Re-think CSR #17: Hai báo cáo phát triển bền vững đáng học hỏi tại Việt Nam

Re-think CSR #17: Hai báo cáo phát triển bền vững đáng học hỏi tại Việt Nam

Theo báo cáo The Reporting Exchange, phần lớn báo cáo phát triển bền vững được nhận xét là cầu kỳ, phức tạp nên cần được điều chỉnh lại sao cho dễ được tiếp nhận và vẫn đảm bảo độ chính xác, trung thực.

Vì thế trong số tiếp theo của series Rethink CSR, Brands Vietnam cùng ông Nguyễn Văn Thăng Long – Giảng viên cấp cao tại Đại học RMIT Việt Nam, bàn về hai báo cáo phát triển bền vững đáng học hỏi tại Việt Nam là Vinamilk4P's.

“Re-think CSR” là series do Brands Vietnam thực hiện, phỏng vấn các chuyên gia đến từ nhiều ngành hàng và quy mô doanh nghiệp khác nhau, chia sẻ về quan điểm, chiến lược, thực thi và kết quả thực tế có được từ hoạt động CSR của chính những doanh nghiệp tham gia chuyên mục. Từ đó, cung cấp những ý tưởng và cách tiếp cận đa dạng đối với một vấn đề tưởng chừng quen thuộc nhưng vẫn còn khá xa lạ tại thị trường Việt Nam.

* Đầu tiên, ông có thể lý giải tại sao một số doanh nghiệp triển khai báo cáo phát triển bền vững theo từng năm?

Theo tôi, có 2 động lực chính thúc đẩy thương hiệu triển khai các báo cáo phát triển bền vững: (1) mối quan tâm của người tiêu dùng và (2) tác động tích cực tới chỉ số kinh doanh.

Có khoảng 39% người tiêu dùng quan tâm tới yếu tố thương hiệu bền vững khi mua sắm.
Nguồn: Pexels

Về khía cạnh người tiêu dùng thông minh, một nghiên cứu mới đây của Deloitte (2022) cho thấy người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới các sản phẩm/ dịch vụ được tạo ra bởi mô hình phát triển bền vững. Có hơn 80% khách hàng quan tâm tới lối sống bền vững, tăng mạnh so với các năm trước. Đáng chú ý là có khoảng 39% người tiêu dùng quan tâm tới yếu tố thương hiệu bền vững khi mua sắm. Thậm chí, 36% đáp viên cho biết họ sẵn sàng chi trả cao hơn để mua sắm các sản phẩm, dịch vụ có cam kết về phát triển bền vững.

Đây cũng là xu hướng chung về thị trường của các nước trên thế giới khi khách hàng bắt đầu xem xét các cam kết về CSR của thương hiệu được thực thi như thế nào trước khi quyết định mua hàng.

Về mặt doanh nghiệp, theo McKinsey (2021), 83% CEO và người đứng đầu doanh nghiệp cho rằng CSR-CSV ngày càng quan trọng trong kinh doanh. Và việc đầu tư vào các hoạt động phát triển bền vững mang lại giá trị (Return on Investment) nhiều hơn trong 5 năm sắp tới. Điều thú vị là các hoạt động CSR-CSV tại doanh nghiệp không chỉ mang lại lợi ích trong tương lai, mà cũng dần ảnh hưởng tích cực tới các chỉ số tài chính, chỉ số thương hiệu ở hiện tại.

Những yếu tố kể trên đòi hỏi doanh nghiệp dù hoạt động tại quốc gia nào cũng cần phải có: (1) các hoạt động CSR-CSV có liên quan tới hoạt động kinh doanh; (2) các tiêu chí (KPI) đánh giá hiệu quả các hoạt động đó; (3) báo cáo minh bạch về tác động của hoạt động CSR-CSV tới môi trường, xã hội, và kinh tế. 

