Brand Marketing #5: Bao bì là gì? Tầm quan trọng và quy trình thiết kế 1 bao bì tốt
Bạn có biết bao bì cũng là một phương thức quảng cáo, gây tác động lên khách hàng trong vòng… 5 giây? Theo một số thống kê, trung bình khách hàng sẽ nhìn sản phẩm 5 giây rồi quyết định bỏ qua hay cầm nó lên tay để tìm hiểu kĩ hơn.
Rõ ràng bao bì không chỉ đơn thuần là vật chứa sản phẩm, nó còn là một phương tiện marketing, góp phần xây dựng thương hiệu. Hãy cùng Cask tuần tự khám phá những kiến thức bổ ích về bao bì – Package – một chữ P trong bộ công cụ 6P của marketing, mở đầu bằng những kiến thức tổng quan nền tảng.
Định nghĩa bao bì
Có lẽ không khó định nghĩa bao bì. Bao bì là vật dùng để chứa và bảo vệ sản phẩm bên trong. Bao bì có vai trò khá quan trọng trong marketing, có thể kể đến:
- Chứa sản phẩm, bảo quản sản phẩm trong thời gian dài
- Cung cấp thông tin sản phẩm: cách dùng, công dụng, nguồn gốc, hạn sử dụng, tên công ty sản xuất, tên công ty nhập khẩu…
- Bảo vệ sản phẩm, giúp sản phẩm được vận chuyển an toàn, trơn tru qua nhiều lộ trình
- Hỗ trợ quá trình sử dụng sản phẩm, chẳng hạn với các dòng nước giải khát như Coca, nước suối… bạn có thể uống thẳng từ chai, lon, mà không cần rót ra ly, cốc
- Thu hút người dùng, tạo ấn tượng về cảm giác sử dụng sản phẩm, chẳng hạn khi nhìn một chai nước có hình dáng đẹp, ta cảm tưởng như ngon miệng hơn khi uống
- Giúp làm rõ định vị phân khúc sản phẩm, ví dụ: dầu gội đầu màu đen thường dành cho nam giới, màu xanh/ hồng dành cho nữ; sữa dành cho trẻ em dùng hộp nhựa, sữa dành cho đối tượng cao cấp hơn dùng hộp giấy
- Góp phần thúc đẩy doanh thu trong các chiến dịch ưu đãi
- Góp phần triển khai chiến lược thương hiệu, trade
- Góp phần triển khai hoạt động truyền thông
Bao bì có thể hỗ trợ triển khai chiến lược thương hiệu như thế nào?
Hãy cùng Cask điểm qua một vài ví dụ đơn giản.
Dòng sữa chua Susu của Vinamilk dành riêng cho các bé mẫu giáo đến tiểu học. Được định vị là loại sữa lợi sức khỏe cho các bé, nên bao bì – ở đây gồm hộp và vỉ – cũng được thiết kế phù hợp: chất liệu nhẹ, dễ cầm nắm, màu sắc bắt mắt, hình ảnh gồm các nhân vật hoạt hình, cổ tích…
Một bao bì như thế sẽ dễ hút mắt các khách hàng “nhí”. Một ví dụ khác là bao bì của các sản phẩm mì gói. Đây là loại thực phẩm tiện lợi, chế biến nhanh. Do đó, bao bì của các nhãn hàng mì gói đều khá giống nhau: Đơn giản, dễ mở, chất liệu không thấm nước, hình ảnh thể hiện món ăn thơm ngon để kích thích vị giác khách hàng…
Về mặt Trade Marketing, bao bì có thể giúp bạn:
- Bán nhiều hơn cho Shopper hiện tại
- Thu hút được người dùng của đối thủ
- Thu hút khách hàng mới
Để làm được điều này, bạn cần thiết kế bao bì sao cho tiện lợi hơn đối với khách hàng, khiến khách hàng hài lòng hơn khi trải nghiệm sản phẩm. Một số ví dụ tại thị trường Việt Nam như:
Sữa Ông Thọ của nhãn hàng Vinamilk ban đầu sử dụng lon đựng hình tròn, không có khoen gỡ, người dùng phải dùng vật nhọn để khui 2 đầu nắp lon, rồi tìm cách đậy kín lon để bảo quản khá bất tiện. Chính vì thế, Vinamilk về sau phát triển nhiều bao bì dạng nhỏ – như vỉ, tuýp nhỏ hay lon đã có khoen gỡ – giúp khách hàng thoải mái hơn.
