Làm việc tại Agency: Cuộc sống của một dân Media

Làm việc tại Agency: Cuộc sống của một dân Media

Xin chào, mình là Phan Đông Giang, là gen Z và đang làm việc tại một agency về media. Mình tin bài viết này sẽ hữu ích cho các bạn muốn làm việc tại agency nói chung và các bạn muốn làm chuyên mảng media nói riêng.

Mình dân media – optimize (tối ưu hóa) nên bài viết sẽ rất cô đọng, ngắn gọn nhưng vẫn cho bạn bức tranh tổng quan và đầy đủ (không thừa giây phút nào của bạn đâu).

Bài viết sẽ nói hết mọi thứ mà mình biết về agency, làm media là làm những gì, cho dù là executive hay là một planner (chưa phải là manager), hay những điều mà mình biết về các bộ phận khác như Account, Sales, Designer… Mình sẽ chia sẻ với tư cách là một người khá mới với trải nghiệm hơn chỉ 1 năm trong môi trường này, thế thì mới dễ dàng chia sẻ, đồng cảm với các bạn hơn chứ nhỉ!

Giới thiệu một chút, mình là một Media Executive kiêm Planner, làm việc với agency mảng media đã hơn một năm, đã đi từ intern đi lên và có hướng dẫn một vài bạn intern khác, nên mình nghĩ mình có tạm đủ kinh nghiệm và trải nghiệm để viết bài này.

Nguồn ảnh: Freepik

Thế là hết đoạn mở đầu, mở đầu hơi dài một chút vì mình muốn các bạn biết rằng bạn đang tìm đúng bài.

Bài viết này có gì?

  1. Agency là gì? Người ta làm cái gì trong đó?
  2. Môi trường Agency có đẹp đẽ như nhiều người nghĩ?
  3. Media Agency là gì và đặc trưng?
  4. Làm media là làm gì? Top tố chất để làm tốt công việc media
  5. Kết luận

1. Agency là gì? Người ta làm cái gì trong đó?

Nguồn ảnh: Freepik

Đây là câu hỏi mà nhiều bạn thắc mắc trước khi apply vào Agency.

Agency đơn giản là một công ty cung cấp các dịch vụ liên quan đến marketing nói chung, ví dụ như quảng cáo, làm thương hiệu, PR, content, thiết kế… Nói chung mọi thứ về marketing, agency đều có.

Mà đã nói đến agency thì phải nói đến client. Những công ty, cá nhân mua dịch vụ của agency là client. Thay vì tự xây dựng, nuôi và đào tạo một team marketing sẽ rất tốn kém, clients sẽ đi thuê ngoài. Đây là lý do agency ra đời và mang đến sự chuyên nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí, cập nhật và áp dụng các xu hướng mới, có được những lời khuyên marketing hữu ích cho khách hàng.

2. Môi trường agency có đẹp đẽ như nhiều người nghĩ?

Phần này mình sẽ nói chung hầu hết các team khác, chứ không riêng team nào cả.

Về môi trường và cuộc sống agency, có 1 câu ngắn gọn mà mình thường dùng để miêu tả: “Làm thấy ba, mà chơi thì thấy má”.

Mình sẽ nói về “Làm thấy ba” trước nhé. Vế này có nghĩa là công việc rất nhiều, đặc biệt là mùa cao điểm thường rơi vào quý 3, cuối năm – khi mà các nhãn hàng, client ra các chương trình và kế hoạch thúc đẩy doanh số thương hiệu cuối năm.

Các bạn sẽ rất ít có thời gian nghỉ, thời gian cho bạn thân hay các kỳ nghỉ dù ngắn hay dài. Bạn sẽ “bị” họp liên tục, khách hàng “dí” và “chửi” liên tục, kể cả lúc ăn, ngủ, đi chơi, thứ Bảy, Chủ Nhật hay 12h bị gọi và phải làm là chuyện thường. Tất nhiên là không thường xuyên nhưng cũng không ít. Vậy nên trước khi tham gia vào môi trường này, mình khuyên bạn hãy suy nghĩ kỹ.

Mặc dù vậy, làm việc tại các Agency sẽ giúp các bạn phát triển nhanh chóng với môi trường và công việc chuyên nghiệp và bài bản.

Tiếp theo là “Chơi thấy má”. Mất này thì có cái kia mà đúng không? Đồng xu nào chả 2 mặt. Cũng bởi vì tính chất công việc có thể nói là “hard core” như thế, nên việc “ăn chơi” tại môi trường của các agency cũng khác với các dạng công ty khác, cũng “hard core” không kém, để nạp lại năng lượng làm việc.