Với các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam (mà tiêu biểu trong phân tích này là Vinamilk, 4P’s), việc toàn cầu hóa đòi hỏi doanh nghiệp tích cực triển khai các hoạt động CSR-CSV cùng các báo cáo liên quan nhằm chuẩn bị cho chiến lược phát triển dài hạn trong và ngoài nước. Hơn nữa, việc minh bạch trách nhiệm xã hội giúp quá trình hợp tác giữa doanh nghiệp với các bên liên quan (stakeholders) như nhà cung cấp, khách hàng doanh nghiệp (B2B), cá nhân (B2C), nhà đầu tư, chính phủ… trở nên dễ dàng hơn.

* Báo cáo bền vững của Vinamilk và 4P’s có những điểm chung nào, thưa ông?

Nguồn: Báo cáo phát triển bền vững năm 2021 của Vinamilk

Có thể thấy hai báo đều tập trung vào những vấn đề được stakeholder quan tâm là môi trường, kinh tế, và xã hội. Đây cũng là 3 lĩnh vực trọng tâm của mô hình phát triển bền vững Triple Bottom Lines/ Triple Ps (tạm dịch: ba điểm mấu chốt). Mô hình này được xem là công cụ để kiểm tra, đánh giá hoặc đo lường ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh đối với nền kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.  

Về môi trường, hai báo cáo của 4P’s và Vinamilk đều đưa ra tác động của hoạt động CSR cùng việc sử dụng tài nguyên tự nhiên và nhân tạo một cách trách nhiệm. Chẳng hạn như ứng dụng công nghệ, sử dụng nguồn năng lượng xanh, dùng hiệu quả nước, áp dụng giải pháp 3R (giảm thiểu – Reduce, tái sử dụng – Reuse, tái chế – Recycle), kiểm soát nước thải & chất thải, duy trì & bảo vệ đa dạng sinh học… trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Về xã hội, báo cáo nhấn mạnh việc cải thiện điều kiện làm việc như xây dựng môi trường làm việc đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho nhân viên; phát triển chương trình đào tạo và thăng tiến minh bạch; tạo điều kiện tham gia các hoạt động cộng đồng; giúp nhân viên cân bằng cuộc sống – công việc (work-life balance)… Ngoài ra, các báo cáo còn nhấn mạnh việc cung cấp thông tin sản phẩm rõ ràng, truyền thông có trách nhiệm, minh bạch, trung thực, đồng thời với việc sản phẩm an toàn và chất lượng.

Về kinh tế, các báo cáo thể hiện mức độ đóng góp của doanh nghiệp cho việc phát triển kinh tế địa phương, khu vực, hay quốc gia. Cụ thể trong việc phát triển ngành nghề, doanh nghiệp sẽ ưu tiên thu mua và sử dụng nguồn cung ứng, nhân lực nội địa; đóng góp vào ngân sách địa phương, nhà nước… Không những vậy, doanh nghiệp còn thể hiện nỗ lực giúp các nhà cung cấp địa phương trong chuỗi cung ứng mở rộng, triển khai mô hình kinh tế bền vững.

* Với thông tin cung cấp bởi báo cáo, các mục tiêu phát triển bền vững của Vinamilk và 4P's tương ứng với những mục tiêu nào trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainability) của Liên Hiệp Quốc?

Nhằm giúp doanh nghiệp có thể xác định được các mục tiêu cho hoạt động CSR và CSV, năm 2015, Liên Hiệp quốc đã đưa ra 17 chỉ tiêu phát triển bền vững (17 SDGs – Sustainable Development Goals). Dựa vào đó, chính phủ, doanh nghiệp có thể xây dựng lộ trình giải quyết những vấn đề liên quan tới nghèo đói, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu cho tới năm 2030. Trong các báo cáo, mỗi hoạt động của doanh nghiệp đều có tác động tới nhiều tiêu chí khác nhau trong 17 mục tiêu phát triển bền vững.

17 chỉ tiêu phát triển bền vững (17 SDGs – Sustainable Development Goals) của Liên Hợp Quốc.
Nguồn: UNESCO

Tôi ví dụ Vinamilk nêu rõ các tiêu chí mà doanh nghiệp đã và đang thực hiện. Chẳng hạn như hiệu quả của hoạt động kinh tế với các bên có liên quan góp phần vào việc xóa nghèo (SDG1); giải quyết nạn đói (SDG2); công việc tốt và tăng trưởng kinh tế (SDG8); công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng (SDG9); quan hệ đối tác (SDG17). Hay với những hoạt động thể hiện nỗ lực cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng, và truyền thông quảng bá trung thực, Vinamilk giúp nâng cao sức khỏe & cuộc sống tốt (SDG3); và thúc đẩy việc tiêu thụ & sản xuất có trách nhiệm hơn (SDG12).

