang kết quả tìm kiếm Google Image.
NHƯỢC ĐIỂM CỦA FILE PDF ĐỐI VỚI SEO MARKETING
Mặc dù Google cho phép lập chỉ mục PDF, nhưng định dạng này có khá nhiều nhược điểm so với khi được trình bày dưới dạng một trang web, gồm có:
- Không thân thiện với thiết bị di động. Các file PDF được tạo ra để đảm bảo tính thống nhất cấu trúc của nội dung trong file khi hiển thị trên các loại thiết bị khác nhau, do đó người dùng sẽ gặp khó khăn nếu muốn đọc một file PDF trên thiết bị di động của mình.
- Không có thanh menu điều hướng. Hầu như các file PDF khi được tạo ra không có các yếu tố như mục lục điều hướng hoặc button Back-to-Top, do đó, rất khó để người dùng tìm đến những nội dung mà họ mong muốn khi xem tài liệu PDF.
- Không được thu thập dữ liệu thường xuyên. Nội dung trong file PDF rất hiếm khi thay đổi, do đó Googlebot cũng thường ít thu thập thông tin từ các file PDF hơn các trang web thông thường.
- Khó khăn trong việc theo dõi hiệu quả hoạt động. Ngày nay, đa phần các công cụ theo dõi phổ biến đều hoạt động dựa trên mã Javascript, nhưng các đoạn mã này không thể hoạt động được trong file PDF.
Nói cách khác, sẽ có một số trường hợp bạn không nên sử dụng PDF cho chiến lược Content Marketing của mình.
KHI NÀO NÊN SỬ DỤNG PDF ĐỂ MARKETING WEBSITE?
PDF (viết tắt của Portable Document Formats) thường được sử dụng khi bạn muốn người xem có thể in tài liệu của mình để xem offline với các thông số kỹ thuật mà bạn đã cài đặt sẵn.
Do đó, các nội dung thích hợp để tạo file PDF gồm có:
- Ebook
- Các nội dung ngoại tuyến
- Các tài liệu kỹ thuật
- Các tài liệu nghiên cứu hoặc báo cáo
- Quà tặng để thu thập thông tin khách hàng
Nói chung, bạn sẽ muốn file PDF của mình hoạt động tương tự như một trang web HTML, tức chứa các liên kết đến các trang khác trên website của bạn, hoặc thậm chí, biến nội dung trong file PDF thành một trang web HTML đồng thời ngăn chặn Google lập chỉ mục file PDF đó sau khi đã tạo một tùy chọn cho phép download file PDF này.
VẬY LÀM THẾ NÀO ĐỂ SEO BẰNG FILE PDF?
Trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể áp dụng các phương pháp SEO Onpage cho trang web để tối ưu hóa file PDF, hay nói dễ hiểu hơn, bạn cần phải sử dụng một số hoạt động dưới đây để SEO PDF:
- Tạo nội dung hữu ích ưu tiên người dùng;
- Tối ưu hóa tiêu đề;
- Tối ưu hóa phần mô tả;
- Đặt tên file thân thiện với SEO;
- Thêm thuộc tính ALT cho tất cả các ảnh trong file;
- Sử dụng các thẻ heading cho tiêu đề chính và tiêu đề phụ trong file;
- Thêm các liên kết vào file.
Hãy cùng xem qua chi tiết của từng mục.
#1: Tạo nội dung hữu ích ưu tiên người dùng
Ngay cả khi nó không phải là một trang web, thì Google vẫn có thể đọc hiểu các nội dung văn bản trong file PDF và chuyển đổi nó thành dạng văn bản HTML.
Do đó, điều bạn cần làm chính là tạo ra một file PDF có nội dung hữu ích ưu tiên người dùng, giống hệt như cách mà bạn sáng tạo nội dung chuẩn SEO trên website của mình.
Nói cách khác, nội dung của bạn cần phải:
• Phù hợp với mục đích tìm kiếm của người dùng;
• Cung cấp thông tin chuẩn xác, chuyên sâu, có độ tin cậy cao và do người có chuyên môn đưa ra ý kiến;
• Trình bày dễ hiểu, vừa đủ để giải quyết trọn vẹn vấn đề mà người dùng đang quan tâm mà không cần phải chuyển sang một trang web khác;
• Bố cục trình bày hợp lý, dễ theo dõi.