Bạn có thể xem meme này để hiểu hơn về cuộc sống agency.

Nguồn: agencylife

3. Media agency là gì và đặc trưng?

Media là truyền thông, là truyền tải thông điệp, thông tin. Mọi thứ giúp cho việc truyền tải, truyền thông thông điệp, thông tin đều là media như quảng cáo, PR, các banner ngoài trời, trong thang máy hay dán banner lên xe hơi… 

Vậy media agency là một agency cung cấp dịch vụ media. Media agency thường kết hợp với các agency mảng khác để có một kế hoạch media toàn diện, như kết hợp với các agency booking PR, báo, KOLs, hay các agency về creative…

4. Làm media là làm gì? Top tố chất để làm tốt công việc media

Nếu biết media agency là gì rồi thì chắc hẳn bạn cũng đã biết các công việc của một media rồi đúng không?

Bạn sẽ đảm nhận tất cả các công việc liên quan đến media như chạy quảng cáo các nền tảng hiện có, SEO, SEM, booking báo, PR, truyền hình, biển quảng cáo ngoài trời, KOLs… Tùy vào công ty mà các bộ phận này sẽ được chuyên môn hóa riêng, có thể là bạn chỉ chuyên chạy quảng cáo Google Ads, hoặc chỉ chuyên chạy Facebook hay TikTok, Adnetwork hoặc chuyên đi Booking… Hoặc cũng có thể là bạn “cân hết”.

Nguồn ảnh: Freepik

Đối với media agency, bạn có thể ứng tuyển vào 2 vị trí phổ biến:

  • Media Planner: là người lên kế hoạch media, nghiên cứu và phân tích giúp khách hàng chọn kênh truyền thông hợp lý với ngân sách và timeline cụ thể để đạt được KPI đề ra
  • Media Executive: là người triển khai kế hoạch của media planner

May mắn là mình đã được trải nghiệm qua 2 vị trí trên. Qua đó mình nghĩ các tố chất sau là cần thiết nếu bạn muốn làm media (cho dù là planner hay executive):

  • Tự học: Đối với mình, đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Mình phải liên tục học hỏi và cập nhật các kiến thức liên tục để không bị lạc hậu và đào thải.
  • Trách nhiệm: Ở đâu cũng vậy, công việc nào cũng vậy, trách nhiệm là thứ không thể thiếu. 
  • Kỹ lưỡng, kỹ tính: Các bạn sẽ làm việc với những con số rất nhiều, mà con số thì không được sai. Vì thế các bạn cần có tính kỹ lưỡng. Người làm media là người chi tiền của công ty, quên tắt quảng cáo hay là cài đặt quảng cáo sai có thể dẫn đến rất nhiều vấn đề rắc rối khác.
  • Nhạy cảm với con số: Vì là người chi tiền, bạn cần tính toán làm sao để chi tiền ít nhất nhưng vẫn đạt hiệu quả chiến dịch cao nhất. Tư duy tốt về số, nhanh nhạy trong phân tích và đánh giá số liệu kết quả là một điểm mạnh.

Ngoài ra, bạn cần có một số hiểu biết nhất định trong ngành, kỹ năng phân tính đánh giá và xác định đối tượng mục tiêu từ hành vi đến tâm lý.

Riêng về thu nhập, thật lòng thì theo mình, thu nhập của dân media không thật sự cao theo mặt bằng chung. Tuy nhiên, đặc quyền của ngành là các bạn có thể làm thêm freelance, chạy thuê cho các đơn vị khác hỗ trợ thêm thu nhập.

5. Lời kết

Với thời đại Internet và sự phát triển của mạng xã hội, cùng với giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Việt Nam, ngành media vẫn tiềm năng và có nhiều dư địa phát triển. Vậy nên, ngành cũng đang khát nhân lực, tạo nhiều cơ hội cho các bạn.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn thấy thêm được một phần nào đó về môi trường cũng như ngành nghề trong agency, và một vài điều mà các bạn nên biết trước khi tham gia ứng tuyển vào công việc media.

Follow mình để xem thêm các bài viết hay ho khác nhé! Kết nối với mình hầu hết các kênh. Bạn có thể gõ tên mình “Phan Đông Giang” trên Google hay tìm kiếm theo hashtag #phandonggiang hoặc liên hệ trực tiếp với mình qua LinkedIn

Chúc các bạn thành công và may mắn!