Nhìn chung, tôi nhận thấy báo cáo của Vinamilk tương đối chi tiết và chuyên nghiệp, thể hiện được sự nghiêm túc triển khai các cam kết về CSR cũng như sự liên kết của chúng tới các tiêu chí SDGs.

Còn báo cáo của 4P’s tuy không cụ thể hóa các hoạt động CSR tương ứng với 17 chỉ tiêu phát triển bền vững, nhưng cũng phần nào cho thấy sự liên quan chặt chẽ của chúng tới nhiều tiêu chí, hay trọng tâm mà SDGs muốn các doanh nghiệp hướng tới.

* Ông có thể chia sẻ thêm về khái niệm và cách ước tính dấu chân carbon (Carbon Footprint)? Theo báo cáo, Vinamilk và 4P’s đã có những hành động giảm thải dấu chân carbon nổi bật nào?

Carbon Footprint là lượng khí nhà kính gây hại (chủ yếu là CO2 và CH4) được phát tán vào môi trường trong quá trình sản xuất, sinh hoạt, hay kinh doanh.
Nguồn: Elf

Carbon Footprint được hiểu đơn giản là lượng khí nhà kính gây hại (chủ yếu là carbon dioxide – CO2 và metan – CH4) được phát tán vào môi trường, bầu khí quyển do một hoạt động trực tiếp hay gián tiếp nào đó trong quá trình sản xuất, sinh hoạt, hay kinh doanh.

Trước đây, doanh nghiệp ước tính Carbon Footprint bằng chỉ tính toán tác động của từng hoạt động riêng lẻ để xem hiệu quả tác động tới môi trường (VD: sử dụng nguyên vật liệu mới thân thiện môi trường, hệ thống rác thải..). Điều này dẫn tới tình trạng triển khai CSR kiểu “nửa vời”, nhằm “làm đẹp” các chỉ số.

Do đó, nhiều doanh nghiệp phải tính lại tổng lượng Carbon Footprint của chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp cũng bắt đầu tính thêm các hoạt động bù trừ hay cân bằng tác động tiêu cực trong quá trình sản xuất – vận chuyển – tiêu thụ đó bằng cách: (1) Dùng năng lượng xanh, nguyên liệu sinh học, tái tạo; (2) tăng cường mảng xanh trong chu trình sản xuất và kinh doanh; (3) tối ưu việc tiêu thụ nguyên vật liệu hay vận chuyển.

Hai báo cáo của Vinamilk và 4P’s chỉ ra rõ những nỗ lực nhằm giảm thiểu Carbon Footprint trong suốt quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh với những số liệu cụ thể. Đồng thời, họ cũng nêu bật lộ trình giảm phát thải khí nhà kính, đưa ra cam kết thực hiện lộ trình trên. Báo cáo còn có các thông tin khuyến cáo, giáo dục không chỉ đối với bản thân công ty, mà còn đối với khách hàng, đối tác, nhà cung cấp.

Ví dụ với Vinamilk, Carbon Footprint bình quân là 215kg/tấn sản phẩm. Ngoài ra các tiêu chí phát thải cũng đạt hiệu quả cao với 100% nước thải sinh ra trong hoạt động sản xuất đều đạt chuẩn an toàn trước khi thải ra ngoài môi trường. Mặc dù không có các chế tài hay quy định cụ thể của chính phủ, Vinamilk đã giảm thiểu số phát thải rác sinh hoạt (1,35kg/tấn sản phẩm), phát thải chất thải nguy hại (0,15kg/tấn sản phẩm), và phát thải phế liệu (7,6kg/tấn sản phẩm) ở mức thấp so với tiêu chuẩn. Thành công này là nhờ việc sử dụng 100% các nhà thầu xử lý chất thải có giấy phép hành nghề, và không có phát sinh sự cố về môi trường.