Coca Cola từng mở chiến dịch in những tên phổ biến của người Việt lên mặt lon: Tuấn, Loan, Hồng, Thái… Khi mua một lon nước có in tên mình hay người thân yêu, khách hàng cảm thấy thú vị và thân thiết, như được có một lon nước của riêng mình. Chiến dịch này thành công vượt trội, tăng một lượng lớn khách hàng cho Coca.
Mikochi cho in chữ “Không chiên” thật nổi bật lên bao bì sản phẩm mì gói không chiên, để tạo ấn tượng với Shopper về một sản phẩm lợi sức khỏe.
Hơn nữa, bạn cũng có thể tận dụng bao bì để truyền thông điệp vì bao bì là phương tiện thể hiện câu chữ, hình ảnh, màu sắc và có thể là thứ đầu tiên mà khách hàng tiếp xúc khi tìm hiểu sản phẩm.
Bố cục và tiêu chí vàng thiết kế bao bì
Về mặt bố cục, một bao bì thường gồm những thành tố sau:
- Hình dáng tổng quát, chất liệu: Định hình hình thức bao bì
- Logo: Giúp người tiêu dùng nhận biết nhãn hàng nào
- Phối màu: Các màu sắc sẽ có hiệu ứng khác nhau, chẳng hạn màu đỏ, cam tạo cảm giác nóng, ấm; màu xanh tạo cảm giác thiên nhiên…
- Hình ảnh trên bao bì: Mỗi ngành hàng có cách thể hiện hình ảnh riêng, như đồ ăn uống nên dùng hình ảnh thật, các sản phẩm công nghệ nên dùng hình ảnh trừu tượng, sản phẩm cho trẻ em nên dùng hình vẽ, hoạt hình…
- Thông tin sản phẩm: Các thông tin cơ bản về sản phẩm (tên, xuất xứ, công dụng…)
- Font chữ
Vậy trong vai trò người chủ doanh nghiệp hay marketer, làm sao để thiết kế một bao bì tốt, hay nói cách khác, những tiêu chí đánh giá một bao gì tốt gồm những gì? Nhãn hàng nổi tiếng P&G đề ra những tiêu chí vàng khi thiết kế bao bì như sau:
- Nổi bật trên quầy kệ: Bao bì cần bắt mắt, nổi bật, dễ nhận ra trong hằng hà sa số các sản phẩm cùng đứng trên quầy kệ
- Dễ nhận diện nhãn hàng, sản phẩm: Khách hàng nhìn vào bao bì có thể nhanh chóng nhận ra nhãn hàng nào, sản phẩm gì
- Hiểu được định vị, thông điệp: Khách hàng dễ dàng hiểu được sản phẩm này dành cho đối tượng nào, phong cách thế nào, thông điệp nhãn hàng là gì, liệu có hợp với mình hay không…
- Thu hút: Khách hàng cảm thấy thích thú, thú vị, muốn tìm hiểu hay thậm chí muốn mua ngay sản phẩm
Quy trình thiết kế bao bì
Chắc hẳn bạn đang tự hỏi “Vậy làm cách nào thiết kế được bao bì tốt, hỗ trợ đắc lực cho bán hàng & truyền thông?”. Marketing có hẳn một quy trình cho nhiệm vụ này. Để làm nên một bao bì tốt, bạn cần tuần tự qua các bước sau:
- Thấu cảm – Empathize: Nắm bắt khách hàng mục tiêu thông qua nghiên cứu thị trường
- Định hướng bao bì – Define: Xác định những nguyên tắc để đánh giá một bao bì tốt
- Nghĩ ý tưởng – Ideate: Sáng tạo ý tưởng về hình dáng, đặc tính bao bì
- Tạo mẫu bao bì – Pretotype: Tạo mẫu bao bì
- Thử nghiệm – Test: Thử nghiệm bao bì trên quầy kệ, trong thực tế sử dụng… để đánh giá
Hãy lần lượt đi vào chi tiết các bước trên:
1. Thấu cảm
Ở bước này, bạn cần một bản mô tả khách hàng mục tiêu – Target Consumer Profile – liệt kê đầy đủ những nhu cầu, đặc điểm tâm lý, lối sống… ảnh hưởng đến cách thiết kế bao bì của bạn. Bạn cũng cần kết hợp với chiến lược định vị hiện tại của công ty. Thông thường các thông tin này đã có khi bạn xây dựng chiến lược thương hiệu, bạn có thể tái dụng chúng hoặc làm nghiên cứu chuyên sâu nếu cần thiết.
