Những tai nạn dịch thuật “ố dề” của các thương hiệu khi gia nhập thị trường mới

Những tai nạn dịch thuật “ố dề” của các thương hiệu khi gia nhập thị trường mới

Dù tốn không ít tiền bạc và công sức cho việc nghiên cứu thị trường, nhưng nhiều công ty, thậm chí cả những công ty lớn cũng mắc phải những sai lầm dịch thuật hài hước, “ngớ ngẩn”. Điều này không chỉ biến thương hiệu, slogan của họ trở thành trò cười của người dân nước khác, mà còn gây nên những tác động xấu đến hình ảnh và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tại thị trường mới.

Cùng Rubyk điểm qua một số sai lầm dịch thuật kinh điển của các thương hiệu khi gia nhập thị trường mới dưới đây.

1. Kem đánh răng Colgate Cue tại Pháp

Thương hiệu kem đánh răng nổi tiếng Colgate đã gặp phải tình huống dở khóc dở cười khi cho ra mắt sản phẩm kem đánh răng mới tại Pháp mang tên Cue – một sản phẩm nổi bật với khả năng ngăn ngừa sâu răng vượt trội với dạng tuýp nhỏ gọn, tiện lợi. Tuy nhiên, tại Pháp “Cue” lại là tên của một tạp chí người lớn nổi tiếng. Và không có gì ngạc nhiên khi Colgate nhanh chóng “xóa sổ” sản phẩm này.

Những tai nạn dịch thuật “ố dề” của các thương hiệu khi gia nhập thị trường mới

Kem đánh răng “Cue” của Colgate không may bị trùng với tên của một tạp chí người lớn.

2. Hãng hàng không Braniff Airline

Hãng hàng không Braniff đã thực hiện một chiến dịch quảng bá cho sản phẩm ghế ngồi bọc da mới của họ với slogan “Fly in Leather”. Tuy nhiên, khi triển khai chiến dịch tại các thị trường nói tiếng Tây Ban Nha, họ đã sử dụng bản dịch “Vuela en Cuero” và điều này đã gây ra một số rắc rối. Tại một số nước Nam Mỹ, bản dịch này không có vấn đề, nhưng người Mexico lại đọc nó thành “Fly Naked” (Một chuyến bay khỏa thân).

Những tai nạn dịch thuật “ố dề” của các thương hiệu khi gia nhập thị trường mới

Slogan của hãng hàng không Braniff Airline bị hiểu lầm thành chuyến bay khỏa thân.

3. Perdue Chicken

Một trong những màn dịch thuật hài hước nhất phải kể đến trường hợp slogan của Frank Perdue, chủ tịch một trong những công ty sản xuất sản phẩm từ thịt gà lớn nhất nước Mỹ. Slogan “It takes a tough man to make a tender chicken” (Cần một người đàn ông mạnh mẽ để làm mềm một con gà) đã bị dịch sai sang tiếng Tây Ban Nha và tạo nên một hiểu lầm hài hước.

Bức hình chụp Perdue cùng một con gà đã xuất hiện trên các bảng quảng cáo ở khắp Mexico với dòng chữ: “It takes a hard man to make a chicken aroused” (Cần một người đàn ông mạnh mẽ để làm con gà bị kích thích).

4. Coors

Coors – một thương hiệu bia phổ biến tại Mỹ cũng gặp phải “tai nạn” dịch thuật tương tự khi câu khẩu hiệu “Turn It Loose” (Thoải mái đi) của họ bị người dân tại các thị trường nói tiếng Tây Ban Nha hiểu lầm thành “Suéltelo todo” (Chứng tiêu chảy).

Những tai nạn dịch thuật “ố dề” của các thương hiệu khi gia nhập thị trường mới

Câu tagline “Turn It Loose” (Thoải mái đi) của Coors bị người dân tại các thị trường nói tiếng Tây Ban Nha hiểu lầm thành “Suéltelo todo” (Chứng tiêu chảy).

5. P&G

Tập đoàn hàng tiêu dùng đa quốc gia Procter & Gamble (P&G) cũng gặp phải rắc rối khi giới thiệu sản phẩm thuốc cảm cúm không kê đơn Vicks vào thị trường Đức. Tuy nhiên, trong tiếng Đức, chữ “V” được phát âm thành “F” và điều này vô tình biến cách đọc Vicks như một từ tiếng lóng mà người Đức dùng để chỉ vấn đề 18+.

Những tai nạn dịch thuật “ố dề” của các thương hiệu khi gia nhập thị trường mới

6. Pepsi

Khẩu hiệu tươi vui của Pepsi: “Come alive with the Pepsi Generation” (Tràn đầy sự sống với thế hệ Pepsi) khi tiến vào thị trường Trung Quốc bỗng trở nên rùng rợn, có phần đáng sợ khi nó được dịch thành thành: “Pepsi brings your ancestors back from the dead” (Pepsi sẽ mang tổ tiên của bạn trở lại từ thế giới bên kia). Điều này nghe có vẻ hài hước, nhưng lại khá thiếu tôn trọng với người Trung Quốc.

Những tai nạn dịch thuật “ố dề” của các thương hiệu khi gia nhập thị trường mới

Một ông lớn như Pepsi cũng mắc sai lầm trong vấn đề dịch thuật khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

7. Máy uốn tóc Mist Stick “bốc mùi” của Clairol

Máy uốn tóc Mist Stick của Clairol vừa ra mắt đã nhanh chóng trở thành sản phẩm bán chạy ở hầu hết các quốc gia mà thương hiệu này hoạt động. Tuy nhiên, kết quả này hoàn toàn ngược lại tại Đức bởi trong tiếng Đức “Mist” là một từ tiếng lóng để chỉ phân bón. 

8. KFC

Slogan kinh điển của KFC “Finger-lickin' good” (Vị ngon trên từng ngón tay) khi lần đầu tiên gia nhập thị trường Trung Quốc đã vướng phải lùm xùm khi biến đổi câu slogan thành “Eat your fingers off” (Hãy ăn ngón tay của bạn) mà nếu cân nhắc đến văn hóa Trung Quốc, điều này là một sự xúc phạm.

Những tai nạn dịch thuật “ố dề” của các thương hiệu khi gia nhập thị trường mới

Khẩu hiệu hài hước của KFC khi gia nhập thị trường Trung Quốc.

9. Parker Pens

Khi hãng bút Parker marketing sản phẩm bút bi mới tại thị trường Mexico, thông điệp của hãng đáng lẽ phải là “It Won’t Leak in Your Pocket and Embarrass You” (Cây bút sẽ không làm rỉ mực ra túi áo và làm bạn xấu hổ đâu). Tuy nhiên, công ty đã nhầm từ Tây Ban Nha “embarrass” (làm xấu hổ) thành “embarazada” (thụ thai). Vì thế, thông điệp quảng cáo bị biến đổi thành “Cây bút sẽ không chảy mực ra túi áo và làm bạn có thai”.

10. Ford

Cuối cùng, phải kể đến Ford với không chỉ một mà có đến hai lần gặp rắc rối với vấn đề dịch thuật. Đầu tiên, Ford đã mắc sai lầm lớn khi giới thiệu dòng xe Pinto ở Brazil. Một cái tên nghe có vẻ bình thường nhưng Pinto trong tiếng Bồ Đào Nha của người Brazil lại là từ tiếng lóng mang nghĩa “bộ phận sinh dục nam nhỏ”. Sau đó, Ford đã phải đổi tên Pinto thành Corcel – mang nghĩa là ngựa.

Chưa dừng lại tại đó, Ford cũng không gặp nhiều may mắn tại Bỉ khi thông điệp của một chiến dịch mang tên “Every car has a high-quality body” (Tạm dịch: Mỗi chiếc xe đều có thân xe chất lượng cao) lại bị dịch thành “Every car has a high-quality corpse” (Tạm dịch: Mỗi chiếc xe đều có một “xác chết” chất lượng cao).

Kết

Có thể thấy, việc dịch thuật và bản địa hóa không hề dễ dàng. Muốn tiếp cận và chinh phục thị trường nước ngoài, việc hiểu rõ các sắc thái văn hóa và ngôn ngữ khu vực là điều rất quan trọng. Nếu không, những sai lầm đó có thể khiến thương hiệu phải trả giá rất đắt, không chỉ làm mất lợi nhuận mà còn có thể gây tổn hại đến danh tiếng của công ty. Do đó, các thương hiệu cần thực sự dành thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa và ngôn ngữ tại thị trường mà mình muốn hướng tới.

Rubyk Agency
Theo Localize