Với Vinamilk, Carbon Footprint bình quân là 215kg/tấn sản phẩm cùng các tiêu chí phát thải đạt hiệu quả cao.
Nguồn: Báo cáo phát triển bền vững năm 2021 của Vinamilk

Còn đối với 4P’s, doanh nghiệp không nêu cụ thể Carbon Footprint bình quân do chưa có thống kê đầy đủ. Thay vào đó, 4P’s vẫn cung cấp thông tin về khí thải nhà kính trực tiếp và gián tiếp trong quá trình vận hành. Doanh nghiệp còn đưa ra đề xuất cho khách hàng danh sách các món ăn dựa trên tỷ lệ món tạo ít/ nhiều khí thải nhà kính trong thực đơn chính. Có thể thấy tuy chưa có thông tin hoàn chỉnh về Carbon Footprint, nhưng chúng ta ghi nhận nỗ lực làm báo cáo minh bạch, sáng tạo của 4P’s.

* Ông có thể chia sẻ đâu là những điểm khác biệt chính của 2 báo cáo phát triển bền vững của Vinamilk và 4P’s?

Danh sách món ít tạo khí thải nhà kính của 4P’s
Nguồn: Báo cáo phát triển bền vững năm 2021 của 4P's

Về điểm khác biệt chính, tùy vào quy mô của doanh nghiệp mà thông tin trong báo cáo cũng thể hiện hoạt động đó tập trung vào CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) hay phát triển lớn hơn với CSV (tạo dựng giá trị chung).

Với phạm vi hoạt động vượt ra ngoài quốc gia, Vinamilk cũng dần thoát khỏi hoạt động CSR đơn thuần mà hướng tới hoạt động CSV. Theo đó, báo cáo minh bạch phải phân tích chi tiết hơn cách doanh nghiệp không chỉ cải thiện được chuỗi giá trị và nhà cung cấp, mà còn hướng tới các đóng góp lớn hơn cho đất nước, ngành công nghiệp, cộng đồng, xã hội.

Báo cáo cho thấy Vinamilk tham gia vào việc cải thiện môi trường kinh doanh của khu vực và địa phương bằng cách (1) triển khai các hoạt động cải thiện kỹ năng & kiến thức kinh doanh, (2) xây dựng môi trường pháp lý rõ ràng, (3) sử dụng nguồn lực trong cộng đồng mà doanh nghiệp hoạt động, giúp phát triển cộng đồng thêm lớn mạnh.

Ví dụ ngoài việc cải tiến chất lượng sữa, giảm sử dụng bao bì thiếu bền vững, bán hàng trợ giá… Vinamilk còn tư vấn cho nông dân nuôi bò sữa về phương thức nuôi hiện đại, giúp họ có được giống tốt, giảm lượng thuốc sử dụng, xử lý ô nhiễm tốt hơn. Năng suất và chất lượng cải thiện không chỉ làm giảm ảnh hưởng xấu tới môi trường, mà còn giúp tăng thu nhập cho nông dân. Vùng nguyên liệu sữa bền vững ổn định với chất lượng sản phẩm ngày càng cao được hình thành từ đấy.

Mô hình phát triển này tiếp tục được thí điểm nhân rộng ra các khu vực khác ở địa phương. Điều đó giúp chính quyền địa phương xóa đói giảm nghèo, thay đổi bộ mặt nông thôn. Còn nông dân được tiếp cận kỹ thuật, trình độ vận hành cao hơn, góp phần giảm các tệ nạn xã hội, sự tàn phá môi trường. Đó là “giá trị chung” được tạo ra cho cả doanh nghiệp, nông dân, chính quyền sở tại mà doanh nghiệp không cần phải tốn kém nguồn lực trong dài hạn để thực hiện và giải quyết vấn đề.

Vinamilk hỗ trợ nông dân có được giống tốt, giảm lượng thuốc sử dụng, xử lý ô nhiễm tốt hơn
*Nguồn: Báo cáo phát triển bền vững năm 2021 của Vinamilk

Còn 4P’s sẽ là ví dụ điển hình cho báo cáo các hoạt động CSR. Do đặc thù là chuỗi F&B, báo cáo của 4P’s xoay quanh việc vận hành doanh nghiệp, giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình vận hành. Hơn nữa là tập trung nhiều vào việc nâng cao sức khỏe, cuộc sống tốt (SDG3), và giúp cho việc tiêu thụ & sản xuất có trách nhiệm (SDG12).