Khi xem xét các thông tin này, bạn có thể tham khảo các câu hỏi sau:
- Người tiêu dùng thích bao bì theo phong cách nào: Trẻ trung, năng động, hướng thiên nhiên, sang trọng, gọn nhẹ, chắc chắn…?
- Hình dạng bao bì nên thế nào để thu hút người dùng: Vuông vức, hình khối, thon gọn, dạng chai, dạng hộp…?
- Bao bì nên được làm từ chất liệu gì?
- Màu sắc chủ đạo bao bì là gì?
- Bố cục bao bì nên thể hiện những thông tin gì?
2. Định hướng bao bì
Bạn có thể sử dụng bộ tiêu chí đánh giá của P&G ở phần trên để định hướng thiết kế cho bao bì mình:
3. Nghĩ ý tưởng
Với kết quả của bước 1 và 2, bạn hãy brainstorm cùng đội ngũ để ra được một số ý tưởng bao bì sơ khởi. Các ý tưởng này nên có đầy đủ các thành phần sau:
- Hình dáng tổng quát, chất liệu
- Logo: Vị trí, kích cỡ
- Phối màu: Số lượng màu chủ đạo, cách phối màu cụ thể
- Hình ảnh trên bao bì: Sao cho thể hiện được định vị sản phẩm và phù hợp với đối tượng mục tiêu
- Thông tin sản phẩm: Các thông tin cơ bản về sản phẩm (tên, xuất xứ, công dụng…)
- Font chữ
4. Tạo mẫu bao bì
Sản xuất một số bao bì mẫu để đánh giá sơ bộ và tiến hành thử nghiệm.
5. Thử nghiệm
Thử nghiệm bao bì mẫu trước khi sản xuất đại trà: Lấy ý kiến từ đội ngũ nội bộ, trưng bày thử trên quầy kệ, sử dụng thử…
Lời kết
Một quy trình thiết kế tốt với những nguyên tắc hợp lý như trên sẽ giúp bạn thỏa sức sáng tạo bao bì.
Khóa “The Journey of Brand Building” chuyên sâu về xây dựng & phát triển thương hiệu, học viên sẽ có năng lực tư duy về cách làm: Phân khúc thị trường, xác định phân khúc nhu cầu & nhóm khách hàng tiềm năng, thiết kế chiến lược ngành hàng để nắm bắt cơ hội, chiến lược thương hiệu, lập kế hoạch Brand Plan để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh doanh. Bên cạnh đó, các module về các hoạt động Trade Marketing & Tài Chính cũng được giảng dạy để marketer hiểu được bức tranh toàn cảnh của business.
Thông tin khoá học:
- Khai giảng: 5/12/2022
- Thời lượng: 22 buổi
- Đăng ký tại đây
- Đăng ký nhận Guidebook Brand ngay tại đây
- Đọc thêm các bài viết về Brand MKT tại: https://www.cask.vn/blog/brand
CASK chuyên thiết kế giải pháp (chiến lược & thực thi) giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu kinh doanh & huấn luyện cá nhân về chuyên môn Brand – Trade – Sales – Business. Đến với chúng tôi, chủ doanh nghiệp & học viên sẽ có đủ năng lực giải quyết vấn đề trong kinh doanh lẫn chuyên ngành.
Thông tin liên hệ:
- Website: https://www.cask.vn/
- Facebook: https://www.facebook.com/cask.vn
- Hotline: 0899189198
- Email: [email protected]