#2: Tối ưu hóa tiêu đề
Giống như bất kỳ trang web HTML nào, file PDF cũng có thẻ tiêu đề (meta title) dùng để hiển thị trên trang kết quả công cụ tìm kiếm.
Trong trường hợp một file PDF không có thẻ tiêu đề, Google sẽ sử dụng tên file để làm tiêu đề đại diện cho nó.
Để tạo ra một thẻ tiêu đề được tối ưu hóa cho file PDF, bạn có thể điền đầy đủ thông tin của file trong quá trình khởi tạo bằng các công cụ hỗ trợ tạo file PDF như Foxit PhantomPDF hay Adobe Acrobat Pro DC.
Trong trường hợp bạn đã quên thêm tiêu đề PDF trong quá trình tạo mới, bạn hoàn toàn có thể bổ sung bằng các làm theo các bước sau trong Foxit Reader:
- Bước 1: Mở file PDF cần thêm tiêu đề, sau đó chọn File > Properties.
- Bước 2: Trong mục Title, bạn điền tiêu đề SEO cho file PDF.
- Bước 3: Nhấn vào Save để lưu lại. Sau khi lưu, bạn sẽ thấy tiêu đề file PDF được hiển thị trong ứng dụng đọc file tương tự như hình dưới đây.
#3: Tối ưu hóa phần mô tả
Mô tả của file PDF là phần nội dung xuất hiện bên dưới tiêu đề của file PDF trên trang kết quả tìm kiếm.
Cũng giống với thẻ mô tả trên các trang web HTML, phần mô tả của file PDF không ảnh hưởng đến xếp hạng trên trang kết quả tìm kiếm, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến mức độ thu hút đối với người dùng.
Để thêm mô tả cho file PDF, bạn cũng có thể sử dụng Foxit PhantomPDF hoặc Adobe Acrobat Pro DC, tương tự như cách bạn thêm tiêu đề vào trong file PDF.
Các bước thực hiện trên Adobe Acrobat Pro DC phiên bản 2020.009.20065 như sau:
- Bước 1: Mở file PDF, sau đó nhấn tổ hợp phím tắt Ctrl + D hoặc chọn File > Properties... để mở bảng Document Properties.
- Bước 2: Trong tab Description, điền nội dung phần mô tả cho file PDF vào phần Subject rồi nhấn nút OK.
- Bước 3: Nhấn tổ hợp phím Ctrl + S hoặc chọn File > Save để lưu các thay đổi. Vậy là xong.
#4: Đặt tên file thân thiện với SEO
Tên file PDF sẽ giúp Google hiểu rõ hơn về nội dung trong file, do đó, bạn cũng cần áp dụng các nguyên tắc giống như khi đặt URL cho một trang web.
Ví dụ, thay vì đặt tên file PDF là "Hướng dẫn sử dụng máy in Brother.pdf", bạn nên sử dụng tên file là "huong-dan-su-dung-may-in-brother.pdf".
#5: Thêm tiêu đề và thuộc tính ALT cho tất cả các ảnh trong file
Như tôi đã đề cập ở trên, Google cũng có khả năng lập chỉ mục cho các hình ảnh trong file PDF nếu bạn thiết lập nó một cách tối ưu, do đó, bạn cần thêm tiêu đề và thuộc tính ALT cho mọi hình ảnh trong file PDF của mình nếu muốn chúng được index.
Để thêm tiêu đề và thuộc tính ALT cho ảnh trong PDF, bạn nên sử dụng phần mềm Adobe Acrobat Pro DC và thực hiện theo các bước dưới đây:
- Bước 1: Mở file PDF và chọn Tools.
- Bước 2: Lựa chọn chức năng Set Alternate Text bằng cách nhập từ khóa vào khung tìm kiếm.
- Bước 3: Nhập văn bản thay thế cho từng hình ảnh vào khung Alternate Text, sau đó nhấn Save & Close.
- Bước 4: Nhấn tổ hợp phím Ctrl + S hoặc truy cập File > Save để lưu các thay đổi trên file. Vậy là xong!
#6: Sử dụng các thẻ heading cho tiêu đề chính và tiêu đề phụ trong file
Giống với việc sử dụng các thẻ tiêu đề H1 - H6 trên trang web, bạn hoàn toàn có thể thêm các thẻ Heading này cho các tiêu đề chính hoặc phụ trong file PDF.