Do đó, thông tin trong báo cáo cũng tập trung nhiều hơn vào mô hình sản xuất & tiêu dùng bền vững thông qua đầu tư khoa học kỹ thuật, quản lý tài nguyên, giảm thiểu chất thải, xây dựng nhận thức tiêu dùng bền vững… Từ đó đảm bảo cung cấp sản phẩm dịch vụ hỗ trợ xây dựng cuộc sống khoẻ mạnh và hạnh phúc cho người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi.

Báo cáo của 4P's tập trung nhiều vào việc giúp cho việc tiêu thụ & sản xuất có trách nhiệm
Nguồn: Báo cáo phát triển bền vững năm 2021 của 4P's

* Theo ông, đâu là những rủi ro về phát triển bền vững thường gặp? Việc làm báo cáo có thể giúp cải thiện tình trạng đấy như thế nào?

Chúng ta không thể phủ nhận là CSR-CSV giúp tạo hình ảnh tốt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển bền vững, có không ít những rủi ro. Ở góc độ của doanh nghiệp, có hai rủi ro về phát triển bền vững thường gặp như sau.

Thứ nhất, việc phát triển bền vững quá nhanh hay quá chậm làm ảnh hưởng tới các cam kết CSR về môi trường, xã hội, kinh tế. Khi đó, hoạt động CSR chủ yếu được thực hiện theo hướng cắt giảm chi phí chứ không phải tái đầu tư. Cụ thể là đầu tư vào bảo vệ môi trường, an toàn lao động, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Chẳng hạn, tôi quan sát thấy có rất nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm lao động, nhà phân phối một cách cực đoan, do họ không đáp ứng kịp với sự phát triển công nghệ, trình độ thực hiện CSR. Hay một số doanh nghiệp giảm số lượng nhà cung cấp địa phương, làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp… Những hành động này dẫn tới những bất ổn về xã hội, kinh tế của cả địa phương và doanh nghiệp.

Việc phát triển bền vững quá nhanh hay quá chậm làm ảnh hưởng tới các cam kết CSR về môi trường, xã hội, kinh tế.

Thứ hai, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, việc triển khai hoạt động CSR của nhiều doanh nghiệp chỉ dừng ở tài trợ, từ thiện. Tôi nghĩ đó là do những hoạt động này không đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi cách thức hoạt động hay mô hình kinh doanh. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp quá tập trung vào việc này, dù quy mô hoạt động thiện nguyện hoành tráng đến mấy, hệ lụy là có rất nhiều phàn nàn hay phản hồi tiêu cực như chèn ép người lao động, hay gây ô nhiễm môi trường...

Ngoài ra, việc thay đổi người vận hành cũng ảnh hưởng tới thay đổi các cam kết và cách thực hiện CSR theo lộ trình đã lập ra. Điều đó làm cho các hoạt động theo dạng mùa vụ, bề nổi và càng làm cho niềm tin của các bên có liên quan vào CSR cũng thấp đi nhiều.

Những điều trên dẫn tới rủi ro là phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào việc thực hiện CSR của doanh nghiệp. Nhiều người xem hoạt động CSR là nỗ lực “xanh hóa” của doanh nghiệp. Nghĩa là doanh nghiệp tạo ra một hình ảnh thể hiện sự ủng hộ môi trường thông qua thao túng truyền thông tiếp thị, xuất bản các báo cáo bóng bẩy hay thực hiện các hoạt động bề nổi... Do đó, việc duy trì công bố báo cáo minh bạch thường xuyên sẽ giúp cho doanh nghiệp chứng minh việc chuyển hóa các cam kết thành hành động thiết thực.

* Vậy theo ông, 2 báo cáo này có những điểm nào doanh nghiệp nên học hỏi?

