Marketer Hoàng Nguyễn
Hoàng Nguyễn

Head of Product Design @ GEEK Up

Các định kiến phổ biến người làm UX/UI cần lưu ý (Phần 2)

Các định kiến phổ biến người làm UX/UI cần lưu ý (Phần 2)

Cùng GEEK Up tiếp tục tìm hiểu thêm các định kiến thường gặp và những “mẹo” hạn chế tác động tiêu cực của định kiến đến các quyết định trong quá trình xây dựng sản phẩm số cũng như mang đến trải nghiệm số hoàn thiện hơn cho người dùng.

7. Belief bias – Niềm tin thiên vị

Trong quá trình xây dựng sản phẩm, nếu có một kết luận ủng hộ niềm tin của một thành viên, nhiều khả năng người ấy sẽ tìm kiếm mọi bằng chứng để hợp lý hóa kết luận đó. Vì vậy đội ngũ làm sản phẩm cần nhận biết định kiến này để không đưa ra các quyết định bị ảnh hưởng bởi niềm tin mà thay bằng các lập luận đúng đắn, khách quan.

Đội ngũ cũng cần tránh áp đặt quan điểm của mình vào người dùng, và tìm mọi cách để giải thích, chứng minh cho quan điểm ấy là đúng. Thay vào đó, hãy đánh giá theo xác suất. Hãy tiến hành phỏng vấn, làm khảo sát, cẩn thận quan sát cách người dùng mục tiêu tương tác với sản phẩm, từ đó rút ra kết luận khách quan hơn.

8. Self-serving bias – Định kiến tự phục vụ

Hầu hết mọi người đều tin rằng thất bại của bản thân là do vận xui rủi và thường đổ lỗi cho hoàn cảnh, còn thành công mình có được là đến từ năng lực cá nhân, là điều xứng đáng nhận được.

Trong thiết kế trải nghiệm người dùng, đội ngũ có thể vận dụng đặc điểm tâm lý này để tạo động lực cho người dùng hoàn thành một quy trình mong muốn, bằng cách chúc mừng khi họ hoàn thành xong mỗi tác vụ, mang đến cảm xúc tích cực cho người dùng, từ đó thúc đẩy họ khám phá, trải nghiệm sản phẩm số.

9. The groupthink – Tư duy tập thể

“Tư duy tập thể” là một hiện tượng tâm lý thường xảy ra đối với một đội ngũ mà trong đó, các thành viên quá đề cao sự hòa hợp và thống nhất trong nhóm dẫn đến không xem trọng việc đánh giá thực tiễn và đưa ra hành động.

Hiệu ứng này có thể khiến đội ngũ “ảo tưởng sức mạnh”, làm sai lệch kết quả phân tích về tính khả thi của một kế hoạch hay dẫn đến các quyết định thiếu chính xác. Với tính thống nhất cao, các thành viên trong nhóm thường xem trọng ý kiến của người đứng đầu, và ngược lại xem nhẹ hoặc phớt lờ ý kiến của các thành viên khác.

Theo thời gian, hiệu ứng này sẽ làm mất đi “Critical Thinking” (Tư duy phản biện) của đội ngũ, hệ quả là số lượng các lựa chọn hướng giải quyết được các thành viên chủ động đề xuất cũng giảm dần. Đội ngũ có xu hướng lựa chọn những phương án an toàn nhằm ưu tiên giữ hòa khí cho nhóm, cũng như đề cao ý kiến của người đứng đầu. Năng lực của đội ngũ dần suy giảm, khả năng tan rã cao khi người đứng đầu đội ngũ quyết định bỏ cuộc.

10. The Framing effect – Hiệu ứng đóng khung

Đây là một hiệu ứng đặc biệt hữu dụng khi xây dựng sản phẩm số trong các ngành bán lẻ, cũng như quảng cáo & tiếp thị. Theo đó, bộ não thường đưa ra quyết định tiếp nhận thông tin dựa trên cách thông tin đó được trình bày.

Trong ngành thời trang, có một số thuật ngữ như “Visual Merchandising” hay “Window Display” nói về công việc sắp xếp, trang trí các đồ vật bên trong và ngoài cửa hàng nhằm thu hút khách qua đường cũng như tiêu dùng trong cửa hàng.

Trong lĩnh vực thiết kế nói chung và phát triển sản phẩm số, việc làm mockup (mô phỏng) thiết kế vào các sản phẩm thực tế sẽ giúp đội ngũ dễ thuyết phục các bên liên quan hơn.

11. Fundamental Attribution error – Thành kiến quy kết

Con người có xu hướng thiên vị bản thân khi quá chú ý đến ảnh hưởng của hoàn cảnh lên thất bại của mình, nhưng lại hạ thấp yếu tố hoàn cảnh khi đánh giá vấn đề của người khác. Đội ngũ cần nhận biết loại thành kiến này để thấu cảm các vấn đề của người dùng một cách khách quan hơn.

12. The Halo effect – Hiệu ứng hào quang

Khi một người thực sự yêu thích một tính năng, sản phẩm hoặc tính năng, sản phẩm đó đủ sức hấp dẫn đến một mức độ nhất định sẽ ảnh hưởng tới đánh giá của người này.

Đối với đội ngũ làm sản phẩm, cần lưu ý rằng phán đoán của con người là sự tổng hợp và tự động kết nối các dữ kiện. Vì thế, để giữ được tính khách quan, đội ngũ cần kiểm soát một cách có ý thức những ảnh hưởng xung quanh trước khi ra quyết định.

Xem lại phần 1 của bài viết tại đây.

Liên hệ với GEEK Up nếu bạn cần được tư vấn cho giải pháp xây dựng sản phẩm số từ đối tác đáng tin cậy, có chuyên môn về thiết kế UX/UI sản phẩm.

* Nguồn: GEEK Up