Để đánh dấu thẻ Heading cho văn bản trong file PDF, bạn nên sử dụng Adobe Acrobat Pro DC theo hướng dẫn sau;
- Bước 1: Mở file PDF và chọn mục Tags trong panel bên tay trái.
- Bước 2: Lựa chọn phần văn bản cần đánh dấu, sau đó nhấp chuột phải và chọn Properties....
- Bước 3: Trong tùy chọn Type, lựa chọn loại thẻ Heading từ Level 1 đến Level 6 mà bạn mong muốn rồi nhấn vào nút Close.
- Bước 4: Nhấn tổ hợp phím Ctrl + S hoặc chọn File > Save để lưu các thay đổi. Vậy là xong!
#7: Thêm các liên kết vào file
Giống như các trang web HTML thông thường, các internal link và external link trong file PDF cũng có tác động đến thứ hạng của trang web.
Thay vì tạo ra file PDF hoàn toàn bằng văn bản và hình ảnh, bạn cần thêm các liên kết nội bộ và liên kết bên ngoài giống như khi tạo nội dung cho một trang web nhằm chuyển PageRank đến các trang web quan trọng trên website.
Lý do là vì các file PDF thường có chỉ số PageRank khá cao nhờ việc tích lũy link juice từ các tên miền giới thiệu (referral domain) đã trích dẫn và đặt backlink đến các file này.
Ví dụ, tài liệu này của USDA nhận được 217 backlink từ 93 tên miền giới thiệu có chỉ số Domain Authority rất cao, nhờ đó, họ đã chuyển một lượng lớn PageRank sang trang chuyên mục cấp cao hơn của mình thông qua internal link đặt ở phía cuối của tài liệu.
Để thêm liên kết vào file PDF, cách đơn giản mà bạn có thể làm như sau:
- Bước 1: Mở file PDF bằng phần mềm Adobe Acrobat Pro DC (tôi đang sử dụng phiên bản 2020.009.20065) và nhấp vào nút Edit PDF ở panel bên tay phải.
- Bước 2: Chọn phần văn bản hoặc hình ảnh muốn chèn link, sau đó nhấp chuột phải và chọn Create Link...
- Bước 3: Chọn Link Type là Invisible Rectangle, đánh dấu vào Open a new web page trong phần Link Action, sau đó nhấn nút Next.
- Bước 4: Thêm URL và nhấn OK.
- Bước 5: Bạn có thể tùy chỉnh để làm nổi bật phần văn bản chứa liên kết nhờ chức năng Formating ở panel bên phải. Sau khi đã hoàn tất, hãy nhấn tổ hợp phím Ctrl + S hoặc chọn File > Save để lưu lại các thay đổi. Vậy là xong!
CÁCH THEO DÕI SỐ LƯỢT TRUY CẬP FILE PDF TRÊN WEBSITE
Bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thiết lập số lượt xem file PDF trên website bởi các đoạn mã Javascript không hoạt động trên PDF.
Chính vì thế, nhiều người lựa chọn phương án chỉ cho phép download file PDF sau khi người dùng đã đăng ký biểu mẫu nhận file, hoặc chuyển nội dung trong file PDF thành dạng trang web HTML.
Mặc dù vậy, vẫn có một số cách khác giúp bạn theo dõi số lượng truy cập file PDF trên website:
- Theo dõi Event. Trong Google Analytics 4 (GA4), bạn có thể thiết lập sự kiện chuyển đổi để theo dõi số lần nhấp vào liên kết PDF, nhờ đó, bạn sẽ biết được có bao nhiêu người đã xem file PDF của mình. Xem cách thiết lập Event trên GA4 tại đây.
- Nhúng file PDF vào một trang web Javascript hoặc iframe. Về cơ bản, đây là cách mà tôi đang áp dụng trên website của mình vì nó đơn giản và tiện lợi.
- Xem trên Server log. Vì file PDF được lưu trữ trên hosting của bạn, do đó, bất kỳ lượt truy cập nào cũng được server ghi nhận lại. Chính vì thế, bạn có thể biết chính xác file PDF đã được xem bao nhiêu lần bằng cách truy cập vào file log trên server.
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI SEO PDF
#1: Đảm bảo dung lượng file PDF luôn dưới 15 Mb
Googlebot chỉ thu thập dữ liệu và lập chỉ mục cho 15 Mb dữ liệu đầu tiên từ những trang web HTML hoặc tài liệu mà nó truy cập, và bỏ qua phần nội dung còn lại.