Điểm chung của các báo cáo là sự rõ ràng, mạch lạc về nội dung và tính chuyên nghiệp trong việc trình bày các cách thực hiện CSR, tính toán số liệu KPI cụ thể, và thống kê theo từng hạng mục, trình bày dễ hiểu.

Hai báo cáo đều xác định rõ những vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới sự phát triển bền vững. Đồng thời đánh giá tính trọng yếu để xác định được các vấn đề cần được ưu tiên xử lý theo thứ tự. Điều đó cho thấy sự đầu tư nghiêm túc của doanh nghiệp vào các hoạt động CSR, qua đó thể hiện cam kết việc thực hiện theo dài hạn các hoạt động đó.

Báo cáo CSR của Vinamilk đề cập đến việc tạo điều kiện sống cân bằng cho nhân viên
Nguồn: Báo cáo phát triển bền vững 2021 của Vinamilk

Điểm sáng nữa là thay vì chỉ tập trung vào các vấn đề môi trường như cách nhiều doanh nghiệp đang làm, hai báo cáo này cũng cho thấy hoạt động CSR của doanh nghiệp dần chuyển qua các vấn đề xã hội, kinh tế giúp giảm bớt tình trạng bất bình đẳng và sống cân bằng (work-life balance). 

Các báo cáo cũng cho thấy doanh nghiệp không phân tích riêng lẻ các hoạt động, mà xem xét lại toàn bộ chuỗi giá trị và cung cấp (Value Chain & Supply chain) nhằm định nghĩa lại “hiệu suất” theo cách sử dụng các nguồn lực một cách cân bằng lợi ích của nhà cung cấp, logistics và nhân viên một cách hiệu quả hơn.

4P's cũng tập trung nhiều hơn về việc tạo môi trường làm việc work-life balance
Nguồn: Báo cáo phát triển bền vững 2021 của 4P's

* Vậy có guideline/  framework nào mà doanh nghiệp có thể tham khảo nếu quan tâm đến việc thực hiện báo cáo phát triển bền vững?

Có rất nhiều framework thực hiện báo cáo phát triển bền vững. Về mặt nội dung, hai báo cáo trên phần nào giúp các doanh nghiệp hiểu được cách trình bày báo cáo, và những tiêu chí cần quan tâm. Về quy trình thực hiện, doanh nghiệp có thể tham khảo hướng dẫn chuẩn bị báo cáo phát triển bền vững gồm 10 bước của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC).

Bước 1: Xác được được các tầm nhìn và cam kết thực hiện mô hình phát triển bền vững

Bộ tiêu chí 17 chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (SGDs) là một trong những bộ tiêu chí doanh nghiệp cần tham khảo để xác định các mục tiêu hiện tại của chính phủ, phi chính phủ, và doanh nghiệp cần thực hiện. Doanh nghiệp không bắt buộc phải theo đuổi tất cả tiêu chí mà chọn những tiêu chí chính phù hợp với tình hình doanh nghiệp, địa phương, khu vực.

Theo quan sát của tôi những chương trình CSR-CSV ngày nay đều bị ảnh hưởng bởi mô hình kim tự tháp CSR của giáo sư Archie Caroll (1991). Mô hình nêu rõ 4 trách nhiệm mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng về kinh tế, pháp lý, đạo đức và thiện nguyện. Dựa trên đó, doanh nghiệp từng bước xây dựng những bộ tiêu chí trách nhiệm mà mình cần phải thực hiện cùng các stakeholder. Tôi cũng lưu ý rằng doanh nghiệp không nhất thiết phải hoàn thành theo mô hình từ thấp tới cao, mà nên cân nhắc xây dựng đồng thời các trách nhiệm, kết hợp hài hòa theo tầm quan trọng của chúng.

Nếu cần chuẩn hóa và phát triển CSR thành bộ quy tắc ứng xử (Code of Conduct – COC), tùy vào lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp có thể áp dụng các tiêu chí ISO45001, SA8000, BSCI, SMETA, ISO26000.

