Làm sao để local brand xây dựng mối liên kết hiệu quả với các sàn thương mại điện tử?
Tại thị trường Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng quen thuộc với việc mua sắm tại các sàn thương mại điện tử, trong đó các mặt hàng thời trang và làm đẹp đang chiếm ưu thế.
Ngày nay, nhiều local brand thời trang duy trì được doanh số ổn định nhờ vào các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki… Thậm chí còn có những bước tiến đáng kể nhờ vào các dịp đặc biệt với các chương trình khuyến mãi liên tục diễn ra trong năm. Tuy nhiên, làm sao để local brand thời trang xây dựng được mối liên kết với các sàn thương mại điện tử và dựa vào đó tăng cường doanh số bán hàng qua kênh mua sắm này? Style-Republik đã nhận thấy những điều đặc biệt sau đây.
“Người tiêu dùng ở Việt Nam đang dành nhiều ưu ái cho các thương hiệu nội địa”
Theo Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, ước tính số lượng người dùng mua sắm trực tuyến năm 2022 đạt 57 – 60 triệu người, trong đó giá trị mua sắm trực tuyến của một người Việt Nam vào khoảng 260 – 285 USD (tương đương 6,1 – 6,6 triệu đồng). Loại hàng hóa được mua trên mạng nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (69%).
Khảo sát cũng cho thấy, giá trị hàng hóa mua sắm trực tuyến của một người trong năm: đơn hàng dưới 2 triệu chiếm 25%, từ 2 – 5 triệu chiếm 32%, từ 5-10 triệu chiếm 19%, trên 10 triệu đồng chiếm 24%.
Một khảo sát về hành vi mua sắm trực tuyến được Lazada thực hiện với sự hợp tác của đối tác nghiên cứu thị trường Milieu Insight: 81% người Việt Nam khi được hỏi cho biết, họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày cũng như tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần đạt mức 59%.
Theo thông tin từ diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam Online Business Forum VOBF 2022), hiện nay ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng – đời sống là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.
Đặc biệt, người tiêu dùng ở Việt Nam đang dành nhiều ưu ái cho các thương hiệu nội địa khi 52% người Việt được hỏi cho biết, ưa thích lựa chọn những thương hiệu Việt.
Giá trị thu về từ việc biết cách xây dựng thương hiệu
Đã qua rồi thời các local brand “đi một bước tính một bước”, trong vài năm trở lại đây việc xây dựng thương hiệu được nhiều founder cân nhắc. Nhiều hội thảo về kinh doanh thời trang được tổ chức, có khóa học về xây dựng thương hiệu nở rộ. Từ việc đầu tư cho chất lượng sản phẩm chỉn chu, cho đến việc tạo dựng các chiến dịch quảng bá mang tính sáng tạo, điều này đã thúc đẩy các local brand phát triển vị thế của mình.
Dù rằng khó khăn trong việc thâu tóm thị trường, do người tiêu dùng Việt hiếm khi trung thành nhất định với một vài thương hiệu, nhưng với việc đầu tư phát triển đa kênh, nhiều local brand hiện nay đã được người tiêu dùng nhớ đến tên tuổi và đồng thời tạo được cộng đồng riêng cho mình. Và một khi đã “có tên có tuổi”, các local brand này dễ dàng hơn trong việc bán các sản phẩm của mình trên các sàn thương mại điện tử. Vì khách hàng đã biết tương đối về sản phẩm, thậm chí có thể đến để thử và trải nghiệm sản phẩm tại các cửa hàng, nên khách hàng sau đó có thể yên tâm hơn trong việc đặt mua sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử (nhất là khi diễn ra các chương trình ưu đãi lớn).
Một mối quan hệ cộng hưởng đã và đang diễn ra, khiến hầu hết các local brand dù đã có website bán hàng riêng vẫn kiên trì “phủ sóng” trên sàn thương mại điện tử. Hệ thống giao nhận hàng của các sàn thương mại điện tử cũng hỗ trợ các local brand khá nhiều trong việc giao sản phẩm đến tay khách hàng. Ngoài ra, khi sản phẩm được đăng bán trên các sàn thương mại điện tử có đầy đủ thông tin cần thiết, khách hàng có thể đẩy nhanh quyết định mua sắm của mình. Tuy nhiên, để local brand thời trang xây dựng được mối liên kết với các sàn thương mại điện tử và dựa vào đó tăng cường doanh số bán hàng qua kênh mua sắm này, ngoài việc xây dựng được niềm tin về chất lượng của thương hiệu, cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho khách hàng về sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, mức giá của sản phẩm cũng là yếu tố quan trọng nhất trong việc “chốt đơn”.
Khảo sát của Metric.vn, cho thấy sản phẩm thuộc phân khúc giá 200.000-500.000 đồng dễ “chốt đơn” nhất trên tất cả các sàn thương mại điện tử. Những sản phẩm có giá trị cao, cần sự tư vấn và bảo hành lâu dài thì người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm tại các cửa hàng, showroom uy tín.