Do đó, nếu tài liệu PDF của bạn quá nặng, bạn nên chia nhỏ file PDF thành nhiều file nhỏ để đảm bảo tất cả các nội dung quan trọng đều được lập chỉ mục.
Bên cạnh đó, nếu có thể, hãy nén file PDF nhằm giảm thiểu dung lượng xuống mức tối ưu.
#2: Tối ưu font chữ trong file PDF
Trình đọc PDF hỗ trợ các loại font chữ tiêu chuẩn sau:
- Times New Roman;
- Helvetica;
- Courier;
- Symbol;
- Zapf Dingbats.
Nếu sử dụng các loại font chữ khác, bạn sẽ phải nhúng nó vào file PDF, từ đó khiến dung lượng file tăng lên.
Chính vì thế, tôi khuyến khích bạn chỉ nên sử dụng font chữ Helvetica hoặc Times New Roman để đảm bảo tính dễ đọc, quen thuộc và tối ưu dung lượng file.
#3: Nên sử dụng hình ảnh vector (svg) thay vì bitmap
Sử dụng hình ảnh vector sẽ làm giảm đáng kể dung lượng file so với việc sử dụng các hình ảnh loại bitmap.
Trong trường hợp bạn bắt buộc phải sử dụng hình ảnh bitmap, hãy sử dụng ảnh trắng đen thay vì ảnh màu bất kỳ khi nào có thể để làm giảm nhẹ dung lượng file PDF.
#4: Đặt tên file chứa từ khóa tối ưu
Google sử dụng tên file PDF giống như cách mà nó xử lý đối với URL của website, do đó, mặc dù bạn có thể sử dụng tên tiếng Việt có dấu để đặt tên file theo thói quen vì nó dễ đọc, nhưng cách đặt tên file PDF tối ưu cho SEO nhất chính là tiếng Việt không dấu và sử dụng dấu gạch nối thay cho khoảng trắng.
#5: Ưu tiên sử dụng văn bản nhiều hơn hình ảnh trong file PDF
Cũng giống như các trang web HTML, Google dễ dàng hiểu nội dung bằng văn bản, nhưng rất khó khăn trong việc hiểu nội dung hình ảnh.
Chính vì thế, bạn cần ưu tiên sử dụng văn bản trong file PDF để giúp Google dễ dàng lập chỉ mục và xếp hạng trên SERP.
#6: Tối ưu file PDF cho thiết bị di động
Thiết bị di động đã trở thành loại phương tiện kết nối Internet rất phổ biến trên thế giới, do đó việc tối ưu hóa nội dung cho thiết bị di động là cực kỳ cần thiết để trải nghiệm người dùng luôn ở chất lượng cao.
Như tôi đã nói ở trên, file PDF hiển thị giống nhau trên mọi thiết bị, do đó, nếu muốn tối ưu PDF cho thiết bị di động, bạn nên thực hiện các thiết lập sau:
- In đậm các tiêu đề chính và phụ trong file, và nên sử dụng font chữ tối thiểu là 30px đối với các tiêu đề.
- Sử dụng font chữ tối thiểu 26 đối với các nội dung văn bản thông thường.
- Trình bày nội dung theo 1 cột thay vì nhiều cột.
- Thiết lập margin 0.25” cho tất cả các cạnh.
- Tối ưu kích thước file để tải nhanh hơn.
- Sử dụng chức năng Optimized PDF trong Adobe Acrobat Pro DC với lựa chọn Mobile trong Setting.
TÓM LẠI
Như vậy, tôi đã hướng dẫn bạn cách SEO website bằng file PDF, cũng như các lưu ý trong quá trình tối ưu file PDF cho mục đích SEO.
Nhìn chung, PDF không phải là lựa chọn tối ưu nhất cho SEO nếu so sánh với một trang web HTML, nhưng nó cung cấp một giải pháp khác biệt có thể thu hút lượt click cho website.
Trên thực tế, rất nhiều website vẫn đang sử dụng PDF cho mục đích Marketing website của mình và gặt hái được nhiều thành công.
Do đó, về cơ bản, câu trả lời là tùy thuộc vào lựa chọn của bạn, miễn sao nó thuận tiện và dễ dàng thực hiện đối với năng lực hiện tại của bạn.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về việc tối ưu hóa PDF để Marketing cho website, đừng ngại để lại ý kiến của mình trong phần bình luận của bài viết này nhé.
(Nguồn: Ychoc.com)