Bước 2: Doanh nghiệp xác định được ngành nghề mình kinh doanh và các vấn đề gặp phải của ngành nghề của mình

Không có 1 tiêu chí chung cho hoạt động CSR-CSV vì mỗi một ngành nghề kinh doanh đều có các vấn đề liên quan cần giải quyết trong ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn. Do đó, việc xác định được các vấn đề trong ngành là điều bắt buộc. Doanh nghiệp có thể tham khảo các báo cáo nghiên cứu thị trường về ngành nghề mà mình đang kinh doanh hay phản hồi của khách hàng, đối tác, cộng đồng dân cư, cơ quan chính phủ/ phi chính phủ… để xác định được vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm.

Bước 3: Tiến hành việc nghiên cứu

Mỗi doanh nghiệp cần có nền tảng thông tin về các vấn đề ngành hàng gặp phải. Hơn thế nữa, doanh nghiệp còn phải không ngừng bổ sung, tìm kiếm và kiểm chứng thông tin chi tiết về các khu vực, đối tác, cộng đồng dân cư địa phương… cần quan tâm. Điều này góp phần hỗ trợ ra quyết định tiến hành hoạt động CSR-CSV, gia tăng hiệu quả thực hiện hoạt động CSR-CSV, và giúp đánh giá tốt hơn tác động của CSR-CSV tới các bên liên quan.

Báo cáo phát triển bền vững góp phần cải tiến chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp, cho phép các stakeholder hiểu rõ định hướng mà đồng hành lâu dài.

Bước 4: Xác định được mục đích (Goal) và các mục tiêu (Objectives), tiêu chí (KPIs)

Các lĩnh vực được đầu tư hoạt động CSR-CSV đang phát triển theo mục đích gì? Các mục đích đã phản ánh đúng định hướng của doanh nghiệp chưa? Để tạo ra các hoạt động CSR-CSV đó, chỉ tiêu, mục tiêu, tiêu chí của mỗi hoạt động được đánh giá thế nào.

Bước 5: Xác định cách tiếp cận và nguồn lực cần thiết

Dựa trên các mục tiêu và tiêu chí đã được đưa ra ở bước 4, doanh nghiệp cần xây dựng chính sách và chiến lược thực thi bao gồm chính sách về đầu tư, phân bố nguồn lực của doanh nghiệp và các bên có liên quan. Tiếp theo là thuyết phục các bên có liên quan về tầm quan trọng khi tiến hành đầu tư nguồn lực vào CSR-CSV, rồi thiết lập và duy trì mạng lưới ấy.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tận dụng các nguồn lực từ mạng lưới cơ quan chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp, đối tác quốc tế, cơ quan truyền thông… Tất cả những nỗ lực trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai CSR-CSV, giúp hạn chế những tranh cãi phát sinh khi bắt đầu thực hiện hoạt động CSR-CSV trong ngắn hạn và trung hạn.

Bước 6-10: Xây dựng cơ chế giám sát, thu thập số liệu cho báo cáo thường niên và tiến hành soạn thảo

Việc triển khai hoạt động CSR-CSV cần được tiến hành tương tự như những hoạt động kinh doanh khác bao gồm các cơ chế kiểm tra và giám sát. Đồng thời là xây dựng các báo cáo thường niên như Whitepaper. Bên cạnh đó, CSR-CSV là hoạt động tiếp cận tổng thể và rất khó đánh giá về hiệu quả chỉ qua các chỉ số tài chính.

Thế nên, doanh nghiệp có thể đánh giá hiệu quả qua nhiều chỉ số khác như sự hài lòng của người tiêu dùng, số lượng khiếu nại, mức tiêu thụ năng lượng, khối lượng rác thải, năng suất lao động, mức độ sử dụng nguyên vật liệu sạch... Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trên thế giới cũng đang sử dụng tiêu chuẩn báo cáo sáng kiến toàn cầu (GRI) để xây dựng những chỉ số trong báo cáo thường niên đó.

Như đã đề cập từ đầu, báo cáo phát triển bền vững là một quá trình liên tục, góp phần thúc đẩy cải tiến chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nó còn cho phép các stakeholder hiểu rõ được định hướng phát triển của doanh nghiệp mà đồng hành lâu dài.

* Cảm ơn những chia sẻ hữu ích của ông.

Xem chi tiết báo cáo phát triển bền vững 2021 của Vinamilk tại đây và 4P's tại đây.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam